Học Bác tinh thần trách nhiệm trong công việc

13/11/2019 17:14

(kiemsat.vn)
Việc học tập và làm theo tư tưởng Hồ chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, Kiểm sát viên có ý nghĩa hết sức to lớn, không chỉ để nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, kiểm sát hoạt động tư pháp đảm bảo pháp chế nghiêm minh, mà còn mang ý nghĩa thời sự, chính trị trong cải cách tư pháp và đổi mới ở nước ta hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm suốt đời tận tụy hết lòng vì nhân dân, vì Tổ quốc.

Người viết: “Hiện nay, phong trào tự phê bình và phê bình đang mở rộng ở nhiều nơi. Đó là một bước tiến đáng mừng. Nhưng trong những cuộc kiểm thảo, có một thiếu sót chung và quan trọng là chưa nêu thật rõ tinh thần trách nhiệm”. Từ đó Người yêu cầu: “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”.

Người giải thích: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy… là không có tinh thần trách nhiệm”.

Là cán bộ không nên suy bì xem công việc của mình có quan trọng hay không. Công việc nào cũng cần thiết đối với cách mạng. Vấn đề là ở chỗ khi đã làm việc gì dù gặp khó khăn, trở ngại cũng phải quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vì vậy, Người luôn nhắc nhở: “Đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nghề nào cũng vinh quang và việc gì cũng phải cố gắng, chuyên tâm, không chủ quan, đại khái.

Đội thi VKSND tỉnh chụp ảnh lưu niệm tại Hội thi tìm hiểu 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh 

Ngay từ khi tiền thân là cơ quan Công tố trong cơ cấu tổ chức của Toà án đến khi được thành lập vào ngày 26/7/1960, Viện kiểm sát nhân dân được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, có chỉ đạo sâu sát, toàn diện và đặt ra những yêu cầu cụ thể đối với trách nhiệm cán bộ Kiểm sát. Bác căn dặn người cán bộ Kiểm sát phải: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn.

Những yêu cầu đối với người cán bộ Kiểm sát được đề ra xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ rất quan trọng mà Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng chỉ giao phó cho Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) thực hiện đó là: Thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp, góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân, bảo đảm mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đều phải được xử lý theo pháp luật.

Về tác phong và phương pháp làm việc, Bác yêu cầu cán bộ Kiểm sát phải khách quan, thận trọng, phải xuất phát từ thực tế, dựa trên những căn cứ khoa học để phân tích kỹ lưỡng, toàn diện sự việc trước khi đưa ra các quyết định, tránh sai sót.

Toàn cảnh buổi sinh hoạt Chuyên đề 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hiện nay, đất nước đang trong giai đoạn hội nhập và phát triển, thời cơ luôn đan xen với thách thức, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp nên công tác đấu tranh phòng chống tội phạm vẫn còn đó những khó khăn, trăn trở. Hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên VKSND nói chung và VKSND tỉnh Tây Ninh nói riêng phải quyết tâm phấn đấu, rèn luyện tinh thần trách nhiệm thực hiện theo lời Bác dạy bằng việc làm cụ thể như:

Mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cần có ý thức đúng đắn, chuyên tâm với nhiệm vụ của mình trên mọi cương vị, vị trí công tác, nhận thức được rằng ở mỗi một khâu công tác, mỗi vị trí việc làm đều có ý nghĩa, tầm quan trọng cùng nhau hướng về một mục tiêu chung góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước, nhân dân giao cho Ngành, cho cơ quan, đơn vị. Từ nhận thức đó làm cho việc thực hiện công việc được giao dù lớn hay nhỏ phải tích cực, tự giác thực hiện cho đến nơi đến chốn, vượt qua mọi khó khăn, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động sáng tạo để có kết quả cao nhất; tránh tư tưởng làm việc qua loa, cẩu thả, dễ làm, dễ bỏ, làm cho xong nhưng chất lượng không đạt, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, không quan tâm phối hợp, không hướng dẫn, giúp đỡ nhau trong công việc chung, không cần quan tâm đến lợi ích chung ...

KSV Triệu Thị Phương Vân trình bày phần thi thuyết trình 

Ngoài tinh thần trách nhiệm thì cần phải hăng say trong công việc, thực hiện công việc một cách hiệu quả, đúng các quy định của pháp luật. Đặc biệt trong ngành Kiểm sát, việc nắm vững các quy định của pháp luật là một yêu cầu cấp thiết trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của Ngành, chống oan, chống lọt, kiểm sát tốt hoạt động tư pháp. Do đó, đòi hỏi mỗi cán bộ Kiểm sát phải thường xuyên trau dồi kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ, cập nhật các văn bản mới để vận dụng vào các khâu công tác được phân công.

Bên cạnh đó, cán bộ, Kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ cần phải có tâm trong, trí sáng để nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách chính xác, tôn trọng sự thật, không vì tư lợi mà thiên vị, phải tạo lập cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn đứng về lẽ phải và kiên quyết bảo vệ lẽ phải, "Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục".

Ngoài ra, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo đồng thời có thái độ giao tiếp với người dân một cách cầu thị lắng nghe, đó cũng là thể hiện tinh thần trách nhiệm với nhân dân của người cán bộ Kiểm sát./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang