Một số quy định về quản lý, sử dụng tài sản công
(kiemsat.vn) Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý và được quy định Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017
Theo đó, Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.
Tại Điều 4 Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017 (được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 2 Điều 71 Luật Viễn thông 2023) có hiệu lực từ ngày 01/07/2024 thì tài sản công được phân loại như sau:
- Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội, trừ tài sản quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017 (sau đây gọi là tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị);
- Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công trình kết cấu hạ tầng xã hội và vùng đất, vùng nước, vùng biển gắn với công trình kết cấu hạ tầng, bao gồm: hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng đô thị, hạ tầng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, hạ tầng thương mại, hạ tầng thông tin, hạ tầng giáo dục và đào tạo, hạ tầng khoa học và công nghệ, hạ tầng y tế, hạ tầng văn hóa, hạ tầng thể thao, hạ tầng du lịch và hạ tầng khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi là tài sản kết cấu hạ tầng);
- Tài sản công tại doanh nghiệp;
- Tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước;
- Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật bao gồm: tài sản bị tịch thu; tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, tài sản không có người nhận thừa kế và tài sản khác thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật Dân sự; tài sản do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước; tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động; tài sản được đầu tư theo hình thức đối tác công tư được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án;
- Tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và dự trữ ngoại hối nhà nước;
- Đất đai; tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước, tài nguyên Internet Việt Nam, phổ tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và các tài nguyên khác do Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017 thì có các Nghị định, thông tư hướng dẫn sử dụng tài sản công. Cụ thể:
1. Nghị định 129/2017/NĐ-CP về quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi. Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi do Nhà nước đầu tư, quản lý. Một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định này là quy định về quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi tại Mục 1 Chương II, quy định về bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi tại Mục 3 Chương II, hay quy định về xử lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi tại Mục 5 Chương II.
2. Nghị định 151/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật quản lý, sử dụng tài sản công. Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 về chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội; đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.
3. Nghị định 152/2017/NĐ-CP về quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp. Một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định này là quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp tại Điều 3; quy định về diện tích làm việc của các chức danh tại Điều 5; hay quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích nhà làm việc tại Điều 8.
4. Nghị định 166/2017/NĐ-CP về quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng tài sản công của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, bao gồm:
- Trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; nhà ở; nhà riêng Đại sứ;
- Xe ô tô và phương tiện vận tải khác;
- Máy móc, thiết bị;
- Tài sản khác theo quy định của pháp luật.
5. Nghị định 70/2018/NĐ-CP quy định về việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước. Cụ thể quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước gồm:
- Tài sản trang bị để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước.
- Tài sản trang bị để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng một phần ngân sách nhà nước.
- Tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước.
- Tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng một phần ngân sách nhà nước.
Trong đó, Chương II Nghị định này quy định về quản lý, sử dụng tài sản trang bị để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; Chương III quy định về quản lý, sử dụng tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
6. Nghị định 85/2018/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, gồm:
- Xe ô tô phục vụ công tác của các chức danh (sau đây gọi là xe ô tô chức danh);
- Xe ô tô phục vụ công tác chung;
- Xe ô tô chuyên dùng.
7. Nghị định 72/2023/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, khoán kinh phí sử dụng xe ô tô; thuê dịch vụ xe ô tô và sắp xếp lại, xử lý xe ô tô, gồm:
- Xe ô tô phục vụ công tác các chức danh.
- Xe ô tô phục vụ công tác chung.
- Xe ô tô chuyên dùng.
- Xe ô tô phục vụ lễ tân nhà nước.
Trong đó, Mục 1 Chương II Nghị định này quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác các chức danh; Mục 2 Chương II quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung; hay quy định tại Chương IV về sắp xếp lại, xử lý xe ô tô.
8. Nghị định 165/2017/NĐ-CP về quy định việc quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam
Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam bao gồm cơ quan của Đảng và đơn vị sự nghiệp của Đảng ở trung ương và địa phương. Trong đó, Chương II Nghị định này quy định về quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan của Đảng với một số nội dung đáng chú ý như là:
- Quy định về mua sắm tài sản tại cơ quan của Đảng tại Điều 13;
- Quy định về sử dụng tài sản tại cơ quan của Đảng tại Điều 17;
- Quy định về thanh lý tài sản tại cơ quan của Đảng tại Điều 27.
Bên cạnh đó, Chương III Nghị định này quy định về quản lý, sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp của Đảng.
9. Nghị định 167/2017/NĐ-CP về quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, gồm:
- Đất, nhà, công trình gắn liền với đất (sau đây gọi là nhà, đất) của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này đang quản lý, sử dụng, trừ nhà, đất quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định này;
- Xe ô tô;
- Máy móc, thiết bị và tài sản công khác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.
10. Nghị định 29/2018/NĐ-CP về quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Nghị định quy định về thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản quy định tại các Khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 106 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
11. Nghị định 43/2018/NĐ-CP quy định về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Trong đó, Chương II Nghị định này quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải với Mục 1 về quản lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải, Mục 4 về khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải, và Mục 5 về xử lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải.
12. Nghị định 44/2018/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý. Một số nội dung quan trọng tại Nghị định này là quy định về giao tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại Mục 1 Chương II, quy định về khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại Mục 4 Chương II, hay quy định về xử lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại Mục 5 Chương II.
13. Nghị định 45/2018/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Nội dung đáng chú ý tại Nghị định này là quy định về Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa tại Mục 1 Chương II, quy định về khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa tại Mục 4 Chương II, hay quy định về xử lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa tại Mục 5 Chương II.
14. Nghị định 46/2018/NĐ-CP quy định về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Trong đó, Mục 1 Chương II Nghị định này quy định về quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, Mục 4 Chương II quy định về khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, và Mục 5 Chương II quy định về xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
15. Nghị định 114/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 151/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Nghị định 114/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/10/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 151/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều khoản đáng chú ý tại Nghị định 151/2017/NĐ-CP như là:
- Sửa đổi Điều 21 về trình tự, thủ tục điều chuyển tài sản công tại Khoản 13 Điều 1;
- Sửa đổi, bổ sung Điều 24 về bán tài sản công theo hình thức đấu giá tại Khoản 16 Điều 1;
- Sửa đổi Điều 37 về mua sắm tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập tại Khoản 30 Điều 1;
- Sửa đổi Điều 79 về thanh toán tiền mua sắm tài sản tại Khoản 52 Điều 1.
16. Nghị định 108/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/10/2024 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở (sau đây gọi là nhà, đất) giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định này quản lý, khai thác với mục đích:
- Cho thuê nhà (gắn với quyền sử dụng đất).
- Tạm quản lý trong thời gian chờ thực hiện xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật.
Trong đó, Chương II Nghị định này quy định về quản lý nhà, đất giao cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà quản lý, khai thác; Chương III quy định về quản lý, sử dụng số tiền thu được từ khai thác nhà, đất của tổ chức quản lý, kinh doanh nhà.
17. Nghị định 63/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước.
Nghị định quy định về các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực sau đây:
- Quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản dự án sử dụng vốn nhà nước; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý;
- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
- Dự trữ quốc gia;
- Kho bạc nhà nước.
Trong đó, quy định về các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công được thể hiện cụ thể tại Chương II Nghị định này.
18. Thông tư 48/2023/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, khai thác Phần mềm Quản lý tài sản công do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
Tài sản công cập nhật thông tin vào Phần mềm gồm:
- Tài sản công tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội (sau đây gọi là cơ quan, tổ chức, đơn vị).
- Tài sản phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn nhà nước.
- Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định về điều kiện sử dụng Phần mềm tại Điều 4; quy định về định danh mã đơn vị đăng ký tài sản trong Phần mềm tại Điều 7; hay quy định về nhập dữ liệu tài sản vào Phần mềm tại Điều 9.
19. Thông tư 29/2020/TT-BTC về hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
Thông tư hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định tại Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước.
20. Thông tư 45/2018/TT-BTC về hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành.
Thông tư quy định chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định này là quy định về tiêu chuẩn nhận biết tài sản cố định tại Điều 3, quy định về phạm vi tài sản cố định tính hao mòn, khấu hao tại Điều 12, hay quy định về phương pháp tính hao mòn tài sản cố định tại Điều 15.
21. Thông tư 23/2023/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, bao gồm:
- Tài sản cố định tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội.
- Tài sản cố định là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội quy định tại khoản 1 Điều 69, khoản 2 Điều 70 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
- Tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định này là quy định về xác định nguyên giá tài sản cố định hữu hình, vô hình, đặc thù lần lượt tại Điều 6, Điều 7, Điều 8; quy định về phương pháp tính hao mòn tài sản cố định tại Điều 14; hay quy định về trích khấu hao tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập tại Điều 15.
22. Quyết định 11/2024/QĐ-TTg về Tiêu chuẩn diện tích và định mức trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Một số nội dung đáng chú ý tại Quyết định này là:
- Quy định về tiêu chuẩn diện tích và định mức trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ đối với cơ quan trung ương (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) tại Điều 4;
- Quy định về tiêu chuẩn diện tích và định mức trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ đối với địa phương tại Điều 5;
- Quy định về tiêu chuẩn diện tích và định mức trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an lần lượt tại Điều 6 và Điều 7.
23. Quyết định 50/2017/QĐ-TTg về quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Trong đó, Chương II Quyết định này quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị với các nội dung cụ thể như sau:
- Quy định về tiêu chuẩn định mức sử dụng máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến tại Mục 1;
- Quy định về máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động chung tại Mục 2;
- Quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng tại Mục 3.
-
1Khen thưởng VKSND quận Cầu Giấy trong chuyên án bắt giữ đối tượng Phó Đức Nam - "Mr Pips"
-
2VKSND quận Cầu Giấy phê chuẩn quyết định khởi tố bị can vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
-
3Công điện của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
-
4Một số quy định về công chứng điện tử theo Luật Công chứng 2024
-
5Các hành vi thao túng thị trường chứng khoán từ ngày 01/01/2025
-
6VKSND TP Hà Tĩnh phê chuẩn quyết định khởi tố nhóm đối tượng gây rối trật tự công cộng
-
7Hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động công chứng?
-
8Lãi suất đối với dư nợ của những khoản cho vay hỗ trợ nhà ở trong năm 2025
-
9VKSND huyện Kỳ Anh phối hợp với TAND cùng cấp tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng thuê tài sản
Bài viết chưa có bình luận nào.