Lần đầu giúp việc cho Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự

17/09/2019 10:33

(kiemsat.vn)
Công tác tại ngành KSND tỉnh Quảng Ninh được gần 03 năm, dù đã được tiếp cận công việc và tham gia một số khâu công tác nhưng đây là lần đầu tiên chị Đặng Thị Việt Hà (Phòng 2 VKS Quảng Ninh) được trực tiếp tham gia một phiên tòa để giúp việc cho Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.

Đó là phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 10/9/2019 tại TAND tỉnh Quảng Ninh về vụ án Cao Văn Tình phạm tội “Giết người”, “Cướp tài sản” theo quy định tại các điểm g,n khoản 1, Điều 123 và khoản 1, Điều 168 BLHS.

Về diễn biến của phiên tòa, theo Cáo trạng của Viện kiểm sát, ngày 08/4/2019 tại xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, đối tượng Cao Văn Tình đã dùng khẩu trang bịt mặt, tiếp cận ông Nguyễn Trọng Đến (làm nghề xe ôm) và bảo chở đến khu vực rừng núi vắng người. Sau khi xin tiền nhưng ông Đến không cho, Tình dùng dao (chuẩn bị từ trước), gậy gỗ và đá đập liên tiếp vào phần đầu và phần mặt là những nơi trọng yếu trên cơ thể nạn nhân để lấy tài sản rồi bỏ trốn.

Hình ảnh tại phiên tòa xét xử 

Đối với Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa đòi hỏi phải tập trung cao độ, theo dõi sát các diễn biến tại phiên tòa, sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa và những hành vi của những người tham gia tố tụng. Tại phần tranh luận, khi Luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị HĐXX về việc không áp dụng tình tiết “Có tính chất côn đồ” (quy định tại điểm n Khoản 1 Điều 123 BLHS) vì cho rằng chưa có quy định cụ thể của pháp luật đối với tình tiết này; ngoài ra, Luật sư còn viện dẫn Công văn số 38 ngày 06/01/1976 của TAND tối cao và Án lệ số 17/2018/AL thông qua ngày 17/10/2018 xác định tính côn đồ phải xuất phát vì một nguyên cớ nhỏ nhặt.

Đối đáp lại quan điểm này của Luật sư, Kiểm sát viên trình bày quan điểm: Hành vi của Cao Văn Tình xuất phát từ ý thức coi thường pháp luật; bịt khẩu trang và nói dối để đưa ông Đến đến chỗ vắng người, sau đó dùng dao, gậy gỗ đánh ông Đến để lấy tài sản. Thậm chí khi đã lấy được tài sản của ông Đến, thấy ông Đến vẫn chưa gục hẳn, Tình còn ném đá về phía ông Đến khiến ông bất tỉnh hoàn toàn. Điều đó đã thể hiện toàn bộ tính côn đồ, hung hãn trong chuỗi hành vi của bị cáo. Phần luận tội và tranh luận của Kiểm sát viên đã nhận được sự đồng tình của HĐXX và những người có mặt tại phòng xử án.

Hình ảnh tại phiên tòa xét xử 

Khi trực tiếp ngồi giúp việc tại phiên tòa, những cán bộ trẻ như chị Đặng Thị Việt Hà đã học được nhiều điều bổ ích từ thực tế phiên tòa, đó là: Để có một phiên tòa chất lượng, không phải đến trước khi xét xử mới nghiên cứu hồ sơ mà phải nghiên cứu kỹ các tài liệu ngay từ giai đoạn kiểm sát điều tra, phải đề ra một bản yêu cầu điều tra đúng hướng và theo sát tiến độ điều tra. Đồng thời, trước khi thực hành công tố tại phiên tòa, cần phải dự kiến được các phương án tranh luận với Luật sư, những người tham gia tố tụng, dự liệu được các tình huống có thể xảy ra và giải pháp trong từng trường hợp; kết hợp với việc giải thích, tuyên truyền pháp luật khi cần thiết, nêu rõ được quan điểm và bảo vệ Cáo trạng truy tố.

Việc cử cán bộ tham gia phiên tòa với tư cách giúp việc cho Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa là một trong những hình thức đào tạo thiết thực, hiệu quả, có ý nghĩa rèn luyện bản lĩnh chính trị, kỹ năng, nghiệp vụ và cách ứng xử cho những cán bộ trẻ đang trong quá trình tiếp cận công việc. Đây được xác định là khâu đột phá của toàn ngành Kiểm sát Quảng Ninh. Thông qua việc trực tiếp giúp việc cho Kiểm sát viên tại phiên tòa, mỗi cán bộ trẻ sẽ tích lũy được cho mình kinh nghiệm và sự tự tin khi chính thức được tham gia phiên tòa với vai trò là Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sau này./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang