Quận 7 (TP. HCM): Bỗng nhiên mất nhà vì vướng vào kiện tụng

26/05/2020 11:42

(kiemsat.vn)
Nguyên đơn bị thu hồi một phần đất để làm đường và đã nhận tiền đền bù nhưng tòa án vẫn chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn vì cho rằng, diện tích đất của họ thiếu là do bị đơn lấn chiếm. Chuyện thật như đùa này đã khiến một hộ gia đình ở quận 7 (TP. HCM) bỗng nhiên chịu cảnh “đáo tụng đình” suốt hơn 10 năm; kết quả đất và cả căn nhà thờ phụng đã rơi vào tay người khác...

“Vô phúc đáo tụng đình”

Theo Đơn kêu oan cho mẹ và những người thừa kế trong gia đình gửi đến các cơ quan chức năng của ông Nguyễn Văn Hồng (thường trú tại 382 Nguyễn Thị Thập, phường Tân Quy, quận 7, TP HCM) trình bày: Năm 1985, mẹ ông là bà Nguyễn Thị Múi cho ông 400 m2 đất. Cũng năm đó, ông Hồng được làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó ông xây một căn nhà nhỏ trên mảnh đất này để canh ruộng lúa. Đến năm 1992, ông Hồng bán phần đất và căn nhà xây tạm này cho ông Nguyễn Quốc Tuấn bằng giấy viết tay.

Năm 1997, ông Tuấn bán lại cho ông Đặng Thái Mai. Do thời điểm này, ông Tuấn chưa làm giấy sang tên cho mình nên để cho thủ tục nhanh chóng, cũng như đỡ những khoản nghĩa vụ thuế, phí đối với nhà nước, ông Tuấn nhờ ông Hồng ký bán trực tiếp cho ông Mai. Thực tế căn nhà tạm do ông Hồng tự xây, chưa có giấy phép xây dựng nên ông Mai đã làm giả giấy phép xây dựng căn nhà đứng tên ông Hồng và nhờ ông Hồng ra UBND huyện Nhà Bè ký hợp đồng mua bán nhà. UBND huyện Nhà Bè căn cứ vào giấy phép xây dựng do ông Mai cung cấp để ký và chứng thực hợp đồng cho ông Mai.

Đến năm 1999, ông Mai tách mảnh đất trên thành 2 lô rồi bán cho bà Trương Vũ Uyên, lô còn lại bán cho ông Hoàng Thế Huy. Năm 2001, ông Hoàng Thế Huy chuyển nhượng lại cho bà Nguyễn Thị Toàn.

Theo trình bày của ông Hồng, trong quá trình sử dụng, do muốn lấn chiếm luôn phần đất và căn nhà phía sau của gia đình ông, bà Toàn và bà Uyên đã nghĩ ra cách để chiếm đoạt là khởi kiện ra tòa. Kể từ đó câu chuyện “bỗng nhiên thành bị đơn” của ông cứ kéo dài từ năm 2006 cho đến hôm nay và nhiều bi kịch gia đình cũng từ đây mà kéo về đối với gia đình ông Hồng.

Ông Hồng chỉ tay vào căn nhà và mảnh đất (phía sau) bị thi hành án

Đầu tiên, năm 2006, bà Toàn khởi kiện ông Hồng ra Tòa án nhân dân (TAND) quận 7. Phiên tòa xử sơ thẩm đã bác đơn khởi kiện của bà Toàn, với lý do căn cứ vào các hợp đồng chuyển nhượng thì ông Hồng không còn phần diện tích đất nào để bà tranh chấp. Mặt khác, ông Hồng cũng không mua bán giao dịch trực tiếp gì với bà Toàn, nếu bà có phát sinh tranh chấp là tranh chấp với người đã bán đất cho bà hoặc những người có ranh giới liền kề chứ không phải ông Hồng.

Không chấp nhận phán quyết của tòa, bà Toàn kháng cáo. Tại phiên xử phúc thẩm, TAND TP. HCM cũng tuyên y án sơ thẩm với cùng nhận đình bà Toàn kiện sai đối tượng. Vụ án tạm thời khép lại.

Sau đó, đến lượt bà Uyên khởi kiện ông Hồng đòi trả lại 45m2 đất cùng với lý do ông Hồng đã lấn chiếm của bà. Đến đầu năm 2007, TAND quận 7 xử sơ thẩm vụ án bác toàn bộ yêu cầu của bà Uyên. Cũng như vụ án trước, tòa lập luận nếu bà Uyên có phát sinh tranh chấp thì tranh chấp với người đã bán đất cho bà hoặc người có ranh đất liền kề chứ không phải ông Hồng.

Bà Uyên kháng cáo, khác với vụ án của bà Toàn, tại phiên phúc thẩm vụ án này, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tuyên hủy án sơ thẩm để xét xử lại từ đầu vì cho rằng tòa sơ thẩm chưa giải quyết hết quyền lợi của những người liên quan.

Sau đó, bà Uyên khởi kiện bổ sung, ngoài ông Hồng thì bà kiện các cả ba hộ dân có ranh giới đất liền kề, cụ thể là hộ bà Nguyễn Thị Múi, hộ ông Trần Văn The và bà Nguyễn Thị Lợi, trong đó bà Uyên yêu cầu trả lại 45 m2 đất cho bà.

Tháng 9/2009, TAND quận 7 xử sơ thẩm lần 2, tiếp tục tuyên bác yêu cầu khởi kiện của bà Uyên đối với ông Hồng vì nhận định ông Hồng không liên quan đến phần đất tranh chấp. Với ba hộ dân bị đơn còn lại, tòa buộc họ phải trả 45m2 đất cho bà Uyên.

Ông Hồng không kháng cáo nhưng ba đồng bị đơn kháng cáo vì cho rằng án sơ thẩm không khách quan. Tháng 9/2010, TAND TP. HCM xử phúc thẩm lần hai tuyên chấp nhận kháng cáo, sửa án sơ thẩm theo hướng không bị cáo nào phải trả lại đất cho bà Uyên. Theo tòa, diện tích đất của bà bị thiếu hụt là do nhà nước thu hồi đất làm đường, không do bị đơn nào lấn chiếm cả.

Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án

Sau đó, TAND tối cao đã ra quyết định kháng nghị, đề nghị Tòa dân sự TAND tối cao xử giám đốc thẩm theo hướng hủy cả hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm để xét xử lại. Lý do, quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chưa được làm rõ, cụ thể là Nhà nước làm đường lúc đó lộ giới là bao nhiêu? Hiện nay bao nhiêu? Vì sao bà Uyên từng được bồi thường khi Nhà nước mở đường?

Ba tháng sau, Tòa Dân sự TAND tối cao đã xử giám đốc thẩm tuyên hủy hai bản án theo như nội dung của quyết định kháng nghị. Do đó, vụ việc quay về điểm xuất phát ban đầu.

Tại Bản án sơ thẩm số 277/2016/DSST ngày 7/11/2016 của TAND quận 7 tuyên: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Trương Vũ Uyên và nguyên đơn Nguyễn Thị Toàn, buộc những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bà Nguyễn Thị Múi và ông Trần Văn The, bà Nguyễn Thị Lợi tự tháo dỡ vật kiến trúc nhà và giao trả cho bà Uyên phần đất 57m2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Toàn buộc những người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà Múi tự tháo dỡ vật kiến trúc nhà và giao trả đất cho bà Toàn 47,7m2.

Không chấp nhận phán quyết vô lý của TAND quận 7, ông Hồng (lúc này đại diện cho bà Múi và những người thừa kế của bà Múi) cùng các bị đơn khác tiếp tục kháng cáo. Ngày 14/6/2017, phiên phúc thẩm của TAND TP. HCM được mở. Tuy nhiên sau đó tòa đã bị đình chỉ xét xử.

Ông Hồng Trình bày với phóng viên về nỗi oan bị “tố” chiếm đất trái phép

Như vậy, sau khi bản án sơ thẩm 277/2016/DSST ngày 7/11/2016 của TAND quận 7 có hiệu lực pháp luật. Căn nhà và đất của bà Múi (phía sau đất của bà Uyên và bà Toàn) cùng lối đi vào nhà của bà Múi hoàn toàn bị rơi vào tay người khác.  

Bị đơn cho rằng còn nhiều tình tiết quan trọng chưa được xem xét

Không đồng tình với quyết định của TAND TP. HCM, ông Nguyễn Văn Hồng đã có đơn gửi TAND cấp cao, VKSND cấp cao tại TP. HCM xem xét bản án lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

Theo Đơn kháng nghị giám đốc thẩm, ông Hồng đã chỉ ra nhiều tình tiết quan trọng nhưng chưa được xem xét, cụ thể:

Kết luận số 872/C54B của Phân viện Khoa học hình sự tại TP. HCM khẳng định, giấy phép xây dựng số 110 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 538 là giấy tờ giả mạo. Bên cạnh đó, UBDN quận 7 cũng xác nhận giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất mang tên Nguyễn Văn Hồng là giấy tờ giả.

Kết luận giám định của Phân Viện KHHS TP. HCM về chữ ký ông Hồng trên đơn xin phép xây dựng và một số tài liệu là không cùng một người

Ông Hồng cho rằng, giấy tờ giả, đi kèm với diện tích không chính xác ghi trong sổ (sau khi đã trừ phần làm đường) trên giấy tờ giả là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp giữa các nguyên đơn với ông và những người khác. Tình tiết quan trọng của vụ án là dự án mở đường đã 2 lần - là lý do chính dẫn đến diện tích của đất của bà Uyên và bà Toàn thiếu hụt cũng chưa được làm sáng tỏ. Trong khi đó, giấy xác nhận trả lời của chính quyền về việc bà Uyên đã nhận tiền đền bù 20% giá trị đất nhưng lại không thuộc chủ quyền của bà Uyên là vô lý....

“Căn nhà bị cưỡng chế là tài sản của mẹ tôi. Mẹ tôi vì uất ức mà mất đi nên tài sản đó phát sinh thừa kế cho 8 người con, trong đó có tôi. Giả sử chia số tiền thi hành án cho 8 người con thì mỗi người chỉ phải nộp chưa tới 20 triệu đồng, trường hợp này chỉ kê biên một chiếc xe cũng đủ nhưng đằng này lại kê biên cả căn nhà của vợ tôi đứng tên trị giá hàng chục tỷ đồng là không hợp lý. Điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình tôi”, ông Hồng bức xúc cho biết.

Ông Hồng cũng cho rằng: Trong vụ án này, mẹ tôi là người bị kiện, còn chúng tôi là người thừa kế vì có ranh giới liền kề với đất và Uyên và bà Toàn. Mẹ tôi là người phải thực hiện nghĩa vụ dân sự nhưng bà đã chết vào năm 2010 nên chúng tôi cho rằng mình không có nghĩa vụ phải thi hành án. Chi cục Thi hành án quận 7 vẫn kê biên và bắt chúng tôi phải thi hành án là trái với khoản 8, Điều 372 Bộ luật Dân sự quy định về chấm dứt nghĩa vụ dân sự.

Ông Hồng còn cho biết thêm: Bản án đã được Tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao thụ lý, xem xét kháng nghị giám đốc thẩm.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang