Một số kỹ năng tuyên truyền miệng về pháp luật cho người làm công tác trong ngành Kiểm sát

18/10/2021 17:54

(kiemsat.vn)
Tuyên truyền miệng về pháp luật trong ngành Kiểm sát nhân dân (KSND) là một hình thức đặc biệt của tuyên truyền, do cán bộ, công chức, viên chức, Kiểm sát viên của Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành tuyên truyền đến các nhóm đối tượng dưới nhiều hình thức khác nhau. Để hoạt động tuyên truyền miệng về pháp luật đạt hiệu quả, người tuyên truyền trong ngành KSND cần một số kỹ năng sau:

Phát huy ưu thế đặc trưng của tuyên truyền miệng, quy định về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân

Tuyên truyền miệng về pháp luật trong ngành KSND là sự giao tiếp trực tiếp của lãnh đạo, nhà khoa học, chuyên gia, Kiểm sát viên, báo cáo viên pháp luật… (gọi chung là người tuyên truyền) để truyền đạt, cung cấp, trao đổi thông tin, tri thức pháp luật đến đối tượng được tuyên truyền: Giải thích được những vấn đề về pháp luật chưa thể tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện được chức năng thông tin cả 2 chiều, không mang tính áp đặt; có thể sử dụng triệt để nhất ưu thế của ngôn ngữ nói và kết hợp sự bổ trợ khác; có thể tiến hành thường xuyên, rộng rãi ở nhiều nơi, trong các điều kiện khác nhau. Các hình thức tuyên truyền trong ngành KSND được tiến hành qua các buổi tập huấn, tọa đàm; nói chuyện chuyên đề về pháp luật; thông qua thực hiện hoạt động nghiệp vụ kiểm sát; lồng ghép việc tuyên truyền pháp luật vào buổi họp, sinh hoạt, giao lưu...

Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất (khoản 2 Điều 1 Luật tổ chức VKSND năm 2014), do đó người làm công tác kiểm sát phải là người có đủ các tiêu chuẩn theo quy định, có trình độ hiểu biết về pháp luật do đó đảm bảo độ tin cậy cao đối với người nghe khi được tuyên truyền miệng về pháp luật bởi người công tác trong ngành Kiểm sát.

Bảo đảm các nguyên tắc trong tuyên truyền miệng về pháp luật

Tính Đảng là nguyên tắc cơ bản hàng đầu của công tác tuyên truyền miệng về pháp luật. Khi tuyên truyền phải đúng với định hướng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Bảo vệ công lý, lẽ phải, tính nhân văn, pháp luật của nhà nước ta thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, bảo vệ lợi ích của nhân dân, đó là hệ thống pháp luật của nhân dân, do nhân dân, được xây dựng trên nền tảng đạo đức, truyền thống tốt đẹp, thuần phong mĩ tục của dân tộc. Chính vì vậy, tuyên truyền miệng về pháp luật phải thể hiện ý thức thượng tôn pháp luật, khẳng định và bảo vệ cái đúng, xây dựng những tư tưởng, tình cảm lành mạnh, uốn nắn những quan điểm, tư tưởng lệch lạc, đấu tranh chống các luận điểm phản tuyên truyền, các biểu hiện tiêu cực.

Người tuyên truyền cần tôn trọng các nguyên tắc sư phạm. Từ bố cục bài nói, diễn đạt, liên kết giữa các đoạn văn đến cách nói đều phải rõ ràng, mạch lạc, lôgic. Người nghe cần được dẫn dắt từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ gần đến xa (phương pháp suy diễn) hoặc từ xa đến gần (phương pháp quy nạp) và tùy từng vấn đề mà dùng lý luận soi sáng cho thực tiễn hoặc từ thực tiễn mà đi sâu vào lý luận, chỉ ra những bất cập... để người nghe hiểu rõ hơn về những vấn đề mà người tuyên truyền đã nêu ra. Việc phân tích, diễn giải, chứng minh đều phải luôn bám sát trọng tâm của vấn đề.

Tính khoa học, chân thực, khách quan: Đòi hỏi tuyên truyền miệng phải nói đúng sự thật, không tránh né, không cực đoan, một chiều, làm cho người nghe hiểu rõ cơ sở khách quan, khoa học, có đủ căn cứ lý luận và thực tiễn để nâng cao sức thuyết phục, làm cho người nghe tin tưởng vào sự đúng đắn của vấn đề tuyên truyền đặt ra. 

Tính quần chúng: Nội dung tuyên truyền, mối quan hệ giữa nhiệm vụ tuyên truyền đặt ra và yêu cầu, nguyện vọng, lợi ích của người nghe nhất là nhân dân phải được đảm bảo.

Thực hiện phương châm tiến hành tuyên truyền miệng về pháp luật

- Chủ động và tích cực phục vụ nhiệm vụ chính trị. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, tuyên truyền phải đi trước một bước để nâng cao nhận thức về pháp luật, làm nền tảng cho việc chấp hành pháp luật. Phân tích và hướng dẫn dư luận xã hội là một trong những chức năng cơ bản của công tác tuyên truyền miệng. 

- Nhạy bén, kịp thời. Bám sát thực tiễn về nội dung tuyên truyền, thi hành pháp luật, những vấn đề mới nảy sinh để kịp thời tuyên truyền giải thích; chủ động, nhạy bén nắm bắt tình hình thế giới, khu vực và trong nước liên quan đến nội dung tuyên truyền. 

- Cụ thể, thiết thực. Tuyên truyền miệng về pháp luật phải cụ thể, có căn cứ, số liệu, tư liệu, sự kiện, lập luận rõ ràng, ngắn ngọn, dễ hiểu, làm cho nội dung tuyên truyền trở nên phong phú, sinh động, hấp dẫn, có sức thuyết phục cao, đáp ứng yêu cầu của đối tượng. 

- Kết hợp xây và chống. Nội dung tuyên truyền phải kết hợp hài hòa giữa xây và chống, giữa biểu dương cái tốt, cái mới phê phán cái sai, cực đoan một chiều.

Các phương pháp sử dụng trong tuyên truyền miệng về pháp luật

Tuyên truyền miệng về pháp luật chủ yếu dùng phương pháp thuyết phục với ba bộ phận cấu thành là chứng minh, giải thích và phân tích.

- Chứng minh là cách thuyết phục chủ yếu dựa vào các dẫn chứng xác thực, khách quan để làm sáng tỏ và xác nhận tính đúng đắn của vấn đề. Các dẫn chứng đưa ra gồm số liệu, sự kiện, hiện tượng, nhân chứng... phải chính xác, tiêu biểu, toàn diện và sát với vấn đề nêu ra mới thuyết phục.

- Giải thích là dùng lý lẽ để giảng giải giúp người nghe hiểu rõ và hiểu đúng vấn đề. Lập luận trong khi giải thích phải chặt chẽ, chính xác, mạch lạc, khúc triết, không ngụy biện.

- Phân tích, diễn giải, đánh giá vấn đề nhằm tìm được đặc điểm, bản chất, điểm mạnh, điểm yếu, điểm tốt, điểm xấu, sự phù hợp, không phù hợp... của vấn đề. Phân tích phải có lập luận dựa trên cơ sở khoa học, đưa ra cách lý giải các nội dung, dẫn chứng minh hoạ (tư liệu, tài liệu, số liệu, thực tế...) làm rõ bản chất vấn đề, quan điểm..., để định hướng nhận thức pháp luật. Sau khi phân tích phải có kết luận, đánh giá, hướng người nghe vào định hướng tư duy đúng đắn, không làm cho người nghe hoài nghi, dao động, thiếu tin tưởng.

Tuyên truyền cho người chấp hành pháp luật thì sử dụng phương pháp diễn giải, nêu bản chất, ý nghĩa của vấn đề, mục đích, sự cần thiết, ý nghĩa của các quy phạm liên quan đến từng đối tượng, phân tích quyền và nghĩa vụ của các chủ thể được pháp luật điều chỉnh, cơ chế thực hiện quyền và nghĩa vụ đó...

Tạo sự hứng thú, thiện cảm ban đầu, sự hấp dẫn, bất ngờ, ấn tượng trong khi tuyên truyền  

Người tuyên truyền tạo được thiện cảm cho người nghe bằng danh tiếng, phẩm chất đạo đức, học hàm, học vị, kích thích người nghe háo hức chờ đón buổi tuyên truyền. Thiện cảm ban đầu còn được tạo ra bởi khung cảnh của hội trường, khung cảnh của diễn đàn, dáng vẻ bề ngoài, y phục, nét mặt, cử chỉ, phong thái. Bước vào nơi tuyên truyền, người tuyên truyền cần phải tươi cười, nhìn bao quát hội trường, có lời chào, thông báo chương trình tiến hành tuyên truyền... sẽ gây được thiện cảm ban đầu. Tuy nhiên, thiện cảm ban đầu chủ yếu ở cách đặt vấn đề của người tuyên truyền. Trong những phút đầu tiên giới thiệu, người tuyên truyền phải nêu được 3-4 vấn đề chủ yếu mà người nghe cần tìm hiểu nhất. Ví dụ: Khi tuyên truyền cho đối tượng là học sinh về Luật phòng chống ma túy, người tuyền truyền phải nói được các nội dung cơ bản của luật này, tác hại của ma túy nói chung đối với học sinh nói riêng, hậu quả do tội phạm về ma túy gây ra... Có thể bắt đầu từ một vụ án ma túy lớn đang được dư luận quan tâm, thực trạng học sinh liên quan đến ma túy, nghiện ma túy...

Tuyên truyền miệng không chỉ là một khoa học mà còn là một nghệ thuật - nghệ thuật tuyên truyền trước công chúng. Nghệ thuật tuyên truyền là tạo nên sự hấp dẫn, gây ấn tượng bằng giọng nói, điệu bộ, ngôn ngữ. Giọng nói phải thể hiện sự uy nghi của người làm công tác kiểm sát nắm chắc pháp luật, rõ ràng, mạch lạc nhưng mạnh mẽ, truyền cảm. Giọng nói, âm lượng phải thay đổi theo nội dung và nhấn mạnh vào những điểm quan trọng, không đều đều. Động tác, cử chỉ cần phải phù hợp với nội dung và giọng nói để nâng cao hiệu quả tuyên truyền của lời nói. Sắc thái có tác dụng truyền cảm rất lớn. Vẻ mặt của người nói cần thay đổi theo diễn biến của nội dung. Khi nói, cần chú ý nhìn vào một nhóm người nghe, thỉnh thoảng người nói cần thay đổi vị trí nhìn để tạo sự chú ý. Khi tuyên truyền cần đưa ra số liệu, sự kiện để minh họa, đặt câu hỏi để tăng thêm sự chú ý của người nghe.

Khi người tuyên truyền là Kiểm sát viên thì buổi tuyên truyền đó phải toát lên khí chất một người “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.

Người tuyên truyền cũng cần phát huy vai trò thông tin, truyền cảm của ngôn ngữ bằng cách sử dụng chính xác, đúng mực thuật ngữ pháp lý, thuật ngữ chuyên ngành kiểm sát và ngôn ngữ phổ thông. Có thể kết hợp, lồng ghép, sử dụng hợp lý, chính xác ý tứ, ngôn từ trong kinh điển, thơ văn, ca dao, dân ca để tăng tính hấp dẫn, thuyết phục đối với người nghe.

Khi tuyên truyền có thể dùng nhiều loại tài liệu, nhưng tài liệu của ngành Kiểm sát, của cơ quan pháp luật có giá trị thuyết phục cao. Người tuyên truyền còn phải biết khai thác vốn sống, kinh nghiệm thực tế của bản thân, xây dựng slide cho bài tuyên truyền hấp dẫn.

Người tuyên truyền của Viện kiểm sát phải chịu trách nhiệm về việc phát ngôn của mình trong khi thực hiện việc tuyên truyền dù đơn vị phân công hay với tư cách cá nhân. 

Kỹ năng chuẩn bị một buổi tuyên truyền miệng về pháp luật

- Nắm vững đối tượng truyên truyền: Người tuyên truyền của ngành Kiểm sát cần nắm vững đối tượng tuyên truyền theo 3 nhóm: Công chức, viên chức, người lao động làm việc trong ngành Kiểm sát; Công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức; Quần chúng nhân dân. Xác định trình độ văn hoá; nắm tình hình thực hiện pháp luật ở cơ sở; ý thức thực hiện pháp luật và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của từng nhóm đối tượng hoặc loại đối tượng cụ thể để chuẩn bị nội dung, biện pháp tuyên truyền cho phù hợp.

- Nắm vững vấn đề chính, vấn đề liên quan cần tuyên truyền: Đó là đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực đó, các tài liệu lý luận, các tài liệu của nước ngoài liên quan. Để nắm vững vấn đề liên quan đến lĩnh vực mà văn bản điều chỉnh đòi hỏi ngoài trình độ chuyên môn tốt, người tuyên truyền cần phải có quá trình tích lũy, sưu tầm có ý thức trách nhiệm và lòng say mê.

- Hiểu rõ nội dung tuyên truyền, cụ thể là hiểu rõ bản chất pháp lý của vấn đề mình sẽ tuyên truyền. Nội dung đó phải trả lời cho các câu hỏi: Tuyên truyền để làm gì? Tuyền truyền về vấn đề gì? Ở đâu, vào thời gian nào? Cho ai nghe? Sử dụng tài liệu nào, ở đâu?... 

Ví dụ: Tuyên truyền về quy định của pháp luật mới thì phải nêu được sự cần thiết phải ban hành (đạo luật hoặc văn bản đó); hiểu rõ đối tượng điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh; hiểu rõ ý nghĩa của các quy phạm, đặc biệt là ý nghĩa về mặt quản lý Nhà nước, về tác dụng điều chỉnh của từng quy phạm cụ thể; nghiên cứu các văn bản hướng dẫn thi hành, tài liệu hướng dẫn tuyên truyền và hệ thống văn bản điều chỉnh lĩnh vực đó. Muốn vậy, người tuyên truyền cần nắm được thông tin liên quan đến việc soạn thảo, lấy ý kiến đến khi ban hành (tờ trình về dự án Luật, báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia...). Như vậy, phải nắm được một cách toàn diện cả nội dung văn bản và những vấn đề liên quan đến sự ra đời và triển khai, cụ thể cần nắm vững tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của việc ban hành đạo luật, văn bản đó thông qua các nghị quyết của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hoặc trực tiếp hơn là qua tờ trình về việc ban hành văn bản, qua các bài báo, bình luận khoa học về văn bản. Ngoài ra, cũng cần giới thiệu có chọn lọc ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu.

- Sưu tầm tài liệu dẫn chứng, minh họa: Đây là việc chuẩn bị rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến chất lượng, độ sâu và sức thuyết phục của buổi tuyên truyền. Tài liệu, dẫn chứng minh họa có tính chính thức, độ tin cậy cao, có thể được sưu tầm từ cơ quan pháp luật, trên các tờ báo uy tín, tạp chí chuyên ngành; công trình khoa học đã được công bố; số liệu, dẫn chứng trên các trang thông tin điện tử (trang Web) thì phải lựa chọn kỹ. Cần chú ý đến tính chất, yêu cầu của tài liệu đó, tuyệt đối tránh tài liệu minh họa thuộc diện mật của Đảng, Nhà nước và ngành Kiểm sát; số liệu nhạy cảm, cũ, dẫn chứng đã cũ không còn phù hợp.

- Chuẩn bị đề cương: Đề cương tuyên truyền miệng (bao gồm đề cương sơ bộ và đề cương chi tiết) cần đầy đủ về nội dung, thích hợp với đối tượng, chặt chẽ về bố cục, sắc sảo về lập luận. Khi chuẩn bị đề cương cần chú ý những yêu cầu sau:

Đề cương nêu các nội dung trọng tâm cần tập trung tuyên truyền, phổ biến. Trên cơ sở đó, phân tích cụ thể, mở rộng những vấn đề nêu trong đề cương. Đề cương tuyên truyền có nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo việc tổ chức triển khai tuyên truyền nội dung quy định của pháp luật cho phù hợp với từng loại đối tượng, trên từng địa bàn.

Cần lựa chọn vấn đề cốt lõi của nội dung tuyên truyền có liên hệ với hệ thống pháp luật để làm rõ mối quan hệ của nội dung tuyên truyền với hệ thống pháp luật.

Để thu hút người nghe và tạo điều kiện cho người nghe hiểu nội dung tuyên truyền có tính hệ thống, toàn bộ các phần trong đề cương phải có mối quan hệ hữu cơ với nhau sao cho đạt được yêu cầu, nhiệm vụ cần tuyên truyền.

Chuẩn bị tâm lí, diện mạo, trang thiết bị, kỹ xảo: Người tuyên truyền phải chuẩn bị tốt tâm lý của mình để tác động vào nhận thức, tư tưởng, tình cảm của đối tượng tuyên truyền và chuẩn bị tốt tâm thế cho người nghe, để họ sẵn sàng đón nhận, tiếp thu và hành động sau khi được tuyên truyền. Chuẩn bị phương tiện kỹ thuật hỗ trợ nếu cần thiết (máy tính, máy chiếu), tạo phong thái tự tin, hào hứng. Sử dụng trang phục kiểm sát theo quy định nếu được mời với tư cách đại diện cho Viện kiểm sát hoặc mời đích danh là người có học hàm, học vị, chức danh pháp lý của Viện kiểm sát, với tư cách cá nhân có thể sử dụng trang phục công sở lịch sự. Bên cạnh đó, người tuyên truyền phải nắm vững cơ sở khoa học của hoạt động tuyên truyền miệng, sử dụng kỹ năng, kỹ xảo, để chuẩn bị nội dung tuyên truyền trước người nghe.

Tiến hành một buổi tuyên truyền miệng về pháp luật

Một buổi tuyên truyền miệng về pháp luật thông thường có các phần sau:

Trước khi bắt đầu có lời chào người nghe, giới thiệu sơ bộ về bản thân.

- Vào đề: Là phần giới thiệu vấn đề, định hướng tư duy, khơi gợi nhu cầu của đối tượng, thiết lập quan hệ giữa người nói với người nghe. Với tuyên truyền miệng về pháp luật, gợi ra nhu cầu tìm hiểu ý nghĩa, sự cần thiết của nội dung buổi tuyên truyền (lý do ban hành bộ luật, luật văn bản pháp luật) hay vai trò của vấn đề tuyên truyền. Phải nêu được khoảng từ 3, 4 vấn đề chủ yếu mà người nghe cần tìm hiểu nhất để tạo sự chú ý, sức hấp dẫn (tuỳ thuộc khả năng diễn thuyết của người tuyên truyền). Có thể bắt đầu từ một câu chuyện pháp luật được các phương tiện thông tin đại chúng nói đến, các tình huống xảy ra gần địa bàn nơi tổ chức tuyên truyền hoặc một câu chuyện có liên quan đã trao đổi trước...

- Nội dung: Là phần trọng tâm của buổi tuyên truyền, làm cho đối tượng hiểu, nắm được nội dung, chuyển biến nhận thức, nâng cao ý thức pháp luật để chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Để hấp dẫn người nghe, người tuyên truyền không được đọc nguyên văn điều luật, văn bản (đối với nội dung tuyên truyền về đạo luật mới, văn bản pháp luật mới, phải nêu được những điểm mới, sự ưu việt so với quy định cũ), phải phân tích để thấy được cốt lõi, trọng tâm, thâu tóm được tinh thần của đạo luật, văn bản đó.

- Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, đối thoại: Trong tuyên truyền miệng, sử dụng ngôn ngữ nguyên tắc cơ bản là dùng từ đúng âm thanh, đúng ý nghĩa. Tuyên truyền là để người khác hiểu đúng ý định của mình, đúng quy định của pháp luật. Nếu dùng từ sai hoặc từ sáo mòn, khó hiểu... sẽ không có tác dụng, thậm chí có thể làm cho người nghe khó chịu, không hiểu. 

Đối thoại trong tuyên truyền miệng nhằm tăng cường thông tin hai chiều, hạn chế việc thông tin áp đặt, một chiều. Người tuyên truyền vừa là người nói, vừa là người nghe, người cung cấp thông tin. Do vậy, người tuyên truyền vừa biết nói tốt, vừa phải biết gợi mở, nêu vấn đề để người nghe hiểu đúng những vấn đề họ quan tâm, tạo bầu không khí tin tưởng, gần gũi và chân thành. Quá trình đối thoại cố gắng tìm hiểu thông tin về người đối thoại, khi cần có thể tạo không khí tranh luận để bổ sung, củng cố nội dung tuyên truyền. 

- Phần kết cho buổi tuyên truyền: Người tuyên truyền chốt lại những vấn đề cơ bản đã trình bày, củng cố nhận thức người nghe và cổ vũ hành động, nêu những vấn đề cần lưu ý. Yêu cầu chung của phần kết luận là: tóm tắt, nhấn mạnh nội dung, cổ vũ hành động, tạo mối giao lưu, tình cảm giữa người tuyên truyền và người nghe, cần tổng quát ngắn gọn.

Tương tác giữa người tuyên truyền với đối tượng được tuyên truyền:

 Sau khi trình bày đầy đủ các nội dung tuyên truyền, người tuyên truyền nên dành thời gian thích hợp để người nghe đặt câu hỏi về những vấn đề chưa rõ, chưa hiểu, hỏi thêm về vấn đề vừa trình bày và trả lời các câu hỏi của người nghe. Đây là phần người tuyên truyền có thể đánh giá được mức độ hiểu của người nghe, là dịp để người nghe trao đổi những kinh nghiệm, hiểu biết của mình với người tuyên truyền.

Một số lỗi cần tránh khi tuyên truyền miệng pháp luật bằng miệng:

- Trình bày không lưu loát, đứt quãng: Để khắc phục hiện tượng này, người tuyên truyền cần phải bình tĩnh, không mất tinh thần; lấy lại sự tập trung vào nội dung trình bày. Có thể kể một câu chuyện vui hoặc có những câu nói hài hước để tạo nên không khí thoải mái, vui vẻ trong buổi tuyên truyền, sau đó khéo léo dẫn dắt vào nội dung tuyên truyền.

- Lạc đề: Trong trường hợp này phải bình tĩnh; sử dụng phương pháp quy nạp, từ những vấn đề đã phân tích, diễn giải rộng ở trên rồi khéo léo dẫn dắt người nghe đến những nội dung chính của vấn đề tuyên truyền.  Để kiểm soát được việc tuyên truyền đảm bảo đúng trọng tâm, phải chuẩn bị kỹ nội dung, quan tâm theo dõi đến thái độ (phản ứng) của người nghe để điều chỉnh các nội dung cho hợp lý.

- Thừa giờ hoặc thiếu giờ: Tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể mà nhanh nhạy chuyển sang hình thức khác như tổ chức thảo luận về những nội dung đã tuyên truyền, giải đáp những thắc mắc, trao đổi kinh nghiệm (nếu thừa giờ) tóm lược nhanh vấn đề (nếu thiếu giờ)...

Lưu ý khi tuyên truyền miệng về pháp luật thông qua hoạt động nghiệp vụ kiểm sát

Đối với tuyên truyền miệng về pháp luật thông qua hoạt động nghiệp vụ kiểm sát (tuyên truyền pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc tuyên truyền pháp luật đến bị can, bị cáo, người liên quan...; trong quá trình kiểm sát trực tiếp tại cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan hữu quan tuyên truyền pháp luật đến công chức, viên chức của cơ quan được kiểm sát); qua kiểm tra liên ngành (kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy...) không phải tuân thủ trình tự, các bước tiến hành tuyên truyền nêu trên. Tuy nhiên, Kiểm sát viên cần một số lưu ý sau:

Đối với tuyên truyền qua vụ án, vụ việc, Kiểm sát viên là người tuyên truyền trực tiếp phải nắm chắc vụ án, vụ việc, chỉ ra vi phạm pháp luật, hậu quả của vi phạm pháp luật, đối chiếu với quy định của pháp luật, phân tích, giải thích (không chỉ đọc nguyên văn điều luật) cho người được tuyên truyền hiểu được hồn cốt của điều luật mà mình đã phạm phải, thấy được lỗi của mình. Kiểm sát viên phân tích tính chất, mức độ của hành vi, hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật mà đối tượng được tuyên truyền đã gây ra, có hiểu được thì họ mới tâm phục, khẩu phục bởi những lí lẽ, lập luận sắc sảo được trình bày to, rõ, trôi chảy thể hiện uy nghi người đại diện cho cơ quan công tố của Kiểm sát viên.

Lời luận tội trước phiên tòa của Kiểm sát viên phải phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; tội danh, hình phạt, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; mức bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án, nó có ý nghĩa tuyên truyền giáo dục pháp luật đối với cả những người tham dự phiên tòa.

Khi kiểm sát trực tiếp tại cơ quan hữu quan, nghiên cứu kỹ hồ sơ, sổ sách, tài liệu, Kiểm sát viên phải tỉ mỉ, tinh tường để phát hiện vi phạm. Kiểm sát viên phải phân tích, giải thích về những vi phạm của họ bắt nguồn từ việc không chấp hành đúng quy định của pháp luật. Tập hợp những nội dung đã kiểm sát để đưa vào Kết luận. Kết luận phải nêu rõ tình hình chấp hành pháp luật trong phạm vi cuộc kiểm sát bằng số liệu cụ thể; nêu rõ ưu, khuyết điểm, các vi phạm pháp luật, viện dẫn các điều luật cụ thể làm cơ sở cho việc xác định vi phạm, nêu rõ nguyên nhân (khách quan, chủ quan), điều kiện dẫn đến vi phạm, thiếu sót trong công tác tạm giữ, tạm giam để ban hành kiến nghị hoặc kháng nghị với yêu cầu khắc phục, sửa chữa, phòng ngừa vi phạm. Nhóm đối tượng tuyên truyền này có trình độ nên trình bày phải chặt chẽ, có căn cứ, ngắn gọn, sử dụng thuật ngũ pháp lý chính xác. Khi chỉ ra thiếu sót vi phạm, phân tích vi phạm căn cứ vào quy định của pháp luật hay trình bày Kết luận, Kiểm sát viên cũng phải thể hiện phong thái tự tin, trình bày dõng dạc, mạch lạc, thể hiện dũng khí mạnh mẽ, khảng khái, bảo vệ sự công bằng trong thực thi pháp luật.

Để tuyên truyền hiệu quả, người tuyên truyền còn cần đến nghệ thuật vượt qua hàng rào ngăn cách ban đầu về tâm lý, gây thiện cảm, chú ý của người nghe từ khi bắt đầu buổi tuyên truyền; phải biết tạo ra nhu cầu, kích thích, hấp dẫn, gây ấn tượng cho người nghe trong suốt buổi tuyên truyền; biết kết luận đúng cách để khi kết thúc còn đọng lại những điều cần thiết cho người nghe tiếp tục suy nghĩ./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang