Nâng cao kỹ năng kiểm sát việc áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo thu hồi tài sản cho nhà nước trong các vụ án tham nhũng, chức vụ

29/09/2022 06:42

(kiemsat.vn)
Ngày 28/9/2022, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến "Tập huấn kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo thu hồi tài sản cho nhà nước trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ". Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, đồng chí Nguyễn Quang Dũng.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu VKSND tối cao có các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao, lãnh đạo và toàn thể công chức các đơn vị: Vụ 1, Vụ 3, Vụ 5, Vụ 6, Vụ 7, Vụ 11 và Cục 1; lãnh đạo và một số công chức các đơn vị: Vụ 13, Vụ 14, Vụ 15, Văn phòng, Cục 2, Thanh tra VKSND tối cao, VKSND cấp cao tại Hà Nội. Tại hơn 800 điểm cầu các đơn vị, VKSND và Viện kiểm sát quân sự các cấp có lãnh đạo và công chức các đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự; đại diện Ban Giám hiệu, lãnh đạo, giảng viên các khoa, phòng liên quan đến pháp luật hình sự, kiểm sát hình sự và điều tra tội phạm của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong những năm qua, tội phạm tham nhũng, chức vụ và kinh tế luôn có diễn biến phức tạp, xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, các cấp, các ngành. Từ năm 2019 đến nay, trên toàn quốc đã phát hiện, khởi tố mới trên 10.000 vụ án với hơn 18.000 bị can. Trong đó tội phạm tham nhũng, chức vụ hơn 1.300 vụ với hơn 3.500 bị can; tội phạm kinh tế gần 9.000 vụ với gần 15.000 bị can. Đặc biệt, có nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp, số tiền bị thất thoát, chiếm đoạt đặc biệt lớn, dư luận xã hội quan tâm; quá trình giải quyết vụ án đã làm rõ bản chất tham nhũng, tiêu cực trong nhiều vụ án, khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang để điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, điển hình như: Vụ án Đinh Ngọc Hệ, vụ án Phan Văn Anh Vũ, vụ án Lê Tấn Hùng...; gần đây là vụ án Công ty Việt Á, vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Vụ án FLC; Tân Hoàng Minh... nhiều vụ án gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn về tài sản cho Nhà nước như: vụ Phan Văn Anh Vũ, vụ AVG, vụ Tổng công ty SX-XNK Bình Dương...

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng và Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng và lâu dài. Trong những năm qua, nhất là từ Đại hội XII của Đảng đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo cùng sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có bước tiến mạnh, đạt được những kết quả rất quan trọng, toàn diện, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị.

Cùng với đó, công tác thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế cũng được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có nhiều chuyển biến, thể hiện rõ sự quyết tâm của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và vai trò, trách nhiệm, sự quyết liệt của VKSND nói riêng, nhiều vụ án gây hậu quả thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước đã được thu hồi triệt để, góp phần quan trọng vào kết quả chung của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Toàn cảnh Hội nghị.

Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các Hội nghị và các Phiên họp Ban chỉ đạo, Cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo.

Đồng thời, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo toàn Ngành tăng cường công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án và thu hồi tài sản; chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị, Viện trưởng VKSND các cấp chủ động, quyết liệt hơn trong công tác thu hồi tài sản; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án tham nhũng, kinh tế; tập trung chỉ đạo tăng cường trách nhiệm công tố, phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng, chiếm đoạt trong các vụ án, vụ việc và áp dụng các biện pháp để bảo đảm thu hồi tài sản; động viên, khuyến khích bị can, bị cáo tự nguyện giao nộp tài sản, khắc phục hậu quả thiệt hại; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo kiểm sát việc thi hành phần dân sự trong các bản án.

Bên cạnh đó, chú trọng đẩy mạnh việc xây dựng và ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự; thỏa thuận hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là tăng cường phối hợp để thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản; chủ động đề ra yêu cầu điều tra, yêu cầu xác minh tài sản, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp để phát hiện, thu giữ tài sản; động viên, khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản đã chiếm đoạt, tự nguyện khắc phục hậu quả thiệt hại.

Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu toàn ngành Kiểm sát tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng; yêu cầu người đứng đầu cấp uỷ, đơn vị chịu trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan liên quan trong công tác phát hiện và thu hồi tài sản ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm nhằm chống việc tẩu tán tài sản và trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Cùng với đó, phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ vướng mắc.

Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu Kiểm sát viên, công chức thực hiện công tác này cần quyết tâm, quyết liệt; thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy, nâng cao kỹ năng, nắm chắc và thực thi chặt chẽ các quy định pháp luật.

Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao đánh giá cao chuyên đề các đơn vị báo cáo, tham luận tại Hội nghị, qua đó đã tập trung phân tích, làm sáng tỏ những chủ trương lớn của Đảng trong công tác thu hồi tài sản cho nhà nước trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao quán triệt, tiếp thu ý kiến chỉ đạo và những yêu cầu của đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao đối với toàn Ngành trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ.

Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Trâm cũng đề nghị, thông qua Hội nghị, các đồng chí lãnh đạo, Kiểm sát viên VKS các cấp trong toàn Ngành khi được giao thực hành quyền công tố, giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế chức vụ và kiểm sát thi hành án dân sự cần chủ động, tích cực nghiên cứu, quán triệt việc thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định, quy chế, hướng dẫn nghiệp vụ của Ngành về công tác thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết án, thủ trưởng các đơn vị phải thường xuyên đặt ra yêu cầu đối với Kiểm sát viên và tích cực, chủ động đề ra biện pháp để yêu cầu Cơ quan điều tra và các cơ quan liên quan khẩn trương xác minh, truy tìm, hạn chế, ngăn chặn việc giao dịch, chuyển dịch tài sản liên quan đến đối tượng trong vụ án, vụ việc. Kiểm sát viên trong quá trình trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án cần có độ nhạy bén, thông minh khi tiếp cận thông tin và xử lý kịp thời thông tin về tài sản của đối tượng phạm tội. Các đơn vị thuộc VKSND tối cao (Vụ 3, Vụ 5, Vụ 11, Vụ 14) đặc biệt chú trọng công tác hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc; các cơ sở đào tạo của Ngành sau Hội nghị cần tiếp thu nội dung các chuyên đề, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo VKSND tối cao để xây dựng thành các chuyên đề giảng dạy trong Nhà trường.

Đẩy mạnh thanh tra, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai

(Kiemsat.vn) - Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm, làm hủy hoại đất, thoái hóa đất, hành vi trốn thuế trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai.

Cần đồng bộ, thống nhất trong quy định về quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng

(Kiemsat.vn) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 15, sáng 15/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang