Những vấn đề cơ bản về THQCT, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm
(kiemsat.vn) Tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nó mở đầu cho các hoạt động tố tụng hình sự. Có tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, thì mới xác định được có tội phạm hay không có tội phạm xảy ra, để quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.
Kinh nghiệm kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm
Kinh nghiệm ứng dụng excel để theo dõi thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; điều tra, truy tố
Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố
Ảnh minh họa |
Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong những năm qua đã được ngành Kiểm sát nhân dân luôn quan tâm, chỉ đạo yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, coi đây là một khâu công tác mang tính đột phá của ngành. Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ này đã được quy định tại Điều 12, Điều 13 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) năm 2014 cũng như các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, VKSND các cấp cần nắm chắc và thực hiện tốt các quy định của pháp luật về thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (gọi chung là tố giác, tin báo về tội phạm) là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nó mở đầu cho các hoạt động tố tụng hình sự. Có tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, thì mới xác định được có tội phạm hay không có tội phạm xảy ra, để quyết định khởi tố hay quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, nhiệm vụ này trước đây chưa được coi trọng, BLTTHS năm 2003 quy định chưa cụ thể, khó thực hiện, thiếu cơ chế kiểm soát hữu hiệu đối với hoạt động này. Theo đó, Viện kiểm sát (VKS) chỉ thực hiện hoạt động “kiểm sát” việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Cơ quan điều tra (CQĐT), cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (gọi chung là Cơ quan điều tra).
Thực tiễn cho thấy, hoạt động kiểm sát tuân theo pháp luật này mang tính thụ động, đứng ngoài việc giải quyết, khi nào CQĐT xác minh, kết luận, chuyển hồ sơ xác minh kèm theo kết luận khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự, thì lúc đó VKS mới kiểm sát hồ sơ và có quan điểm về việc giải quyết đó. Chính vì vậy, VKS không thể nắm và kiểm sát được đầy đủ việc thụ lý, tiếp nhận và quá trình kiểm tra, xác minh của CQĐT, không tác động vào để hoạt động đó đảm bảo tính khách quan, toàn diện và triệt để, nhằm chống được oan, sai và bỏ lọt tội phạm.
Để khắc phục tình trạng trên, BLTTHS năm 2015 đã quy định VKS thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố với 11 điều luật cụ thể và 40 điều khoản sửa đổi, bổ sung xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng cũng như cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia tố tụng. Theo đó, VKS chuyển từ nhiệm vụ kiểm sát (mang tính thụ động) sang thực hành quyền công tố và kiểm sát (mang tính chủ động, tích cực, gắn và đồng hành với hoạt động của CQĐT). Có thể nói đây là bước chuyển căn bản trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, góp phần quan trọng vào việc chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm.
1. Chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của VKSND
Trong tố tụng hình sự, VKS là cơ quan duy nhất tham gia đầy đủ các giai đoạn tố tụng. Chức năng thực hành quyền công tố của VKS là những hoạt động trong việc xác định tội phạm, việc truy cứu trách nhiệm hình sự và việc buộc tội trước Tòa án. Do đó, để bảo đảm mọi hành vi phạm tội được phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý theo pháp luật, không để lọt người, lọt tội, không làm oan người vô tội, thì các hoạt động công tố phải được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Hơn nữa, trong tiến trình cải cách tư pháp và thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, Đảng và Nhà nước luôn yêu cầu VKS phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra để bảo đảm các hoạt động tố tụng hình sự phải được kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ, bởi vì các hoạt động này đều có tác động, liên quan đến quyền con người, quyền công dân, thậm chí là sinh mệnh chính trị của con người... đây là nguyên tắc tối thượng được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận, bảo vệ. Như vậy, việc giải quyết tố giác, tin báo trở thành “một giai đoạn” của tố tụng hình sự, VKS thực hành quyền công tố sớm hơn, ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Để thực hiện tốt vai trò thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, các Kiểm sát viên cần nắm chắc khái niệm tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được quy định cụ thể tại Điều 144 BLTTHS năm 2015. Khái niệm này lần đầu tiên được luật hóa một cách rõ ràng, đầy đủ, tạo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của CQĐT, VKS và các cơ quan khác, không còn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau như khái niệm tố giác, tin báo trong những văn bản dưới luật trước đây.
Viện kiểm sát thực hành quyền công tố trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được quy định tại Điều 159 BLTTHS, bao gồm các hoạt động, cụ thể: Phê chuẩn, không phê chuẩn việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ và các biện pháp khác hạn chế quyền con người, quyền công dân trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Quyết định gia hạn thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; yêu cầu CQĐT khởi tố vụ án hình sự; hủy bỏ quyết định tạm giữ, quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm và hủy bỏ các quyết định tố tụng khác trái pháp luật của cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Khi cần thiết đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm. Đặc biệt, VKS trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm khi có một trong những căn cứ quy định tại điểm c khoản 3 Điều 145 BLTTHS năm 2015 và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong việc thực hành quyền công tố theo quy định của BLTTHS, nhằm chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người vô tội.
Tại Điều 160 BLTTHS năm 2015 quy định: Viện kiểm sát kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thông qua các hoạt động kiểm sát tuân theo pháp luật đối với cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong tố tụng hình sự thực hiện việc tiếp nhận, kiểm sát việc kiểm tra, xác minh và việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm của CQĐT; kiểm sát việc tạm đình chỉ, phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm; kiểm sát việc phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm; yêu cầu CQĐT cung cấp tài liệu liên quan để kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm. Trường hợp khi phát hiện việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm không đầy đủ, vi phạm pháp luật thì yêu cầu CQĐT thực hiện các hoạt động, như: (1) tiếp nhận, kiểm tra, xác minh, ra quyết định giải quyết nguồn tin về tội phạm đầy đủ, đúng pháp luật; (2) kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và thông báo kết quả cho VKS; (3) cung cấp tài liệu về vi phạm pháp luật trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; (4) khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm người vi phạm; (5) yêu cầu thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra; giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm theo quy định của BLTTHS. Trong Điều luật này cũng quy định VKS tiến hành trực tiếp các cuộc kiểm sát, là những hoạt động kiểm sát mang tính toàn diện, để kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của CQĐT… trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất và ngăn ngừa các vi phạm, xử lý nghiêm tội phạm trong hoạt động tư pháp.
Như vậy, chức năng, nhiệm vụ của VKS trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm lần đầu tiên đã được khái quát hóa bằng văn bản luật, quy định rõ về trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết và đề cao tính chủ động của Viện kiểm sát khi thực hiện các hoạt động trong giai đoạn đầu tiên của tố tụng hình sự. Trong đó, lưu ý một số điểm mới như sau:
Trước hết, trách nhiệm VKS phải kiểm sát ngay từ khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố nhằm đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm là mọi tội phạm xảy ra đều phải được phát hiện và xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật. Do vậy, khoản 1 Điều 145 BLTTHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung căn bản so với khoản 1 Điều 103 BLTTHS năm 2003, đó là: “Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan tổ chức có trách nhiệm không được từ chối tiếp nhận…”. Theo đó, VKS phải kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận của các cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, đảm bảo các hoạt động này tuân thủ đúng pháp luật, đồng thời, kịp thời phát hiện vi phạm và kiến nghị xử lý.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định mở rộng cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm đến Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an (khoản 3 Điều 146 BLTTHS năm 2015). Đây là quy định mới, xuất phát từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, các tố giác, tin báo cần được tiếp nhận kịp thời, khi sự kiện phạm tội xảy ra, hiện trường thường bị thay đổi, xáo trộn, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có thể che giấu hành vi phạm tội hoặc có nạn nhân trong tình trạng nguy hiểm... nên việc quy định Công an cấp xã, phường, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận ban đầu là hết sức cần thiết. Điều này, đồng nghĩa với việc mở rộng đối tượng kiểm sát đến cấp cơ sở. Do đó, VKS cấp huyện cần chuẩn bị nhân lực, cũng như các biện pháp kiểm sát phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị để thực hiện tốt nhiệm vụ này. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ khó khăn khi thực hiện, do biên chế của VKS không được tăng thêm từ nay đến năm 2020.
Thứ hai, VKS tiến hành các hoạt động kiểm sát, trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (Điều 103) quy định về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thì hầu hết thực tiễn nhận thức cho rằng việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là nhiệm vụ của CQĐT, VKS chỉ thực hiện quyền kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, nếu phát hiện vi phạm thì kiến nghị. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 quy định rõ, VKS thực hiện quyền công tố ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Theo đó, Kiểm sát viên phải nhận thức rõ khi đã thực hiện quyền công tố là đã gắn trách nhiệm của VKS trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Do đó, Kiểm sát viên phải nắm chắc kết quả kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm của Điều tra viên, trường hợp cần thiết yêu cầu Điều tra viên xác minh làm rõ các tố giác, tin báo đó để xác định có hay không có tội phạm và biện pháp xử lý; đồng thời, luôn gắn và đồng hành trách nhiệm của mình với CQĐT trong suốt quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Một điểm mới cơ bản được quy định tại điểm c khoản 3 Điều 145 BLTTHS năm 2015, đó là VKS trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà VKS đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục. Điều này thể hiện đúng vai trò của công tố, đảm bảo không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm, người phạm tội. Khi thực hiện quyền năng pháp lý này, đòi hỏi trách nhiệm của VKS càng được nâng cao hơn, Kiểm sát viên vừa phải trực tiếp kiểm tra, xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm vừa phải tự kiểm soát chính mình đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, để mở rộng thẩm quyền của VKS trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tại khoản 3 Điều 153 BLTTHS năm 2015 quy định bổ sung thêm hai trường hợp VKS có quyền khởi tố vụ án, đó là khi VKS trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm và khi VKS trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu quyền năng pháp lý này là những quy định mang tính chịu trách nhiệm và chế ước giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tránh tùy tiện, lạm quyền trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Trường hợp lạm dụng hoặc sử dụng quyền năng pháp lý này mang tính thái quá, tất yếu dẫn đến suy giảm quan hệ phối hợp, “quyền anh, quyền tôi”, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm...
Thứ ba, kiểm sát chặt chẽ thời hạn và biện pháp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đã được quy định rõ, cụ thể tại các điều 147, 148, 149 BLTTHS năm 2015, theo đó, thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố là 20 ngày, vụ việc phức tạp thì thời hạn là 2 tháng và trường hợp chưa thể kết thúc vụ việc, thì Viện trưởng VKS cùng cấp gia hạn thêm thời hạn là 2 tháng. Hết thời hạn này, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm phải ra một trong các quyết định khởi tố, không khởi tố hoặc tạm đình chỉ. Như vậy, BLTTHS năm 2015 đã quy định rõ thời hạn, thẩm quyền gia hạn thời hạn và hướng giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, khắc phục cơ bản những bất cập thực tiễn hiện nay. Đồng thời, quy định này cũng thể hiện, VKS là cơ quan duy nhất có quyền “kiểm soát” việc này. Do đó, nếu VKS không làm hết trách nhiệm thực hành quyền công tố và các hoạt động kiểm sát cũng dễ dẫn đến tình trạng “treo tố giác, tin báo”, thậm chí dẫn đến bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Điều này đòi hỏi VKS phải nắm, quản lý chặt chẽ việc tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và định kỳ kiểm sát những căn cứ phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm để yêu cầu xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ tư, việc giải quyết tranh chấp thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm: Thực tiễn cho thấy ở giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng, khi mới phát hiện tội phạm, các thông tin liên quan đến tội phạm chưa được xác định đầy đủ nên rất dễ xảy ra việc thụ lý, giải quyết không đúng thẩm quyền, thậm chí có trường hợp đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan… Để khắc phục việc này, Điều 150 BLTTHS năm 2015 quy định VKS là cơ quan duy nhất giải quyết tranh chấp thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Tuy nhiên, đối với từng trường hợp tranh chấp thẩm quyền cụ thể do từng cấp kiểm sát quyết định. Trong đó, cấp cao nhất là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết tranh chấp thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố giữa CQĐT của Công an nhân dân, CQĐT trong Quân đội nhân dân và CQĐT của Viện kiểm sát nhân dân tối cao…
2. Một số lưu ý để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố
Để thực hiện tốt nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định của BLTTHS năm 2015, VKS các cấp cần làm tốt một số việc sau đây:
Một là, Thủ trưởng các đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải quán triệt, tổ chức tập huấn, hội thảo tạo ra chuyển biến căn bản về mặt nhận thức cho các cán bộ, Kiểm sát viên, chuyển mạnh từ vai trò “kiểm sát” tuân theo pháp luật sang “thực hành quyền công tố” sớm hơn, ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; từ đó, phát huy tính chủ động, tích cực, tăng cường đồng hành và gắn trách nhiệm của VKS trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, coi nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm như nhiệm vụ của chính mình.
Hai là, tiếp tục thực hiện chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”. Ngay từ khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, Kiểm sát viên phải chủ động nghiên cứu nội dung tố giác, tin báo về tội phạm, trường hợp cần thiết phải đề ra yêu cầu xác minh, tham gia xác minh và phát hiện kịp thời những thiếu sót trong quá trình xác minh, thu thập chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội để đánh giá vụ việc khách quan, có căn cứ, đúng pháp luật trước khi CQĐT kết thúc hoặc tạm đình chỉ giải quyết. Mặt khác, Kiểm sát viên phải tích cực phối hợp với Điều tra viên tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cùng cộng đồng trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân với CQĐT trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Nếu chúng ta làm tốt được việc này, thì đồng nghĩa với việc chúng ta hoàn toàn chủ động trong việc xét phê chuẩn các quyết định tố tụng của CQĐT…
Ba là, tăng cường các hoạt động kiểm sát, nhất là kiểm sát trực tiếp CQĐT, Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm... Trường hợp phát hiện có vi phạm phải kịp thời ban hành kiến nghị hoặc xem xét hủy các quyết định trái pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đã yêu cầu bằng văn bản mà CQĐT không khắc phục, thì Viện kiểm sát nhân dân phải trực tiếp tổ chức xác minh, giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 145 BLTTHS năm 2015. Đây là hoạt động mang tính “chế ước” nhưng tuyệt đối không được lạm dụng, dẫn đến vi phạm nguyên tắc và phá vỡ mối quan hệ phối hợp.
Bốn là, Thủ trưởng các đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân các cấp cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Cần phải quản lý chặt chẽ công tác này, đặc biệt là phân công Kiểm sát viên thụ lý giải quyết phù hợp với khả năng, sở trường của mỗi người, đảm bảo chất lượng, hiệu quả; chủ động họp bàn với Cơ quan điều tra kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đồng thời, cần chủ động xây dựng quy chế phối hợp liên ngành với Cơ quan điều tra, cơ quan có liên quan... để tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi cho Kiểm sát viên, Điều tra viên thực hiện tốt nhiệm vụ.
Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng nguồn thông tin về tố giác, tin báo về tội phạm, dần thay thế các hình thức truyền thống như hiện nay là các hòm thư gắn ở cơ quan… trên cơ sở đó, có những nguồn thông tin đa chiều phục vụ tốt hơn trong hoạt động kiểm sát việc tiếp nhận, thụ lý của Cơ quan điều tra. Thường xuyên đổi mới biện pháp, cách làm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chẳng hạn: Đối với cấp huyện nên kết hợp kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm với việc kiểm sát thi hành án hình sự, giải quyết đơn…, tham gia các đoàn liên ngành về giám sát thực hiện pháp luật hoặc phân công cán bộ theo dõi địa bàn cấp xã vừa nắm được tình hình vi phạm, tội phạm, vừa phục vụ được nhiệm vụ chính trị của địa phương…
Có thể nói, nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt trong tố tụng hình sự, nó được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, theo đó, VKS có vị trí, vai trò hết sức quan trọng như đã phân tích ở trên, đặc biệt nhiệm vụ và quyền hạn được quy định cụ thể tại các điều 159, 160 BLTTHS năm 2015. Vì vậy, Viện kiểm sát các cấp cần quán triệt và tổ chức thực hiện cho tốt, góp phần tích cực vào việc phòng, chống tội phạm.
Bùi Mạnh Cường - Phó Viện trưởng VKSND tối cao
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
Bài viết chưa có bình luận nào.