Quảng Nam: Hội nghị Liên ngành tư pháp trong lĩnh vực hình sự

01/04/2025 11:17

(kiemsat.vn)
VKSND tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức Hội nghị sơ kết thực tiễn triển khai thi hành Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTP-BNN&PTNT ngày 05/4/2018 của Liên ngành tư pháp Trung ương quy định việc phối hợp trong công tác báo cáo, thông báo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp và Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTP-BNN&PTNT ngày 05/9/2018 quy định phối hợp thi hành một số quy định của BLTTHS sự về khiếu nại, tố cáo.

Đồng chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Tỉnh, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Nam; Đại tá Nguyễn Hà Lai, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam; đồng chí Phạm Quốc Bảo, Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Nam; đồng chí Mai Văn Sang, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam.

Cùng tham dự có các đồng chí lãnh đạo các Phòng nghiệp vụ TAND tỉnh Quảng Nam, Công an tỉnh Quảng Nam, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam và lãnh đạo, Kiểm sát viên các Phòng 1, 2, 3, 7, 8, 9, 10, 11, Văn phòng, Thanh tra - Khiếu tố thuộc VKSND tỉnh Quảng Nam; các đồng đồng chí làm công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của các đơn vị.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu trung tâm tại VKSND tỉnh Quảng Nam nối đến 17 điểm cầu VKSND cấp huyện.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Tỉnh, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Nam cho biết, Hội nghị nhằm đánh giá khách quan đúng tình hình kết quả thực tiễn thi hành 02 Thông tư liên tịch trong thời gian qua, những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp tỉnh Quảng Nam; qua đó, đánh giá những thuận lợi, khó khăn và làm rõ nguyên nhân hạn chế trong công tác phối hợp. Trên cơ sở đó, liên ngành trao đổi, đề ra giải pháp kiến nghị, đề xuất nhằm đảm bảo công tác giải quyết giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã tập trung thảo luận và có những ý kiến, giải pháp đóng góp có chất lượng cho Liên ngành tư pháp Trung ương, cụ thể: Phân công cán bộ tiếp công dân, cần có sự lựa chọn người có đủ trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác, nắm vững các quy định của pháp luật, am hiểu tình hình chung; có khả năng hướng dẫn, giải thích, thuyết phục để công dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật. Khi tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, cán bộ tiếp dân cần phải đối thoại, trao đổi với người khiếu nại, tố cáo để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của họ và hiểu rõ nội dung họ muốn khiếu nại, tố cáo là gì, liên quan đến cơ quan nào để xem xét, hướng dẫn đúng địa chỉ và từ đó giúp cho việc phân loại việc giải quyết đảm bảo kịp thời, chính xác; giải quyết kịp thời, triệt để các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh... Tăng cường công tác phối hợp giữa VKSND với các cơ quan tư pháp trong việc thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2018 quy định phối hợp trong việc báo cáo, thông báo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp và Thông tư liên tịch số 02/2018 quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của BLTTHS về khiếu nại, tố cáo. Kiện toàn, bổ sung, bố trí Kiểm sát viên có đủ năng lực và kinh nghiệm thực tiễn đảm nhiệm trong việc tiếp công dân. Qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ luôn gắn công tác tuyên truyền, phổ biến, đối thoại, giải thích, hướng dẫn người dân đến khiếu nại, tố cáo nhận thức rõ các quy định của pháp luật, không có trường hợp công dân đến khiếu nại bức xúc, gửi đơn vượt cấp khiếu nại kéo dài.

Cần sửa đổi, bổ sung các vấn đề liên quan đến công tác tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp như quy định cụ thể về trách nhiệm gửi thông báo thụ lý đơn và quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án cho Viện kiểm sát tại khoản 2 Điều 8 và khoản 2 Điều 12 Thông tư liên tịch số 02/2018 nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện đồng bộ thống nhất giữa các ngành, các cấp; Liên ngành tư pháp Trung ương cần thống nhất quan điểm để ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn các vấn đề liên quan đến công tác tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Trong đó, cần quy định cụ thể về trách nhiệm gửi thông báo thụ lý cũng như quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp cho Viện kiểm sát với thời hạn nhất định.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giúp nâng cao hiệu quả, giảm thiểu thời gian.

Kết luận tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Tỉnh, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Nam đánh giá, Hội nghị đã thành công tốt đẹp và ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp chất lượng. VKSND tỉnh Quảng Nam đề nghị liên ngành tư pháp tỉnh Quảng Nam tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế, phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang