Lấy ý kiến về đề án của Trung ương do VKSND tối cao chủ trì

13/02/2025 16:02

(kiemsat.vn)
Ngày 13/02/2025, tại Hà Nội, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Đề án “Nghiên cứu xây dựng cơ chế khởi kiện vụ án hành chính trong trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể không thực hiện hoặc thực hiện không đúng pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước”. Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Tham dự phiên họp có các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Đồng chí Nguyễn Duy Giảng; đồng chí Nguyễn Quang Dũng; đồng chí Hồ Đức Anh; đồng chí Trần Hải Quân; đồng chí Nguyễn Đức Thái; và các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao, thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao có liên quan đến phạm vi của Đề án, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng tham dự có đại diện các cơ quan, bộ, ngành Trung ương: Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, TAND tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu khai mạc phiên họp.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, tình trạng gây thất thoát, lãng phí diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong các lĩnh vực như: Tài nguyên, môi trường, tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả,...

Cùng với đó, hiện nay, việc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước thông qua các cơ chế đã được quan tâm nhưng chưa phát huy được hiệu quả cao. Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015, chủ thể khởi kiện vụ án hành chính chỉ quy định là các cá nhân, cơ quan, tổ chức chịu tác động hoặc bị ảnh hưởng trực tiếp từ các quyết định hành chính, hành vi hành chính, do đó, đối với vi phạm, tác động tiêu cực đến lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước mà chưa có chủ thể nào bị tác động trực tiếp thì sẽ không có cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân đứng ra yêu cầu, kiến nghị hoặc khởi kiện ra Tòa án giải quyết để bảo vệ, điều này đã tạo ra các kẽ hở về mặt pháp luật, khó xử lý đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước mà chưa đến mức bị xử lý hình sự.

Theo Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến, trong thời gian qua, thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện kiểm sát đã phát hiện nhiều vi phạm, sơ hở, thiếu sót gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại trong hoạt động quản lý nhà nước, xâm phạm lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước và Viện kiểm sát đã thực hiện quyền kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước để phòng ngừa, khắc phục vi phạm. Tuy nhiên, chỉ dừng lại ở mức kiến nghị nên các cơ quan có thể nghiêm chỉnh thực hiện, khắc phục nhưng cũng có thể không thực hiện mà không có chế tài xử lý dẫn đến hiệu quả thực tế còn chưa cao; vi phạm trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước như môi trường, đất đai, an toàn thực phẩm, kinh tế, tài chính, lợi ích công,... chưa được phát hiện sớm để xử lý, ngăn ngừa hoặc giảm bớt thiệt hại góp phần phòng ngừa tội phạm.

Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại phiên họp.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Hungary, BaLan,... cho thấy, ở nhiều quốc gia Viện kiểm sát/Viện Công tố có quyền đại diện cho lợi ích công khởi kiện ra Tòa án với tư cách là người bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước. Do đó, VKSND đã kiến nghị Trung ương về việc xây dựng đề án nghiên cứu xây dựng cơ chế khởi kiện vụ án hành chính trong trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể không thực hiện hoặc thực hiện không đúng pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước.

Đồng chí Nguyễn Huy Tiến nhấn mạnh, việc xây dựng Đề án là nhiệm vụ chính trị quan trọng; với vai trò là đơn vị chủ trì VKSND tối cao luôn đề cao trách nhiệm, khẩn trương xây dựng và hoàn thiện Đề án, bảo đảm tuân thủ các quy trình, trong đó đã khảo sát, lấy ý kiến 08 tỉnh ủy, thành ủy địa phương. Kết quả lấy ý kiến tại các cuộc khảo sát đã đánh giá cao và tán thành về sự cần thiết, nội dung Đề án và bổ sung nhiều ý kiến quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện Đề án.

Tại phiên họp này, Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến đề nghị các đại biểu với tinh thần khách quan, trách nhiệm, cung cấp các vấn đề thực tiễn, những luận cứ để làm sáng tỏ các nội dung của đề án để có những trao đổi, thảo luận làm rõ những nội dung mà VKSND tối cao xin ý kiến. Cụ thể là những đề xuất đổi mới, hoàn thiện cơ chế để nâng cao vai trò, trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan (trong đó có VKSND) trong việc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước, đảm bảo phù hợp với Cương lĩnh, chủ trương của Đảng; với yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì lợi ích quốc gia dân tộc và phục vụ nhân dân; bám sát mục tiêu phục vụ phát triển đất nước; theo đó, các nội dung đổi mới phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, giữ vững bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Đại biểu thảo luận, góp ý hoàn thiện Đề án.

Tại Phiên họp, các đại biểu đã đánh giá cao nội dung của Đề án, đồng thời thống nhất cao về sự cần thiết phải nghiên cứu tìm ra cơ chế, hoàn thiện pháp luật. Bên cạnh đó, đã thảo luận, góp ý làm rõ thêm để Đề án đầy đủ hơn và tăng tính thuyết phục hơn.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Phát biểu bế mạc phiên họp, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND tối cao ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến, tham luận của các đại biểu về nội dung của Đề án; đồng thời khẳng định, các ý kiến này sẽ được tiếp thu hoàn thiện dự thảo Đề án để gửi các cơ quan trung ương và các bộ ngành có liên quan xin ý kiến. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến các cơ quan trung ương, bộ ngành có liên quan, sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang