Nghệ An: Hội thảo “Công bố báo cáo tình hình tội phạm và thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam"
(kiemsat.vn) Sáng 12/1 tại Nghệ An, Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin (Cục 2) VKSND tối cao, phối hợp với Wildlife Conservation Society (WCS) Việt Nam tổ chức Hội thảo “Công bố báo cáo thống kê tình hình tội phạm và thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam, giai đoạn 2020-2021”. Ông Nguyễn Như Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin (Cục 2) VKSND tối cao và ông Phạm Thành Trung, Quản lý chương trình WCS Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.
Chủ tịch nước chủ trì Hội thảo quốc gia về xây dựng Nhà nước pháp quyền
Đại học Vinh tổ chức hội thảo khoa học: “Độc lập tư pháp trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam”
Thạm dự hội thảo có đại diện các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như: Quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an; Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan; Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp; Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự, Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, VKSND tối cao; Chi cục kiểm lâm, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, VKSND và Tòa án nhân dân của 10 tỉnh/thành phố đại diện cho các khu vực Bắc – Trung – Nam cùng các nhà khoa học, nhà báo uy tín trong lĩnh vực pháp luật hình sự về Bảo vệ động vật hoang dã.
Ông Nguyễn Như Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin (Cục 2) VKSND tối cao phát biểu điều hành hội thảo (Ảnh: Nguyễn Lý) |
Phát biểu điều hành hội thảo, ông Nguyễn Như Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin (Cục 2), VKSND tối cao cho biết: “Báo cáo được tổng hợp từ phiếu thống kê của 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do VKSND các cấp phối hợp với các cơ quan chức năng cung cấp (16 địa phương còn lại không ghi nhận dữ liệu phù hợp với tiêu chí thống kê, thu thập dữ liệu). Dữ liệu được tổng hợp và phân tích theo các bộ chỉ số đề xuất bởi Liên minh phòng chống tội phạm về các loài động thực vật hoang dã toàn cầu (ICCWC), Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), các tổ chức và chuyên gia ngành Kiểm sát nhân dân trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm liên quan đến các loài động thực vật hoang dã”.
Đại diện cho VKSND các tỉnh tham dự hội thảo, Bà Dương Thị Liên, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An cho rằng: "Hội thảo đã giúp đại diện các cơ quan, các nhà khoa học, nhà báo... về bảo vệ động vật hoang dã nắm bắt được các kết quả chính của thống kê về tình hình tội phạm và thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, cùng tham gia chia sẻ và thảo luận một số nội dung về tình hình thực tế để các địa phương trong đó có Nghệ An cùng nhau trao đổi khó khăn, vướng mắc và có giải pháp thiết thực trong áp dụng pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, cũng như cơ chế phối hợp trong thống kê tội phạm".
Bà Dương Thị Liên, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An cho rằng: "Hội thảo đã cùng nhau trao đổi về các khó khăn, vướng mắc và có giải pháp thiết thực trong áp dụng pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, cũng như cơ chế phối hợp trong thống kê tội phạm". |
Bản báo cáo này là kết quả của hoạt động phối hợp giữa Cục 2, VKSND tối cao và WCS Việt Nam trong thống kê, phân tích và đánh giá tình hình tội phạm và thực thi pháp luật về bảo vệ ĐVHD trên toàn quốc, tiếp nối báo cáo giai đoạn 2013-2017 và 2018-2019.
Trong khuôn khổ hội thảo, TS Lương Thanh Hải, Chuyên gia luật học Đại học Queensland (Australia) cập nhật một số phương pháp, kỹ năng thống kê, phân tích số liệu sử dụng phổ biến trong nghiên cứu tội phạm học phục vụ cho công tác đánh giá tình hình tội phạm của một số quốc gia trên thế giới, đặc biệt là áp dụng đối với việc xác định các loại tội phạm ẩn trong phòng, chống tội phạm liên quan đến động vật hoang dã ở Việt Nam.
Thống kê cho thấy trong hai năm 2020 và 2021, các cơ quan chức năng đã khởi tố hình sự 298 vụ án với 389 bị can do có các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã nói chung và động vật nguy cấp, quý, hiếm nói riêng. Các con số này đều tăng so với giai đoạn 2018-2019, cụ thể: tăng 31 vụ án (tương đương 11,61%) và 63 bị can (tương đương 19,33%). Trong số 389 bị can bị khởi tố hình sự, hành vi buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã chiếm tỷ lệ cao nhất với 43,7%. Con số này gần như không thay đổi so với tỷ lệ 43,56% của giai đoạn 2018-2019. Tổng số tang vật là động vật hoang dã bị bắt giữ lên tới 2.046 cá thể và hơn 12.744 kg động vật hoang dã, liên quan đến 84 loài bị săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái pháp luật. Các loài bị bắt giữ phổ biến nhất là các loài nguy cấp, quý, hiếm như: tê tê java, voi, rắn hổ mang chúa, hổ, rùa đầu to, các loài rùa hộp trán vàng, đồi mồi, tê giác… với dạng tang vật phổ biến nhất là cá thể động vật hoang dã (sống, chết, đông lạnh, sấy khô - tiêu bản), hoặc xương, ngà voi, sừng tê giác.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng tỷ lệ Nam giới phạm tội liên quan đến động vật hoang dã chiếm đa số so với Nữ giới, tỷ lệ lần lượt là 83,8% (326/389 bị can) và 16,2% (63/389 bị can). Các đối tượng trong độ tuổi 30-35 chiếm tỷ lệ cao nhất với 22,37% và không có trường hợp nào là người dưới 18 tuổi phạm tội liên quan đến động vật hoang dã trong giai đoạn này.
Tương tự như giai đoạn 2018-2019, trong hai năm 2020-2021, hình phạt tù có thời hạn là loại hình phạt áp dụng chủ yếu đối với các bị cáo phạm tội liên quan đến động vật hoang dã chiếm tỷ lệ cao nhất với 49,32% (181/367 bị cáo) (giai đoạn 2018-2019 là 56,32% với 156/277 bị cáo). Tiếp đến là hình phạt án treo với 47,96% (176/367 bị cáo) (giai đoạn 2018-2019 là 41,52% với 115/277 bị cáo). Tuy nhiên, nếu xét theo số lượng bị cáo bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn và án treo lại có sự chênh lệch lớn, cụ thể giai đoạn 2018-2019 chỉ có 156 bị cáo bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn, nhưng sang giai đoạn 2020-2021 là 181 bị cáo (tăng 25 bị cáo); hình phạt án treo giai đoạn 2018-2019 chỉ có 115 bị cáo, nhưng sang giai đoạn 2020-2021 là 176 bị cáo (tăng 61 bị cáo). Nếu xét về mức hình phạt tù có thời hạn áp dụng đối với các bị cáo khi bị xét xử sơ thẩm cũng có xu hướng dần nghiêm khắc hơn, cụ thể số lượng bị cáo bị áp dụng mức hình phạt từ 10 năm tù trở lên giai đoạn 2020-2021 chiếm tỷ lệ cao hơn (6,41%) so với giai đoạn 2018-2019 (5,52%).
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Theo ghi nhận thì các thành phố lớn có cảng biển, cảng hàng không hoặc các tỉnh có đường biên giới vẫn được coi là “điểm nóng” về tội phạm liên quan đến động vật hoang dã như Hà Nội (84 vụ án/113 bị can), Nghệ An (24 vụ án/30 bị can), Thanh Hóa (16 vụ án/14 bị can), Quảng Ninh (14 vụ án/26 bị can), TP. Hồ Chí Minh (12 vụ án/10 bị can), Hà Tĩnh (8 vụ án/11 bị can),… Có 16 địa phương báo cáo không ghi nhận vụ án khởi tố hình sự liên quan đến động vật hoang dã trong giai đoạn này, gồm: Bình Định, Cà Mau, Cao Bằng, Hải Phòng, Lào Cai, Thái Bình, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Bến Tre, Đồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và Sóc Trăng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trên thực tế không có vụ vi phạm nào liên quan đến động vật hoang dã xảy ra tại các địa phương này trong giai đoạn báo cáo.
Hoạt động xây dựng báo cáo và hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam” do Cục Phòng, chống Ma túy và Thực thi Pháp luật Quốc tế (INL), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ.
Bài viết chưa có bình luận nào.