Nên xem xét, truy tố M về tội "Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh"

21/01/2021 12:41

(kiemsat.vn)
Sau khi nghiên cứu bài viết "Nhiều người cùng đánh một người gây thương tích thì xử lý như nào?" của tác giả Vàng Văn Vượng đăng trên Tạp chí Kiểm sát điện tử ngày 22/12/2020. Tác giả bài viết cho rằng nên truy tố M về tội "Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh" theo điểm b khoản 2 Điều 135 BLHS 2015

Trước hết, vấn đề trạng thái tinh thần bị kích động được hướng dẫn tại điểm b mục 1 Chương 2 Nghị quyết số 04/HĐTP/NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của BLHS, theo đó: “Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người...”.

Tuy nhiên, tình trạng tinh thần bị kích động mạnh cần được hiểu là tình trạng người không còn nhận thức đầy đủ về hành vi phạm tội của mình như lúc bình thường nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức (nghĩa là khả năng kiềm chế và điều khiển hành vi của họ vẫn còn, nếu khả năng kiềm chế và điều khiển hành vi của họ bị mất thì rất có thể họ thuộc một trong những trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự). Sự kích động mạnh đó phải là tức thời, do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.

Để xác định trường hợp người phạm tội bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại gây ra, phải căn cứ vào hành vi trái pháp luật của người bị hại đối với người phạm tội, người thân thích, người khác có quan hệ thân thiết với người phạm tội. Hành vi trái pháp luật của người bị hại phải là nguyên nhân làm cho người phạm tội bị kích động mạnh về tinh thần hoặc trạng thái tinh thần của người phạm tội phải lâm vào tình trạng bị kích động.

Trên thực tế, để xác định một người có bị kích động mạnh về tinh thần hay không là một vấn đề phức tạp, bởi vì trạng thái tâm lý, sự kiềm chế của mỗi người khác nhau. Cùng một sự việc nhưng có người bị kích động mạnh về tinh thần, nhưng cũng có người vẫn bình thản đón nhận. Do vậy trên thực tế có nhiều xử sự khác nhau, tùy trường hợp và tùy từng cá nhân người phạm tội.

Trường hợp tác giả Vàng Văn Vương đưa ra có thể thấy sự việc xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị hại, X đã có hành vi vô cớ tát vào mặt M khiến M bị đau, X còn chửi bới, xúc phạm M và N sau đó bảo T chạy về lấy dao trèo cổng vào đe dọa thách thức M, N. Hành vi của X là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng, có tính chất côn đồ hung hãn, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của M, N và nhiều sinh viên khác. Đồng thời gây bức xúc, kích động mạnh về tinh thần cho người phạm tội.

Xem xét một cách toàn diện các tình tiết của vụ án, quá trình diễn biến của sự việc, nghề nghiệp (M, N và 14 đối tượng còn lại đều đang là sinh viên), trình độ văn hóa, hoàn cảnh, quan hệ giữa người phạm tội với nạn nhân... tác giả cho rằng nên truy tố M về tội "Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh" theo điểm b khoản 2 Điều 135 BLHS 2015 , vì hành vi của M là nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết cho bị hại. Còn đối với 14 đối tượng còn lại, do bị hại đã chết, không xác định được tỷ lệ từng tổn thương trên cơ thể nên không đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích, chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính.

Trên đây là quan điểm đưa ra trao đổi cùng tác giả bài viết, quý bạn đọc và đồng nghiệp./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang