Hoạt động công tố phục vụ kháng chiến, kiến quốc và xây dựng miền Bắc sau khi hòa bình lập lại

19/08/2020 08:44

(kiemsat.vn)
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước VNDCCH được thành lập, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản làm cơ sở pháp lý cho hoạt động tư pháp, trong đó có vị trí, vai trò của công tác công tố. Ở giai đoạn này, mặc dù chưa được tổ chức thành một bộ máy riêng biệt, nhưng chức năng công tố đã được quy định và thực hiện, góp phần tích cực bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân; phục vụ công cuộc kháng chiến kiến quốc, xây dựng miền Bắc sau hòa bình lập lại.

Ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. (Ảnh tư liệu)

Hoạt động công tố thời kỳ kháng chiến kiến quốc

Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trong cuộc mít tinh trọng thể ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử đã chính thức tuyên bố nền độc lập của Việt Nam; khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia có chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên vô cùng quan trọng của nhà nước dân chủ nhân dân, đặt cơ sở pháp lý để củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng các thiết chế nhà nước và hệ thống pháp luật của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trước những khó khăn, thách thức chồng chất của thời kỳ đầu đất nước mới giành được độc lập, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định Nhà nước dân chủ nhân dân phải được củng cố và tăng cường về mọi mặt, đây là nhiệm vụ hàng đầu, nhiệm vụ chủ yếu trước mắt, là căn cứ để xác định những chủ trương, chính sách, biện pháp đối phó với từng kẻ thù và để giải quyết những nhiệm vụ cấp bách khác của cách mạng. Chính quyền dân chủ nhân dân phải được xây dựng trên một cơ sở pháp lý vững chắc, do đó, phải khẩn trương xây dựng công cụ pháp luật để chuyên chính với kẻ thù, chống nguy cơ xâm lược của đế quốc và xây dựng chế độ mới, tiến hành tổ chức nền hành chính nhà nước theo tư tưởng nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, trong đó có các cơ quan tư pháp.

Ngay sau khi đất nước giành được độc lập, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều chủ trương, Chính phủ ban hành nhiều văn bản làm cơ sở pháp lý cho hoạt động tư pháp, trong đó có vị trí, vai trò của công tác công tố. Liên quan đến hoạt động công tố thời kỳ này có những văn bản quan trọng sau: Sắc lệnh số 32-SL ngày 13/9/1945 về bãi bỏ các ngạch quan lại tư pháp, trong đó có ngạch Thẩm phán, Công tố viên cũ; Sắc lệnh số 33c-SL ngày 13/9/1945 về thành lập Tòa án quân sự ở ba miền Bắc, Trung, Nam (đây là văn bản đầu tiên quy định về tổ chức tư pháp của chính quyền dân chủ nhân dân, trong đó, có thành phần Công tố); Sắc lệnh số 37-SL ngày 26/9/1945 quy định thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án quân sự; Sắc lệnh số 07-SL ngày 15/01/1946 sửa đổi, bổ sung một số điều của Sắc lệnh số 33c-SL ngày 13/9/1945 về thẩm quyền công tố; Sắc lệnh số 21-SL ngày 14/2/1946 về phân định thẩm quyền của Tòa án quân sự và việc bổ nhiệm Chánh án, Hội thẩm, Công tố ủy viên;...

Bước vào thời kỳ kháng chiến kiến quốc, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đòi hỏi bộ máy chính quyền nhân dân phải được tiếp tục kiện toàn, trong đó có hệ thống các cơ quan tư pháp. Ngày 24/01/1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 13-SL thành lập Tòa án thường và các ngạch Thẩm phán (trong đó có Thẩm phán thực hiện chức năng buộc tội - chức năng của cơ quan Công tố). Theo Sắc lệnh này, tổ chức các Tòa án thường gồm có: Ban tư pháp xã, Tòa án sơ cấp, Tòa án đệ nhị cấp, Tòa thượng thẩm. Trong đó, Tòa án đệ nhị cấp và Tòa thượng thẩm có thành phần cơ quan Công tố thực hiện chức năng thực hành quyền công tố nhà nước, truy tố bị can ra Tòa; theo đó, chức năng thực hành quyền công tố trong Tòa án đệ nhị cấp được thực hiện bởi Biện lý, Phó Biện lý, Tham lý. Chức năng thực hành quyền công tố trong Tòa thượng thẩm được thực hiện bởi Chưởng lý, Phó Chưởng lý, Tham lý.

Trong những năm tiếp theo, Chính phủ đã ban hành hàng loạt sắc lệnh mới về lĩnh vực tư pháp, trong đó, có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến tổ chức và hoạt động công tố theo xu hướng nâng cao vị trí, vai trò, mở rộng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Công tố và Công tố ủy viên cả về lĩnh vực hình sự và dân sự (Điển hình là Sắc lệnh số 85-SL ngày 22/5/1950 về cải cách tư pháp và luật tố tụng, trong đó đổi mới và tăng thẩm quyền kháng cáo cả việc hộ (dân sự) và việc hình cho cơ quan Công tố).

Trong thời kỳ kháng chiến kiến quốc, tuy chưa được tổ chức thành một hệ thống độc lập, song với sự hiện diện và thực thi nhiệm vụ của các Công tố ủy viên trong các Tòa án quân sự và Tòa án thường được thành lập trên cả nước theo các sắc lệnh do Chính phủ ban hành, một đội ngũ Công tố ủy viên đã hình thành và thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan Công tố, độc lập với hoạt động xét xử của cơ quan Tòa án và Thẩm phán. Trong lĩnh vực hình sự, Công tố ủy viên giám sát hoạt động điều tra của cơ quan Công an; giám sát hoạt động của các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (như Kiểm soát viên kiểm lâm; Kiểm soát viên hỏa xa, Kiểm soát viên thương chính...); nhân danh Nhà nước quyết định việc truy tố những đối tượng phạm tội ra trước Tòa án; bảo vệ quan điểm truy tố tại phiên tòa; giám sát nhân viên Tòa án; đốc thúc việc chấp hành án văn (thi hành án); giám sát việc giam giữ, cải tạo; bảo vệ quyền lợi của người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần và của các pháp nhân hành chính; có mặt và phát biểu quan điểm tại các phiên tòa hộ (dân sự)... Kết quả nổi bật của hoạt động công tố trong giai đoạn này đã truy tố nhiều vụ án lớn về xâm phạm an ninh chính trị, nhằm trấn áp, trừng trị các thế lực thù địch, bảo vệ thành quả cách mạng; củng cố bộ máy chính quyền cách mạng, góp phần quan trọng vào sự thành công nhiệm vụ chiến lược kháng chiến kiến quốc của nước nhà. Điển hình là các vụ án lớn như: Vụ án làm giấy bạc giả, bắt giam giữ trái phép và chôn sống người ở phố Ôn Như Hầu, Hà Nội; vụ án Tổng Sừng làm tay sai, hoạt động do thám, chỉ điểm cho địch đàn áp cán bộ và nhân dân ở Hà Nội; vụ án giết dân quân ở bến đò Đoan Vĩ thuộc tỉnh Ninh Bình; vụ án Nguyễn Huy Phú và đồng bọn phạm tội làm gián điệp cho địch do Tòa án binh khu Trung ương xét xử; vụ án Đặng Đình Dương, Trưởng ty Công an tỉnh Hà Nam phạm tội tham ô, nhận hối lộ, bắt giữ người trái pháp luật, gây mất đoàn kết nội bộ ở Hà Nam; vụ án Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu, Bộ Quốc phòng phạm tội tham ô tài sản; trong thời kỳ này hoạt động công tố đã truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án lớn về hành vi phạm tội của các thế lực phản động đội lốt tôn giáo để chống phá cách mạng...

Hoạt động công tố thời kỳ xây dựng miền Bắc sau hòa bình lập lại

Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi vào năm 1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bước vào giai đoạn cách mạng mới, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Trước tình hình phức tạp của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở miền Bắc, Đảng và Nhà nước đã xác định: Nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp lúc này là trấn áp bọn phản cách mạng phá hoại Hiệp định đình chiến, phá hoại hòa bình, thống nhất; góp phần trừng trị bọn địa chủ, cường hào gian ác, ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân thực hiện giảm tô và cải cách ruộng đất, trừng trị những hành động phá hoại công cuộc phục hồi kinh tế, xâm phạm tài sản quốc gia, tính mạng, sức khỏe của nhân dân.

Theo yêu cầu hướng tới một nền tư pháp dân chủ, công tác điều tra, truy tố, xét xử phải đảm bảo đúng người, đúng tội, ngày 19/8/1955, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 1458-HCTP quy định về nguyên tắc xét xử hai cấp đối với những vụ án có tính chất chính trị. Tiếp đó, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 1828-HCTP ngày 24/11/1955 quy định về quyền chống án và thời hạn chống án của bị cáo và của Công tố ủy viên cấp tỉnh, liên khu; hướng dẫn chấn chỉnh việc thực hiện quyền bào chữa của bị can, bị cáo; quy định về công tác giám định pháp y và quyền trưng cầu giám định pháp y của Công tố ủy viên.

Ngày 05/12/1957, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 141-HCTP quy định về phân công trong nội bộ các Tòa án. Theo quy định này, Tòa án có Chánh án và Công tố ủy viên, ở những nơi nhiều việc có thể có Phó Chánh án, Phó Công tố ủy viên và Thẩm phán. Công tố ủy viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn độc lập, không chịu sự lãnh đạo của Chánh án mà dưới sự lãnh đạo của Bộ Tư pháp. Công tố ủy viên có nhiệm vụ: “Điều tra, thẩm cứu các việc hình sự; khởi tố, làm cáo trạng, luận tội trước phiên tòa xét xử; theo dõi hoạt động của Cơ quan điều tra, có sự phối hợp như việc bắt, tha có đúng hay không, có nhục hình trong việc điều tra hay không...; theo dõi việc xét xử và hòa giải của Tòa án có hợp pháp không (kháng nghị đối với các bản án hoặc quyết định của Tòa án xét xử không đúng pháp luật, đối với các biên bản hòa giải thành nhưng vi phạm đến trật tự hoặc quyền lợi chung thì Công tố ủy viên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền sửa đổi hoặc bác bỏ những điều mà hai bên đã thỏa thuận); thi hành và đôn đốc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về hình sự, dân sự và giám sát chế độ giam giữ ở các trại giam, trại cải tạo có hợp pháp không...; có quyền khởi tố hoặc tham gia tố tụng những vụ án dân sự quan trọng có liên quan đến lợi ích của nhà nước và của nhân dân...; hướng dẫn đường lối truy tố của cấp dưới”.

Thời kỳ này, do được bổ sung về cán bộ và bước đầu được xác định rõ vị trí, vai trò, nhiệm vụ, nên đội ngũ Công tố ủy viên đã tích cực thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, phục vụ công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh; đấu tranh chống những âm mưu, hành động phá hoại của địch; trừng trị các đối tượng phản cách mạng, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân. Đội ngũ Công tố ủy viên đã đấu tranh có hiệu quả và đưa ra truy tố nhiều vụ án phá hoại, làm gián điệp, phản động chống phá cách mạng, vi phạm chính sách kinh tế, tài chính, chính sách cải tạo công thương nghiệp. Điển hình là các vụ án lớn như: Vụ án Phan Năm phá hoại Xí nghiệp Hồng Quang; vụ án Nguyễn Phô phá hoại Nhà máy in tiền Hà Nội; vụ án Trần Minh Châu làm gián điệp ở Hà Nội; vụ án đặc vụ Lâm Tắc Kỳ ở Hải Phòng; vụ án đảng phản động “Nhất tân dân tộc” ở Tuyên Quang; vụ án đảng phản động “Liên minh phục quốc” ở Hà Nam; các vụ án đảng phái, tổ chức phản động ở Hà Đông, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình; vụ án bạo loạn phản cách mạng ở Y Tý, Lào Cai; vụ án hoạt động phỉ ở Đồng Văn, Hà Giang...

