Luật sư Lô-dơ-bi kể chuyện bào chữa cho Hồ Chủ tịch

10/10/2017 09:58

(kiemsat.vn)
Nhân chuyến thăm Việt Nam năm 1960, Luật sư Lô-dơ-bi đã kể lại việc bào chữa cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vụ án năm 1931 ở Hồng Kông cũng như những kỷ niệm sâu sắc của gia đình mình đối với Người.

Những ký ức của luật sư Lô-dơ-bi về vụ án

Sáng sớm ngày 6-6-1931, cảnh sát Hồng Kông ập vào căn nhà số 186 phố Tam Lung, bắt đi người có tên là Tống Văn Sơ với hồ sơ ghi tội danh là “gián điệp của Quốc tế cộng sản, tay sai của Liên Xô, có âm mưu lật đổ”. Tuy cuộc lục soát sau đó không tìm được những tang vật để chứng minh những lời buộc tội trên nhưng mật thám Anh và mật thám Pháp đều đã xác định chắc chắn rằng người có tên Tống Văn Sơ chính là Nguyễn Ái Quốc; cán bộ của Quốc tế Cộng sản; người đã thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam đầu năm 1930; người đã bị Tòa án đại hình ở Vinh kết án tử hình vắng mặt từ năm 1929… Thực dân Pháp ở chính quốc lẫn ở Việt Nam đều mừng rỡ, và cấu kết với thực dân Anh để đưa Nguyễn Ái Quốc về Việt Nam và thế là hai chiếc tàu của Pháp chờ sẵn trên bến Hồng Kông. Cảnh sát Hồng Kông cũng đang mong món tiền thưởng 15.000 USD từ Pháp cho cuộc vây bắt và chuyển giao này. Mọi việc tưởng chừng theo đúng ý đồ bọn thực dân thì lại bị luật sư Lô-dơ-bi phá hỏng.

Luật sư Lô-dơ-bi kể chuyện bào chữa cho Hồ Chủ tịch

Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân đến đón gia đình luật sư Lô-dơ-bi tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh tư liệu lịch sử.

Luật sư Lô-dơ-bi, tên đầy đủ là Francis Henry Loseby, sinh năm 1883 tại Anh, và đến năm 1926 ông sang Hồng Kông, làm việc tại Văn phòng luật sư mang tên “Russ & Co.” và mua lại văn phòng này năm 1928.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp gia đình luật sư Lô-dơ-bi. Ảnh tư liệu lịch sử.

Luật sư Lô-dơ-bi kể lại: “Một hôm có một người Việt Nam, hiện nay tôi không nhớ rõ tên là gì nữa đến gặp tôi và báo cho tôi biết nhà cầm quyền Hồng Kông mới bắt được một người Việt Nam, và yêu cầu tôi giúp bào chữa cho người Việt Nam đó. Được tin này tôi đến nhà lao và gặp Tống Văn Sơ tức tên Hồ Chủ tịch lúc đó. Tống Văn Sơ kể cho tôi nghe ông bị chính quyền Pháp ở Đông Dương kết án tử hình vắng mặt và có nhận mặt được một sĩ quan Pháp ở Hồng Kông.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình luật sư Lô-dơ-bi cùng thăm các di tích thắng cảnh ở Hà Nội. Ảnh tư liệu lịch sử.

Lúc đó tôi mới biết rằng chính nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương đã nhờ cảnh sát Hồng Kông bắt Tống Văn Sơ, đồng thời Tống Văn Sơ cũng nói cho tôi biết trường hợp bị bắt của mình, sau đó tôi gặp hội đồng luật sư để xem cần phải làm gì để cứu người bị bắt và về chuẩn bị giấy tờ đến gặp chánh án…”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình luật sư Lô-dơ-bi, tại nhà sàn Khu Phủ Chủ tịch, tháng 2-1960. Ảnh tư liệu lịch sử.

“Lần thứ hai tôi gặp Tống Văn Sơ là ở tòa án. Tôi cũng có mặt trong phiên tòa cùng với luật sư Jenkin. Tống Văn Sơ đứng trước vành móng ngựa, tay bị xích. Tôi nói Jenkin cần xem tay Tống Văn Sơ. Jenkin nói lại với chánh án xem tay của Tống Văn Sơ. Tống Văn Sơ giơ hai tay đang bị xích lên cao. Lúc đó Jenkin nói: luật pháp quy định mang bị cáo vào tòa án không được xích. Do đó chánh án phải ra lệnh tháo xích ở tay Tống Văn Sơ. Khi Tống Văn Sơ được tháo xích rồi, Jenkin mới đọc trước tòa án những lời bào chữa do chúng tôi chuẩn bị”.

Tượng Luật sư Lô-dơ-bi trong khuôn viên Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: internet.

“Theo luật pháp của Anh hồi bấy giờ, khi bắt một người chỉ được hỏi người đó bảy câu mà thôi. Bảy câu đó đại để là tên, tuổi, quê quán, nghề nghiệp, thời gian cư trú, quan hệ xã hội, những người và vật làm chứng… Không được hỏi sang câu thứ tám dù câu đó là câu gì. Nhưng khi bắt Tống Văn Sơ, nhà cầm quyền Hồng Kông lại hỏi câu thứ tám là: “Anh sang Nga với mục đích gì?”. Nhà cầm quyền hỏi câu thứ tám đó là trái pháp luật nên cuối cùng tòa án phải tuyên bố phóng thích Tống Văn Sơ”.

“Nhưng Tống Văn Sơ chưa kịp mừng được tự do thì lại bị cảnh sát Hồng Kông bắt giam lần thứ nhì với âm mưu nộp cho Pháp hoặc bí mật thủ tiêu đi. Lần này tòa án nói lần bắt giam thứ hai là hợp pháp vì Tống Văn Sơ đã bị kết án tử hình ở Đông Dương nên phải trả lại cho nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương. Sau khi tôi nghiên cứu nhiều tài liệu khác nhau thì thấy rằng một người bị kết án ở Thượng Hải chẳng hạn đi sang Hồng Kông thì nhà cầm quyền Hồng Kông bắt lại và trao cho nhà cầm quyền ở Thượng Hải, nhưng điều đó chỉ áp dụng cho những người thuộc quốc tịch Anh mà thôi. Do đó tôi quyết định phải đưa việc này lên tòa án kháng án ở Luân Đôn”.

“Chẳng bao lâu tôi được họ cho biết luật sư Đennit Nâuen Prit đảm nhận việc đó. Tôi phải kiếm tiền để trả cho luật sư Prit. Còn về phía nhà cầm quyền Hồng Kông thì họ nhờ luật sư Stéphơ Crip. Sau khi nhận được tài liệu gửi cho mình, luật sư Stéphơ Crip đến gặp Prit, và nói với Prit rằng ông ta đã được nhà cầm quyền Hồng Kông giao cho việc này, nhưng thấy không thể mang việc này ra tòa được vì mang ra tòa thì phía nhà cầm quyền Hồng Kông sẽ thất bại. Cuối cùng hai luật sư đã thỏa thuận ký giấy để phóng thích Tống Văn Sơ mà không cần phải xử lại. Stéphơ Crip thay mặt nhà cầm quyền Anh hứa giúp phương tiện cho Tống Văn Sơ muốn đi đâu thì đi. Thế là Tống Văn Sơ lại được phóng thích”.

“Một bận, có một chiếc tàu thủy thả neo ở Hồng Kông, tàu nàu sẽ ghé qua Singapore đi Liên Xô. Theo yêu cầu của Tống Văn Sơ, tôi lấy cho anh một vé đi Singapore. Song nhà cầm quyền Hồng Kông điện mật cho Singapore biết việc này. Khi Tống Văn Sơ tới đó thì liền bị cảnh sát địa phương bắt giữ và bị đưa trở lại Hồng Kông. Bị mắc lại Hồng Kông, Tống Văn Sơ viết cho tôi một bức thư, trong đó kể lại những gì đã xảy ra với anh, và yêu cầu giúp đỡ.

Tôi vô cùng tức giận. Vào tối hôm đó tôi ngồi bên bàn làm việc đến tận khuya, suy tính xem lần này phải làm gì. Cuối cùng đi đến một quyết định. Sáng hôm sau tôi tới dinh của viên thống đốc Hồng Kông gặp ngài Uyliam Pil và nói với ông ta:

-Nhà cầm quyền Hồng Kông không giữ lời hứa. Tôi yêu cầu cho phép Tống Văn Sơ đi Hạ Môn bằng chuyến tàu thủy do chính tôi lựa chọn theo ý riêng.

Sau một thời gian ngắn tôi nhận được một bức thư riêng của Thống đốc trong đó có nói rằng nếu Tống Văn Sơ lên tàu thủy trong cảng thì cảnh sát cảng – trước khi tàu nhổ neo sẽ tiến hành kiểm tra hành khách lần cuối- có thể sẽ nhận dạng anh ta và bắt lại, bởi vậy tốt hơn nên chở anh ta bằng một chiếc thuyền định ra khơi và tại đó sẽ chuyển sang tàu thủy. Tôi giao cho người thư ký của tôi là một người Hoa tên Long tổ chức toàn bộ công việc đó và đi kèm Tống Văn Sơ đến Hạ Môn”.

“Sau khi Tống Văn Sơ đến được Hạ Môn an toàn, tôi bặt tin anh ta. Mãi một thời gian dài, tôi bỗng nhận được của anh hai bức thư có ký một cái tên mới là “Niu-men”, trong thư anh mong sự trả lời. Nhưng tôi sợ rằng, nhà cầm quyền sẽ lại lần ra chỗ ở của anh, bởi vậy tôi không viết thư trả lời…” – luật sư Lô-dơ-bi nhớ lại.

Trên thực tế, vào ngày 22-1-1933, Nguyễn Ái Quốc đã cải trang thành một thương gia Trung Quốc giàu có. Với Long, thư ký của luật sư Lô-dơ-bi, Người đi xuồng ra khơi, rồi lên tàu Anhui tới Hạ Môn. Ở Hạ Môn một thời gian, Người lên Thượng Hải và tìm cách tới Liên Xô và sinh sống, học tập ở đó từ năm 1934-1938. Mùa xuân năm 1941, Người trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Người thanh niên Việt Nam mang tên Tống Văn Sơ được gia đình luật sư Lô-dơ-bi cứu giúp năm nào, giờ đây trở thành Chủ tịch nước Việt Nam độc lập./.

Nguyễn Văn Toàn

(sưu tầm)

Tài liệu tham khảo: “Luật sư Lô-dơ-bi kể về việc bào chữa cho Hồ Chủ tịch trong vụ án năm 1931, nhân chuyến thăm của ông bà Lô-dơ-bi năm 1960”, trích “Hồ sơ lưu trữ” của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Dẫn theo: Nguyễn Văn Khoan, “Nguyễn Ái Quốc & Vụ án Hồng Kông năm 1931”, Nxb. Trẻ, 2004.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang