Ngành Kiểm sát phối hợp chặt chẽ với các ngành tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xét xử các vụ án về ma túy

11/03/2022 14:34

(kiemsat.vn)
Thực hiện Kế hoạch số 01/KH-BCĐ138/CP ngày 21/01/2022 của Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ và Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tội phạm năm 2022 trong ngành Kiểm sát nhân dân. Vừa qua, Ban Chỉ đạo 138 ngành Kiểm sát nhân dân ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống ma túy năm 2022.

Theo đó, VKSND các cấp tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả Chỉ thị số 36-CT-TW ngày 16/08/2019 của Bộ Chính trị; Kế hoạch của VKSND tối cao về triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong ngành Kiểm sát nhân dân và Chương trình phòng, chống và kiểm soát ma túy giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ. 

Đồng thời, tổ chức quán triệt, triển khai đầy đủ các Chương trình, Kế hoạch công tác phòng, chống ma túy của cấp trên và các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch công tác phòng, chống ma túy của cấp ủy và chính quyền địa phương; căn cứ vào diễn biến tình hình vi phạm, tội phạm về ma túy trên địa bàn và đặc điểm cụ thể của mỗi đơn vị để xây dựng chương trình công tác phòng, chống ma túy cho phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị mình.

Phối hợp với các ngành tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xét xử các vụ án về ma túy

VKSND các địa phương chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra và các Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra về tội phạm ma túy để nắm chắc, đầy đủ các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có liên quan đến tội phạm về ma túy; kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết, đề ra yêu cầu xác minh, phân loại xử lý kịp thời, đúng thời hạn.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần tăng cường tính chủ động trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử các vụ án ma túy, chú ý quan tâm các vụ án lớn, phức tạp, có tổ chức và có yếu tố nước ngoài, tang vật là ma túy thu giữ được với số lượng đặc biệt lớn được dư luận quan tâm; nắm chắc những đặc điểm, đặc trưng của loại tội phạm về ma túy, kịp thời phân loại các trường hợp bắt, giữ người phạm tội của Cơ quan điều tra, hạn chế tối đa việc giữ người sau đó không xử lý về hình sự được; thực hiện đồng bộ các giải pháp chống oan, sai và để lọt tội phạm; chủ động tăng cường hoạt động thực hành quyền công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra, tiếp cận ngay với hồ sơ vụ án để đề ra yêu cầu điều tra cụ thể; cử Kiểm sát viên tham gia kiểm sát trực tiếp hoạt động điều tra, tuân thủ quy định về giao nhận hồ sơ, tài liệu, chứng cứ, biên bản về hoạt động điều tra, thực hiện đóng dấu bút lục và sao lưu tài liệu xây dựng hồ sơ kiểm sát theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và quy chế nghiệp vụ của Ngành.

Cần chú ý không để vi phạm tố tụng có thể dẫn đến tài liệu có giá trị chứng minh nhưng không được coi là chứng cứ vì không thu thập hợp pháp; yêu cầu Cơ quan điều tra xác minh, thu giữ kịp thời các khoản tiền, tài sản của bị can và người liên quan sử dụng vào việc phạm tội và do phạm tội mà có, phát hiện kê biên tài sản đảm bảo thi hành án. Việc truy tố phải đủ căn cứ. Việc xét xử phải đúng người, đúng tội, đúng trình tự, thủ tục quy định; đề xuất mức hình phạt tương xứng với hành vi của người phạm tội để vừa bảo đảm tính trừng phạt của pháp luật và mang tính giáo dục, phòng ngừa chung.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chuyên trách trong các đợt cao điếm tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy; tăng cường các biện pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật có liên quan đến ma túy ngay từ trong cơ quan, đơn vị mình. Phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân cùng cấp để kiểm sát đầy đủ các phiên họp xét Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo đúng quy định, bảo đảm đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục được pháp luật quy định.

Tại các Nhà tạm giữ, Trại tạm giam và Trại giam, cán bộ thực hiện công tác kiểm sát cần chú trọng đến các biện pháp đấu tranh phòng ngừa việc đưa ma túy vào để sử dụng trái phép, chú ý các dấu hiệu khả nghi từ các phạm nhân và các thông tin, dư luận từ quần chúng nhân dân để kịp thời phát hiện các trường hợp sử dụng hoặc mua bán trái phép chất ma túy trong Nhà tạm giữ, Trại tạm giam hoặc Trại giam, đồng thời, có văn bản kiến nghị, xử lý nghiêm minh đối với các cá nhân, tổ chức để xảy ra vi phạm.

Ngoài ra, các đơn vị nghiệp vụ có liên quan thuộc VKSND tối cao và các VKSND cấp cao 1, 2, 3 cần tập trung quan tâm đến công tác kiểm tra, hướng dẫn địa phương; kịp thời chỉ đạo đối với các vụ án ma túy lớn, có tính chất phức tạp, có nhiều bị can, liên quan đến nhiều địa phương khác nhau do Viện kiếm sát cấp dưới thụ lý giải quyết, đảm bảo việc xử lý được nhanh chóng, kịp thời, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai; nhưng cũng không để lọt tội phạm và người phạm tội.

Duy trì quan hệ hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm có liên quan đến ma túy

Đối với những vụ án có yếu tố nước ngoài, các đơn vị chú trọng thực hiện tốt công tác tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật và của VKSND tối cao; kịp thời kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin khi có yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự đối với các vụ án về ma túy thuộc trách nhiệm giải quyết, đảm bảo đúng quy định pháp luật; các VKSND địa phương, nhất là các địa phương có đường biên giới cần phải chủ động phối hợp với các Cơ quan tiến hành tố tụng và Cơ quan có thấm quyền (Cơ quan ngoại vụ) của địa phương để có các hình thức, biện pháp trao đổi thông tin và tương trợ giúp đỡ khi xử lý các tội phạm về ma túy theo đúng quy định.

Viện kiểm sát địa phương trên cơ sở số lượng án ma túy thụ lý hàng năm cần quan tâm, sắp xếp đội ngũ công chức, Kiểm sát viên có năng lực, phẩm chất, giàu kinh nghiệm, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, có nhiệt huyết cho đơn vị, bộ phận làm án ma tuý, bảo đảm đủ biên chế đế phục vụ cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Tập trung tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân về tác động nguy hại của ma túy đối với người sử dụng, gia đình, cộng đồng và toàn thể xã hội; kết hợp với tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách và quy định của Chính phủ về công tác cai nghiện ma túy nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho cộng đồng và nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành và các tổ chức chính trị, xã hội, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân cùng chung tay thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống ma túy.

Cùng với đó, thường xuyên quan tâm quán triệt tới từng công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân phải nêu cao tinh thần gương mẫu, tuyệt đối không tham gia vào việc chứa chấp, sử dụng, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sản xuất và các hành vi vi phạm khác liên quan đến ma túy; đồng thời có trách nhiệm giáo dục con, cháu của mình và những người thân trong gia đình, bạn bè, ... tránh xa tệ nạn và tội phạm về ma túy./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang