Huyện Kon Plông (Kon Tum): Hàng loạt dự án đầu tư chậm tiến độ, sai phạm kéo dài - Trách nhiệm thuộc về ai?

18/07/2021 14:07

(kiemsat.vn)
Huyện Kon Plông là một trong ba vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum, đã được đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; được kỳ vọng trở thành Khu du lịch sinh thái Quốc gia. Tuy nhiên, đến nay sau nhiều năm triển khai, hoạt động đầu tư vẫn rất ì ạch, chậm tiến độ hoặc có nhiều sai phạm.

Tiềm năng thu hút đầu tư với Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen

Báo cáo số 233/BC-UBND ngày 15/6/2016 của UBND huyện Kon Plông đã giới thiệu các lợi thế, tiềm năng phát triển Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen: “...có diện tích tự nhiên 138.116ha,... khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ nhiệt độ từ 16-200C , với nhiều danh lam thắng cảnh, rừng có độ che phủ hơn 80% diện tích tự nhiên... Măng Đen được nhìn nhận là điểm khởi đầu của tuyến du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên”... và đang thu hút được sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế”.

Về các dự án đầu tư, báo cáo cho thấy: “Đến nay toàn huyện đã thu hút được trên 80 dự án triển khai thực hiện; trong đó có các dự án lớn đang được triển khai như dự án quản lý, bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch và nhân giống, trồng, phát triển cây dược liệu kết hợp chăn nuôi dê sữa công nghệ cao của Công ty CP dược liệu và thực phẩm Măng Đen với quy mô 1.350 ha - tổng mức đầu tư của dự án 5.100 tỷ đồng; dự án nông trại hữu cơ của Công ty TNHH Kon Tum Bellest liên doanh với Hàn Quốc với quy mô 100 ha - tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng; dự án nông nghiệp công nghệ cao của Công ty TNHH Kon Plông AGRI -TOURISM liên doanh với Úc với tổng mức đầu tư trên 05 triệu USD, Công ty Vin Eco  thuộc tập đoàn Vin Group với quy mô dự án 1.000ha - tổng mức đầu tư của dự án 1.000 tỷ đồng”.

Tại Báo cáo số 304/BC -UBND ngày 14/8/2020 của UBND huyện Kon Plông  đánh giá: “ Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế -xã hội của huyện có những bước phát triển toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tiềm năng, lợi thế được phát huy tốt, cơ sở hạ tầng được tăng cường đầu tư, bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc,.... Công tác quản lí, sử dụng đất đai, công tác quản lí đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện luôn được triển khai thực hiện có hiệu quả, đảm bảo theo quy định của pháp luật”.

Về công tác sử dụng tài nguyên, Báo cáo thể hiện: “Hằng năm, trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất được UBND tỉnh phê duyệt, UBND huyện xây dựng kế hoạch sử dụng đất làm cơ sở để thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất gắn với nhu cầu sử dụng đất trong năm của các ngành, lĩnh vực, của các cấp phù hợp với khả năng đầu tư và huy động nguồn lực, khắc phục lãng phí trong lĩnh vực tài nguyên đất đai”.

Việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn, Báo cáo nhấn mạnh: “Đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc, đúng trình tự, thủ tục, nội dung, quá trình sử dụng đất nhằm khai thác quỹ đất, đảm bảo sử dụng hợp lí và hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội... kế hoạch sử dụng đất ngày càng đi vào chiều sâu,  góp phần tích cực vào việc sử dụng đất hợp lí và có hiệu quả”.

Trước đó, ngày 15/11/2011, UBND huyện Kon Plông ban hành Quyết định số 1639/QĐ-UBND đưa ra quy trình đối với phương án đầu tư của các hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền của UBND huyện gồm 6 bước: “(1) Tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất, kinh doanh, xác định sơ bộ địa điểm lập phương án. (2) Cho chủ trương lập phương án đầu tư sản xuất kinh doanh; thống nhất chủ trương đầu tư; xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường. (3) Thẩm tra phương án đầu tư sản xuất kinh doanh; thống nhất chủ trương đầu tư, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường. (4) Giao, cho thuê đất. (5) Cấp chứng chỉ quy hoạch. (6) Cấp giấy phép xây dựng.”

Cùng với đó là Quyết định thành lập Tổ xúc tiến và hỗ trợ đầu tư được ban hành; yêu cầu Tổ xúc tiến và hỗ trợ đầu tư phối hợp với các phòng ban liên quan theo dõi, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện dự án theo định kỳ hàng tháng, quý, năm.

Nhiều tồn tại, sai phạm trong triển khai và thực hiện dự án đầu tư

Tuy nhiên trên thực tế, sau nhiều năm, việc triển khai các dự án không đạt kết quả như những kỳ vọng, thậm chí còn để xảy ra nhiều sai phạm trong triển khai và thực hiện dự án đầu tư.

Ngày 07/3/2021, UBND huyện Kon Plông ban hành Báo cáo số 141/BC -UBND về xử lý Kết luận số 03 của Thanh tra tỉnh Kon Tum: “UBND huyện đã chỉ đạo họp kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan trong việc chưa thực hiện đầy đủ các nội dung theo kế hoạch phòng, chống tham nhũng hàng năm của UBND huyện... UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn có liên quan tổ chức họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đồng thời xem xét hình thức kỷ luật đối với tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm như đã nêu ra tại Kết luận...”.

Theo ghi nhận của Phóng viên, đến nay đang có hàng trăm dự án vẫn bị bỏ hoang hoặc đang được chuyển nhượng, triển khai sai quy trình, sai quy mô, thiết kế.

Trực trạng một số dự án trên địa bàn

Cụ thể: Dự án đầu từ năm 2007 đến năm 2015 có 81 dự án; diện tích đất giao cho nhà đầu tư triển khai dự án là 9.980,02 ha; tổng mức đầu tư là 22.862,56 tỷ đồng. Trong đó có 40 dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư. 25 dự án tương đương với diện tích 7.144,73 ha chưa hoàn thành thủ tục và cũng chưa triển khai nhưng đã quá thời hạn, nhà đầu tư chậm tiến độ. 05 dự án đã hoàn thành, có khoảng 534,6 ha. Như vậy, tỷ lệ dự án hoàn thành mới chỉ đạt khoảng 5,3%(?)

Hình ảnh bảng tổng hợp các dự án đã và đang triển khai trên địa bàn huyện

Một số tồn tại được thể hiện tại Báo cáo số 09/BC-HTĐT ngày 04/5/2015 của Tổ xúc tiến và HTĐT (Phòng Tài chính kế hoạch, UBND huyện Kon Plông) về hoạt động đầu tư như sau:

Dự án xây dựng trang trại trồng cây ăn quả lâu năm, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm của bà Đào Thị Hương. Về hồ sơ pháp lý mới chỉ có Công văn 146/CV-UBND ngày 25/3/2011 về việc chủ trương đầu tư dự án, Thông báo số 94/TB-UBND ngày 11/8/2011 giới thiệu địa điểm đất đầu tư nhưng nhà đầu tư tiến hành trồng cây, đào ao nuôi cá, làm chuồng nuôi lợn, nuôi gà, làm đường nội bộ, làm nhà cho công nhân ở 50 m2.

Dự án trồng rau, hoa xứ lạnh và cây có giá trị kinh tế cao của ông Võ Quang Lương. Tổng diện tích giới thiệu dự án này là 10,5 ha. Năm 2010, ông Lương mới có Thông báo thỏa thuận địa điểm lập dự án nhưng UBND huyện ghi nhận ông Lương đã trồng 1000 cây mac-ca, 200 cây bơ, 1000 cây chuối la-ba, 500 cây chắn gió, 1000 m2 đậu ngự, 2000 m2 su su, 300 cây hoa hồng môn. Đang chuẩn bị triển khai 5 ha bơ và mac-ca, xây dựng nhà cho công nhân với diện tích 200 m2...

Cũng như những hộ cá nhân đầu tư này, hàng loạt các dự án khác trên địa bàn huyện tương ứng với hàng ngàn ha đất được chính quyền huyện Kon Plông cho triển khai đồng loạt khi chưa hoàn thiện đầy đủ các thủ tục đầu tư như: Cam kết bảo vệ môi trường, phương án đánh giá trữ lượng rừng, quyết định phê duyệt đồ án, hợp đồng cho thuê đất, giấy phép xây dựng...

Như vậy sau 15 kêu gọi đầu tư, từ năm 2006 đến nay, số dự án hoàn thành tiến độ đầu tư theo cam kết chỉ tính trên đầu ngón tay, tất cả các dự án còn lại là chậm tiến độ và chưa thu hồi, dẫn đến hậu quả lãng phí tài nguyên đất đai và thất thu ngân sách nhà nước.

Quyết định chủ trương đầu tư

Các dự án đến tháng 8/2020 (theo Phụ lục 19-ĐT của Báo cáo số 304/BC-UBND ngày 14/8/2020) tổng hợp các dự án đầu tư vốn ngoài nhà nước có 75 dự án với tổng mức đầu tư 20.142.375 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng là 9.153ha. Trong đó có khoảng 40/75 dự án chậm tiến độ đầu tư, hầu hết các dự án đều không ký quỹ. Ngoài ra, việc ký quỹ là biện pháp bảo đảm thực hiện dự án đầu tư của nhà đầu tư. Việc đảm bảo thực hiện dự án đầu tư được quy định cụ thể tại điều 32 Nghị định 118/2015/NĐ-CP. Khoản 3 Điều 27 Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định mức ký quỹ được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên vốn đầu tư của dự án đầu tư quy định tại văn bản quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Cụ thể như trường hợp bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa có Quyết định chủ trương đầu tư ngày 30/3/2016 cho dự án 13.707.109.000 đồng; dự án bà Bùi Thị Mỹ Châu cũng có Quyết định chủ trương ngày 30/3/2016 có diện tích 8,2972ha, có vốn đầu tư 10.139.076.000 đồng.

Tại Kết luận Thanh tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư số 5847/BKHĐT-TTr ngày 20/8/2019, đã nêu rõ sai phạm không ghi tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn, không thực hiện ký quỹ theo quy định đối với 02 dự án: Dự án đầu tư khu vui chơi giải trí và du lịch sinh thái Măng Đen, Dự án xây dựng nhà máy chế biến rượu vang sim và trưng bày sản phẩm. UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong khi nhà đầu tư chưa thực hiện ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư.

Có hay không sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương?

Các tồn tại, hạn chế, thậm chí là khuyết điểm đã được các cơ quan chức năng chỉ rõ qua các đợt thanh tra, kiểm tra trong những năm qua; tuy nhiên thực tế việc xử lý, khắc phục vẫn còn hết sức chậm chạp như đánh giá tại Báo cáo số 09/BC-HTĐT ngày 04/5/2015 của Tổ xúc tiến và HTĐT (Phòng Tài chính kế hoạch, UBND huyện Kon Plông): “đa số các dự án không triển khai hoặc triển khai chậm, không hiệu quả, quy mô dự án đăng ký lớn, xin nhiều diện tích nhưng vốn đầu tư nhỏ nên tính khả thi không cao. Một số dự án đăng ký vốn lớn nhưng không có cơ chế, quy định để kiểm tra tính xác thực cũng như năng lực của nhà đầu tư. Do vậy, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án trên địa bàn huyện”.

Như vậy, việc lãng phí tài nguyên đất đai và những dấu hiệu thất thoát nhiều tỷ đồng ký quỹ đầu tư diễn ra nhiều năm, đến nay chưa được giải quyết, xử lý dứt điểm, trách nhiệm thuộc về ai? Dư luận mong chờ sự vào cuộc của cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý dứt điểm, xử lý nghiêm những vi phạm, làm lành mạnh hóa môi trường đầu tư. Có như vậy mới thu hút những nhà đầu tư tiềm năng, sớm đưa Kon Plông trở thành một trong ba vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum và trở thành Khu du lịch sinh thái Quốc gia như kỳ vọng.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang