Kinh nghiệm viết cáo trạng đối với tội cố ý gây thương tích
(kiemsat.vn) Nội dung hành vi phạm tội của bị can là phần trọng tâm nhất trong bản cáo trạng đối với Tội cố ý gây thương tích. Do đó, cần vận dụng tổng hợp các kiến thức khoa học xã hội và pháp lý để thể hiện rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm xảy ra tội phạm; hành vi, thủ đoạn, mục đích, động cơ phạm tội; hậu quả của tội phạm và những tình tiết quan trọng khác...
1. Yêu cầu chung khi soạn thảo và ban hành cáo trạng
Cáo trạng là văn bản do Viện kiểm sát ban hành trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự ở giai đoạn truy tố, thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, làm cơ sở cho hoạt động tranh tụng, được Kiểm sát viên bảo vệ tại phiên tòa hình sự. Do vậy, cáo trạng phải đảm bảo tính có căn cứ và đúng pháp luật, đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.
Điều 243 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định: “Viện kiểm sát quyết định truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng. Bản cáo trạng ghi rõ diễn biến hành vi phạm tội; những chứng cứ xác định hành vi phạm tội của bị can, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đặc điểm nhân thân của bị can; việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và việc xử lý vật chứng; nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội và tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án. Phần kết luận của bản cáo trạng ghi rõ tội danh và điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự (BLHS) được áp dụng. Bản cáo trạng phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra cáo trạng; họ tên, chức vụ và chữ ký của người ra bản cáo trạng”.
Như vậy, cáo trạng là văn bản pháp lý, do Viện kiểm sát - cơ quan duy nhất được giao chức năng thực hành quyền công tố ban hành, thực hiện quyền buộc tội và truy tố bị can ra trước Tòa án để xét xử về tội danh và điều luật quy định trong BLHS.
Chính vì vậy, cáo trạng có những đặc trưng: Mang tính quyền lực Nhà nước; tính có căn cứ và đúng pháp luật; việc truy tố phải đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Khi soạn thảo và ban hành cáo trạng, Kiểm sát viên cần tuân thủ các bước sau: Nghiên cứu hồ sơ, tổng hợp và đánh giá chứng cứ; viết dự thảo cáo trạng; chỉnh sửa dự thảo cáo trạng; trình lãnh đạo Viện phê duyệt bước này lãnh đạo Viện phải đọc kỹ dự thảo cáo trạng, chỉnh sửa trước khi ký để đảm bảo tính có căn cứ, hợp pháp của quyết định truy tố mà Viện kiểm sát đã ban hành (chỉnh sửa câu chữ, hình thức, nội dung, căn cứ áp dụng pháp luật, điều luật, khung khoản truy tố bị can); chỉnh sửa cáo trạng (rà soát hình thức, nội dung, các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Viện (nếu có), sau đó, chuyển bản chính thức trình lãnh đạo Viện ký, ban hành.
2. Một số lưu ý về hình thức cáo trạng đối với Tội cố ý gây thương tích
Để nâng cao chất lượng cáo trạng, ngày 09/01/2018, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Quyết định số 15/QĐ-VKSTC về ban hành mẫu văn bản tố tụng, văn bản nghiệp vụ thực hiện trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố, trong đó có mẫu cáo trạng (Mẫu số 144) để thống nhất thực hiện trong toàn ngành Kiểm sát.
Về hình thức, yêu cầu đặt ra đối với bất cứ bản cáo trạng nào cũng phải phản ánh cụ thể diễn biến hành vi phạm tội của bị can (ngày, giờ, tháng, năm; địa điểm; thủ đoạn; động cơ, mục đích; tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; nguyên nhân, điều kiện...; việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật; xử lý vật chứng; phần dân sự (nếu có)…). Đồng thời, cáo trạng cần viện dẫn các chứng cứ để chứng minh thông qua các bút lục cụ thể trong hồ sơ vụ án. Việc viện dẫn bút lục trong cáo trạng phải trên cơ sở tổng hợp nguồn chứng cứ theo diễn biến tội phạm, không viện dẫn theo từng chứng cứ hoặc liệt kê sau khi trình bày toàn bộ nội dung hành vi phạm tội.
Phần “kết luận” cần tổng hợp ngắn gọn hành vi phạm tội của bị can hoặc từng bị can; tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội; vai trò của từng bị can trong vụ án (nếu là vụ án đồng phạm).
Đối với phần lý lịch, nhân thân của bị can, cần ghi rõ các yếu tố được thể hiện trong lý lịch và các tài liệu khác có liên quan. Bị can bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế gì.
Bên cạnh đó, cáo trạng cần khẳng định hành vi của bị can đã phạm tội gì và trích dẫn điều luật tương ứng. Bị can được áp dụng tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm, khoản, điều nào của BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Tại phần “quyết định”, “nơi gửi”, lãnh đạo Viện kiểm sát ký bản cáo trạng phải thực hiện đúng thể thức văn bản.
3. Một số lưu ý về nội dung cáo trạng đối với Tội cố ý gây thương tích
Kiểm sát viên nắm vững diễn biến tình tiết vụ án ngay từ khi khởi tố, điều tra sẽ có nhiều thuận lợi khi giải quyết vụ án ở giai đoạn truy tố. Trong thực tế, cáo trạng không được xây dựng y nguyên bản kết luận điều tra. Trong giai đoạn truy tố, Kiểm sát viên cần bổ sung những chứng cứ mới khi hỏi cung bị can và tài liệu khác làm rõ tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để đảm bảo nội dung cáo trạng phản ánh đúng sự thật khách quan. Vì thế, Kiểm sát viên cần thường xuyên tập hợp, nghiên cứu tài liệu, chứng cứ trong quá trình điều tra vụ án.
Trong cáo trạng, nội dung hành vi phạm tội của bị can là phần trọng tâm nhất, cần vận dụng tổng hợp các kiến thức khoa học xã hội và pháp lý nhằm thể hiện rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm xảy ra tội phạm; hành vi, thủ đoạn, mục đích, động cơ phạm tội; hậu quả của tội phạm và những tình tiết quan trọng khác; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự áp dụng đối với bị can; những tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án. Cụ thể như sau:
- Thời điểm phạm tội: Được xác định trên cơ sở lời khai của bị can, bị hại, các tài liệu liên quan trong quá trình bị hại được sơ cứu, cấp cứu ban đầu tại cơ sở y tế. Thời điểm phạm tội có thể là chính xác hoặc ước tính, điều này không làm ảnh hưởng đến bản chất của vụ án. Ngày, tháng, năm phạm tội là ngày tính theo dương lịch. Nếu có tài liệu xác định ngày, tháng, năm âm lịch thì phải tính phiên ra ngày dương lịch.
- Địa điểm phạm tội: Được xác định bằng các tài liệu như lời khai của bị can, bị hại, tài liệu khám nghiệm, giám định, lời khai người làm chứng (như tại đoạn đường, tại nhà, tại vườn cây, sông, suối…). Kiểm sát viên cần phân biệt địa điểm phạm tội với địa danh hành chính. Địa điểm phạm tội phải được ghi rõ theo địa giới hành chính như tại khu vực thuộc khu, làng thôn, bản, xã, phường, huyện, thị xã, thành phố, tỉnh…
- Về động cơ, mục đích phạm tội: Đây là vấn đề thuộc mặt chủ quan trong cấu thành tội phạm. Kiểm sát viên cần đánh giá, phân tích hành vi khách quan để từ đó chứng minh ý thức chủ quan của người phạm tội. Động cơ, mục đích phạm tội còn là tình tiết định tội, định khung tăng nặng trong tội phạm cố ý gây thương tích nên cần phân tích chính xác để xác định có căn cứ áp dụng tình tiết định khung “có tính chất côn đồ” hay “vì lý do công vụ của nạn nhân” hoặc “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê”… hay không. Kiểm sát viên cần ghi rõ bị can mong muốn hoặc nhằm đạt được điều gì qua việc thực hiện hành vi phạm tội như: Gây thương tích, làm mất danh dự, lấy tiền. Lưu ý: Tránh áp đặt ý thức chủ quan trong khi viết cáo trạng đối với tội phạm có lỗi cố ý gián tiếp, mục đích không rõ ràng. Bởi lẽ, nếu Kiểm sát viên áp đặt ý thức chủ quan về mục đích không đúng sẽ định tội danh sai. Ví dụ: Các vụ án còn có quan điểm trái chiều trong việc định tội danh giữa hành vi “giết người chưa đạt” với hành vi “cố ý gây thương tích”.
- Hành vi phạm tội của bị can: Viết về diễn biến hành vi phạm tội, Kiểm sát viên phải dựa trên cơ sở tổng hợp, đánh giá chứng cứ của vụ án, nêu rõ diễn biến hành vi phạm tội từ khi bị can nảy sinh ý định phạm tội, chuẩn bị công cụ, phương tiện, lôi kéo đồng phạm (nếu có), tiếp cận địa điểm phạm tội, phương pháp, cách thức tiến hành… Nêu diễn biến hành vi phạm tội của bị can phải cụ thể, tỉ mỉ để thấy rõ thủ đoạn phạm tội; đồng thời, nêu đúng trọng tâm hành vi phạm tội của bị can từ khi nảy sinh ý định, chuẩn bị phạm tội và thực hiện hành vi xâm hại, không nên nêu những hành vi không liên quan trước khi bị can phạm tội như đi chơi, đi ăn uống,... làm cho bản cáo trạng dài và không đảm bảo yêu cầu.
- Về thủ đoạn phạm tội của bị can: Kiểm sát viên phải mô tả chính xác, đầy đủ diễn biến hành vi phạm tội của bị can và nêu rõ phương thức, thủ đoạn, đặc điểm công cụ, phương tiện phạm tội. Từ đó, có căn cứ đánh giá, xem xét áp dụng tình tiết định khung như: Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người, dùng axit hay hóa chất nguy hiểm?… Ví dụ: Những hung khí như dao nhọn, búa, rìu, gạch, đá, thanh gỗ dài, chắc… được coi là hung khí nguy hiểm.
Thực tế, có cáo trạng cần rút kinh nghiệm về áp dụng tình tiết định khung hình phạt. Ví dụ: Cáo trạng truy tố Nguyễn Văn H về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác và Tội trộm cắp tài sản. Theo nội dung cáo trạng: H vào quán cà phê của anh M và chị N tìm tài sản để trộm. Anh M và chị N bất ngờ về nhà thì phát hiện nên truy hô và đuổi theo H. Khi anh M, chị N đuổi kịp H và hỏi có lấy tài sản không thì hai bên giằng co. H chạy về nhà lấy 02 con dao và quay lại đâm anh M, chị N gây thương tích. Cáo trạng không áp dụng tình tiết “có tính chất côn đồ” theo điểm i khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là không phù hợp với tinh thần của Án lệ số 17/2018/AL ngày 17/10/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về tình tiết “có tính chất côn đồ” trong Tội giết người có đồng phạm.
Đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại khoản 2, 3 nếu có tình tiết tại khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì chuyển khung hình phạt và bản cáo trạng phải giải thích rõ lý do. Ví dụ: A có hành vi gây thương tích cho người khác mà tỉ lệ thương tật là 25%, nhưng thuộc trường hợp tại điểm a, i khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (dùng hung khí nguy hiểm và có tính chất côn đồ), nên hành vi của A cấu thành Tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trường hợp này, Kiểm sát viên cần viết cáo trạng theo hướng: Hành vi trên của A đã phạm tội cố ý gây thương tích theo khoản 2, với các tình tiết định khung tại điểm a, i khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015.
- Hậu quả của hành vi phạm tội: Hành vi gây thương tích của bị can gây ra hậu quả chính là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của bị hại. Hậu quả này được xác định bằng kết luận giám định tỉ lệ tổn hại cơ thể do thương tích gây nên của bị hại tại thời điểm giám định, trên cơ sở các dấu vết thương tích để lại trên cơ thể bị hại. Quá trình xây dựng cáo trạng, Kiểm sát viên cần chú ý nêu chính xác vị trí, đặc điểm, kích thước các vết thương trên cơ thể bị hại, cùng với đó là kết luận của cơ quan chuyên môn về cơ chế hình thành vết thương. Đây chính là căn cứ quan trọng trong việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thương tích của bị can với hậu quả tổn hại về sức khỏe của bị hại.
- Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại Điều 51, Điều 52 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và các tình tiết giảm nhẹ khác tại các nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi viết lồng ghép trong nội dung hành vi phạm tội. Ví dụ: Đối với tính chất côn đồ trong các vụ án gây thương tích, cần viết rõ nguyên nhân, điều kiện trước khi xảy ra vụ án… Trường hợp có tình tiết giảm nhẹ thuộc về nhân thân của bị can như có thành tích trong học tập, công tác và chiến đấu thì viết ở phần lý lịch bị can cho gọn và rõ ràng. Nếu có tình tiết giảm nhẹ do thân nhân bố mẹ, ông bà có huân huy chương thì viết tại phần họ tên, nghề nghiệp của bố mẹ bị can.
Quá trình xây dựng cáo trạng, ngoài các yêu cầu đặt ra về hình thức, cấu trúc như đã nêu trên, Kiểm sát viên cần chú ý thực hiện nghiêm túc hướng dẫn trong các quy chế nghiệp vụ của Ngành từ việc báo cáo đề xuất nghiên cứu hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra do cơ quan Cảnh sát điều tra chuyển tới, đến việc viết dự thảo, chỉnh sửa dự thảo và trình lãnh đạo Viện phê duyệt cáo trạng./.
-
1Vướng mắc về đánh giá chứng cứ khi giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
2Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
-
6Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
7VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
Bài viết chưa có bình luận nào.