Sắp Tết: Đừng để vướng vòng lao lý... vì "pháo"

13/02/2018 09:51

(kiemsat.vn)
Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp giáp Tết nguyên đán, tình hình tội phạm diễn biến rất phức tạp, ngoài loại tội phạm chiếm đoạt tài sản còn nổi lên tình trạng vi phạm pháp luật đáng lo ngại về vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo nổ. Mặc dù biết rất rõ đây là mặt hàng đã bị Nhà nước cấm từ lâu nhưng vì hám lợi và hùa theo thú vui nhất thời của một bộ phận người dân nên các đối tượng vẫn bất chấp pháp luật.

3 ngày đầu năm 2018, bắt 3 vụ buôn bán pháo nổ

Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Trang điện tử tin.tuc đã đưa tin, trong 3 ngày (1, 2, 3/01/2018) lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã bắt 3 vụ vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo nổ. Cụ thể, vào lúc 12 giờ, ngày 3/1, tại tổ 2, khu Hiệp An 2, phường Phương Nam, thành phố Uông Bí,  tổ công tác của Công an thành phố Uông Bí đã phát hiện Nguyễn Văn Tính sinh năm 1975, trú tại tổ 2, khu Hiệp An 2, phường Phương Nam, Uông Bí đang bán trái phép 3,6 kg pháo các loại, gồm 1 hộp pháo nổ 100 quả và 10 quả pháo hoa) cho hai đối tượng là Vũ Thanh Tùng, sinh năm 1993, trú tại khu Lạc Thanh, phường Yên Thanh, Uông Bí và Nguyễn Văn Hùng, sinh năm 1994, trú tại khu 10, phường Thanh Sơn, Uông Bí. 

Đến 16 giờ cùng ngày, Công an thành phố Uông Bí tiến hành khám xét nơi ở của Nguyễn Văn Tính và đã thu giữ  86,1 kg pháo các loại (gồm 17 hộp pháo dàn loại 36 viên, 20 bánh pháo nổ, 945 quả pháo trứng). Tại cơ quan Công an, Tính khai nhận đã mua toàn bộ số pháo trên từ Trung Quốc đem về bán kiếm lời.

Trước đó, trong 2 ngày 1 - 2/1, Đồn Công an Khu công nghiệp Mông Dương, Công an thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) phối hợp với lực lượng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện Hà Thị Chinh, sinh năm 1968, trú tại xã Cát Hải, Hải Phòng đang vận chuyển 3 bánh pháo nổ trọng lượng 4,3 kg; Nguyễn Bá Hạnh, sinh năm 1988, trú tại xã Cát Hải, Hải Phòng có hành vi tàng trữ, vận chuyển 3 hộp pháo nổ do nước ngoài sản xuất.

Có một điểm chung trong các vụ vi phạm về pháo lậu, hầu hết các đối tượng khi bị lực lượng công an phát hiện, bắt giữ đều thừa nhận biết rất rõ hành vi vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng pháo là vi phạm pháp luật, nhưng vì đồng tiền nên đã liều lĩnh đánh đổi. Sẵn sàng vì cái lợi trước mắt mà bất chấp hậu quả của việc mình buôn bán hàng cấm. Nếu vận chuyển trót lọt một cây pháo hoa (loại 7 quả) có trọng lượng khoảng 1,2kg, có giá trị khoảng 350.000 đồng thì các đối tượng thu lời từ 150.000 đến 200.000 đồng. Khi bị phát hiện bắt giữ thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Nếu trọng lượng đủ từ 6kg trở lên thì sẽ bị khởi tố theo Bộ luật Hình sự năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.

Vì sao buôn bán pháo lậu ngày càng gia tăng?

Năm nay là năm thứ 24 nước ta thực hiện các quy định của Chính phủ về việc cấm đốt pháo. Tuy nhiên, những năm qua, Tết đến, một số địa phương vẫn râm ran tiếng pháo. Một số tỉnh đã bị Thủ tướng Chính phủ phê bình vì không kiểm soát được nạn đốt pháo.

Theo các cơ quan chức năng, việc giải quyết tận gốc hoạt động buôn lậu pháo vẫn là một bài toán nan giải do lợi nhuận thu được từ việc buôn lậu pháo nhiều. Các loại pháo lậu đều được sản xuất tại Trung Quốc mua với giá rẻ nhưng khi về Việt Nam, xé lẻ ra bán thì lợi nhuận cao hơn nhiều lần. Ngoài nhu cầu sử dụng của người dân thì quan trọng hơn, các địa phương vẫn chưa quyết liệt trong công tác vận động, tuyên truyền cũng như xử lý nghiêm các hành vi đốt pháo trong dịp Tết Nguyên đán. Chính vì vậy, công tác phòng chống pháo lậu ở khu vực biên giới gặp nhiều khó khăn. Và càng gần Tết thì tình hình vận chuyển, buôn bán pháo lậu càng diễn ra mạnh với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Và đặc biệt chế tài xử lý hành vi buôn bán, vận chuyển pháo nổ trái phép vẫn chưa đủ mạnh và còn có những bất cập trong quy định…

Quyết liệt, triệt để xử phạt hành chính cho tới truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trước tình hình đó, mới đây Tòa án nhân dân tối cao đã có Công văn hướng dẫn số 340/TANDTC-PC ngày 22/12/2017 cùng với Công văn số 91/TANDTC-PC ngày 28/4/2017 về việc xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán “pháo hoa nổ trong nội địa; Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực từ ngày 01/1/2018 thì các hành vi vi phạm về pháo đã được các văn bản pháp luật điều chỉnh xử lý kịp thời, không để các đối tượng lợi dụng vi phạm. Theo đó, khi bị phát hiện đang sử dụng, tàng trữ và buôn bán trái phép pháo nổ mà không được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì tùy thuộc vào mức độ thực tế thì sẽ bị xử phạt hành chính cho tới truy cứu trách nhiệm hình sự theo nhiều mức phạt.

Để ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển, sử dụng pháo, Công an các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân việc thực hiện tốt Nghị định 36/CP, xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép; các vụ án đã khởi tố chủ động phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân đưa ra xét xử nhanh và xử lưu động trước Tết Nguyên đán để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, bắt giữ và xử lý các hành vi vi phạm về pháo, kể cả thời điểm giao thừa; kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị định 36/CP; đồng thời, phê bình, kiểm điểm trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu các đơn vị địa phương buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng sử dụng pháo mà không phát hiện, xử lý kịp thời.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang