Học tập, thực hành khám nghiệm hiện trường tai nạn giao thông đường bộ

12/10/2019 11:55

(kiemsat.vn)
Sáng 11/10/2019, gần 40 sinh viên K3 Chương trình chất lượng cao cùng các giảng viên khoa Pháp luật hình sự trường Đại học Luật Hà Nội đã có buổi học tập, thực hành một số nội dung khám nghiệm hiện trường tai nạn giao thông đường bộ tại trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.

Khoa Tội phạm học và Điều tra tội phạm trường Đại học Kiểm sát Hà Nội là đơn vị đảm nhiệm tổ chức thực hành và giảng dạy các nội dung liên quan trong hoạt động này cùng với sự tham gia hỗ trợ của các cán bộ điều tra thuộc Cơ quan Điều tra VKSND tối cao hiện đang học tập, bồi dưỡng tại trường.

NCS Trần Đình Hải – Giảng viên  khoa TPH & ĐTTP trực tiếp hướng dẫn và giải đáp các câu hỏi của sinh viên

Việc đào tạo sinh viên chuyên ngành luật, nhất là đối với các sinh viên hệ đào tạo chất lượng cao và sinh viên chuyên ngành hình sự không chỉ đòi hỏi người học phải nắm vững về các kiến thức về pháp luật hình sự mà cần tăng cường kĩ năng hành nghề luật thông qua cọ sát với thực tế các nội dung phục vụ nhiệm vụ công tác thực tiễn trong tương lai. Vì vậy, bên cạnh hệ thống lý thuyết chuyên ngành đã được trang bị, trường Đại học Luật Hà Nội đã tạo điều kiện cho sinh viên được tham quan, thực tập nhằm giúp người học có thể nắm vững về nguyên lý cũng như lĩnh hội các kĩ năng thao tác nghiệp vụ. Mặt khác, hoạt động tham quan, học tập nội dung thực hành cũng góp phần làm sinh động hơn lý thuyết được học và đa dạng hóa hình thức giảng dạy của Nhà trường.

Khám nghiệm hiện trường là hoạt động tố tụng hình sự, đồng thời là một biện pháp nghiệp vụ cấp bách được thực hiện nhằm phát hiện, thu thập, nghiên cứu đánh giá các dấu vết cũng như những thông tin vật chất khác có tại hiện trường, phục vụ cho việc xác định dấu hiệu của tội phạm để tiến hành khởi tố, điều tra, vụ án và xử lý người thực hiện hành vi phạm tội theo quy định của pháp luật.

Đối với vụ việc tại nạn giao thông đường bộ, khám nghiệm hiện trường là một hoạt động điều tra đặc biệt quan trọng; là cơ sở để phát hiện, ghi nhận, thu lượm, bảo quản và đánh giá những chứng cứ vật chất, tìm mối liên hệ với các chứng cứ từ các nguồn khác theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự nhằm giải quyết vụ việc nhanh chóng, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Tại đây, sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội đã được các giảng viên của Khoa Tội phạm học và Điều tra tội phạm giới thiệu về phương tiện kĩ thuật sử dụng trong khám nghiệm hiện trường tai nạn giao thông đường bộ cũng như các phương tiện đang được sử dụng trong hoạt động giảng dạy thực hành của Nhà trường. Bên cạnh đó, Hội đồng khám nghiệm đã trực tiếp tiến hành các hoạt động tại hiện trường dưới sự hướng dẫn của các giảng viên để sinh viên có điều kiện quan sát các thao tác nghiệp vụ cụ thể như kĩ năng quan sát hiện trường, lựa chọn phương pháp khám nghiệm; kĩ năng khám nghiệm tỉ mỉ để phát hiện, thu thập những dấu vết, vật chứng; kĩ năng khám ngoài, xem xét dấu vết trên thân thể của tử thi trong vụ tai nạn giao thông đường bộ... Đặc biệt, sinh viên được quan sát và học tập các nội dung liên quan đến nghiên cứu, đánh giá các dấu vết đặc trưng của hiện trường tai nạn giao thông đường bộ như dấu vết vân lốp xe, dấu vết máu và các loại dấu vết khác như mảnh vỡ, bùn đất, sơn, kính, gỉ sắt, chất lỏng, hàng hoá, vật liệu, vết cày xước trên đường; kĩ năng xác định hướng chuyển động, tình trạng kĩ thuật của phương tiện, xác định lỗi của người tham gia giao thông... và các phương pháp mô tả, chụp ảnh, vẽ sơ đồ hiện trường.

Thực hành khám nghiệm hiện trường tai nạn giao thông đường bộ

Thông qua buổi học tập, thực tế, ngoài việc tăng thêm hứng thú đối với môn học, thêm niềm tin, củng cố về chuyên ngành lựa chọn, sinh viên cũng có điều kiện nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa và vai trò của công tác khám nghiệm hiện trường trong giải quyết vụ án tai nạn giao thông đường bộ để từ đó hình thành các kĩ năng cần thiết nhằm đảm bảo cho hoạt động khám nghiệm hiện trường được thực hiện đúng quy định của pháp luật và đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ điều tra, xử lý tội phạm trong công tác thực tiễn sau này.

Một số hình ảnh tại buổi học tập, thực hành:

Kiểm sát viên tham gia khám nghiệm hiện trường

NCS Trần Văn Tuân- Giảng viên khoa TPH & ĐTTP giới thiệu nội dung “kĩ thuật chụp ảnh hiện trường”

Các giảng viên khoa TPH & ĐTP, thành viên hội đồng khám nghiệm chụp ảnh lưu niệm của sinh viên tham quan học tập thực hành

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang