Những giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý người chưa thành niên phạm tội

26/02/2020 08:46

(kiemsat.vn)
Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội, mục đích mà những người tiến hành tố tụng muốn hướng đến khi áp dụng hình phạt đối với họ là sau khi chấp hành án, các em có thể trở thành một công dân tốt, phát triển lành mạnh, sống có ích cho gia đình và xã hội.

Trong những năm qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và phòng chống người chưa thành niên phạm tội nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sát. Tuy nhiên, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, tình trạng người chưa thành niên phạm tội trên địa bàn thành phố Cà Mau vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng về số lượng vụ án, phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội ngày càng tinh vi, táo bạo và liều lĩnh hơn, tính tổ chức của loại tội phạm này ngày càng chặt chẽ, hình thành các băng nhóm có sử dụng hung khí… Đó là một trong những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm hiện nay.

Theo số liệu thống kê cho thấy, tội phạm do người chưa thành niên thực hiện tập trung chủ yếu ở các tội: Trộm cắp tài sản; cố ý gây thương tích; cướp tài sản ; cướp giật tài sản; tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có… Năm 2019, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Cà Mau đã khởi tố 25 vụ - 24 bị can, Viện kiểm sát truy tố và phối hợp với Tòa án xét xử 20 vụ - 20 bị can. Từ đầu năm đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Cà Mau đã khởi tố 05 vụ - 07 bị can. Viện kiểm sát đã truy tố và Tòa án đã xét xử 03 vụ - 06 bị can. Độ tuổi do người chưa thành niên thực hiện tội phạm từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao hơn độ tuổi đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Điển hình là các vụ án có nội dung như sau:

Bị cáo đứng trước bục khai báo (ảnh minh họa)

Ngày 10/3/2019, xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ giữa Nguyễn Tấn Tài ( 22/9/2001) trú khóm 7, phường 7, thành phố Cà Mau và Trần Bảo Chấn (14/4/2002) trú ấp 10, xã An Xuyên, thành phố Cà Mau, cả hai hẹn nhau đến Quảng trường Thanh niên thuộc khóm 8, phường 5, thành phố Cà Mau để giải quyết. Khi đi Tài chuẩn bị 02 con dao và rủ thêm Nguyễn Huỳnh Gia Khang (SN 05/12/2004); Nguyễn Khánh Liêm (22/10/2004) và Toàn (Chưa rõ họ). Phía bên Chấn gồm có Dương Minh Đăng (04/02/2000); Châu Khánh Duy (07/3/1997), Nguyễn Phúc Hào (07/10/2000), Võ Anh Kiệt và Tý, Vũ, Hảo (Chưa rõ họ) chuẩn bị hung khí như đá, cây, gạch… Đến khoảng 21 giờ cùng ngày cả hai nhóm gặp nhau tại Quảng trường Thanh niên. Tại đây, hai bên đánh nhau, trong lúc đánh Nguyễn Tấn Tài dùng dao chém Trần Bảo Chấn gây thương tích với tỷ lệ thương tật là 17%. Đăng dùng dao chém Khang gây thương tích với tỷ lệ thương tật là 18%. Ngày 07/02/2020, Viện kiểm sát đã phối hợp với Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau xử phạt Tài, Chấn, Đăng, Duy và Hào về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự. Tuyên phạt Tài và Đăng mỗi bị cáo 02 năm 06 tháng tù, Chấn 02 năm tù, Duy và Hào mỗi bị cáo 09 tháng tù. Riêng Khang, Liêm chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, các đối tượng còn lại tiếp tục xác minh để xử lý sau.

Qua vụ án trên cho thấy việc áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội thời gian qua đều tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, nhận được sự ủng hộ, đồng tình của dư luận. Khi xem xét áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên đều đảm bảo đúng các quy định tại chương XII Bộ luật Hình sự.

Để nâng cao hiệu quả trong việc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội, theo tôi cần quan tâm các vấn đề sau:

Thứ nhất, ban lãnh đạo Viện kiểm sát và Tòa án khi phân công xét xử vụ án có bị cáo là người chưa thành niên cân nhắc lựa chọn những Kiểm sát viên, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân có kiến thức hiểu biết về mặt tâm sinh lý, khoa học, giáo dục đối với người chưa thành niên hoặc đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về vấn đề tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi, về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi. Đối với Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử cần đảm bảo đúng quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT- ngày 21/12/2018 của Liên ngành Trung ương về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi thì: “Hội thẩm tham gia Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi phải có người là giáo viên, cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi. Người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi là người có thâm niên công tác trong lĩnh vực tư pháp, quản lý, đào tạo, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục người dưới 18 tuổi; người được đào tạo về giáo dục thanh, thiếu niên, nhi đồng hoặc những người khác có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi".

Thứ hai, cán bộ làm công tác xét xử cần nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Nắm vững những chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ công lý... đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Thứ ba, cán bộ làm công tác áp dụng pháp luật và quyết định hình phạt cần xem xét, cân nhắc áp dụng các hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù khi họ có đủ điều kiện áp dụng. Khi quyết định hình phạt cần xem xét đến hiệu quả của hình phạt mang lại và những giá trị về tính xã hội, nhân đạo và kinh tế của hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù có thời hạn.

Thứ tư, khi xét xử cần tạo môi trường tố tụng thân thiện với người chưa thành niên để những người chưa thành niên nhận thức được rằng dù có áp dụng hình phạt thì xã hội vẫn không quay lưng đối với họ. Qua đó nhằm uốn nắn, định hướng lại tư tưởng cho bị cáo, giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Tuy nhiên, để việc áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên mang lại hiệu quả tối ưu nhất thì cần sự chung tay của cả gia đình và chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương cần tăng cường công tác giám sát, hỗ trợ tại cộng đồng đối với người chưa thành niên khi chấp hành án, đặc biệt là án phạt cải tạo không giam giữ. Địa phương cần có giải pháp để quản lý, tạo việc làm cho đối tượng sau khi cai nghiện, đối tượng sau khi chấp hành án phạt tù, đối tượng lang thang... Ưu tiên cho những đối tượng này vào trường dạy nghề để các em có cơ hội tìm được việc làm ổn định, tự nuôi sống bản thân, ngăn ngừa được nguy cơ tái phạm. Cần làm tốt công tác tư tưởng, khuyến khích các thành viên trong gia đình của những người bị kết án, để từ đó họ thấy được vai trò của gia đình trong quá trình hoàn lương của con em họ. Bởi mục đích cuối cùng mà những người tiến hành tố tụng muốn hướng đến khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên là sau khi chấp hành án, các em có thể trở thành một công dân tốt, phát triển lành mạnh, sống có ích cho gia đình và xã hội./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang