Một số quy định về công chứng điện tử theo Luật Công chứng 2024

23/12/2024 10:37

(kiemsat.vn)
Luật Công chứng được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2024 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025 (Luật Công chứng 2024) quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng; trong đó, tại Mục 3 Chương V của Luật này đã quy định về công chứng điện tử.

Nguyên tắc và phạm vi công chứng điện tử

Theo Điều 62 Luật Công chứng 2024 quy định về Nguyên tắc và phạm vi công chứng điện tử như sau: Công chứng điện tử là việc công chứng được thực hiện bằng phương tiện điện tử để tạo lập văn bản công chứng điện tử, tuân thủ nguyên tắc quy định tại Điều 5 của Luật này và các nguyên tắc sau đây: Bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu và bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật; thông tin trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu; Công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng được cung cấp dịch vụ công chứng điện tử khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 63 của Luật Công chứng 2024.

Căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu và khả năng cung cấp dịch vụ công chứng điện tử trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định về phạm vi các giao dịch được công chứng điện tử. Chính phủ quy định chi tiết Điều 63 và Điều 64 của Luật Công chứng 2024.

Điều kiện cung cấp dịch vụ công chứng điện tử

Theo Điều 63 Luật Công chứng 2024 quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ công chứng điện tử nêu rõ: Công chứng viên được cung cấp dịch vụ công chứng điện tử khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Có tài khoản để thực hiện công chứng điện tử; có chữ ký số và sử dụng dịch vụ cấp dấu thời gian theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Tổ chức hành nghề công chứng được cung cấp dịch vụ công chứng điện tử khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Có tài khoản để thực hiện công chứng điện tử; có chữ ký số và sử dụng dịch vụ cấp dấu thời gian theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; có đủ trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công chứng điện tử.

Văn bản công chứng điện tử

Văn bản công chứng điện tử là chứng thư điện tử được tạo lập theo nguyên tắc và phạm vi quy định tại Điều 62 của Luật Công chứng 2024. Văn bản công chứng điện tử có hiệu lực kể từ thời điểm được ký bằng chữ ký số của công chứng viên và chữ ký số của tổ chức hành nghề công chứng.

Văn bản công chứng điện tử có giá trị pháp lý theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 6 của Luật Công chứng 2024.

Việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản công chứng điện tử và văn bản công chứng giấy được thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Văn bản công chứng được chuyển đổi có giá trị như bản gốc khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, trừ trường hợp pháp luật quy định loại văn bản đó được chuyển giao quyền sở hữu và chỉ được tồn tại dưới một hình thức duy nhất.

Theo Điều 6 Luật Công chứng 2024 quy định về hiệu lực và giá trị pháp lý của văn bản công chứng như sau: 

- Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ thời điểm được công chứng viên ký và tổ chức hành nghề công chứng đóng dấu vào văn bản; trường hợp là văn bản công chứng điện tử thì có hiệu lực kể từ thời điểm được ký bằng chữ ký số của công chứng viên và chữ ký số của tổ chức hành nghề công chứng.

- Văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan, là cơ sở để các bên tham gia giao dịch đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các thủ tục liên quan đến giao dịch đã được công chứng.

- Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.

Như vậy, văn bản công chứng điện tử có hiệu lực kể từ thời điểm được ký bằng chữ ký số của công chứng viên và chữ ký số của tổ chức hành nghề công chứng.

Về quy trình, thủ tục, hồ sơ công chứng điện tử

Việc công chứng điện tử được thực hiện theo quy trình công chứng điện tử trực tiếp hoặc công chứng điện tử trực tuyến và được quy định như sau: Công chứng điện tử trực tiếp là việc người yêu cầu công chứng giao kết giao dịch trước sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên; công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận giao dịch bằng chữ ký số để tạo ra văn bản công chứng điện tử; công chứng điện tử trực tuyến là việc các bên tham gia giao dịch có yêu cầu công chứng không có mặt tại cùng một địa điểm và giao kết giao dịch thông qua phương tiện trực tuyến trước sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên; công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận giao dịch bằng chữ ký số để tạo ra văn bản công chứng điện tử.

Thủ tục công chứng điện tử thực hiện theo quy định tại Mục 1 (Thủ tục chung về công chứng) và Mục 2 (Thủ tục công chứng một số giao dịch, nhận lưu di chúc) Chương V (Thủ tục công chứng giao dịch) của Luật Công chứng 2024. Chính phủ quy định chi tiết về quy trình, thủ tục công chứng điện tử; quy định về hồ sơ công chứng điện tử.

Vụ 9 VKSND tối cao: Chuẩn bị các điều kiện để thực hiện thí điểm tố tụng dân sự công ích trong năm 2025

(Kiemsat.vn) - Ngày 20/12/2024, Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình (Vụ 9) VKSND tối cao tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2025. Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.

Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật, 1 pháp lệnh

(Kiemsat.vn) - Chiều 20/12/2024, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam công bố các Luật, pháp lệnh đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 8 thông qua. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Trà chủ trì buổi họp báo.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang