Nữ kiểm sát viên xứ Thanh bản lĩnh, tâm huyết với nghề
(kiemsat.vn) 20 năm công tác trong ngành Kiểm sát, chị Nguyễn Thị Thu, Kiểm sát viên trung cấp của Phòng Kiểm sát điều tra và thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án trật tự trị an VKSND tỉnh Thanh Hóa đã vượt lên mọi khó khăn, không ngừng học hỏi, nỗ lực hoàn thành thành tốt nhiệm vụ được giao, phấn đấu rèn luyện thực hiện tốt năm đức tính mà Bác Hồ đã dạy cán bộ, Kiểm sát viên : “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Trở về nhà đã quá 12 giờ đêm, thấy hai cậu con trai vẫn chìm trong giấc ngủ mới thở phào nhẹ nhõm
Thanh Hóa - với đặc thù là tỉnh có địa bàn rộng, tình hình vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp, khối lượng công việc nhiều; do vậy, công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường là một khâu công tác vô cùng quan trọng giúp công tác điều tra, đặc biệt là kịp thời phát hiện, thu thập, nghiên cứu, đánh giá dấu vết, xác định dấu hiệu tội phạm; đây là hoạt động tương đối vất vả, đối với nữ kiểm sát viên càng khó khăn gấp nhiều lần. Bởi nhiều hiện trường của các vụ án ở vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận, địa hình phức tạp phải đi vài ngày mới đến; phụ nữ sinh hoạt cũng gặp nhiều bất tiện. Nhưng với bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm, chị đã vượt qua mọi vất vả, khó khăn, áp lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chị Nguyễn Thị Thu và các Kiểm sát viên Phòng 2 – VKSND tỉnh Thanh Hóa |
Là một nữ kiểm sát viên, đối với chị những chuyến đi khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi cả đêm hay dài ngày đã trở nên quá quen thuộc. Có nhiều lần, mặc dù không phải ngày trực nhưng do công việc đột xuất chị cũng cố gắng sắp xếp công việc gia đình sẵn sàng lên đường đi làm nhiệm vụ. Đến khi hoàn thành nhiệm vụ trở về nhà đã quá nửa đêm, khẽ mở cửa bước vào, thấy hai cậu con trai vẫn đang ngủ ngon lành, chị mới thở phào nhẹ nhõm...
Chị nhớ lại vụ án giết người xảy ra ở huyện Mường Lát, một huyện miền cao biên giới nằm phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hóa, nơi còn rất nhiều khó khăn và xa xôi nhất. Hôm đó không phải ca trực của chị nhưng Kiểm sát viên trực nghiệp vụ đi khám nghiệm hiện trường một vụ án khác; chị đã không ngần ngại báo cáo lãnh đạo đơn vị lên đường đến hiện trường vụ án. Sau hơn 5 tiếng di chuyển bằng ô tô, đoàn công tác đã đến Nhi Sơn là xã vùng cao biên giới của huyện Mường Lát, có đường biên giới dài giáp với nước CHDCND Lào. Địa hình ở đây chủ yếu là đồi cao, vào mùa đông nhiệt độ xuống dưới 5 độ C, trời nhiều sương mù. Ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, cuộc sống còn nghèo, với nhiều hủ tục lạc hậu. Chị đã nhiều lần lên Mường Lát, nhưng mỗi lần đi lại có một cảm xúc khác nhau.
Khi cả đoàn lên đến nơi đã là buổi trưa, không kịp ăn, cả đoàn đến hiện trường vụ án ngay để tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi trước khi trời tối; đặc biệt là tránh những cơn mưa rừng, nỗi ám ảnh của những người đã đến và sống ở nơi đây. Bởi mỗi lần mưa lũ là nước ở trên thượng nguồn sông Mã đổ về, gây sạt lở, chia cắt không thể đi được, nhiều nơi còn bị cô lập. Từ trung tâm huyện lỵ đến hiện trường vụ án đường đi hiểm trở, lại mới bị lũ quét nên phải mất vài giờ đi đường, lội rừng, lội suối đoàn mới đến nơi. Hiện trường vụ án là khu vực chòi canh rẫy trên sườn núi, bốn bề là núi rừng, những bản làng thấp thoáng xa xa, bởi vậy việc triển khai tổ chức khám nghiệm hiện trường gặp rất nhiều khó khăn. Nạn nhân là một phụ nữ dân tộc Mông, trên người có nhiều vết đâm, chém. Đây là vụ án giết người có tính chất phức tạp bởi khu vực gây án giáp với biên giới Việt - Lào. Do hiện trường vụ án rộng nên phải mất rất nhiều thời gian để khám nghiệm, phát hiện, thu thập, đánh giá dấu vết, chứng cứ. Nhưng với tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, mặc dù là nữ cán bộ duy nhất trong đoàn nhưng chị vẫn theo sát, kiểm sát chặt chẽ từng hoạt động khám nghiệm, phát hiện, thu thập, bảo quản dấu vết, đánh giá chứng cứ của lực lượng khám nghiệm hiện trường; làm công tác tư tưởng, thuyết phục người nhà nạn nhân về việc khám nghiệm tử thi. Từ đó giúp cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời, xử lý đúng người, đúng tội.
Chị Nguyễn Thị Thu nghiên cứu hồ sơ vụ án |
Trăn trở với những vụ án mà thủ phạm là những học sinh, trẻ chưa thành niên
Là một người phụ nữ, người mẹ, chị rất trăn trở khi gặp những vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà thủ phạm mới chỉ là những học sinh, những đứa trẻ còn chưa thành niên. Bởi lẽ chúng còn chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm sinh lý, trình độ nhận thức và kinh nghiệm sống còn hạn chế; dễ bị kích động, bị rủ rê, lôi kéo vào những hoạt động của người lớn.
Được lãnh đạo đơn vị phân công, chị đã nghiên cứu kỹ hồ sơ, tài liệu, chứng cứ, căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tránh việc vội vàng, duy ý chí; kiểm sát chặt chẽ quá trình điều tra, đặc biệt là các thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên, các hoạt động hỏi cung của cơ quan điều tra, điều tra viên. Chị kể, vào tháng 8 năm 2019, xảy ra vụ án giết người ở tại ngã tư thị trấn Hậu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Nạn nhân là H.Đ.A (17 tuổi, ở xóm 8, xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc). Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện kiểm sát đã tiến hành khám nghiệm hiện trường; nạn nhân bị đánh và gục xuống mặt đường sau đó được người dân đưa đi bệnh viện cấp cứu. Khám xét thấy trên người nạ nhân có các vết thương ở vùng sau gáy, vùng thắt lưng, vùng hạ sườn. Bệnh án xác định H.Đ.A bị chấn thương cột sống cổ, vết thương thấu ngực, tràn máu ngoài màng phổi. Sau gần một tháng điều tra truy xét, bằng các biện pháp nghiệp vụ, thu thập các tài liệu chứng cứ làm rõ các đối tượng gây án; cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 6 đối tượng. Trong đó có 4 bị can đang trong độ tuổi vị thành niên.
Nhìn các bị can tuổi còn rất trẻ, chị vô cùng trăn trở. Cả 6 bị can đều chỉ học đến hết lớp 8, lớp 9 là bỏ học, lang thang; hoàn cảnh gia đình đa phần khó khăn, bố mẹ mải lo làm ăn, mưu sinh, không quan tâm, dạy dỗ. Do đó, đã dẫn đến chúng có những suy nghĩ lệch lạc, bị rủ rê, lôi kéo vào con đường phạm tội. Tuy độ tuổi còn rất trẻ song hành vi của các bị can đều rất liều lĩnh, nguy hiểm, quyết liệt, có sự chuẩn bị về công cụ, phương tiện phạm tội; đã dùng hung khí nguy hiểm đâm vào các vị trí xung yếu của nạn nhân. Là người mẹ có con trai cũng đang độ tuổi vị thành niên, lứa tuổi đang trong quá trình hoàn thiện về thể chất và tâm sinh lý chị cũng phần nào hiểu được tâm sinh lý của lứa tuổi này. Chị nghĩ cần phải đánh giá chứng cứ, vai trò, tính chất, mức độ nguy hiểm hành vi của từng bị can; từ đó đề nghị mức hình phạt cho chính xác nhằm đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật nhưng quan trọng nhất là giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Mỗi lần tham gia xét xử xong một phiên tòa đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, kết thúc một vụ án là hoàn thành nhiệm vụ nhưng chị cũng mang nhiều trăn trở, suy nghĩ. Chị tâm sự, xuất phát từ tính chất của công tác kiểm sát là phải kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, tội phạm, quyết định đến sinh mệnh, tự do, danh dự và nhân phẩm của con người…đòi hỏi cán bộ ngành Kiểm sát phải có cái tâm trong sáng, nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách chính xác, công bằng, tôn trọng sự thật, phải tạo lập cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn đứng về lẽ phải và kiên quyết bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cho pháp luật được tuân thủ nghiêm minh. Vì vậy, ngoài tinh thần trách nhiệm với công việc, phải có tình yêu với nghề, mới có thể gắn bó và vượt qua được những khó khăn.
20 năm công tác trong ngành kiểm sát, chị Nguyễn Thị Thu đã vượt lên mọi khó khăn, không ngừng học hỏi, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, rèn luyện phấn đấu thực hiện năm đức tính của cán bộ kiểm sát viên mà Bác Hồ đã dạy: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Nhiều năm liền chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt được nhiều thành tích, được Viện trưởng VKSND tối cao tặng Bằng khen; Viện trưởng VKSND tỉnh tặng Giấy khen.
Đối với gia đình, chị là niềm tự hào, hãnh diện của các con, , hai cậu con trai của chị đều chăm ngoan, học giỏi, con trai đầu của chị đã trở thành sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội; con trai út đạt được Giải Quốc gia về toán học. Không quá khi nói rằng, chị là một người phụ nữ "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" - Một nữ kiểm sát viên vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm - Là tấm gương để các lớp thế hệ cán bộ, kiểm sát viên học tập, noi theo./.
-
1VKSND TP. Cần Thơ điều động, bổ nhiệm lãnh đạo chủ chốt
-
2Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam
-
3Công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Viện trưởng VKSND quận Ô Môn (thành phố Cần Thơ)
-
4VKSND thị xã Điện Bàn trao tặng máy lọc nước cho trường cấp 1, cấp 2
-
5Quảng Nam: Ban Pháp chế HĐND làm việc với VKSND tỉnh
-
6VKSND quận Liên Chiểu kiến nghị Chủ tịch UBND quận về công tác phòng ngừa tội phạm cho lứa tuổi chưa thành niên
Bài viết chưa có bình luận nào.