Những tiêu chí “lạ” trong gói thầu mua sắm của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định

23/04/2022 14:19

(kiemsat.vn)
Hồ sơ mời thầu xuất hiện nhiều tiêu chí “định hướng” nhà thầu, giá dự toán thiết bị cao bất thường, tỷ lệ tiết kiệm Ngân sách thấp,… đang là những nghi vấn xung quanh hoạt động đấu thầu mua sắm thiết bị giáo dục của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định thời gian qua.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định

Với vai trò là chủ đầu tư, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định (Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định) đã tổ chức hàng loạt các gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục có giá trị lớn. Chỉ tính riêng trong năm 2021, đơn vị này đã thực hiện mời thầu khoảng 10 gói thầu mua sắm từ nguồn vốn Ngân sách, với tổng giá trị hơn 77 tỷ đồng.

Từ ngày 01/03/2018, Thông tư quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Thông tư số 04/2017/TT-KHĐT ngày 15/11/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) có hiệu lực để thực hiện Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13/07/2016 của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, thay vì lựa chọn đấu thầu qua mạng để tiết kiệm chi phí và thủ tục thì Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định vẫn “ưu tiên” hình thức đấu thầu trực tiếp; thậm chí, trong một số gói thầu, nội dung yêu cầu đối với nhà thầu có một số tiêu chí “lạ”, được cho là có biểu hiện hạn chế nhà thầu.

Cụ thể, ngày 02/08/2021, ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định đã ký Quyết định phê duyệt Hồ sơ mời thầu (HSMT) cho gói thầu “Mua sắm tập trung bàn ghế học sinh tiểu học, trung học cơ sở cho các trường trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo và bàn ghế học sinh cấp trung học phổ thông cho các trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo năm 2021 (đợt 1)”. Gói thầu có dự toán phê duyệt là 44.782.590.000 đồng, phát hành HSMT từ ngày 3/8 đến 23/8/2021, hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi trong nước.

Quyết định phê duyệt Hồ sơ mời thầu

Theo dõi HSMT, có thể dễ dàng nhận thấy yêu cầu nội dung về khả năng bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hàng hóa sau bán hàng. Cụ thể, HSMT yêu cầu nhà thầu ngoại tỉnh phải có chi nhánh hoặc trạm bảo hành đang hoạt động (có tư cách pháp nhân, nhân sự, thiết bị) tại tỉnh Bình Định, hoặc hợp đồng bảo hành thiết bị với một doanh nghiệp có tư cách pháp nhân trong lĩnh vực sản xuất các mặt hàng tương tự hàng hóa của gói thầu nằm trên địa bàn Bình Định (?)

HSMT còn yêu cầu cung cấp: Hợp đồng bảo hành thiết bị giữa nhà thầu với doanh nghiệp; giấy phép kinh doanh do cấp có thẩm quyền cấp cho doanh nghiệp có lĩnh vực sản xuất các mặt hàng tương tự hàng hóa của gói thầu; chỉ định rõ Tiêu chuẩn chất lượng là TCVN 9045:2012 (được biết đây là tiêu chuẩn về thực phẩm xác định niacin sắc ký lỏng hiệu năng cao do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm ban hành). Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, tiêu chuẩn này không cần thiết và không phù hợp đối với loại hàng hóa là bàn ghế học sinh!

Mục 2.3: Yêu cầu khác tại trang số 119-121 của HSMT

Về nhân sự, chủ đầu tư yêu cầu ít nhất 5 công nhân mộc bậc 3/7 có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại Bình Định, có hợp đồng lao động với doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ bảo hành ít nhất 6 tháng trở lên được tính từ ngày ký hợp đồng đến ngày mở thầu. HSMT yêu cầu vị trí Kỹ thuật trưởng phải có Chứng nhận Bồi dưỡng nghiệp vụ Chỉ huy trưởng; Chứng nhận được huấn luyện phòng cháy chữa cháy; Chứng nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ an toàn lao động... cũng được cho là chưa phù hợp vì đây là gói thầu hàng hóa, không liên quan đến xây dựng.

Phần yêu cầu nhân sự trong HSMT

Ngoài ra, Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định còn yêu cầu nhà thầu phải huy động đến 24 thiết bị, máy móc: Máy bào thẩm, máy bào 4 mặt, máy chà nhám, máy bào gỗ… trong khi đây là gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng, nhà thầu có quyền gia công hoặc đi mua hàng hóa chứ không nhất thiết phải có máy móc để tham dự thầu...

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu mua sắm hàng hóa, cung cấp bàn ghế, thiết bị giáo dục cho rằng, với những yêu cầu trên, sẽ rất khó khăn cho các nhà thầu, nếu như không biết trước nội dung yêu cầu thì sẽ không đủ thời gian hoàn thiện hồ sơ dự thầu. Thậm chí có nhiều ý kiến nghi vấn, cho rằng chủ đầu tư đi ngược lại tinh thần của Chỉ thị số 47/2017/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 03 của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT về chấn chỉnh công tác đấu thầu và quy định tại Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu mua sắm có giá hơn 13 tỷ do Công ty cổ phần Đa Minh trúng thầu.

Ngoài những dấu hiệu bất thường trong các gói thầu mua sắm, PV còn nhận được những phản ánh về một số gói thầu mua sắm có giá thiết bị cao hơn khá nhiều so với giá thị trường, tỉ lệ tiết kiệm cho Ngân sách Nhà nước ở mức “siêu nhỏ”. Như tại gói thầu “Mua sắm tập trung thiết bị phòng học ngoại ngữ tương tác đa năng theo Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định” năm 2021; mặc dù có hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước nhưng chủ đầu tư lại “lựa chọn” tổ chức đấu thầu trực tiếp, không qua mạng; với mức dự toán là 13.190.040.000 đồng. Kết quả, Công ty cổ phần Đa Minh đã trúng thầu rất sát giá là 12.999.600.000 đồng, chỉ thấp hơn 190 triệu cho gói thầu hơn 13 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm Ngân sách chỉ là 1,4 %...

PV sẽ tiếp tục thông tin tại kỳ sau!

Viện cấp cao 3: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý án và đơn thư

(Kiemsat.vn) - Ngày 22/04/2022, VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh (Viện cấp cao 3) tổ chức Hội thảo về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số năm 2022.

Cảnh giác trước thủ đoạn lợi dụng các vụ án để chống phá Đảng, Nhà nước

(Kiemsat.vn) - Thời gian qua, khi các vụ án xảy ra tại một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương, đang được các cơ quan chức năng tích cực mở rộng điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật thì các thế lực thù địch, phản động lại triệt để khai thác, lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang