Ngành Kiểm sát hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội giao

05/11/2019 10:13

(kiemsat.vn)
Sáng ngày 04/11, Báo cáo công tác trước Quốc hội, đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao khẳng định ngành Kiểm sát đã nỗ lực phấn đấu thực hiện, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, nhiều nhiệm vụ vượt chỉ tiêu của Quốc hội giao

Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao báo cáo trước Quốc hội

Ngành Kiểm sát đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao

Báo cáo tại Kỳ họp thứ 8, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nêu rõ, năm 2019, ngành Kiểm sát tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện và đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, nhiều nhiệm vụ vượt chỉ tiêu của Quốc hội giao, khắc phục cơ bản những tồn tại, hạn chế được Quốc hội chỉ ra trong hoạt động giám sát năm 2018, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống, tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Về tình hình tội phạm, tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính và hoạt động tư pháp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết: Năm 2019, cơ quan chức năng đã khởi tố mới tăng 8,8% so với năm 2018, riêng ngành Kiểm sát đã kiểm sát việc giải quyết tăng 18,6% vụ án tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, tăng 10% việc dân sự sơ thẩm. Công tác tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được nâng lên; vi phạm pháp luật tố tụng giảm dần; ban hành nhiều kiến nghị yêu cầu các cơ quan, tổ chức khắc phục, phòng ngừa, tỷ lệ được chấp nhận vượt 17,1% chỉ tiêu của Quốc hội.

Chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết án hình sự tiếp tục tăng lên, hạn chế các trường hợp oan sai, bỏ lọt tội phạm. Đã yêu cầu khởi tố hơn 700 vụ án, hủy bỏ khoảng 50 quyết định khởi tố vụ án, hủy bỏ 72 quyết định không khỏi tố vụ án. Các Kiểm sát viên đã tổ chức lấy lời khai gần 18.000 người bị tạm giữ, tạm giam; kiểm sát hơn 89.000 hoạt động điều tra của cơ quan điều tra; ban hành hơn 66.600 yêu cầu điều tra vụ án; tiến hành một số hoạt động điều tra gần 30.000 vụ án. Thông qua đó đã không phê chuẩn và hủy bỏ gần 700 lệnh, quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam thiếu căn cứ, trái pháp luật; yêu cầu Cơ quan điều tra thay đổi, bổ sung và khởi tố mới gần 700 vụ án.

Bên cạnh đó, ngành Kiểm sát nhân dân đã xử lý kịp thời, nghiêm minh, đảm bảo yêu cầu chính trị, yêu cầu của pháp luật về các vụ án tham những, kinh tế lớn; tiếp tục thực hiện hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về phòng chống tội phạm tham nhũng; các vụ án tham nhũng được khởi tố, điều tra tăng 3,9%.

ĐBQH nhất trí cao với báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Phát biểu tại phiên họp sáng nay, ĐBQH Bạch Thị Hương Thủy của tỉnh Hòa Bình cho biết cần xem xét điều chỉnh một số chỉ tiêu đặt ra trong dự thảo Nghị quyết về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật của các cơ quan tư pháp theo hướng giữ nguyên hoặc có thể giảm một số chỉ tiêu để sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay - nhằm bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, yêu cầu Quốc hội đã giao cho các cơ quan tư pháp nói chung và ngành Kiểm sát nói riêng. Bên cạnh đó, ĐBQH tỉnh Hòa Bình cũng đề nghị xem xét tạo điều kiện cho ngành Kiểm sát được tuyển dụng mới, bổ sung 50% nhân lực ngay sau khi đã thực hiện việc tinh giản số biên chế theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị nhằm đảm bảo quân số và các chức danh tư pháp cho Viện kiểm sát các cấp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu trong công tác, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật hiện nay.

ĐBQH nhất trí cao với báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Nghiên cứu các Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao, đại biểu Trần Hồng Hà, đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc nhận xét: Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đề cập khá toàn diện các mặt hoạt động như công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án, công tác chống oan sai và bỏ lọt tội phạm. Các hoạt động này tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, trách nhiệm công tố được tăng cường đã góp phần quan trọng cho việc nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác. Đại biểu Trần Hồng Hà cũng đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần có các giải pháp cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao hơn nữa chất lượng, năng lực chuyên môn đối với các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên nhằm đảm bảo công tác thực hiện quyền công tố, kiểm soát, giải quyết các vụ án có hiệu quả, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, chống bức cung, nhục hình, chống lạm dụng các biện pháp bắt tạm giữ, tạm giam, chống oan sai và bỏ lọt tội phạm.

Bày tỏ sự đồng tình với phát biểu của ĐBQH Bạch Thị Hương Thủy (ĐBQH tỉnh Hòa Bình), Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (ĐBQH tỉnh Bến Tre) bổ sung thêm: “Đề nghị Quốc hội là nếu các cơ quan tư pháp của chúng ta hiện nay chưa thực hiện tốt được nhiệm vụ là có 2 vấn đề. Nếu là do nội lực thì đề nghị các các cơ quan đó phải tìm cách tăng nội lực của mình lên, phải tu luyện, phải tinh thông; còn nếu chưa đủ nội lực, đề nghị Đảng, Nhà nước có những điều kiện hỗ trợ;  chúng ta không thể hạ thấp các chỉ tiêu về phòng chống tội phạm, đặc biệt là chỉ tiêu xử lý đúng người, đúng tội...”

Kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tới Quốc hội

Trên cơ sở chỉ ra kết quả đạt được và tồn tại hạn chế, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí kiến nghị Quốc hội một số vấn đề. Theo đó, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về công tác tư pháp thay thế cho các Nghị quyết trước đây để bảo đảm thống nhất các nội dung, trong đó các chỉ tiêu cần có tính khả thi, phù hợp với tình hình mới, đáp ứng được yêu cầu pháp luật và năng lực hiện hữu của các cơ quan tố tụng. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng chỉ rõ, thực tế có 5 nguyên nhân ảnh hưởng đến các tồn tại, hạn chế của ngành nhưng trong đó có 2 nguyên nhân khách quan là số vụ án, vụ việc tăng cả về Hình sự, Dân sự, Hành chính; đồng thời yêu cầu của pháp luật cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ mới cho ngành Kiểm sát; nếu chỉ giữ nguyên các chỉ tiêu như các Nghị quyết hiện hành đã phải nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao mới thực hiện được, nay tăng lên thì khó khả thi, khó thực hiện, hoàn thành được trong thực tiễn.

Đồng thời, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cũng đề nghị Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu xây dựng cơ chế pháp luật để giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp; giao cho cơ quan có chức năng, nhiệm vụ, điều kiện phù hợp thực hiện nhiệm vụ này để hạn chế những hậu quả gây ra từ văn bản quy phạm ban hành trái luật; có cơ chế xử lý và thu hồi sớm các tài sản nhà nước bị thất thoát chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tránh tính trạng đóng băng tài sản gây lãng phí, cũng như các hệ lụy khác.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nêu rõ, để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong việc lập hồ sơ, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện tập trung, đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/1/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân và có cơ chế xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo yêu cầu của Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang