Phóng sự ảnh: Chào mừng kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 32 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân

21/12/2021 11:45

(kiemsat.vn)
Ngày 22/12/2021, Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 32 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân là dịp để chúng ta ôn lại và tự hào về lịch sử hào hùng trong bảo vệ Tổ quốc với những chiến công oanh liệt của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cột cờ Hà Nội, hồ Hữu Tiệp, cầu Long Biên,... là những địa danh lịch sử gắn liền với các giai đoạn kháng chiến chống Pháp và Mỹ của thủ đô Hà Nội.

Tấm phù điêu trên phố Nguyễn Khắc Nhu (quận Ba Đình, Hà Nội). Nơi đây vào lúc 20h03 phút ngày 19/12/1946, các công nhân nhà máy điện Yên Phụ đã phá máy, tắt điện làm hiệu lệnh mở đầu toàn quốc kháng chiến.

Rạp Chuông Vàng (trước đây được gọi là rạp Tố Như) nằm ở ngã tư Hàng Bạc - Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Vào ngày 14/1/1947, các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô đã làm lễ tuyên thệ "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

Cầu Long Biên - di tích lịch sử gắn liền với những cuộc chiến tranh của quân dân Thủ đô, chiều ngày 9/10/1954, chứng kiến những người lính lê dương cuối cùng rút khỏi Hà Nội.

Cây cầu là một hình ảnh quen thuộc với nhiều người, nhiều thế hệ và trở thành biểu tượng văn hoá, lịch sử của người dân Hà Nội.

Chợ Đồng Xuân, nơi diễn ra trận chiến đấu ác liệt nhất của Liên khu 1 với thực dân Pháp vào ngày 14/2/1947.

Nằm tại địa chỉ số 1 phố Hoả Lò (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - Di tích lịch sử Nhà tù Hoả Lò như minh chứng của một thời kỳ đấu tranh cách mạng, là biểu tượng cho tinh thần bất khuất, kiên cường của những người dân Việt Nam yêu nước.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, giai đoạn năm 1964 - 1973, Nhà tù Hoả Lò được sử dụng để giam giữ phi công Mỹ bị bắn rơi khi ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam.

Hồ Hữu Tiệp (hay còn gọi là hồ Ngọc Hà), nằm ở phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, hồi 23 giờ 05 phút ngày 27/12/1972, Tiểu đoàn 72 - Trung đoàn 285 tên lửa phòng không đã bắn rơi tại chỗ 1 máy bay B52G của đế quốc Mỹ xâm phạm vùng trời Hà Nội.

Sau gần 50 năm, một phần xác chiếc máy bay nằm dưới hồ như minh chứng cho một thời kháng chiến hào hùng của quân và dân Thủ đô.

Nhà hát Lớn (tên gọi khác là Quảng trường 19/8), ngày 19/8/1945 đã diễn ra cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do mặt trận Việt Minh tổ chức. 

Ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - là nơi làm việc của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945.

Cũng tại ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang, năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Quảng trường Ba Đình - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (trước đây gọi là Bảo tàng Quân đội) là một trong số những bảo tàng trưng bày và lưu giữ hình ảnh, hiện vật quý phản ánh cuộc kháng kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc của quân và dân ta cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một trong 6 bảo tàng cấp quốc gia, được khai trương ngày 17/7/1956, tại địa chỉ số 28A đường Điện Biên Phủ (quận Ba Đình, Hà Nội).

Bảo tàng hiện đang trưng bày và lưu giữ hàng ngàn hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý về lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Bộ chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp quyết định chủ trương chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 (tháng 9/1953).

Sau 75 ngày đêm chiến đấu (từ 7/10 - 20/12/1947), chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947 kết thúc thắng lợi. Quân dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 7.200 quân địch, bắn rơi và làm hư hại 18 máy bay, bắn chìm 16 tàu chiến và 38 canô; phá huỷ 255 xe các loại.

Hình ảnh Chiến dịch Biên giới Thu - Đông năm 1950.

Máy bay MiG-21 số hiệu 4324 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371 sử dụng từ tháng 01/1967 đến tháng 5/1969, đã có 9 phi công Quân đội nhân dân Việt Nam lần lượt lái và bắn rơi 14 chiếc máy bay của Mỹ. Đây là bảo vật Quốc gia được công nhận từ tháng 01/2015.

Di tích Cột cờ Hà Nội (Kỳ đài Hà Nội). Trong thời kỳ Pháp thuộc, Cột cờ Hà Nội được quân Pháp dùng để làm đài quan sát. Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được treo lên Cột cờ Hà Nội.

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, Cột cờ Hà Nội được chuyển sang là đài quan sát của bộ đội phòng không Hà Nội.

Trụ sở Bộ Quốc phòng tại đường Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình, Hà Nội) với Băng rôn chào mừng 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2021) và 32 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2021).

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang