Nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự

01/10/2022 19:34

(kiemsat.vn)
Ngày 01/10/2022, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, VKSND tối cao phối hợp với Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) tổ chức Hội thảo tham vấn “Hoàn thiện pháp luật về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự”.

Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi - Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học VKSND tối cao, đồng chí Dương Xuân Sơn - Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Thuận và bà Nguyễn Nguyệt Minh - Phụ trách UNODC tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

Hội thảo tham vấn “Hoàn thiện pháp luật về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự” có sự tham gia của lãnh đạo một số đơn vị thuộc VKSND tối cao: Vụ Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học VKSND tối cao; lãnh đạo cơ quan Thi hành án hình sự và Công an tỉnh Bình Thuận; lãnh đạo VKSND các tỉnh Ninh Thuận, Đồng Nai, Bình Dương; giám thị Trại giam Thủ Đức; Toà án nhân dân tỉnh Bình Thuận,… 

Việc tổ chức Hội thảo nhằm mục đích chỉ ra vướng mắc, bất cập trong quy định của pháp luật về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; từ đó, kiến nghị hoàn thiện pháp luật hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam và quy định, thông lệ quốc tế.

Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học VKSND tối cao.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học VKSND tối cao khẳng định: Tăng cường cơ chế bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án hình sự là vấn đề được Đảng, Nhà nước, các cơ quan tư pháp trong nước và quốc tế quan tâm. Vì vậy, nhiệm vụ của cơ quan pháp luật là bảo vệ các quyền không bị hạn chế của đối tượng này, tuân theo quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và các văn bản liên quan. 

Thể hiện sự quan tâm đến lĩnh vực quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, ông Dai Tanaka, cán bộ phòng ngừa tội phạm và tư pháp hình sự của UNODC khu vực Đông Nam Á  - Thái Bình Dương đã gửi video bài phát biểu đến hội thảo. Ông cho rằng, “nhiều trại giam trên thế giới hiện nay đang gặp phải thách thức có liên quan đến an toàn, an ninh và quyền con người. Nhiều trại giam gặp tình trạng quá tải và có điều kiện tồi tệ, cán bộ trại giam thiếu về số lượng và quá sức trong quản lý các tù nhân, nguy cơ gây mất an ninh cao, bạo lực và các vi phạm về quyền con người…”.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi, thẳng thắn và các bài tham luận chất lượng. Về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác này, theo thượng tá Võ Văn Minh - Phó Thủ trưởng cơ quan Thi hành án hình sự Công an tỉnh Bình Thuận, thực trạng hiện nay là cơ sở vật chất, khu giam giữ chưa đáp ứng yêu cầu quản lý giam giữ; công tác khai thác phạm nhân để phục vụ hoạt động nắm tình hình, kịp thời xử lý các tình huống đột xuất chưa liên tục, hiệu quả; việc bồi dưỡng kỹ năng sư phạm, tâm lý cho cán bộ làm công tác giáo dục phạm nhân chưa thường xuyên…

Về công tác kiểm sát, theo đồng chí Nguyễn Xuân Hưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học VKSND tối cao, nhằm tăng cường vai trò của ngành Kiểm sát trong công tác này, cần sửa đổi Luật tổ chức VKSND năm 2014 và Luật thi hành án hình sự năm 2019 theo hướng: Bổ sung thời hạn các cơ quan, tổ chức khắc phục các nội dung kiến nghị của Viện kiểm sát; chế tài xử lý các cơ quan, tổ chức không trả lời kháng nghị, kiến nghị; quy định chi tiết giải quyết trường hợp cơ quan, tổ chức không đồng ý với kiến nghị của Viện kiểm sát…

Thông qua thực tiễn công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, đồng chí Trần Thị Thanh Nhàn, VKSND tỉnh Bình Thuận kiến nghị sửa đổi thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành tại khoản 1 Điều 367 BLTTHS năm 2015; kiểm tra thân thể người bị tạm giữ, tạm giam là người đồng tính, người chuyển giới tại khoản 2 Điều 16 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015; điều kiện bồi thường nghĩa vụ dân sự để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù tại Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của TAND tối cao. 

Kết luận Hội thảo, đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi - Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học VKSND tối cao đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc của các đại biểu. Ban tổ chức sẽ ghi nhận toàn bộ ý kiến đóng góp, các đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật của các đại biểu để phản ánh khi cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản luật và dưới luật liên quan./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang