Khảo sát, lấy ý kiến về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của VKSND trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 tại Thừa Thiên Huế

07/09/2022 16:01

(kiemsat.vn)
Sáng ngày 7/9, VKSND tối cao phối hợp với Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức khảo sát lấy ý kiến về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của VKSND đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao và đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế đồng chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao và đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế đồng chủ trì Hội nghị.

Phát biểu tại buổi khảo sát, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao nhấn mạnh, VKSND đóng vai trò quan trọng trong giúp Đảng, Nhà nước thực hiện kiểm soát quyền lực tư pháp thông qua hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp và điều tra các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền. Đồng thời, Hiến pháp và pháp luật hiện hành cũng quy định, VKSND có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Tuy nhiên, từ năm 2002, theo Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam và các văn bản pháp luật, VKSND không tiếp tục thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội (Kiểm sát chung), đã tạo “khoảng trống” trong thực hiện cơ chế giám sát bên ngoài đối với cơ quan hành pháp trong việc ban hành các văn bản pháp quy và xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực dân sự, hành chính, vai trò của VKSND chưa được thể hiện đầy đủ. Cụ thể, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 và Luật Tố tụng Hành chính năm 2010 không quy định về thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự, hành chính của VKSND như trước đây và cũng không giao cho cơ quan nào thực hiện. Từ đó, dẫn đến nguy cơ gây tổn hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của công cộng vì, thực tiễn có nhiều vụ việc nhân dân, cơ quan, tổ chức không có lợi ích liên quan nên không khởi kiện và cũng không thể khởi kiện theo quy định pháp luật…

Một số ý kiến tại buổi làm việc đề cập đến giới hạn truy tố, chuyển từ “truy tố bắt buộc” sang “truy tố có điều kiện” trên cơ sở xem xét, đánh giá các lợi ích công, các quy định của pháp luật để quyết định việc truy tố; nghiên cứu mở rộng phạm vi thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao có thẩm quyền điều tra cả tội phạm tham nhũng, chức vụ liên quan đến hoạt động tư pháp mà người phạm tội không phải là cán bộ tư pháp. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đồng thuận về việc cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của VKSND trong tố tụng dân sự, hành chính và tăng cường vai trò trách nhiệm của VKSND trong kiểm sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và xử lý vi phạm hành chính…

Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát, đồng thời, đưa ra các ý kiến thông qua phiếu khảo sát xin ý kiến nhận xét, đánh giá về thực trạng kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát và hoạt động điều tra của VKSND tối cao.

Đồng chí  Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đồng thuận với các ý kiến và nhấn mạnh, việc bảo vệ lợi ích của nhà nước, lợi ích của công cộng ở nước ta do nhiều chủ thể trong hệ thống chính trị có trách nhiệm thực hiện, trong đó có VKSND thông qua chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó và được pháp luật quy định. Vì thế, ngành Kiểm sát cần tăng cường vai trò, trách nhiệm trong quá trình hoạt động và cũng cần nghiên cứu, bổ sung các quy định nâng cao, mở rộng quyền kiểm sát liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm, tiêu cực xảy ra trong hoạt động tư pháp.

Việc lấy ý kiến các đại biểu nằm trong Kế hoạch số 02-KH/BCĐ, ngày 20/7/2021 của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045"; trong đó giao VKSND tối cao chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương nghiên cứu, tham mưu, đề xuất nội dung cải cách tư pháp trong VKSND đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và thực hiện các chương trình, kế hoạch của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang