Kiểm sát viên, Liệt sỹ Huỳnh Minh Thuận – người con của đồng bào dân tộc Tây Nguyên

27/04/2017 11:34

(kiemsat.vn)
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đã góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất nhưng vẫn còn nhiều người con của đất mẹ anh hùng âm thầm, lặng lẽ hy sinh anh dũng trong cuộc chiến mới, chống lại lực lượng phản động, tàn dư của chế độ cũ.

Đã 40 năm trôi qua nhưng nhiều thế hệ cán bộ Kiểm sát tỉnh Lâm Đồng hôm nay vẫn ghi nhớ và cảm phục trước tấm gương hy sinh của Liệt sỹ, cán bộ Kiểm sát Huỳnh Minh Thuận.

lâm đồng

Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Thời kỳ đầu thành lập, VKSND tỉnh Lâm Đồng biên chế vỏn vẹn gần ba chục cán bộ, đa số từ lực lượng vũ trang tăng cường sang vốn chỉ quen với tay súng trên chiến trường, công tác kiểm sát còn mới lạ lắm, cả tỉnh chỉ có 3 Kiểm sát viên, nếu không có một vài cán bộ ở VKSND tối cao chi viện vào thì khó khăn gấp bội.

Thời điểm này hoạt động của những phần tử phản cách mạng, tội phạm hình sự diễn biến hết sức phức tạp, công việc tiếp quản bộn bề, cán bộ Kiểm sát vừa công tác vừa tăng gia sản xuất để đảm bảo lương thực, địa bàn rừng núi Nam Tây Nguyên rộng, ban ngày lực lượng Fulrô (lực lượng tay sai, do đế quốc Mỹ huấn luyện, hoạt động thành từng toán biệt kích trong rừng) rút vào rừng sâu, ban đêm hoạt động dữ dội, chủ yếu cướp bóc tài sản của nhân dân, sát hại cán bộ, đảng viên của chính quyền cách mạng.

Nhiệm vụ “cải tà quy chính”, đấu tranh trấn áp tàn quân Fulrô nhằm củng cố chính quyền cách mạng non trẻ sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng là một trong những nội dung trọng tâm công tác kiểm sát thời bấy giờ.

lâm đồng

Các trinh sát An ninh – Công an tỉnh bàn phương án đấu tranh truy bắt FULRO
(ảnh chụp năm 1984)

Năm 1976, VKSND huyện Bảo Lộc (nay là thành phố Bảo Lộc) được thành lập, biên chế gồm 6 người, do đồng chí Ngô Xuân Lan làm Viện Trưởng, đồng chí Huỳnh Minh Thuận làm Phó Viện trưởng.

Nhưng sau đó gần 2 năm đồng chí Huỳnh Minh Thuận anh dũng hy sinh khi cùng lực lượng Công an truy quyét tàn quân Fulrô. Với chiến công và thành tích xuất sắc trong chiến đấu và công tác Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tặng thưởng Huân chương lao động hạng III cho liệt sỹ Huỳnh Minh Thuận, đó là vinh dự lớn, niềm tự hào đối với thân nhân gia đinh liệt sỹ và ngành kiểm sát nhân dân.

lâm đồng
Lễ viếng nghĩa trang Liệt sĩ TP Đà Lạt

Là người con của dân tộc Kơ Ho, Huỳnh Minh Thuận tên thường gọi là Lo Minh Thét đã phát huy truyền thống yêu nước, che giấu, nuôi dưỡng cán bộ và đánh giặc giỏi của đồng bào Tây Nguyên. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình bần nông nghèo có truyền thống yêu nước tại xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận (nay là tỉnh Ninh Thuận). Năm lên 8 tuổi , Huỳnh Minh Thuận phải đi ở đợ, thường xuyên bị bọn cường hào áp bá đánh đập, tận mắt chứng kiến cảnh sưu cao, thuế nặng của thực dân pháp bóc lột đồng bào, dân tộc mình nên Huỳnh Minh Thuận sớm giác ngộ cách mạng. “Cái ăn chưa đầy bụng nghĩ gì đến con chữ, nhưng không có kiến thức làm việc gì cũng khó, công tác cách mạng là dài lâu, gian khổ”- Huỳnh Minh Thuận nghĩ vậy nên quyết tâm đi học.

lâm đồng Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Năm 1946, mới 10 tuổi Huỳnh Minh Thuận đã tốt nghiệp văn hóa lớp 2 (thời pháp), sau đó một thời gian được mời làm giáo viên dạy học trong trường làng nhưng ý chí nung nấu đi theo cách mạng không bao giờ nguôi. Huỳnh Minh Thuận tìm mọi cách móc nối với người của cơ sở. Có lần bộ đội về địa phương bí mật huấn luyện cho dân quân, du kích đánh Tây, Huỳnh Minh Thuận tính bỏ nghề dạy học đi theo bộ đội với mong muốn cầm súng giải phóng quê hương dù biết sẽ khó khăn, gian khổ thậm chí phải hy sinh. Thông thạo tiếng pháp lại nắm bắt địa bàn, được đồng bào đùm bọc nên Huỳnh Minh Thuận được giao nhiệm vụ hoạt động bí mật trong lòng địch.

lâm đồng
Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Từ hoạt động ban đầu, Huỳnh Minh Thuận đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho cách mạng nên được cấp trên tin tưởng, khen ngợi. Năm 1954, mới tròn 18 tuổi khi lực lượng kháng chiến về đánh đồn bốt tại quê nhà, anh đã trốn gia đình, người than đi theo lực lượng kháng chiến. Từ năm 1958 đến năm 1960 trải qua các cương vị Đội trưởng giao liên, A trưởng bộ đội tự vệ, cán bộ dân vận huyện Di Linh ở nhiệm vụ, cương vị nào anh cũng hoàn thành xuất sắc.

Ngày 15/2/1961, Huỳnh Minh Thuận vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng cộng sản Việt Nam. Năm 1976 đến 1971 giữ chức vụ Chi ủy Chi bộ ban tuyên huấn Tỉnh ủy, ủy viên dự khuyết, ủy viên UBND huyện Bảo Lộc. Năm 1977, trước yêu cầu nhiệm vụ mới đồng chí Huỳnh Minh Thuận được điều động sang giữ chức vụ Phó Viện trưởng VKSND huyện Bảo Lộc. Trong thời gian công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân với bản lĩnh kiên cường thủa nào vẫn còn đầy nhiệt huyết, anh đã phối hợp chỉ đạo, trực tiếp tham gia truy quét tội phạm phản cách mạng, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua nên được tổ chức tin tưởng, đồng nghiệp kính trọng, quý mến.


Lễ hội văn hóa cồng chiêng Lâm Đồng

Ngày 25/5/1978, đồng chí Huỳnh Minh Thuận- Phó Viện trường VKSND huyện Bảo Lộc cùng lực lượng Công an huyện vào trận đánh mới, truy quét tàn quân Fulrô tại khu vực thôn Blao Sore, xã Lộc Châu, huyện Bảo Lộc gặp địch tập kích, sau thời gian chiến đấu ngoan cường, đồng chí Huỳnh Minh Thuận đã anh dũng hy sinh.

Trong lời di huấn để lại cho đồng đội, liệt sỹ Huỳnh Minh Thuận nói “Bản thân tôi luôn vì Đảng, vì căm thù địch mà đi theo cách mạng”. Với những chiến công trên của liệt sỹ Thuận. Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng nhiều giấy khen, huy chương và huân chương cao quý.

Theo Nguyễn Tiến Dân / VKSND tỉnh Lâm Đồng

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang