Phản bác luận điệu mới của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng vấn đề "tự do ngôn luận" trên không gian mạng để chống Đảng, Nhà nước
(kiemsat.vn) Ngày 22/10/2018, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Ðảng; Bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập.
Để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Nghị quyết đã đề ra 06 nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm; trong đó: "…Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo hướng chủ động, có tính thuyết phục cao, hấp dẫn… Chủ động tăng cường thông tin tích cực đi đôi với ngăn chặn có hiệu quả, xử lý, xóa bỏ thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội" là một trong những nhiệm vụ quan trọng đã được đề ra.
Trong thời đại "bùng nổ internet" như hiện nay, việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trở nên khó khăn, phức tạp hơn bao giờ hết. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị (sau đây gọi tắt là “các thế lực”) lợi dụng "quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng" để ra sức chọc ngoáy, đả kích, đưa ra những luận điệu sai trái đánh vào hệ thống chính trị, trong đó trực tiếp nhất là đánh vào các cơ quan tư pháp và hệ thống pháp luật của Nhà nước ta. Do vậy, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng internet trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.
Tự do ngôn luận là gì? Quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng và giới hạn của nó
Theo Wikipedia: "Tự do ngôn luận (freedom of speech) là nguyên tắc đảm bảo cho một cá nhân hay một cộng đồng quyền tự do nói ra rõ ràng quan điểm và ý kiến của mình mà không sợ bị trả thù, kiểm duyệt, hay trừng phạt pháp lý".
Tại Việt Nam, quyền tự do ngôn luận đã được ghi nhận ngay trong Hiến pháp đầu tiên của nước ta – Hiến pháp 1946, và tiếp tục được ghi nhận trong các bản Hiến pháp sau đó cho tới ngày nay. Điều đó cho thấy Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do ngôn luận của mọi công dân. Miễn là quyền của người này không được xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác (bao gồm Nhà nước, tổ chức và cá nhân), nghĩa là tự do phải trong khuôn khổ pháp luật.
Chúng ta đang ở thời kỳ đầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (còn gọi là Cách mạng công nghệ 4.0 hay Thời đại 4.0), với sự phát triển như vũ bão của công nghệ số và hệ thống mạng internet. Nhờ đó quyền tự do ngôn luận (hay tự do biểu đạt) của mỗi người được tối ưu hóa, chưa bao giờ việc biểu đạt tư tưởng của một cá nhân lại trở nên dễ dàng đến thế. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh (có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng) có kết nối mạng internet, bất cứ ai cũng có thể đăng một dòng trạng thái (status) hay một bình luận (comment) lên mạng xã hội chỉ trong vài giây, thông qua một nền tảng nào đó như facebook, zalo, twetter, instagram… Hoặc có thể đăng những video cá nhân lên một cách dễ dàng thông qua các nền tảng như youtube, tiktok… Có thể nói một cách không quá lời rằng, dưới thời đại ngày nay, mỗi cá nhân đều có thể trở thành một "nhà truyền thông" không chuyên. Quyền tự do ngôn luận của mỗi cá nhân được đẩy lên mức tối đa, với sự tiện lợi chưa từng có.
Nhưng cũng chính sự tiện lợi đó, lại ẩn chứa những mối nguy hiểm khôn lường, khi người sử dụng mạng xã hội (bao gồm cả người đăng tải và người tiếp nhận thông tin) chưa có đủ kỹ năng và sự tỉnh táo trong quá trình sử dụng mạng xã hội. Người đăng tải, một cách vô tình hoặc hữu ý, có thể đưa lên những thông tin không đúng sự thật hoặc những thông tin mang tính xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, thậm chí là những thông tin xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (gọi chung là "thông tin xấu – độc"). Còn người tiếp nhận thông tin, nếu không có đủ bản lĩnh và sự tỉnh táo, rất dễ bị dẫn dắt bởi những thông tin xấu – độc đó, dẫn đến những lầm lạc trong tư tưởng và từ đó dẫn đến những hành động, lời nói lệch chuẩn, vi phạm đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật, thậm chí là pháp luật hình sự. Và đây chính là mảnh đất “màu mỡ” để các thế lực ươm mầm những tư tưởng chống phá Đảng và Nhà nước.
Ngày 12/6/2018, Quốc hội chính thức thông qua Luật an ninh mạng, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Luật an ninh mạng ra đời là một bước tiến lớn trong tiến trình tạo hành lang pháp lý để phòng, chống những hành vi lệch chuẩn trên không gian mạng; đồng thời phòng, chống những hành vi của các thế lực lợi dụng không gian mạng để chống phá Đảng và Nhà nước. Tiếp theo đó là Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Nay đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ. Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin – Truyền thông có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Hiện nay, Chính phủ tiếp tục giao cho Bộ Công an xây dựng dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng. Đây chính là các cơ sở pháp lý quan trọng để phòng, chống những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đồng thời bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và Nhà nước trước những hành vi lợi dụng mạng xã hội để chống phá của các thế lực.
Bên cạnh đó, kế thừa Bộ luật hình sự (BLHS) sửa đổi, bổ sung năm 2009, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định một loạt các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, bao gồm các tội từ Điều 285 đến Điều 294. Đặc biệt, Điều 331 quy định về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” cũng là một trong những vũ khí sắc bén của lực lượng chức năng trên mặt trận chống phản động và vi phạm pháp luật trong không gian mạng.
Luận điệu mới và những thủ đoạn truyền thông của các thế lực lợi dụng quyền "tự do ngôn luận" trên không gian mạng để chống Đảng, Nhà nước
Hiện nay, các thế lực đang tung ra một luận điệu mới, đó là "công lý chỉ là diễn viên hài". Đây là luận điệu đánh thẳng vào hệ thống pháp luật Việt Nam, đánh vào thượng tầng kiến trúc của Đảng và Nhà nước. Chúng thường xuyên chọc ngoáy vào những vụ án được dư luận xã hội quan tâm, rồi suy diễn, quy chụp, cuối cùng quy kết các cơ quan tố tụng làm sai pháp luật, các cán bộ thực thi pháp luật "có vấn đề", “có tiêu cực”… Mục đích của bọn chúng là dần dần làm cho người dân mất niềm tin vào pháp luật Việt Nam, mất niềm tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật và các cán bộ thực thi pháp luật; từ đó nảy sinh tư tưởng chống đối, từ chống đối pháp luật đến chống đối Đảng và Nhà nước. Đây thực sự là một luận điệu xuyên tạc rất nguy hiểm!
Điển hình là vụ án Hồ Duy Hải. Ngày 08/5/2020, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 05/2020/HS-GĐT đối với vụ án nói trên, theo đó kết luận bị cáo không bị oan và không cần thiết phải hủy án để điều tra lại. "Mặc dù, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử có những thiếu sót, vi phạm nhưng những thiếu sót, vi phạm này không phải là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và không làm thay đổi bản chất của vụ án. Do vậy, không cần thiết phải huỷ bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm để điều tra lại…"."Phán quyết của HĐTP đưa ra tại phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải vừa qua được đồng đảo người dân đồng tình, ủng hộ. Bên cạnh đó, còn một số ý kiến đã có những bình luận thiếu thiện chí, không đúng với bản chất vụ việc, gây hoang mang dư luận" . Trả lời phỏng vấn trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 12/5/2020 trong bài viết có tiêu đề “Vụ án Hồ Duy Hải: “Nhiễu thông tin”, “Truyền thông bẩn” đã làm ảnh hưởng đến chính trị và cả nền tư pháp”, Đại tá Nguyễn Minh Tâm - nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Tư liệu giáo khoa, Học viện chính trị Công an nhân dân, cho biết: "Khi vụ việc được hệ thống thông tin xào xáo, cắt xén thêm “gia vị”… sẽ thành những vấn đề mà dư luận cho là “hót”, thì chúng tôi gọi là “nhiễu thông tin”. Tức là thông tin chính xác, phản ánh đúng sự việc đang bị che mờ đi bởi những “hỏa mù” này, từ đó thông tin cho là vụ án bị làm sai lệch hồ sơ hoặc oan sai được đẩy lên đến đỉnh điểm, khiến cơ quan tố tụng lúng túng còn người dân thì nghi ngờ……Thực tế, vụ án Hồ Duy Hải và một số vụ án khác đã bị các thế lực cơ hội chính trị lợi dụng và chúng tôi cũng biết rất rõ ai đứng đằng sau những “thông tin bẩn” để lôi kéo người ít hiểu biết về pháp luật và những vấn đề chuyên sâu của vụ án, nhằm tạo “sức ép” lên cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng, thậm chí với cả lãnh đạo Đảng và Nhà nước...".
Như vậy, chúng ta có thể thấy rõ: Không gian mạng, hay nói chính xác hơn là quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng đã bị các thế lực lợi dụng triệt để để thực hiện âm mưu chống phá chế độ, mà đối tượng chúng nhắm đến trực tiếp chính là các cơ quan bảo vệ pháp luật và các cán bộ thực thi pháp luật. Trong đó, chúng sử dụng "truyền thông bẩn" như một thủ đoạn mới để dẫn dắt, lôi kéo những người thiếu hiểu biết, tạo thành một "đám đông phẫn nộ" mang trong mình tư tưởng bất mãn với chế độ, đồng thời chúng lợi dụng chính "đám đông phẫn nộ" đó để thay chúng đi truyền bá tư tưởng bất mãn, trở thành "cánh tay nối dài" giúp chúng thực hiện mưu đồ chính trị của mình!
Hay gần đây nhất và cũng được dư luận xã hội quan tâm nhất là vụ việc của bà Nguyễn Phương Hằng. Xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân giữa bà Hằng với lương y VHY, từ tháng 3/2021 bà Hằng đã lên mạng xã hội (facebook, youtube và tik tok) tổ chức những buổi livestream với quy mô lớn để "bóc phốt", nói xấu ông Y là “lừa đảo”. Đồng thời, bà kêu gọi nghệ sỹ HL lên tiếng ủng hộ mình. Khi không được đáp ứng, bà quay sang "bóc phốt", nói xấu chính nghệ sỹ đó. Tiếp theo, bà Hằng lên tiếng nói xấu tất cả những ai có quan điểm trái chiều (ca sỹ ĐVH, ca sỹ VO, ca sỹ PN, nhà báo ĐH, nhà báo – luật sư HN, ĐL, TT-CV…), quy chụp rằng "nghệ sỹ ăn chặn từ thiện", "ca sỹ đẻ thuê", "nhà báo tống tiền doanh nghiệp"… Thậm chí đến cả các cơ quan Nhà nước và một số lãnh đạo cấp cao của Nhà nước cũng bị bà thóa mạ với những lời lẽ vô căn cứ. Những buổi livestream được tổ chức thường xuyên, liên tục với mật độ dày đặc và thời lượng mỗi buổi lên tới nhiều giờ đồng hồ. Những buổi livestream với những lời lẽ rất khó nghe, phản cảm, quy chụp vô căn cứ, chửi bới tục tĩu, vô văn hóa… lại được một lượng lớn người theo dõi và hùa theo.
Khi những nạn nhân bị bà Hằng bôi nhọ lần lượt được minh oan bởi các Quyết định không khởi tố vụ án của các cơ quan có thẩm quyền, đám đông fan cuồng ủng hộ bà Hằng tỏ rõ thái độ không tin vào kết luận của cơ quan chức năng, thậm chí quy chụp rằng cơ quan chức năng có vấn đề "tiêu cực". Về phía bà Hằng, bà tiếp tục tổ chức những buổi livestream với những lời lẽ thóa mạ, xúc phạm… ngày càng nặng nề. Số lượng những người bị bà Hằng mang ra chửi bới, bôi nhọ ngày càng nhiều. Và chuyện gì đến cũng phải đến, ngày 24/3/2022, Nguyễn Phương Hằng đã bị CQCSĐT Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam theo Điều 331 BLHS "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Các quyết định và lệnh của Cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát nhân dân TP. HCM phê chuẩn trước khi thi hành.
Qua đó, chúng ta thấy được phần nào tác động tiêu cực đến mức nguy hại của hệ thống "truyền thông bẩn" ("rác" mạng xã hội) đã được e-kip của bà Hằng sử dụng trong "chiến dịch" bôi nhọ có hệ thống của họ. Một thủ đoạn truyền thông được sử dụng thường xuyên ở đây là:“Lời nói dối lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành sự thực” (Adolf Hitler). Và đứng sau họ có "bóng dáng" của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.
Ngày 10/10/2022, Báo Công an nhân dân Online đăng bài: "Không thể cổ xúy hành vi núp bóng tự do internet để miệt thị cá nhân, cộng đồng", trong đó phân tích: "Mục đích của các thế lực thù địch là đánh tráo bản chất các sai phạm về tự do ngôn luận trên mạng xã hội, biến đối tượng vi phạm pháp luật từ có sai phạm thành không sai phạm. Họ thậm chí tán dương cho lối ứng xử thiếu văn hóa, phát ngôn sai trái, lệch lạc trên mạng xã hội. Thực chất của âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm gây phân tâm trong cộng đồng xã hội, tạo ra sự hoài nghi về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước trong bảo đảm quyền tự do ngôn luận; từ đó, phủ nhận những thành tựu, nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người trên không gian mạng; hạ thấp vị thế, uy tín nước ta trên trường quốc tế".
Một số đề xuất nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phản bác luận điệu của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị
Để đấu tranh chống lại những luận điệu và thủ đoạn nêu trên, Đảng và Nhà nước ta cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên không gian mạng, đặc biệt là tuyên truyền chống những quan điểm sai trái, thù địch đánh vào hoạt động tư pháp.
Để làm được điều đó, trước hết là sự vào cuộc quyết liệt của báo chí cách mạng Việt Nam. Trong thời gian qua, một số trang báo điện tử đã thể hiện tốt vai trò là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước chống lại những âm mưu, luận điệu, thủ đoạn của các thế lực trên không gian mạng. Tuy nhiên, để đấu tranh với những thông tin xấu – độc đang ngày càng lan tràn trên không gian mạng, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam. Đặc biệt là ngày nay, khi mà “truyền thông bẩn” đang là một vấn đề nhức nhối, được các thế lực đặt cho cái tên rất mỹ miều là “truyền thông Nhân dân” để đối nghịch với truyền thông chính thống mà bọn chúng gọi là “truyền thông Nhà nước”. Thậm chí tiềm ẩn nguy cơ truyền thông bẩn “soán ngôi” truyền thông chính thống, do sự thiếu kỹ năng khi sử dụng mạng của một bộ phận không nhỏ người dân, cùng với tâm lý đám đông và tâm lý hiếu kỳ vốn có trong mỗi người dân. Vì vậy, cần thiết phải có sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam để dẹp tan hệ thống “truyền thông bẩn” đang ngày càng bám rễ.
Thứ hai, cần tăng cường phát huy vai trò của các lực lượng tác chiến không gian mạng, có nhiệm vụ đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch thông qua mạng xã hội, như Lực lượng 47 và Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng.
Thứ ba, cần tạo cơ chế để Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao xây dựng các lực lượng tương tự như Lực lượng 47, có nhiệm vụ đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch nhắm vào các cơ quan tư pháp thông qua mạng xã hội.
Và cuối cùng, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống các luận điệu mới của các thế lực lợi dụng vấn đề "tự do ngôn luận" trên không gian mạng để chống Đảng, Nhà nước, cần sự chung tay, góp sức của tất cả người dân yêu nước. Trong đó, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, Đảng viên; bên cạnh việc nâng cao kỹ năng sử dụng mạng xã hội và luôn tỉnh táo trước những thủ đoạn mới của các thế lực thù địch, mỗi cán bộ, Đảng viên cần là một “bút chiến” trực tiếp chống lại những luận điệu sai trái đó, có như vậy mới “toàn dân hóa” được cuộc chiến chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực./.
-
1Trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Viện trưởng VKSND tỉnh Yên Bái
-
2Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp
-
3VKSQS Quân khu 3 kiểm tra công tác kiểm sát quân sự năm 2024 tại VKSQS khu vực 33
-
4Công bố ấn phẩm điện tử "Hành trình công tố vụ án mua bán người dưới 16 tuổi qua biên giới"
-
5Tư lệnh Quân khu 5 kiểm tra công tác tại VKSQS khu vực 51
-
6Tập huấn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp và sử dụng phần mềm tổng kiểm kê tài sản công năm 2024 trong ngành Kiểm sát nhân dân
Bài viết chưa có bình luận nào.