Đặc biệt, trong giai đoạn này, khi thực hiện việc giảm tô, cải cách ruộng đất, nhưng trong bối cảnh lịch sử tại thời điểm đó, trong các phiên tòa của Tòa án nhân dân đặc biệt về giảm tô, cải cách ruộng đất không có thành phần Công tố ủy viên, không cho bị can thực hiện quyền bào chữa... nên bên cạnh những mặt đạt được, các Tòa án nhân dân đặc biệt đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng trong việc bắt người và xét xử án dẫn đến nhiều trường hợp bị bắt giữ, xét xử oan, sai. Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đã kiên quyết tiến hành sửa sai. Việc khắc phục những hậu quả đó trở thành nhiệm vụ cấp bách của các cơ quan tư pháp, trong đó, các Công tố ủy viên là lực lượng được giao nhiệm vụ trọng trách điều tra, thẩm cứu, giải quyết các vụ án có dấu hiệu oan, sai. Kết quả, sau cải cách ruộng đất trong những năm 1956 - 1957, lực lượng Công tố ủy viên đã tích cực phân loại xử lý, chủ động xác minh, sửa sai hàng chục ngàn vụ án, góp phần tích cực vào việc ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội.  

Sự hình thành hệ thống Viện công tố các cấp: Bước chuẩn bị cho sự ra đời của VKSND trong bộ máy Nhà nước

Tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa I (diễn ra từ ngày 16 đến ngày 29/4/1958) đã thảo luận, thông qua đề án về tăng cường Chính phủ và bộ máy nhà nước, trong đó, có quyết nghị về việc thành lập Viện công tố Trung ương và hệ thống Viện công tố; Tòa án tối cao và hệ thống Tòa án, cả hai cơ quan tách ra khỏi Bộ Tư pháp đều có nhiệm vụ, quyền hạn của một cơ quan ngang bộ và trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Đồng chí Bùi Lâm, Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp của Bộ Tư pháp được Quốc hội cử sang làm Viện trưởng Viện Công tố Trung ương. Đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Chánh Văn phòng Bộ Công an được cử sang làm Phó Viện trưởng Viện Công tố Trung ương.

Ngày 24/12/1958, Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông tư số 556-TTg về việc tăng cường sự lãnh đạo đối với việc bắt giữ, truy tố và xét xử (sau đây gọi tắt là Thông tư số 556-TTg). Nội dung Thông tư số 556-TTg đã ghi nhận những cố gắng của các ngành Công an, Công tố và Tòa án; đồng thời, chỉ rõ những khuyết điểm trong các trường hợp: Xử lý thiếu kiên quyết với kẻ địch, xử lý quá nghiêm khắc đối với người lao động nghèo vì hoàn cảnh mà phạm các tội thường phạm; những vi phạm trong việc bắt giữ, xét xử thiếu chứng cứ. Trên cơ sở đó, Thông tư số 556-TTg xác định những nhiệm vụ cách mạng lúc này của các cơ quan tư pháp, trong đó, có Viện công tố là phải kiên quyết đập tan âm mưu và hành động của các thế lực phản cách mạng trong khi Đảng, Nhà nước và nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiến hành cải tạo và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Phải tăng cường sự lãnh đạo của cấp Ủy và chính quyền đối với các ngành Công tố, Công an, Tòa án ở các địa phương trong việc bắt, giam, truy tố và xét xử.

Theo đó, xác định những nhiệm vụ trọng tâm của Công tố, Công an, Tòa án như sau: Nhiệm vụ quan trọng nhất là, trấn áp đối tượng phản cách mạng, kẻ thù của nhân dân, của chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ thứ hai là, bảo vệ tài sản của nhà nước, bảo vệ tài sản của hợp tác xã, bảo vệ tài sản của công dân, bảo vệ việc thực hiện chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ thứ ba là, bảo vệ trật tự trị an xã hội. Đối với các đối tượng cướp của, giết người, lưu manh chuyên nghiệp, những phần tử xấu phá hoại trật tự trị an xã hội một cách nghiêm trọng thì phải bị trừng trị. Đối với những người lao động sản xuất vì hoàn cảnh mà phạm pháp về trật tự trị an thì cần xử lý có lý, có tình, nặng về giáo dục cải tạo, sắp xếp công việc làm ăn sinh sống cho họ... Các cơ quan Công tố, Công an, Tòa án phải chiếu theo pháp luật và làm đúng nguyên tắc: Người đáng bắt thì bắt; người bắt cũng được, không bắt cũng được thì không bắt. Bắt giữ rồi thì phải hỏi cung ngay, nhanh chóng xét xử, không được giam lâu. Khi xét xử phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và được nhân dân đồng tình. Khi xử xong rồi thì phải tổ chức ngay cho phạm nhân lao động, sản xuất một cách thiết thực. Người nào lao động tốt, biểu hiện tốt về mặt cải tạo thì Công an đề nghị Công tố, Tòa án xét cho họ tha tù trước thời hạn.

Ngày 01/7/1959, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 256-TTg quy định về nhiệm vụ và tổ chức Viện công tố Trung ương và hệ thống Viện công tố (sau đây gọi tắt là Nghị định số 256-TTg). Nghị định số 256-TTg xác định nhiệm vụ chung của Viện công tố các cấp là: “Giám sát việc tuân thủ và chấp hành pháp luật của nhà nước, truy tố theo luật hình sự những kẻ phạm pháp để bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tài sản của công, bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người công dân, đảm bảo cho công cuộc kiến thiết và cải tạo xã hội chủ nghĩa tiến hành thuận lợi”. Nhiệm vụ cụ thể của Viện công tố các cấp là: Điều tra, truy tố trước Tòa án những kẻ phạm pháp về hình sự; giám sát việc chấp hành luật pháp trong công tác điều tra của Cơ quan điều tra; giám sát việc chấp hành luật pháp trong công tác xét xử của Tòa án; giám sát việc chấp hành luật pháp trong việc thi hành các bản án về hình sự, dân sự và trong hoạt động của các cơ quan giam giữ và cải tạo; khởi tố hoặc tham gia tố tụng những vụ án dân sự quan trọng có liên quan đến lợi ích của Nhà nước và của nhân dân.

Theo quy định của Nghị định số 256-TTg, hệ thống Viện công tố gồm có: Viện công tố Trung ương; Viện công tố địa phương các cấp; Viện công tố quân sự các cấp. Viện công tố có Viện trưởng, Phó Viện trưởng và một số Công tố ủy viên. Viện trưởng, Phó Viện trưởng và Công tố ủy viên lập thành Ủy ban công tố, có trách nhiệm xử lý những vấn đề quan trọng thuộc công tác công tố dưới sự lãnh đạo của Viện trưởng. Bộ máy của Viện công tố Trung ương gồm có: Văn phòng; Vụ giám sát điều tra; Vụ giám sát xét xử; Vụ giám sát giam giữ và cải tạo; các phòng nghiệp vụ do Viện trưởng Viện công tố Trung ương thành lập.

Tiếp đó, ngày 27/8/1959, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 321-TTg để tiếp tục kiện toàn Viện công tố các cấp. Theo đó, đã quyết định thành lập và xác định quản hạt của 05 Viện công tố phúc thẩm, gồm có: Viện công tố phúc thẩm Hà Nội; Viện công tố phúc thẩm Hải Phòng; Viện công tố phúc thẩm Vinh; Viện công tố phúc thẩm Khu tự trị Việt Bắc; Viện công tố phúc thẩm Khu tự trị Thái - Mèo. Đồng thời, Nghị định số 321-TTg ngày 27/8/1959 cũng quy định việc thành lập Viện công tố cấp tỉnh và Viện công tố cấp huyện.

Trong điều kiện thực tế của giai đoạn này, hệ thống Viện công tố các cấp một mặt vừa xây dựng, kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự; đồng thời, cũng nhanh chóng triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định, trong đó, tập trung vào công tác giám sát hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra, trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra và truy tố kẻ phạm tội ra trước Toà án.

Để làm tốt công tác giám sát điều tra, Viện công tố các cấp đã đề ra yêu cầu điều tra cho từng vụ án cụ thể. Đặc biệt là đối với các vụ án lớn đấu tranh chống bọn gián điệp, phản động lợi dụng tôn giáo, các đảng phái phản cách mạng có vũ trang... Viện công tố đã thực hiện việc giám sát hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra ngay từ đầu, trực tiếp tiến hành hỏi cung bị can, trên cơ sở đó lập hồ sơ đưa ra truy tố. Viện công tố cũng đã trực tiếp tiến hành hoạt động điều tra đối với một số loại tội phạm. Khi kết thúc điều tra, Viện công tố phân tích, tổng hợp tài liệu, chứng cứ để định tội danh, truy tố bị can ra trước Tòa án và bảo vệ quan điểm truy tố tại phiên tòa, đảm bảo việc xét xử, tuyên án đối với bị cáo đúng người, đúng tội.

Đối với các vụ án phức tạp phải điều tra bằng các phương tiện chuyên môn riêng thì sau khi phê chuẩn lệnh bắt giữ, Viện công tố chuyển đến Cơ quan điều tra để điều tra làm rõ tội phạm và người phạm tội. Những vụ án này, sau khi chuyển vụ án cho Cơ quan điều tra, Viện công tố phải có trách nhiệm đối với việc điều tra đó. Viện công tố phải theo dõi, giám sát cuộc điều tra, đề ra các yêu cầu điều tra, nếu xét thấy cần thiết thì phối hợp với Cơ quan điều tra để điều tra vụ án nhằm tránh tình trạng buông lỏng trách nhiệm của mình và khắc phục tâm lý ỷ lại vào Cơ quan điều tra. Trong quá trình điều tra, Viện công tố luôn bám sát tình hình và tiến độ điều tra, không kéo dài quá hạn điều tra, đảm bảo tính kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị do thực tiễn cách mạng yêu cầu. Khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra chuyển hồ sơ sang Viện công tố thì Công tố ủy viên được phân công có trách nhiệm kiểm tra lại toàn bộ tài liệu trong hồ sơ vụ án để làm rõ sự thật khách quan. Nhiều trường hợp, Công tố ủy viên phải xuống địa bàn nơi xảy ra vụ án để xác minh bổ sung. Trường hợp chưa đầy đủ chứng cứ mà việc bổ sung phải dùng đến các biện pháp nghiệp vụ của Công an thì Viện công tố phải có công văn trả lại hồ sơ và nêu rõ yêu cầu điều tra bổ sung để Cơ quan điều tra thực hiện.

Như vậy, đến thời điểm đầu năm 1960, Viện công tố được xây dựng và phát triển thành một hệ thống cơ quan trong bộ máy Nhà nước; có tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, thực hiện chức năng, nhiệm vụ độc lập theo quy định và được triển khai hoạt động trên thực tế từ cấp trung ương đến địa phương; đây thực chất là một bước chuẩn bị về mọi mặt, là cơ sở, tiền đề quan trọng để thành lập Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của Hiến pháp năm 1959 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960./.

PV
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang