Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV

16/06/2018 08:15

(kiemsat.vn)
Chiều 15/6, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 5, khép lại 21 ngày làm việc với tinh thần dân chủ, nghiêm túc và đầy trách nhiệm của Quốc hội khóa XIV.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì buổi họp báo

Mở đầu buổi họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã giành thời gian chúc mừng các nhà báo nhân dịp Kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Thay mặt Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc gửi lời cảm ơn đến các cơ quan báo chí, các phóng viên đã luôn song hành cùng các hoạt động của Quốc hội Việt nam trong thời gian qua; chúc các phóng viên sức khỏe dồi dào, tâm sáng, bút sắc, lòng trong và tiếp tục đồng hành cùng Quốc hội nói riêng và cử tri cả nước nói chung trên con đường xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giầu mạnh.

Tham dự họp báo còn có ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục báo chí Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện các Ủy ban của Quốc hội, các phóng viên báo chí, truyền hình, thông tấn trong và ngoài nước.

Thông báo nhanh về kết quả Kỳ họp thứ 5 vừa qua, Phó Tổng thư ký Quốc hội ông Lê Bộ Lĩnh cho biết trong 20 ngày làm việc vừa qua, Quốc hội đã thông qua 07 luật, cho ý kiến về 08 dự án luật, biểu quyết tán thành việc chưa trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại kỳ họp thứ 5 sau khi cho ý kiến lần thứ hai về dự án Luật này. Quốc hội cũng đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về 4 nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực: giao thông vận tải; tài nguyên và môi trường; lao động, thương binh và xã hội; giáo dục và đào tạo. Quốc hội cũng nhất trí với việc phát hành trái phiếu Chính phủ để nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam hay quyết định tỷ lệ phân chia nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước giai đoạn 2017 – 2020…

Phần trao đổi với báo chí bắt đầu với Lê Hiệp, Phóng viên báo Thanh niên đặt câu hỏi tại sao có sự khác nhau trong cách xử lý hai dự án Luật gây nhiều chú ý trong thời gian vừa qua là Luật đơn vị hành chính đặc biệt và Luật An ninh mạng, một luật thì dừng, một luật thì thông qua. Cho rằng bản chất vấn đề của hai luật này khác nhau, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, với Luật An ninh mạng, khi đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến ĐBQH rồi thì việc thông qua với tỷ lệ phiếu rất cao là điều đương nhiên, còn với Luật về đặc khu thì có rất nhiều vấn đề, rộng hơn Luật An ninh mạng nên Quốc hội thấy rằng cần phải có thời gian trao đổi nên lùi lại.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Thanh Hồng trả lời phỏng vấn

Bổ sung thêm ý của Tổng Thư ký Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Thanh Hồng cho biết trong quá trình xây dựng, chỉnh lý Luật An ninh mạng, Uỷ ban Quốc phòng an ninh đã tham khảo nhiều ý kiến của các chuyên gia đầu ngành, thông tin dư luận, báo chí, nước ngoài để cố gắng đáp ứng nhu cầu của an ninh mạng trong thực tế của nước ta hiện nay. Ông cũng chia sẻ, đến giờ phút này, 2 tập đoàn công nghệ lớn của thế giới là Facebook và Google đều chưa có ý kiến gì bằng văn bản về Luật An ninh mạng gửi Chính phủ Việt Nam như dư luận lo lắng trước đó. “Chúng ta cần hiểu Luật An ninh mạng chính là bảo vệ quyền lợi của DN và quyền lợi của người dân”, ông Hồng khẳng định.

Phóng viên hãng Reuter đặt câu hỏi về quy định đặt máy chủ tại Việt Nam và dữ liệu người dùng tại Việt Nam liệu có ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Một lần nữa, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh khẳng định 2 tập đoàn công nghệ lớn của thế giới là Facebook và Google đều chưa có ý kiến gì. Ông cũng đưa ra một minh chứng vấn đề máy chủ đặt đâu và dữ liệu người dùng là vấn đề không chỉ trong Luật An ninh mạng của Việt Nam mà là toàn thế giới. Ví dụ, tháng 5 vừa rồi, Liên minh Châu Âu đã yêu cầu Facebook phải lưu trữ dữ liệu người dùng của Công dân châu Âu tại châu Âu. Chúng ta đang nhìn nhận dữ liệu người dùng VN là tài sản cá nhân, là quyền được pháp luật VN bảo vệ nên việc chúng ta yêu cầu họ phải lưu trữ dữ liệu người dùng của VN tại VN là hợp lý. “Luật An ninh mạng đang bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân”, ông Hồng cho biết.   

Trẳ lời Phóng viên hãng AFP đặt câu hỏi trong Luật An ninh mạng có đề cập đến vấn đề ko được đăng thông tin có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, có phải là  hướng đến những người bất đồng chính kiến, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định: Nếu đã liên quan đến an ninh quốc gia thì phải xử lý, bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng sẽ có cách ứng xử tương tự như Việt Nam với những tội phạm có ý đồ xâm hại an ninh quốc gia.  

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và đại diện các Ủy ban của Quốc hội đã thẳng thắn trả lời nhiều câu hỏi của các phóng viên trong nước và quốc tế

Phóng viên Nguyễn Hoàng BBC tiếng Việt chuyển tải câu hỏi của độc giả về việc Quốc hội Việt Nam có cung cấp thông tin về các đại biểu Quốc hội ai đồng ý hay không đồng ý? Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội Việt Nam là thành viên của Liên minh nghị viện thế giới với 283 thành viên. Trong số các thành viên, chỉ có 70 Nghị viện lựa chọn hình thức biểu quyết có danh, đa số Nghị viện chọn hình thức biểu quyết không danh trong đó có Việt Nam. “Điều này hoàn toàn phù hợp với các thông lệ của Liên minh nghị viện thế giới, không có gì đặc biệt”,  Tổng Thư ký Quốc hội cho biết.

Trong thời gian 60’, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và đại diện các Ủy ban của Quốc hội đã thẳng thắn trả lời nhiều câu hỏi của các phóng viên trong nước và quốc tế, khẳng định hoạt động của Quốc hội Việt Nam luôn đặt quyền lợi của Nhà nước và nhân dân lên hàng đầu, phù hợp với các thông lệ Quốc tế.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang