Kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng và thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh của VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
(kiemsat.vn) Công tác kiểm sát việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách hình sự, đảm bảo quyền của bị can, bị cáo, người bị kết án phạt tù. Từ thực tiễn công tác, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ một số kinh nghiệm nhằm thực hiện hiệu quả khâu công tác này.
1. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng và thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 06 trường hợp bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh (BBCB), trong đó có 05 trường hợp đang áp dụng biện pháp BBCB (04 trường hợp do Viện kiểm sát ra quyết định; 01 trường hợp do Tòa án ra quyết định) và 01 trường hợp có quyết định đình chỉ việc áp dụng biện pháp BBCB.
Quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp BBCB trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chủ động thực hiện những hoạt động sau:
Thứ nhất, khi có sự nghi ngờ người bị buộc tội mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, Kiểm sát viên phải kịp thời báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện giải quyết như sau:
- Trong giai đoạn điều tra, nếu Cơ quan điều tra không trưng cầu giám định pháp y tâm thần thì ra văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra trưng cầu giám định pháp y tâm thần;
- Trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát ra quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần.
Thứ hai, trong thời hạn 03 ngày, kể từ khi nhận được văn bản đề nghị áp dụng biện pháp BBCB của Cơ quan điều tra cùng kết luận giám định pháp y tâm thần, nếu thấy đủ căn cứ thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện giải quyết như sau: Ra quyết định áp dụng biện pháp BBCB đối với bị can và yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra hoặc tạm đình chỉ điều tra đối với bị can nếu kết luận giám định pháp y tâm thần xác định được tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, bị can mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.
Thứ ba, trong giai đoạn truy tố, nếu Viện kiểm sát ra quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần thì sau khi nhận được kết luận giám định pháp y tâm thần, Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện xem xét, giải quyết theo quy định tại Điều 450 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (sau đây viết tắt là BLTTHS năm 2015).
Thứ tư, nếu nội dung kết luận giám định pháp y tâm thần chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi có nghi ngờ kết luận giám định pháp y tâm thần không chính xác thì việc giám định bổ sung, giám định lại được thực hiện theo quy định của BLTTHS, Luật giám định tư pháp, hướng dẫn của liên ngành và các quy định khác về trưng cầu giám định của VKSND tối cao.
Thứ năm, trường hợp Viện kiểm sát nhận được thông báo của Thủ trưởng cơ sở BBCB về việc người bị BBCB đã khỏi bệnh, Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện giải quyết như sau:
- Nếu vụ án đang trong giai đoạn điều tra thì ra văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu giám định về tình trạng bệnh hiện tại của người bị BBCB;
- Nếu vụ án đang trong giai đoạn truy tố thì Viện kiểm sát ra quyết định trưng cầu giám định về tình trạng bệnh hiện tại của người bị BBCB.
Sau khi có kết luận về tình trạng bệnh hiện tại của người bị BBCB, nếu kết quả giám định kết luận người bị BBCB đã khỏi bệnh thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ thi hành biện pháp BBCB. Sau khi đình chỉ thi hành biện pháp BBCB, các hoạt động tố tụng đã bị tạm đình chỉ có thể được phục hồi theo quy định.
Về cơ bản, VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bảo đảm kiểm sát chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, thẩm quyền áp dụng biện pháp BBCB; đã chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra kịp thời phát hiện các bị can có dấu hiệu về mặt tâm thần và đưa đi giám định. Khi có đủ căn cứ áp dụng biện pháp BBCB thì nhanh chóng ra quyết định áp dụng biện pháp BBCB, không để xảy ra tình trạng đưa người không đủ điều kiện áp dụng biện pháp BBCB theo Điều 449 BLTTHS năm 2015. Sau khi có quyết định BBCB, Viện kiểm sát tích cực đôn đốc Cơ quan điều tra để khẩn trương đưa đối tượng đi điều trị, không để xảy ra tình trạng chậm đưa người đã có quyết định áp dụng biện pháp BBCB.
Ngoài ra, đối với các trường hợp đã được đưa đi điều trị bệnh bắt buộc tại các cơ sở điều trị, VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thường xuyên phối hợp với cơ sở BBCB để nắm thông tin, tình hình quản lý, điều trị đối với người bị BBCB thông qua việc lập các biên bản xác minh về tình hình điều trị. Không để xảy ra tình trạng cơ sở chữa bệnh đã có thông báo bệnh đã ổn định nhưng Viện kiểm sát chưa chủ động rà soát, tiến hành xác minh tình trạng bệnh lý tâm thần để đề nghị Cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu giám định pháp y sau điều trị tâm thần, kịp thời có quyết định đình chỉ áp dụng biện pháp BBCB.
Đối với trường hợp đã có quyết định đình chỉ thi hành biện pháp BBCB, Viện kiểm sát chú trọng kiểm sát việc tiếp nhận người bị BBCB của cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận và việc bàn giao người bị bắt buộc chữa bệnh cho gia đình. Chú trọng kiểm sát, xác minh tính chính xác, khách quan trong việc tính thời gian điều trị bắt buộc thực tế đối với người bị BBCB; đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của người bị BBCB.
2. Kinh nghiệm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Từ thực tiễn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp BBCB trong thời gian qua, VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, quán triệt cho Kiểm sát viên, công chức trong đơn vị nhận thức đầy đủ quy định của pháp luật về áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp BBCB trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), BLTTHS năm 2015, Luật thi hành án hình sự năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy chế, quy định của ngành. Đồng thời, Kiểm sát viên, công chức nắm chắc các quy định về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp BBCB; nhận thức đúng nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp BBCB ở các giai đoạn tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật của ngành.
Hai là, trong việc quyết định áp dụng biện pháp tư pháp BBCB ở giai đoạn điều tra, Kiểm sát viên được phân công thụ lý vụ án phải kiểm sát chặt chẽ việc trưng cầu giám định pháp y tâm thần của Cơ quan điều tra về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trong đó, tập trung kiểm sát việc thu thập tài liệu, nguồn gốc của tài liệu được sử dụng cho hoạt động giám định, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp đưa tài liệu giả, không hợp pháp vào hồ sơ giám định, bảo đảm kết quả giám định pháp y tâm thần chính xác, có căn cứ theo quy định của pháp luật; chủ động phối hợp với Điều tra viên xem xét, đánh giá nội dung kết luận giám định; kiểm tra, đối chiếu kết quả ghi trong kết luận giám định pháp y tâm thần với nội dung trưng cầu giám định, đối chiếu giữa nội dung kết luận giám định pháp y tâm thần với quy định của pháp luật, bảo đảm việc quyết định áp dụng biện pháp BBCB chính xác, khách quan, đúng đối tượng. Trường hợp kết luận giám định pháp y tâm thần chưa rõ ràng, chưa đầy đủ thì yêu cầu Cơ quan điều tra quyết định trưng cầu giám định bổ sung; nếu xét thấy độ tin cậy của kết quả giám định không cao thì thống nhất với Cơ quan điều tra để quyết định trưng cầu giám định lại theo quy định của pháp luật. Sau khi quyết định áp dụng biện pháp tư pháp BBCB, phải kiểm sát ngay việc áp giải đối tượng, việc lập hồ sơ chuyển giao cho cơ sở điều trị theo chỉ định, trong đó chú ý kiểm sát biên bản giao nhận để xác định thời điểm đưa đối tượng vào điều trị.
Ba là, khi Viện kiểm sát trưng cầu giám định pháp y tâm thần và ra quyết định BBCB ở giai đoạn truy tố, cần bảo đảm tính chặt chẽ của việc thu thập tài liệu, lập hồ sơ trưng cầu giám định; chủ động kiểm tra, đối chiếu kết quả giám định pháp y tâm thần với những nội dung đã trưng cầu giám định; trường hợp kết luận giám định pháp y tâm thần chưa rõ ràng, chưa đầy đủ thì phải báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện để xem xét, quyết định việc trưng cầu giám định bổ sung; trường hợp xét thấy kết quả giám định không chính xác, khách quan thì kịp thời quyết định trưng cầu giám định lại bảo đảm quyết định áp dụng biện pháp tư pháp BBCB đúng đối tượng theo quy định.
Bốn là, đối với hoạt động kiểm sát việc ra quyết định áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp BBCB ở giai đoạn xét xử và thi hành án hình sự, Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ việc Tòa án áp dụng biện pháp tư pháp BBCB, bảo đảm đúng quy định tại Điều 451, Điều 452 BLTTHS năm 2015 và đúng đối tượng áp dụng. Ngay sau khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp BBCB, Viện kiểm sát kịp thời có văn bản yêu cầu Tòa án cung cấp những tài liệu làm căn cứ cho việc ra quyết định; trên cơ sở những tài liệu đó, Kiểm sát viên tiến hành kiểm sát về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đảm bảo việc áp dụng biện pháp tư pháp BBCB của Tòa án. Kiểm sát chặt chẽ các nội dung về trưng cầu giám định pháp y tâm thần, về áp giải, lập hồ sơ chuyển giao đối tượng BBCB.
Năm là, tiến hành kiểm sát định kỳ, tăng cường kiểm sát đột xuất tại cơ sở điều trị BBCB khi xét thấy cần thiết, trong đó, chú ý kiểm sát về công tác quản lý, điều trị đối tượng BBCB theo quy định của pháp luật và của ngành Y tế; việc chấm dứt (đình chỉ, hủy quyết định) thi hành biện pháp tư pháp BBCB, lưu ý đến kiểm sát biên bản giao nhận đối tượng để xác định thời gian thực tế đã điều trị bệnh.
Sáu là, khi quyết định áp dụng biện pháp tư pháp BBCB hoặc kiểm sát việc Tòa án quyết định áp dụng biện pháp tư pháp BBCB, phải lập hồ sơ riêng gồm đầy đủ tài liệu liên quan để bảo đảm việc quản lý, theo dõi, tránh sơ sót.
Ngoài ra, thực tiễn thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng biện pháp BBCB, chúng tôi nhận thấy: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ quy định đối tượng bị áp dụng biện pháp BBCB là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án phạt tù. Theo đó, trong giai đoạn điều tra, truy tố, Viện kiểm sát áp dụng biện pháp BBCB; trong giai đoạn xét xử và đối với người đang chấp hành án phạt tù thì Tòa án áp dụng biện pháp BBCB. Vậy trường hợp trong quá trình giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm xác định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị mắc bệnh tâm thần thì có được áp dụng biện pháp BBCB không? Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng như thế nào? Vấn đề nêu trên hiện chưa có quy định. Do vậy, theo chúng tôi, cần bổ sung vào BLTTHS hoặc liên ngành Trung ương có hướng dẫn cụ thể về thủ tục áp dụng biện pháp BBCB trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm để quá trình thực hiện khâu công tác này được xuyên suốt, hiệu quả./.
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
Bài viết chưa có bình luận nào.