Kỷ niệm điều tra một vụ án

18/07/2017 02:29

(kiemsat.vn)
Vụ án bắt đầu bằng một sự việc tưởng chừng đơn giản và có lẽ cũng không phải là hiếm ở làng quê Việt Nam. Bị can là một Điều tra viên luôn luôn chối tội và dùng mọi thủ đoạn chống lại Cơ quan điều tra. Nhưng cuối cùng thì chân lý được sáng tỏ, công lý được giữ vững.

“Trời mô xanh bằng trời Can Lộc. Nước mô xanh bằng dòng nước Sông La. Ai về Hà Tĩnh quê ta, nhớ chăng…” – Giọng hát thiết tha, đằm thắm của một ca sĩ nào đó, mà tôi không nhớ tên, được phát trên sóng phát thanh vào một chiều hè nóng nực, lại gợi nhớ trong tôi kỷ niệm khó quên về một miền quê yên ả, nghèo khó với những mảnh đất đầy cát trắng.

Năm đó chúng tôi được giao nhiệm vụ điều tra một vụ án xảy ra cách đó vài năm. Nạn nhân đã chết. Nhưng trước khi chết đã kịp tố cáo hành vi dùng nhục hình của Điều tra viên. Nhiều năm sau đó, gia đình nạn nhân tiếp tục khiếu kiện đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhưng chưa được cơ quan nào giải quyết, kết luận.

Vụ án bắt đầu bằng một sự việc tưởng chừng đơn giản và có lẽ cũng không phải là hiếm ở làng quê Việt Nam. Một gia đình mất một con gà. Gia chủ lúc đầu còn gọi, sau đi tìm rồi cũng không thấy. Thế rồi việc nghi kỵ xảy ra. Sau khi xem xét biểu hiện của những đối tượng nghi vấn, chị chủ nhà nghĩ:

Đúng, chỉ có gã. Mà làm sao lại không phải là gã được. Một thanh niên ngoài 30 tuổi, đã từng lang bạt đó đây, lại có tiếng là lười lao động. Từ chỗ nghi kỵ dẫn đến nói bóng gió, rồi chửi đổng và cuối cùng là gây sự. Trong một lần gã thanh niên nọ gánh lúa về nhà thì gặp chị chủ nhà bị mất gà đang phơi rơm. Họ nhìn nhau hằn học và chỉ cần một lời nói thiếu thiện chí là bùng nổ xô xát. Gã thanh niên không kìm nổi sự tức giận bị đè nén từ lâu, liền rút chiếc đòn xóc phang vào chị chủ nhà bị mất gà. Chị ta liền giơ chiếc cào phơi rơm rạ đỡ chiếc đòn xóc trượt xuống đập và cánh tay. Ngay lúc đó những người hàng xóm kịp đến can gián. “Tức chết đi được, mình vừa bị mất gà lại vừa bị nó đánh, phen này bà phải làm cho nó đi tù mọt gông”. Chị vừa nghĩ, vừa xoa nhẹ lên chỗ cánh tay vừa bị đánh. Hôm sau, chị xin giấy của xã đến bệnh viện huyện khám thương và xin nằm điều trị. Đồng thời chị viết một lá đơn hết sức tha thiết nhờ cơ quan Công an trừng trị kẻ phạm tội được gửi đi. Vài ngày sau gã thanh niên kia được triệu tập đến Công an huyện để làm việc: Cái lý lẽ của hắn (kẻ đi hành hung người khác) rằng: Thương tích của nạn nhân không lớn, chẳng qua chỉ là việc va chạm nhỏ, đã không thể nào được Điều tra viên chấp nhận. Đã thế gã lại chẳng bồi thường được đồng nào theo yêu cầu của người bị hại. Sẵn cây thước gỗ trên bàn, Điều tra viên trút mọi tức giận vào đầu. Than ôi ngày đó đúng là một ngày oan nghiệt của gã. Gã bị rạn sọ sau cú đánh đó. Một tuần sau gã được ra về. Thấy đau đầu và sốt, gã tìm gặp ông y sĩ đã về hưu ở gần nhà để khám bệnh. Cái đơn thuốc mà ông kê cho gã gồm vài viên Ampicilin kèm theo mấy trăm viên C, gã cũng đành gấp lại cho vào túi áo. Gã làm gì có tiền để mua nổi những loại thuốc đó ở quê gã, đau đầu thế này thì chắc là cảm thôi, mà cảm thì chỉ có nồi lá xông là khỏi. Gã đun nồi lá xông, xông cho vã hết mồ hôi rồi nằm vật ra giường. Nhưng đầu vẫn đau, mười ngày sau gã đã vĩnh viễn ra đi do nhiễm trùng vết thương, để lại trên trần thế một cô vợ luôn đau yếu và 2 đứa con nhỏ.

Chiếc Com-măng-ca oằn èo, nặng nề leo trên con đường sống trâu, mãi rồi cũng đưa chúng tôi đến được uỷ ban xã. Đồng chí Trưởng Công an xã, người thay thế cho ông Trưởng Công an xã trước đây đã bị miễn nhiệm, bỏ ra cho chúng tôi xem một chiếc mâm nhôm méo mó, xám xịt và 2 chiếc xoong nhôm nhỏ không vung đen nhẻm. Anh nói:

Đây là tài sản của gã mà trước đây các anh ở xã đã thu giữ để bồi thường cho nạn nhân. Xã đã năm lần bảy lượt mời gia đình gã lên nhận lại, nhưng không ai lên.

Nhìn những tài sản bị thu giữ đó, chúng tôi ai cũng ngậm ngùi, cảm cảnh cho sự nghèo khó của gã.

Theo sự hướng dẫn của Công an thôn, gần trưa chúng tôi mới tìm được đến nhà nhân chứng. Nhân chứng đi làm vắng. Tiếp chúng tôi là một cụ già thật khó đoán tuổi. Mái tóc mới điểm bạc, nhưng khuôn mặt thì đầy những nếp nhăn, gò má nhô cao, thân hình gầy guộc. Bằng một giọng trầm, đặc tiếng địa phương, cụ thở dài và nói:

Kể cũng tội cho hắn, hai con nhỏ, vợ lại yếu, mấy năm qua gia đình hắn cực lắm. Chỉ vì một con gà, nếu hàng xóm biết bảo nhau thì làm chi nên nỗi.

Nói xong cụ nhấc chiếc ấm ở dưới bàn, lấy ra mấy cái bát, rót nước mời chúng tôi uống. Chao ôi, cái thứ nước chè xanh đặc sánh (mà theo cụ nói: Phải đi từ sáng sớm vào rú đến trưa mới có một gánh chè về), lóng lánh dưới buổi trưa hè, uống vào đến đâu hết khát ngay đến đó, nhưng bụng thì không chịu nổi, nôn nao với bát nước chè xanh, xem chừng khó mà chịu được cho đến khi nhân chứng về, chúng tôi đành hẹn gặp nhân chứng sau. Anh Công an thôn mau mồm, tiếng nói ríu rít như chim, đưa chúng tôi rẽ qua nhà nạn nhân. Một căn nhà 3 gian trống tuềnh toàng, lỏng chỏng 1 chiếc ghế ba chân dựa vào vách liếp. Một thiếu phụ gầy gò, tay dắt 2 đứa con nhỏ mời chúng tôi vào nhà. Chỗ ngồi không có, chúng tôi đành đứng, nghe chị kể lể nghẹn ngào về nỗi oan ức của chồng mình.

Đã quá trưa chị chủ nhà ngừng câu chuyện. Như chợt nhớ ra điều gì, chị xin phép, rồi chạy vội xuống bếp. Đoán biết ý định của chị, chúng tôi vội xin phép cáo từ. Chị chạy ra lúng túng nói:

Em thật có lỗi với các bác, nhà chỉ còn ít khoai định luộc mời các bác, mải nói chuyện quên khuấy đi mất.

Trước gia cảnh của chị, chúng tôi cũng chẳng còn lòng dạ nào mà ở lại. Rảo bước nhanh trên con đường nhỏ đầy cát, dưới cái nóng khô, chúng tôi quay trở lại Ủy ban xã. Ủy ban vắng tanh, chỉ có một phản trống với chiếc bàn cũ đế làm việc. Vừa khát, vừa đói. Một cái đói cứ cuồn cuộn từng cơn, bởi tác động của những bát nước chè xanh, làm mọi ngưòi đều mệt mỏi. Một rưỡi rồi còn gì. Một đồng đội của chúng tôi thốt lên mang đầy tính ca thán. Thôi thì đành phải tìm cái gì ăn tạm vậy. Tìm được đến chợ, chỉ thấy lèo tèo vài túp lều lợp rạ, trống tuếch, trống toác, không một bóng người, như mách bảo chúng tôi bữa trưa ăn tạm cũng không có.

Lăn lộn ở vùng đất này gần 1 tháng, vì bị can là một Điều tra viên luôn luôn chối tội và dùng mọi thủ đoạn chống lại Cơ quan điều tra. Chúng tôi vẫn kiên trì và tập trung vào việc lấy lời khai nhân chứng, sử dụng kết quả giám định, kiên trì đấu tranh với bị can. Vì vậy, đã thu thập đủ chứng cứ về hành vi dùng nhục hình của Điều tra viên, mặc dù không ít có sự cản trở trong hoạt động điều tra. Cuối cùng thì chân lý được sáng tỏ, công lý được giữ vững, dù đó là ở một miền quê hẻo lánh, với những con người chân chất chân quê. Qua 2 cấp xét xử, Điều tra viên đó bị kết án 3 năm tù. Kết quả này đã đem lại niềm tin của quần chúng về sự công bằng pháp luật, với sự thực hiện của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát./.

Vũ Kinh Luân

VKSNDTC

Trích “Những kỷ niệm sâu sắc về ngành KSND” – VKSNDTC – 2010

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang