Người cán bộ kiểm sát tận tâm với công việc - tận tụy với nhân dân

31/10/2019 19:00

(kiemsat.vn)
Cán bộ Kiểm sát ngoài kiến thức chuyên môn còn phải có bản lĩnh vững vàng, tận tâm với công việc, tận tụy với nhân dân – anh Đỗ Lâm Hiếu, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước là một người như thế...

Sinh ra và lớn lên từ mảnh đất Quảng Trị nghèo khó nhưng trung dũng, kiên cường. Năm 2004, anh Đỗ Lâm Hiếu ra trường với tấm bằng cử nhân luật và đã chọn phục vụ ngành Kiểm sát trên mảnh đất biên giới Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) còn nhiều gian khó.

Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: “Việc thiện dù lớn đến mấy cũng phải làm, việc ác dù nhỏ đến mấy cũng phải tránh”; 15 năm công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân, anh Đỗ Lâm Hiếu không ngừng phấn đấu, tận tâm với công việc - tận tụy phục vụ nhân dân; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt được nhiều thành tích. Ngoài ra, anh còn được biết đến là người cán bộ của nhân dân đi đầu trong công tác từ thiện xã hội, được các cấp lãnh đạo tin tưởng, nhân dân mến yêu.

Hết lòng với nghề

Với vai trò là Kiểm sát viên, anh đã luôn xung kích tiên phong, đi đầu trong mọi nhiệm vụ, không ngại khó, ngại khổ, khắc phục khó khăn bản thân, không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trình độ chuyên môn để trở thành người cán bộ kiểm sát luôn “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”; lặng lẽ, âm thầm cống hiến không mệt mỏi, không ngừng nghỉ vì trật tự an toàn cho xã hội, vì sự yên bình cho nhân dân biên giới, vì pháp luật kỷ cương của nhà nước và sự phát triển của ngành Kiểm sát nhân dân.

Anh Hiếu chia sẻ: “Tôi luôn xác định cho mình dù ở đâu và làm bất kỳ công việc nào đều phải tận tâm, tận tụy với công việc, yêu ngành yêu nghề mà mình đã lựa chọn. Tích cực học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, mạnh dạn dám làm, dám chịu trách nhiệm, gương mẫu trong mọi lĩnh vực công tác. Trong công việc, cần phải lựa chọn cho mình phương pháp làm việc khoa học, linh hoạt phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, không máy móc rập khuôn, luôn lắng nghe ý kiến của các đồng chí, đồng nghiệp từ đó rút ra những bài học để áp dụng vào thực tiễn công tác.”

Tranh luận với các bị cáo trong vụ án hình sự sơ thẩm tàng trữ trái phép chất ma túy

Từ năm 2011 đến nay anh đã tham gia thực hiện quyền công tố, kiểm sát điều tra, xét xử, giam, giữ, rất nhiều vụ án phức tạp, có nhiều tình tiết phát sinh tại tòa, thuộc loại tội phạm nghiêm trọng và rất nghiệm trọng, được dư luận quan tâm và kiểm sát, giải quyết gần 6000 vụ, việc thi hành án dân sự. Nhiều đêm anh thức trắng để nghiên cứu tài liệu, chứng cứ buộc tội, gỡ tội, chuẩn bị chu đáo đề cương xét hỏi, tranh luận với luật sư, người bào chữa, với các bị cáo và người có liên quan tại tòa để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo, cân nhắc các tình tiết tặng nặng, giảm nhẹ, nhân thân của bị cáo để đưa ra quan điểm xử lý; bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp oan sai hay bỏ lọt tội phạm.

Anh Hiếu chia sẽ: “Làm công tác kiểm sát rất khó khăn, phức tạp, mặc dù mình được trao quyền kiểm sát các cơ quan theo quy định, quyền phê chuẩn các quyết định của Cơ quan điều tra, truy tố bị can ra trước Tòa án…Nhưng khó là khi phê chuẩn các quyết định hoặc truy tố bị can cũng là lúc quyết định sinh mệnh chính trị của họ, vì vậy phải làm việc sao cho thật sự công tâm và khách quan.”

Tận tụy phục vụ nhân dân

Kể về một vụ án mà anh không bao giờ quên đó là vụ giao cáu với trẻ dưới 16 tuổi dẫn đến có thai xảy ra tại ấp 3, xã Hưng Phước cách đây 4 năm. Đây là vụ án có một số tình tiết và diễn biến phức tạp đòi hỏi sự cố gắng và kinh nghiệm giải quyết nhất định. Sau khi nhận đơn cầu cứu của Ông H - cha của nạn nhân. Anh trực tiếp củng cố lấy lời khai nhân chứng, yêu cầu cơ quan CSĐT giám định ADN thai nhi và thực nghiệm điều tra…Kết quả đối tượng là tác giả bào thai phải cúi đầu nhận tội

Tưởng chừng vụ án đã khép lại, sau 5 tháng chị T sinh con nặng chưa đầy 3 kg nhưng bé bị bệnh teo não bẩm sinh. Gia cảnh chị T thuộc diện hộ nghèo, bản thân chị không có nghề nghiệp, mỗi tháng tiền sữa, thuốc thang cho cháu đều dựa vào tiền làm thuê, mướn của ông bà ngoại, cả gia đình 4 người sống trong 1 căn nhà gỗ đã mục nát, trống trước, hở sau. Từ ngày sinh cháu đã hơn 4 năm nhưng cha cháu không thực hiện nghĩa vụ trợ cấp. Một lần nữa gia đình chị T cầu cứu sự giúp đỡ anh Hiếu.

Sau khi lật lại hồ sơ, phối hợp với chi cục thi hành án huyện thụ lý giải quyết vụ việc, tuy nhiên hoàn cảnh đối tượng là cha cháu bé cũng hết sức khó khăn nên không thể thực thi bản án. Anh Hiếu đã liên hệ với Phòng lao động thương binh xã hội huyện xin trợ cấp chế độ trẻ nghèo, tàn tật, mồ côi cho cháu, hiện nay cháu đã được nhận hơn 940 ngàn đồng/tháng. Mỗi khi có các đoàn từ thiện đến địa phương anh đều xin lại 1 phần quà cho gia đình cháu, bản thân anh cũng thực hành tiết kiệm, hằng ngày bớt chút tiền ăn sáng, cà phê để vài ba tháng lại hỗ trợ cho gia đình cháu.

Gia cảnh khó khăn của gia đình ông H và chị T

Ông H chia sẻ: “Gia đình tôi từ miền Bắc vào đây lập nghiệp, không ai thân thích, nửa chữ bẻ đôi cũng không biết, vụ việc của gia đình tưởng chừng rơi vào bế tắc, rất may gặp được anh Hiếu, mặc dù không quen biết nhưng anh ấy rất công tâm, đòi lại công lý cho gia đình, nếu không gặp được anh Hiếu thì thật sự gia đình không biết kêu ai nữa…”

 

Một trường hợp đặc biệt khác cũng vừa được anh giúp đỡ, đó là cụ bà Nguyễn Thị Dung ở thôn 7 xã Thiện Hưng. Ở tuổi 95, hơn 40 năm trú ngụ tại địa phương mong chờ có sổ hộ khẩu để mua bảo hiểm y tế, thụ hưởng một số chế độ, chính sách của nhà nước nhưng không làm được, bà đã đến nhờ anh giúp đỡ.

Cầm trên tay sổ hộ khẩu mới vừa được anh Hiếu hỗ trợ thủ tục để cấp lại, Bà Dung mừng rỡ: “Mấy mươi năm trước nhà bị cháy, toàn bộ giấy tờ tùy thân và sổ hộ khẩu coi như mất trắng, chồng tôi không lâu sau đó cũng qua đời, cuộc lúc đó còn khó khăn quá, ai cũng bận mưu sinh nên coi như bỏ đi. Bây giờ già rồi muốn làm lại thì sức khỏe lại yếu, đi lại khó khăn, không có sổ hộ khẩu nên gặp nhiều trắc trở, thiệt thòi. Được anh Hiếu đến tận nhà làm giúp tận tình thế này dân sướng quá, nhờ có sổ hộ khẩu hiện tại tôi đã được nhận tiền trợ cấp nhà nước mỗi tháng gần 300 ngàn đồng”.

Bà Nguyễn Thị Dung phấn khởi khi nhận được sổ hộ khẩu.

Sâu sát với cơ sở

Huyện Bù Đốp là huyện biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số nên tình trạng mất an ninh chính trị, trật tự xã hội luôn thường trực xẩy ra. Nhận thức được tầm quan trọng công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân. Với nhiệm vụ "đưa pháp luật về với thôn bản", hằng tháng anh đều trực tiếp xuống tận cơ sở tuyên truyền, phổ biến và tư vấn pháp luật tại chỗ cho đồng bào các dân tộc và người ở địa phương.

Một buổi tuyên truyền pháp luật cho hàng trăm người dân xã biên giới Tân Tiến – huyện Bù Đốp

Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhận thức của bà con các dân tộc thiểu số và người dân huyện biên giới Bù Đốp được nâng lên rõ rệt: Chỉ trong vòng 4 năm đã có trên 2000 lượt bà con được tiếp cận pháp luật; từ đó, bà con yên tâm lao động sản xuất, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, cùng địa phương bảo vệ vững chắc vùng đất biên cương của Tổ quốc.

Ngoài ra, anh cùng cán bộ đơn vị thường xuyên tham gia giúp đỡ về tinh thần và vật chất cho địa phương như việc ủng hộ “tiếp bước cho em đến tường” vận động hàng chục bộ máy vi tính, xe đạp, học bổng và hàng trăm cặp, sách…trị giá hàng chục triệu đồng cho học sinh nghèo vượt khó; vận động hàng trăm suất quà để hỗ trợ các  gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người đồng bào dân tộc thiểu số cho các gia đình nghèo… vận động xây dựng sân bóng chuyền, sân cầu lông cho công đoàn viên đơn vị tập luyện thể thao, rèn luyện sức khỏe sau thời gian làm việc căn thẳng…

Trao quà, xe đạp, học bổng cho các cháu học sinh đầu năm học mới

Nói về những thành tích đã đạt được, anh Hiếu rất khiêm tốn: “Mình chỉ mong giúp được nhiều bà con, nhất là bà con nghèo, để và con có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đó là phần thưởng xứng đáng nhất đối với mình”.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang