Khởi tố nhiều cán bộ tiếp tay cho đối tượng phá rừng tại Lâm Đồng

10/06/2022 13:52

(kiemsat.vn)
Nhiều cán bộ thuộc Ủy ban nhân dân xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng; Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng và Hạt kiểm lâm huyện Đam Rông đã bị điều tra, khởi tố để làm rõ hành vi thông đồng, bao che cho đối tượng phá rừng trái phép.

Kiểm sát viên VKSND huyện Đam Rông kiểm sát việc tống đạt các Quyết định tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đam Rông. 

Ngày 9/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đam Rông đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 7 đối tượng để điều tra về tội "Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản" theo Điều 232 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Các bị can bị khởi tố gồm: Đinh Văn Dũng (sinh năm 1975), Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phi Liêng; Trần Văn Thiệu (sinh năm 1989), Phó trưởng Phòng Kỹ thuật - Quản lý bảo vệ rừng; Bùi Văn Tỉnh (sinh năm 1990), Nguyễn Mạnh Tuấn (sinh năm 1996), Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1988), đều là cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng; Dương Văn Việt (sinh năm 1991), nhân viên Trạm quản lý, bảo vệ rừng Phi Liêng và Phạm Tiến Mạnh (sinh năm 1977), Kiểm lâm viên, Hạt kiểm lâm huyện Đam Rông.

Cơ quan chức năng cũng đã thi hành Lệnh bắt tạm giam đối với Đinh Văn Dũng, Trần Văn Thiệu; các đối tượng còn lại bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.

Các Quyết định tố tụng trên đã được VKSND huyện Đam Rông phê chuẩn theo quy định pháp luật. 

Những cây thông bị cưa hạ trái phép tại hiện trường vụ án.

Theo kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đam Rông, tháng 9/2021, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng lập phương án xin cưa hạ 74 cây gỗ thông bị chết dọc đường đi, có nguy cơ ngã đổ trong mùa mưa bão và được Ủy ban nhân dân huyện Đam Rông phê duyệt. Sau đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng ký hợp đồng với Nguyễn Văn Quý (trú tại phường 8, thành phố Đà Lạt), để thực hiện việc cưa hạ, thu gom gỗ về Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng.

Sau đó, Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông và Ủy ban nhân dân xã Phi Liêng đã cử 7 cán bộ giám sát việc khai thác, cưa hạ đúng các cây đã được phê duyệt. Tuy nhiên, các đối tượng trên đã có dấu hiệu thông đồng, bao che cho Nguyễn Văn Quý lợi dụng việc khai thác gỗ tận thu để khai thác lâm sản trái phép; làm ngơ cho Quý cưa hạ thêm nhiều cây ngoài phương án được phê duyệt.

Trước đó, qua quá trình trinh sát, đêm 24/9/2021, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Công an tỉnh Lâm Đồng phát hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Lộc Phát do Nguyễn Văn Quý làm giám đốc, có hơn 43m3 gỗ thông và gỗ chò chỉ không có hồ sơ, giấy tờ hợp pháp. Lực lượng chức năng xác định, Công ty này đã cưa hạ ngoài phương án được duyệt 122 cây gỗ (thông, chò chỉ), gây thiệt hại về lâm sản 96m3 gỗ.

Công an tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố Nguyễn Văn Quý về tội "Vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản"; đồng thời, chuyển hồ sơ cho Công an huyện Đam Rông tiếp tục điều tra./.

Điều 232 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về “ Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản" như sau: 

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 243 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Khai thác trái phép rừng sản xuất với khối lượng từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường; từ 12,5 mét khối (m3) đến dưới 25 mét khối (m3) gỗ loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;

b) Khai thác trái phép rừng phòng hộ với khối lượng từ 15 mét khối (m3) đến dưới 30 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường; từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;

c) Khai thác trái phép rừng đặc dụng với khối lượng từ 15 mét khối (m3) đến dưới 30 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường; từ 5 mét khối (m3) đến dưới 10 mét khối (m3) gỗ loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA; thực vật thuộc Nhóm IIA trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

d) Khai thác trái phép thực vật rừng ngoài gỗ trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Khai thác thực vật thuộc loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, các loại thực vật khác thuộc Nhóm IA trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng hoặc từ 01 mét khối (m3) đến dưới 02 mét khối (m3) gỗ tại rừng sản xuất hoặc từ 0,5 mét khối (m3) đến dưới 1,5 mét khối (m3) tại rừng phòng hộ hoặc từ 0,5 mét khối (m3) đến dưới 01 mét khối (m3) gỗ tại rừng đặc dụng hoặc khu bảo tồn thiên nhiên;

e) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến, mua bán trái phép từ 1,5 mét khối (m3) đến dưới 03 mét khối (m3) đối với gỗ loài nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài của loài thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp hoặc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài của loài thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp; từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường;

g) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến, mua bán trái phép các loài thực vật hoang dã khác trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 600.000.000 đồng;

h) Vật phạm pháp có khối lượng hoặc giá trị dưới mức thấp nhất quy định tại một trong các điểm a, b, c, d, đ hoặc e của khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang