Không ngừng nỗ lực phấn đấu để trở thành Kiểm sát viên giỏi

09/03/2018 14:11

(kiemsat.vn)
Mỗi Kiểm sát viên cần nỗ lực trở thành một cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” để xứng đáng với sự tin tưởng của nhân dân, là niềm tự hào của ngành Kiểm sát.

Hai mươi ba năm gắn bó với ngành Kiểm sát là khoảng thời gian nhiều ý nghĩa với tôi. Từ những ngày đầu chập chững vào nghề, chưa nhận thức đầy đủ về Ngành, đã phải tiếp xúc những công việc mới lạ, những từ ngữ khó hiểu, trải qua quá trình dài rèn luyện, đến hôm nay tôi vinh dự nhận danh hiệu “Kiểm sát viên giỏi”.

Thành quả này có được là nhờ sự quan tâm của Lãnh đạo Viện, sự giúp đỡ của đồng nghiệp và sự nỗ lực, lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm của bản thân tôi. Trong quá trình công tác, tôi luôn thấm nhuần những điều Bác dạy cán bộ Kiểm sát, lấy đó làm mục tiêu, động lực phấn đấu. Dù điều kiện hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, trước những cám dỗ vật chất, tôi luôn tâm niệm phải giữ tâm trong sáng vì lý tưởng đã chọn.

Được đơn vị tạo điều kiện, tôi học xong chương trình Cao đẳng Kiểm sát và lớp hoàn chỉnh kiến thức Cử nhân Luật. Ngoài trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì việc nâng cao trình độ lý luận chính trị và bản lĩnh của người đảng viên trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Ý thức được điều này, tôi nỗ lực vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ. Tôi có điều kiện thuận lợi là được Lãnh đạo phân công thực hiện nhiều công tác chuyên môn nghiệp vụ khác nhau. Nhờ đó, tôi tiếp thu được kiến thức tổng hợp ở tất cả các khâu công tác kiểm sát, thiết thực cho việc vận dụng vào từng công việc cụ thể.

Sống và làm việc ở một tập thể luôn đoàn kết gắn bó, tôi luôn cầu thị, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp để hoàn thành tốt công việc được giao.

Từ trải nghiệm trong công tác và thông qua cuộc thi tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi, tôi nhận thức được rằng dù ở vị trí cương vị nào, dù thực hiện nhiệm vụ gì thì KSV vẫn phải áp dụng quy định của pháp luật trong mọi hoạt động kiểm sát.

Trong công việc, phải đặt yếu tố “khách quan, thận trọng” lên hàng đầu. Đó là, nghiên cứu kỹ lưỡng những chứng cứ của vụ án để đối chiếu xem xét việc định tội; kiểm tra xem các thủ tục tố tụng có được thực hiện đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật hay không, như việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can đến việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, thu giữ vật chứng… Hơn nữa, là kiểm tra việc giải quyết vụ án có thuộc thẩm quyền cấp mình hay không, trên cơ sở liệt kê những chứng cứ, phân tích đánh giá một cách khách quan cụ thể và khi những tình tiết đó đã thuyết phục được bản thân mình thì mới có niềm tin để giải quyết vụ án một cách chính xác. Đó cũng là tiền đề thuận lợi để đưa ra một bản cáo trạng đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Kinh nghiệm trong việc viết cáo trạng là ngoài việc nêu đầy đủ, ngắn gọn toàn bộ nội dung vụ án, hành vi phạm tội, các tài liệu, chứng cứ và tính hợp pháp của các chứng cứ đó, việc áp dụng các thủ tục tố tụng, viện dẫn bút lục thì cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm ra những vấn đề mấu chốt, những chứng cứ cốt lõi quan trọng. Tuy nhiên, phải đánh giá đồng đều tất cả các tình tiết, không được bỏ qua hay xem nhẹ một tình tiết nào, dù theo nhận thức chủ quan của mình là có ít ý nghĩa.

Mỗi giai đoạn tố tụng thể hiện một chức năng kiểm sát khác nhau, tuy nhiên giai đoạn xét xử sơ thẩm có vị trí đặc biệt quan trọng, vì đây là lần đầu tiên buộc tội công khai người phạm tội trước Toà. Nếu đảm bảo vững chắc việc truy tố, làm cho việc xét xử đúng đắn thì không chỉ xử lý nghiêm người phạm tội mà còn đem lại ý nghĩa tích cực trong công tác phòng ngừa tội phạm. Tại phiên toà, mọi tình tiết của vụ án sẽ được đưa ra điều tra công khai và KSV phải bảo vệ kết quả của quá trình khởi tố, điều tra, truy tố bằng lời luận tội. Đồng thời, KSV còn phải kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng.

Muốn đạt được kết quả tốt, ngoài những kỹ năng cơ bản, KSV còn phải thể hiện được bản lĩnh bởi lời luận tội của KSV có ý nghĩa rất quan trọng. Hội đồng xét xử, Luật sư, những người tham gia tố tụng và người theo dõi phiên toà cũng như truyền thông đều chờ đợi lời luận tội của Viện kiểm sát. Mỗi KSV có thể có cách trình bày khác nhau nhưng điều cốt lõi là phải thoả mãn theo bốn nội dung được quy định tại Điều 63 Bộ luật TTHS. Để làm tốt điều đó, KSV phải chuẩn bị dự thảo luận tội, xem đó là điều kiện bắt buộc trước khi tham gia phiên toà.

Thực tế cho thấy, giai đoạn luận tội của KSV là thời điểm thu hút sự tập trung chú ý của nhiều người nên ý nghĩa giáo dục của phiên toà chỉ phát huy tốt khi hoạt động công tố của KSV được tiến hành một cách khoa học, đầy đủ. Kinh nghiệm trong việc viết luận tội là bản luận tội phải có tính thuyết phục, có sự đồng cảm và chia sẻ. Đó là lúc KSV phải thể hiện nhiều vai trò khác nhau, bản luận tội vừa nhằm thuyết phục Hội đồng xét xử, Luật sư chấp nhận lời đề nghị của mình, vừa có sự đồng cảm với bị cáo. Bởi ngoài việc buộc tội, lời luận tội còn có ý nghĩa giúp cho người phạm tội nhận thức được tội lỗi do mình gây ra, qua đó có thể khơi gợi tâm lý hướng thiện và mong muốn được sửa chữa sai lầm, làm thức tỉnh lương tâm tình cảm của người phạm tội, giải toả được những ức chế về mặt tâm lý, triệt tiêu ý thức chống đối pháp luật, nhận thức và mong muốn được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Bản luận tội cũng phải thể hiện sự chia sẻ những tổn thất, mất mát của người bị hại nhằm khơi gợi lòng bao dung vị tha của họ đối với bị cáo.

Bản luận tội có tính giáo dục thuyết phục một phần bởi cách trình bày của KSV, đó là thái độ hết sức nghiêm túc, thể hiện sự tôn trọng đối với phiên toà. Khi diễn đạt bản luận tội phải sử dụng từ ngữ chọn lọc, dễ hiểu, tránh những từ ngữ mang tính miệt thị, xúc phạm danh dự, nhân phẩm bị cáo. Trong thực tế, bản thân tôi thấy rằng, dự thảo luận tội được viết dựa trên kết quả điều tra của công tác kiểm sát điều tra, còn lời luận tội là dựa trên kết quả xét hỏi và sự đánh giá chứng cứ đã được kiểm tra công khai tại phiên toà. Luận tội là sự buộc tội chính thức cuối cùng của Viện kiểm sát nên KSV phải chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tế diễn biến của phiên toà. Một KSV giỏi còn phải thể hiện kỹ năng tranh luận, tạo được phong thái tự tin, phản ứng linh hoạt, kịp thời, chính xác với những diễn biến tại phiên toà. Khi tranh luận phải giữ thái độ bình tĩnh, không nóng nảy, ứng xử có văn hoá. Đối với những vụ án phức tạp nhiều bị cáo, nhiều quan điểm bào chữa khác nhau, phần tranh luận dự kiến sẽ căng thẳng và mất nhiều thời gian thì KSV phải phát huy bản lĩnh, trí lực của mình.

Việc tổ chức thực hiện công tác bồi dưỡng, tuyển chọn KSV giỏi là một sáng kiến hay, thiết thực, thể hiện sự quan tâm của Ngành nhằm đào tạo những cán bộ Kiểm sát “vừa hồng, vừa chuyên”. Mỗi KSV cần nỗ lực, tận dụng cơ hội để khẳng định mình nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Ngành, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Nguyễn Thị Thu Hiền

Trích “ngành KSND thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” – VKSNDTC năm 2011

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang