Hướng dẫn công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính năm 2024

09/01/2024 16:39

(kiemsat.vn)
VKSND tối cao vừa ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2024.

07 nhiệm vụ trọng tâm năm 2024

Kiểm sát chặt chẽ việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; tập trung kiểm sát đối với việc thi hành án hành chính (THAHC) có chủ thể phải thi hành án là Ủy ban nhân dân (UBND) và Chủ tịch UBND các cấp; tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp kiểm sát, kịp thời phát hiện vi phạm để kiến nghị, yêu cầu khắc phục, chấm dứt vi phạm hoặc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ THAHC nhưng không kịp thời thi hành án nhằm tổ chức thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính còn tồn đọng, kéo dài. Xây dựng Báo cáo chuyên đề về kiểm sát THAHC theo yêu cầu của Ủy ban Tư pháp, Quốc hội.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan Thi hành án dân sự, tăng cường trực tiếp kiểm sát đột xuất, trực tiếp kiểm sát theo chuyên đề về thi hành án dân sự (THADS). Chú trọng thực hiện kiểm sát đối với hồ sơ việc THADS có dấu hiệu vi phạm, khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; việc THADS được báo chí phản ánh; việc THADS liên quan đến đơn do Đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Đảng chuyển đến. Tăng cường thực hiện phương thức trực tiếp kiểm sát đột xuất hoặc yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu để kiểm sát việc THADS có áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, nhất là việc kê biên, xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Kiểm sát chặt chẽ các vụ việc THADS về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là việc thuộc diện Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực các cấp theo dõi, chỉ đạo hoặc việc tồn đọng kéo dài, góp phần nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt cho Nhà nước.

Thực hiện các giải pháp kiểm sát chặt chẽ việc cơ quan THADS phân loại việc thi hành án; tăng cường thực hiện trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án đối với các việc cơ quan THADS đã phân loại chưa có điều kiện thi hành.

Tổng kết 07 năm thực hiện Quy chế công tác kiểm sát THADS, THAHC ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao - gọi tắt là Quy chế 810 (thời điểm lấy số liệu báo cáo từ 20/12/2016 đến 20/12/2023). Trên cơ sở tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Quy chế 810, báo cáo, đề xuất và trình lãnh đạo VKSND tối cao sửa đổi, bổ sung Quy chế.

Kịp thời phát hiện vi phạm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc tổ chức THADS, THAHC để ban hành kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu khắc phục, chấm dứt vi phạm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các kháng nghị, kiến nghị, đảm bảo đạt và vượt tỷ lệ kiến nghị, kháng nghị được chấp nhận theo chỉ tiêu của Ngành; trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì kịp thời chuyển thông tin cho cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về THADS, THAHC và công tác thống kê, báo cáo kết quả kiểm sát THADS, THAHC để nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo đơn vị.

Viện kiểm sát các cấp xác định 03 nội dung nhiệm vụ công tác đột phá trong năm 2024:

- Tập trung kiểm sát chặt chẽ việc THAHC có người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND các cấp, kịp thời phát hiện vi phạm để thực hiện quyền kiến nghị, yêu cầu khắc phục, chấm dứt vi phạm hoặc kiến nghị xử lý trách nhiệm trong việc không kịp thời tổ chức THAHC.

- Nâng cao hiệu quả kiểm sát các vụ việc THADS về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, các vụ việc có liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng; chú trọng kiểm sát đối với các vụ việc có áp dụng biện pháp kê biên, xử lý tài sản để thi hành án là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

- Tăng cường thực hiện phương thức trực tiếp kiểm sát đột xuất hoặc yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu để kiểm sát việc THADS có dấu hiệu vi phạm, khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; việc THADS được báo chí phản ánh; việc THADS liên quan đến đơn do Đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Đảng chuyển đến.

Nhiệm vụ cụ thể và giải pháp thực hiện

Đối với công tác kiểm sát THAHC: Kiểm sát chặt chẽ 100% việc THAHC, trong đó tập trung kiểm sát đối với việc THAHC có chủ thể phải thi hành án là UBND và Chủ tịch UBND các cấp, các trường hợp Toà án đã ra Quyết định buộc THAHC nhưng chưa được thi hành; chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp kiểm sát để kịp thời phát hiện vi phạm, kiến nghị, yêu cầu khắc phục, chấm dứt vi phạm hoặc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ THAHC nhưng không kịp thời tổ chức thi hành án nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và tỷ lệ việc THAHC.

VKSND cấp dưới rà soát, tổng hợp những trường hợp đã kiến nghị nhưng chủ thể phải thi hành án là UBND và Chủ tịch UBND cùng cấp vẫn không thực hiện nghĩa vụ THAHC; nêu rõ khó khăn, vướng mắc (nếu có) để báo cáo VKSND cấp trên ban hành kiến nghị tổng hợp chung.

Đối với công tác kiểm sát THADS: Chủ động kiểm sát việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án cho Cơ quan THADS; việc Cơ quan THADS ra quyết định thi hành án, chuyển giao các quyết định, tài liệu liên quan đến việc tổ chức thi hành án; chủ động tiến hành trực tiếp xác minh điều kiện THADS khi xét thấy kết quả xác minh của Chấp hành viên không đủ căn cứ để ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án.

Theo dõi, lập hồ sơ và thực hiện kiểm sát chặt chẽ 100% việc THADS về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; chú trọng kiểm sát đối với việc THADS thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cấp ủy các cấp theo dõi, chỉ đạo. Đối với những việc phức tạp, tồn đọng kéo dài, có khó khăn, vướng mắc, đã phối hợp với các cơ quan ở địa phương nhưng chưa tháo gỡ, giải quyết được thì VKSND cấp tỉnh phải kịp thời báo cáo VKSND tối cao (qua Vụ 11) để phối hợp với liên ngành Trung ương thống nhất hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết dứt điểm, góp phần nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt cho Nhà nước.

Thực hiện kiểm sát 100% vụ việc THADS có áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, thẩm định giá và bán đấu giá tài sản để thi hành án, đảm bảo việc cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản thi hành án đúng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người liên quan. Khi nhận được Quyết định cưỡng chế kê biên tài sản, cần yêu cầu Cơ quan THADS cung cấp hồ sơ, tài liệu thi hành án (nếu chưa có quy chế phối hợp) để thực hiện kiểm sát.

Tăng cường thực hiện phương thức trực tiếp kiểm sát đột xuất hoặc yêu cầu Cơ quan THADS, tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá tài sản thi hành án cung cấp hồ sơ, tài liệu để kiểm sát việc cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, nhất là việc kê biên, xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, ngân hàng; chú trọng kiểm sát đối với các vụ việc THADS liên quan đến các ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước (Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MB...), nhằm xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, thu hồi vốn cho vay của Nhà nước.

Bên cạnh đó, toàn Ngành kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS, THAHC; chú trọng kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo kết hợp với kiểm sát hồ sơ THADS hoặc trực tiếp kiểm sát đột xuất đối với việc THADS có khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, có dấu hiệu vi phạm; việc THADS được báo chí phản ánh; việc THADS liên quan đến đơn do Đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Đảng chuyển đến.

Đồng thời, thông qua công tác kiểm sát THADS, THAHC và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS, THAHC, Viện kiểm sát các cấp tăng cường phát hiện, tổng hợp đầy đủ vi phạm pháp luật để kịp thời ban hành kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu khắc phục và phòng ngừa vi phạm; chú trọng việc kiến nghị đối với UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp, các cơ quan, tổ chức có liên quan (cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, các tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá tài sản thi hành án...).

Trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì kịp thời chuyển thông tin cho cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết. Kịp thời xử lý và báo cáo VKSND cấp trên trực tiếp đối với các trường hợp kháng nghị, kiến nghị không được chấp nhận.

Ngoài ra, Viện kiểm sát các cấp cần chú trọng kiểm sát việc thực hiện kiến nghị, kháng nghị, kết luận trực tiếp kiểm sát (phúc tra); có thể thực hiện kiểm sát độc lập hoặc kết hợp khi tiến hành trực tiếp kiểm sát định kỳ. VKSND cấp dưới nghiêm túc thực hiện và có báo cáo kết quả việc phúc tra đối với kháng nghị, kiến nghị, kết luận trực tiếp kiểm sát của VKSND cấp trên trực tiếp ban hành khi được giao thực hiện.

Công bố và trao Quyết định bổ nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Khu vực 42, Quân khu 4

(Kiemsat.vn) - Vừa qua, Viện kiểm sát quân sự Quân khu 4 tổ chức Hội nghị công bố và trao Quyết định bổ nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Khu vực 42. Đồng chí Thiếu tướng Phan Văn Sỹ, Bí thư Đảng ủy Cục Chính trị, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4 dự và chủ trì Hội nghị.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang