Hội thảo góp ý báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát thi hành Luật tổ chức VKSND năm 2014 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

31/07/2024 11:36

(kiemsat.vn)
Trong hai ngày 30 và 31/7, tại TP. Đà Nẵng, VKSND tối cao phối hợp cùng Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát 05 năm thi hành BLTTHS năm 2015 và 08 năm thi hành Luật Tổ chức VKSND năm 2014”.

Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học cùng đồng chí Nguyễn Văn Bung, Phó Viện trưởng VKSND TP. Đà Nẵng và bà Nguyễn Nguyệt Minh, phụ trách UNODC tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

Thành phần tham dự Hội thảo gồm: Đồng chí Lê Tiến, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ 10 VKSND tối cao; PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh, Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát; đồng chí Lê Thị Kiều Nga, Phó Vụ trưởng Vụ 1 VKSND tối cao; PGS.TS. Vũ Thị Hồng Vân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kiểm sát Hà Nội; đồng chí Phạm Văn Cần, Viện trưởng VKSND cấp cao 2; đồng chí Hồ Thanh Hải, Viện trưởng VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng chí Phạm Thị Kim Liên, Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Nam và các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi; các đồng chí Kiểm sát viên đến từ các đơn vị Vụ 1, Vụ 10, Vụ 13, Vụ 15, Cục 1, Tạp chí Kiểm sát VKSND tối cao, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng, VKSND hai cấp TP. Đà Nẵng; Viện kiểm sát quân sự khu vực 51 và đại diện lãnh đạo, cán bộ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng: UBND thành phố, HĐND thành phố, Ban Nội chính Thành ủy, Công an thành phố, TAND thành phố, Đoàn Luật sư và Hội luật gia thành phố.

Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học cùng đồng chí Nguyễn Văn Bung, Phó Viện trưởng VKSND TP. Đà Nẵng và bà Nguyễn Nguyệt Minh, phụ trách UNODC tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

Hội thảo được chia thành 02 nội dung: (1) Thảo luận góp ý dự thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát 8 năm thi hành Luật Tổ chức VKSND năm 2014; (2) Góp ý dự thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát 05 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Các đại biểu dự Hội thảo.

Liên quan đến “Góp ý dự thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát 8 năm thi hành Luật Tổ chức VKSND năm 2014”, đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học đã nêu các thông tin liên quan đến quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và cải cách tư pháp liên quan đến tổ chức và hoạt động của VKSND; thực tiễn tổ chức và hoạt động của VKSND qua 08 năm thực hiện Luật; nghiên cứu xu hướng đổi mới, cải cách cơ quan tư pháp nói chung, VKSND nói riêng trong giai đoạn mới; xu hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tất cả các khâu, các lĩnh vực công tác của ngành Kiểm sát nhân dân, nhằm thực hiện chủ trương xây dựng VKSND hiện đại theo yêu cầu cải cách tư pháp.

Đồng thời, đồng chí Vụ trưởng Vụ pháp chế và Quản lý khoa học thông tin về Luật tổ chức TAND năm 2024 được thông qua ngày 24/6/2024 tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XV và có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Trong đó có một số quy định mới tác động đến tổ chức, hoạt động của VKSND như, Tòa án sẽ thành lập 03 loại TAND sơ thẩm chuyên biệt, gồm: TAND sơ thẩm chuyên biệt Hành chính; TAND sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ; TAND sơ thẩm chuyên biệt Phá sản và chức danh Thẩm phán, ngạch Thẩm phán sẽ có hai ngạch: Thẩm phán TAND tối cao và Thẩm phán TAND, việc bổ nhiệm Thẩm phán TAND lần đầu phải qua kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán TAND, nhiệm kỳ của Thẩm phán lần đầu được bổ nhiệm là 05 năm. Thẩm phán TAND được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác. Theo các quy định này thì ngành Tòa án chỉ tổ chức thi vào ngạch chức danh tư pháp một lần và giữ ngạch cho đến khi về hưu, chuyển công tác hoặc miễn nhiệm; khi đủ điều kiện theo quy định về thời hạn, số năm, không vi phạm thì được xét nâng bậc Thẩm phán.

Điểm chú ý là, Luật tổ chức TAND năm 2024 hạn chế phạm vi thu thập chứng cứ của Tòa án so với quy định trước đây; Hội đồng xét xử không có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự như cũ mà chỉ yêu cầu hoặc kiến nghị Viện kiểm sát khởi tố nếu qua việc xét xử tại phiên tòa phát hiện việc bỏ lọt tội phạm hoặc có dấu hiệu tội phạm.

Đồng chí Lê Tiến, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ 10 VKSND tối cao phát biểu tại Hội thảo.

PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh, Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát phát biểu ba vấn đề tại Hội thảo liên quan đến Tòa án chuyên biệt; ngạch Kiểm sát viên và vấn đề cần sửa đổi Luật tổ chức VKSND.

Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng Phạm Văn Cần phát biểu tại Hội thảo.

Đồng chí Lâm Hồng Anh, Phó Chi Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng phát biểu.

Hội thảo đã tập trung góp ý, thảo luận và đưa ra những ưu điểm, hiệu quả thực tế khi áp dụng Luật tổ chức VKSND năm 2014. Theo đó, các đại biểu đánh giá cao về Luật tổ chức VKSND năm 2014 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã bảo đảm tính khả thi, đã đi vào thực tiễn cuộc sống, là nền tảng pháp lý cơ bản cho tổ chức và hoạt động của VKSND các cấp kể từ thời điểm có hiệu lực thi hành đến nay, đồng thời, Luật tổ chức VKSND hiện hành đã làm rõ vị trí của VKSND trong bộ máy nhà nước; quy định rõ vị trí, nội dung, mục đích của từng chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; vai trò của VKSND trong thực hành quyền công tố ở các giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, tương trợ tư pháp về hình sự; Luật tổ chức VKSND cũng đã nêu rõ vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong giải quyết vụ, việc dân sự, vụ án hành chính và trong các lĩnh vực khác; quy định về các ngạch Kiểm sát viên hay các chế độ thi tuyển đối với chức danh tư pháp Kiểm sát viên, Kiểm tra viên... Đại biểu tham dự Hội thảo cũng đánh giá, phân tích về tác động của việc TAND quy định về việc thành lập các TAND chuyên biệt thì VKSND cũng cần có phương án bố trí, phân công đơn vị tương đương với TAND sơ thẩm chuyên biệt để kịp thời thực hiện chức năng kiểm sát…

Do vậy, đa số các đại biểu tán thành và đồng nhất về quan điểm chưa cần thiết sửa đổi bổ sung Luật tổ chức VKSND 2014 tại giai đoạn này nhưng các đại biểu cũng đã đề cập đến một số vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, ví như, VKSND cấp huyện chưa thành lập các phòng nghiệp vụ; việc sắp xếp, bố trí biên chế, Kiểm sát viên chưa bảo đảm phù hợp với thực tiễn công tác của ngành Kiểm sát nhân dân hiện nay; về quy định ngạch, bậc lương cho Kiểm sát viên vẫn chưa được đảm bảo tương xứng với trách nhiệm, đặc thù nghề nghiệp…

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Hội thảo.

Kết thúc nội dung thứ nhất liên quan đến “Góp ý dự thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát 8 năm thi hành Luật Tổ chức VKSND năm 2014”, đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, thống nhất cao quan điểm đề xuất, kiến nghị của các đại biểu về thời gian nghiên cứu sửa các nội dung liên quan đến Luật tổ chức VKSND 2014; đồng thời, Hội thảo đã đưa ra được nhiều giải pháp để giải quyết các nội dung vướng mắc, bất cập trong Luật tổ chức VKSND năm 2014. Theo đó, ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục nghiên cứu thực hiện 03 đề án, 01 dự thảo đã được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và 01 luật do TANDTC xây dựng được Quốc hội thảo luận và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV; do vậy, sau khi hoàn thành việc nghiên cứu các đề án do Trung ương giao và được cấp có thẩm quyền thông qua và dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự được Quốc hội ban hành thì lúc đó sẽ nghiên cứu sửa tổng thể Luật tổ chức VKSND năm 2014 để bổ sung các chức năng, nhiệm vụ mới và nghiên cứu sửa các nội dung có liên quan đến Luật tổ chức TAND 2024 đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất.

Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học cùng đồng chí Nguyễn Văn Quang, Viện trưởng VKSND TP. Đà Nẵng và Bà Nguyễn Nguyệt Minh, phụ trách UNODC tại Việt Nam, đồng chủ trì Hội thảo “Góp ý báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát 05 năm thi hành BLTT hình sự năm 2015”.

Ngày 31/7/2024, tiếp tục chương trình Hội thảo là nội dung “Góp ý dự thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát 05 năm thi hành BLTTHS năm 2015”. Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học cùng đồng chí Nguyễn Văn Quang, Viện trưởng VKSND TP. Đà Nẵng và bà Nguyễn Nguyệt Minh, phụ trách UNODC tại Việt Nam, đồng chủ trì Hội thảo.

Theo Báo cáo trình bày tại Hội thảo và ý kiến thảo luận của các đại biểu, thời gian qua, thực hiện quy định của BLTTHS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho thấy, BLTTHS hiện hành đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp; khắc phục được những bất cập của BLTTHS năm 2003; đồng bộ với các luật, bộ luật khác trong hệ thống pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện để phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không làm oan người vô tội, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

Tuy nhiên, quá trình áp dụng BLTTHS hiện hành vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập chủ yếu tập trung vào 06 nhóm chính: (1) Những quy định của BLTTHS không còn phù hợp; (2) Một số quy định còn thiếu, chưa được quy định; (3) Những quy định còn chưa cụ thể, chưa rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau, chưa có văn bản hướng dẫn thi hành; (4) Những quy định còn mâu thuẫn, không thống nhất, chồng chéo; (5) Những quy định chưa bảo đảm kỹ thuật trình bày; (6) Những vướng mắc, bất cập cụ thể khác như: Vướng mắc bất cập liên quan đến xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản tạm giữ; chứng cứ điện tử, dữ liệu điện tử; về cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; thời hạn tố tụng; biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế; quyền của người bào chữa; khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra; ghi âm, ghi hình có âm thanh hỏi cung bị can; trách nhiệm chứng minh tội phạm của Tòa án và việc thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án...

Kết thúc nội dung về “Góp ý báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát 05 năm thi hành BLTTHS năm 2015”, Ban Tổ chức Hội thảo đã ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu và nêu về phương hướng hoàn thiện BLTTHS và các đạo luật có liên quan trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp hình lưu niệm.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang