Khởi kiện không đúng đối tượng, Tòa án bác đơn?

20/08/2018 08:06

(kiemsat.vn)
Nếu nguyên đơn khởi kiện không đúng đối tượng thì Tòa án không được trả lại đơn khởi kiện được mà phải thụ lý vụ án và đưa ra xét xử theo hướng bác đơn khởi kiện chứ không được đình chỉ vụ án, bởi vì Điều 217 BLTTDS năm 2015 không có quy định.

Sau khi đọc bài viết: “Khởi kiện không đúng đối tượng, Tòa án đình chỉ hay bác đơn khởi kiện?” của tác giả Đỗ Thịnh Thùy, VKSND Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đăng trên Tạp chí Kiểm sát điện tử ngày 17/8/2018, tôi xin có một vài ý kiến trao đổi như sau:

Ảnh minh họa

Theo đó, tác giả nêu hai quan điểm khác nhau và đồng tình với quan điểm thứ hai:

(1)Tòa án không được trả lại đơn khởi kiện được mà phải thụ lý vụ án và đưa ra xét xử theo hướng bác đơn khởi kiện chứ không được đình chỉ vụ án, bởi vì Điều 217 BLTTDS năm 2015 không có quy định.

(2) Trong vụ án này quan hệ giữa UBND xã X với bà Phạm Thị A như bà A trình bày là quan hệ hành chính giữa cơ quan nhà nước với công dân. Do vậy, việc bà A khởi kiện yêu cầu UBND xã X trả cho bà khoản tiền bồi thường thực thiệt hại, thực chất là yêu cầu bồi thường Nhà nước do người thi hành công vụ gây ra. Để giải quyết yêu cầu khởi kiện của bà A phải xác định hành vi của những người thi hành công vụ của UBND xã X là trái pháp luật và thuộc trường hợp được bồi thường. Bà A khởi kiện khi chưa có văn bản nào của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ thuộc UBND xã X trong vụ việc lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ bà A là không đúng quy định của pháp luật theo quy định tại Điều 6 Luật Bồi thường trách nhiệm nhà nước. Do vậy, trong vụ án này bà A chưa đủ điều kiện khởi kiện. Theo quy định tại Điều 192 BLTTDS  năm 2015, Tòa án cần trả lại đơn khởi  kiện.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu nội dung vụ án nêu trên thì tác giả cho rằng: Nếu đương sự kiện sai đối tượng, sai chủ thể bị đơn thì Tòa án không nên đình chỉ trả lại đơn mà xử bác đơn yêu cầu của đương sự, bởi lẽ:

Điều 5 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định:

“1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.

2. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.”

Trong trường hợp này, bà Phạm Thị A khởi kiện UBND xã X bồi thường thiệt hại là không đúng đối tượng, mà phải khởi kiện UBND huyện H vì Quyết định thu hồi diện tích đất của gia đình bà A để làm đường giao thông và sân thể thao là của UBND huyện H.

Căn cứ theo Điều 167, 186 và 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì pháp luật không quy định về việc trả lại đơn khởi kiện đối với trường hợp nêu trên. Do đó, khi bà A khởi kiện UBND xã X thì Tòa án phải thụ lý hồ sơ để giải quyết theo quy định. Do không có quy định về việc trả lại đơn trong trường hợp này, nếu bà A vẫn kiên quyết khởi kiện UBND xã X, không rút đơn khởi kiện thì Tòa án không được đình chỉ giải quyết vụ án nêu trên và vẫn phải tiếp tục xét xử vụ án theo hướng bác yêu cầu khởi kiện của bà A và buộc bà A phải chịu án phí theo quy định.

Từ những phân tích trên, thiết nghĩ quyền khởi kiện, quyền tự định đoạt quyết định là của đương sự, nếu họ kiện sai đối tượng thì Tòa án xử bác yêu cầu của họ chứ không nên đình chỉ. Nếu họ kiện sai đối tượng thì họ phải gánh chịu hậu quả là phải chịu án phí, còn nếu Tòa án đình chỉ thì họ sẽ được nhận lại tiền tạm ứng án phí .

Xem thêm>>>

Kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của Tòa án

07 trường hợp bị trả lại đơn khởi kiện

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang