Một số điểm mới về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo quản lý
(kiemsat.vn) Quy định số 96-QĐ/TW, ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị đã kế thừa các nội dung còn phù hợp của Quy định số 262, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung phù hợp với yêu cầu, thực tiễn đặt ra trong tình hình mới…
Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: TTXVN) |
Nhiệm kỳ Đại hội khóa XI, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 262-QĐ/TW, ngày 08/10/2014 về lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Qua triển khai thực hiện trong 02 nhiệm kỳ việc lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định trên, các cấp ủy, tổ chức đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Việc lấy phiếu tín nhiệm thể hiện quyết tâm của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, góp phần quan trọng cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu, người được lấy phiếu và ghi phiếu tín nhiệm; là kênh thông tin quan trọng để đánh giá cán bộ khách quan, thực chất hơn để xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho từ chức, bố trí, sắp xếp cán bộ.
Tuy nhiên, một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quan tâm nắm chắc, đánh giá sát tình hình nội bộ trước, trong và sau khi lấy phiếu tín nhiệm; một số trường hợp được lấy phiếu phản ánh chưa thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, uy tín cán bộ; có nơi có biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm, động cơ không trong sáng trong lấy phiếu tín nhiệm; một số cán bộ có kết quả phiếu tín nhiệm cao, nhưng sau đó vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước; có cấp ủy, tổ chức đảng chưa xém xét, xử lý kịp thời đối với cán bộ có kết quả phiếu tín nhiệm thấp trên 50%; cán bộ có uy tín thấp bị miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ hoặc bố trí công tác khác còn chưa nhiều.
Thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành Quy định số 96-QĐ/TW, ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị (gọi tắt là Quy định 96), thay thế Quy định số 262-QĐ/TW, ngày 08/10/2014 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (gọi tắt là Quy định 262). Quy định 96 đã kế thừa các nội dung còn phù hợp của Quy định số 262, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung phù hợp với yêu cầu, thực tiễn đặt ra trong tình hình mới, cụ thể:
Một là: Về bố cục cơ bản giữ nguyên như Quy định cũ với 3 chương, 12 điều; bổ sung, hoàn chỉnh 5 phụ lục. Qua đó, bảo đảm sự thống nhất về thành phần, Danh mục hồ sơ, mẫu Báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm, mẫu Phiếu tín nhiệm, mẫu Báo cáo kết quả phiếu tín nhiệm; giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị dễ làm, dễ thực hiện hơn.
Hai là: Sửa đổi, bổ sung các quan điểm, nguyên tắc và bổ sung mới một điều quy định về mục đích, yêu cầu bảo đảm thống nhất với các văn bản hiện nay của Đảng, Nhà nước và phù hợp với thực tiễn. Trong đó, nhấn mạnh việc lấy phiếu tín nhiệm là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, được thực hiện định kỳ.
Ba là: Về phạm vi, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm và thành phần ghi phiếu cơ bản kế thừa theo Quy định 262, làm rõ và bổ sung thêm một số nội dung. Bổ sung nội dung quy định cụ thể với cán bộ đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu thì không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm; quy định hội nghị lấy phiếu tín nhiệm chỉ được tiến hành khi có ít nhất 2/3 số người triệu tập có mặt.
Bốn là: Quy định 96 đã trình bày rõ hai tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm là phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu). Trong đó, đã bổ sung thêm nội dung kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; bổ sung sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú (Quy định 262 chỉ quy định hai nội dung lấy phiếu tín nhiệm là phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực thực tiễn).
Trước đây, với Quy định 262 tiêu chí chỉ xét đến bản thân người được lấy phiếu tín nhiệm thông qua việc cán bộ đó có chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hay không. Quy định 96 còn xét đến tiêu chí rộng hơn liên quan đến người thân trong gia đình cán bộ đó cũng là điểm mới, đột phá mà Bộ Chính trị đã đưa ra. Đây là tiêu chuẩn khắt khe song phù hợp, trên thực tế hiện nay có một số vụ việc, cán bộ chưa vi phạm nhưng người thân đã vi phạm, gây ảnh hưởng đến uy tín của chính cán bộ đó.
Năm là: Phiếu tín nhiệm, cách ghi phiếu và tổng hợp kết quả kế thừa Quy định 262; bổ sung quy định khi tổng hợp kết quả, trường hợp phiếu ghi thêm tên của người ngoài danh sách lấy phiếu tín nhiệm thì phần ghi thêm là không hợp lệ, các trường hợp trong danh sách còn lại nếu đánh dấu theo quy định thì hợp lệ. Nội dung trên phù hợp với Quy chế bầu cử trong Đảng hiện nay, quy định về phiếu không hợp lệ.
Sáu là: Bổ sung thêm yêu cầu về xây dựng kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm: “Căn cứ Quy định của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm, các cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định, trong đó xác định cụ thể: Mục đích, yêu cầu, số lượng và chức danh lấy phiếu tín nhiệm, thành phần ghi phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh, việc công khai và sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm; phân công tổ chức thực hiện… phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị”. Qua đó, phát huy tính chủ động, khoa học của mỗi cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị trong lấy phiếu tín nhiệm.
Bảy là: Về các mốc thời gian nhận hồ sơ, thẩm định hồ sơ, gửi hồ sơ, yêu cầu giải trình, báo cáo giải trình, gửi hồ sơ bổ sung được thể hiện khoa học, có mốc cụ thể, bảo đảm sự phù hợp và có thời gian cho người ghi phiếu có thời gian nghiên cứu, yêu cầu người được lấy phiếu giải trình các vấn đề (nếu có); tránh tình trạng gửi hồ sơ nhanh, đại biểu không có thời gian nghiên cứu và phát hiện các vấn đề của người được lấy phiếu để yêu cầu báo cáo giải trình. Đây là điểm sửa đổi, bổ sung mới so với Quy định 262.
Nội dung trên được thể hiện tại các Khoản 3 và 4 của Điều 7 và bước 1 của Điều 9. Theo đó, các mốc thời gian được cụ thể như sau:
Người được lấy phiếu tín nhiệm phải gửi báo cáo, cung cấp đầy đủ thông tin trung thực, chính xác về các nội dung lấy phiếu tín nhiệm theo quy định và gửi đến cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ trước ngày lấy phiếu tín nhiệm 20 ngày.
Cơ quan tham mưu tổ chức, cán bộ tập hợp báo cáo, hồ sơ của người được lấy phiếu tín nhiệm tiến hành thẩm định theo quy định và báo cáo giải trình, cung cấp thông tin về nội dung liên quan (nếu có), gửi cho người ghi phiếu trước 15 ngày; khi có vấn đề cần làm rõ thì người ghi phiếu đặt yêu cầu bằng văn bản đối với người được lấy phiếu (qua cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ) chậm nhất là 10 ngày trước ngày lấy phiếu tín nhiệm. Cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ tập hợp các nội dung, vấn đề cần làm rõ theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền hoặc người ghi phiếu tín nhiệm gửi cho người được lấy phiếu tín nhiệm trước 10 ngày lấy phiếu tín nhiệm.
Chậm nhất 3 ngày trước ngày lấy phiếu tín nhiệm, người được lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo, giải trình, cung cấp thông tin bổ sung liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền hoặc người ghi phiếu tín nhiệm (nếu có) gửi cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ để tập hợp gửi báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi gửi cho người ghi phiếu.
Tám là: Về quy trình lấy phiếu tín nhiệm có sự kế thừa, bổ sung với 3 bước và 2 nhóm cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ, dân chủ, dễ làm, dễ thực hiện. Nếu như quy định cũ chia làm ba nhóm cán bộ lấy phiếu tín nhiệm (gồm Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp và các chức danh cán bộ khác) thì quy định mới chỉ chia làm hai nhóm gồm: Nhóm một là các chức danh cấp ủy và chức danh, chức vụ, lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị; nhóm hai là các chức danh cán bộ do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Chín là: Việc công khai kết quả phiếu tín nhiệm (gồm 03 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp) đã được quy định rõ ràng, cụ thể hơn. Theo đó, kết quả phiếu tín nhiệm sẽ được công khai tại hội nghị lấy phiếu tín nhiệm. Đối với ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư thì công khai trong Ban Chấp hành Trung ương. Đối với chức danh do Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn thì được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với các chức danh, chức vụ còn lại trong hệ thống chính trị thì công khai tại hội nghị lấy phiếu tín nhiệm.
Việc lấy phiếu tín nhiệm nếu không công bố, chỉ rất ít người biết, hiệu quả tác động mang lại sẽ không cao. Quy định 96 đã quy định cụ thể phạm vi công khai phiếu tín nhiệm, qua đó tạo áp lực lớn với cán bộ, bởi không đồng chí nào muốn mình ở trong diện tín nhiệm thấp, còn tín nhiệm thấp đến mức bị xử lý, phải từ chức càng không ai muốn. Đây là biện pháp hiệu quả đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cao luôn nỗ lực, cố gắng trong công việc, đồng thời giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, giáo dục đạo đức gia đình và người thân mình.
Mười là: Sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm; Quy định 96 đã chặt chẽ hơn so với Quy định 262 trước đây.
Việc lấy phiếu tín nhiệm không còn chỉ đơn thuần là một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng cho việc đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ như tại Quy định 262. Quy định 96 quy định kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
Quy định nêu rõ, những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì ngoài việc "đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn", Quy định 96 quy định rõ: xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định. Đối với trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
Quy định cũ chỉ yêu cầu, người có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp cần được xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn khi rà soát, bổ sung quy hoạch và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp. Người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên chỉ "cần kịp thời xem xét, nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác".
Nội dung trên là một trong những bước thay đổi quyết liệt, trở thành thước đo quan trọng phản ánh năng lực cũng như quá trình hoạt động của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; tạo nên một chế tài đối với những cán bộ có điểm yếu. Góp phần khắc phục tính hình thức; kết quả lấy phiếu tín nhiệm giờ đây là một động lực, áp lực để cán bộ phải phấn đấu, phải giữ gìn bản chất, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ và thực hiện tốt các mối quan hệ để có kết quả đánh giá theo ý mình. Đây là bước đổi mới, sáng tạo, tạo động lực để mỗi cán bộ thực hiện chủ trương tự soi, tự sửa mình./.
-
1Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn
-
2Báo chí muốn giữ vững “trận địa”, phải làm khác mạng xã hội
-
3Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao lần thứ 18
-
4Ngày 20/11, Quốc hội tiếp tục bước vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
-
5Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy
-
6VKSND tối cao thông qua dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Bài viết chưa có bình luận nào.