Hoàn thiện pháp luật về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự nhằm tăng cường cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền công dân

09/10/2022 09:31

(kiemsat.vn)
Ngày 08/10/2022, tại thành phố Hà Nội, VKSND tối cao phối hợp với Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) tổ chức Hội thảo tham vấn “Hoàn thiện pháp luật về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự”.

Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi - Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học VKSND tối cao và bà Nguyễn Nguyệt Minh - Phụ trách UNODC tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của các đơn vị: Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; VKSND thành phố Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Phú Thọ, Quảng Ninh... cùng lãnh đạo một số đơn vị thuộc VKSND tối cao: Văn phòng; Vụ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; Vụ hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự. Các đại biểu thuộc Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng (C11), Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc (C10) Bộ Công an; Vụ Pháp chế và quản lý khoa học TAND tối cao...

Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học VKSND tối cao phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học VKSND tối cao cho biết: Trong những năm qua, cải cách tư pháp ở nước ta với nội dung trọng tâm là hoàn thiện thể chế trong hoạt động tư pháp; trong đó pháp luật về hoạt động tư pháp nói chung và pháp luật về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự nói riêng là tương đối đầy đủ, thể chế hoá được quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác này trong mối tương quan với việc cải cách bộ máy nhà nước, cải cách hành chính.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành vẫn còn gặp những vướng mắc, bất cập dẫn đến quyền của người bị buộc tội chưa được bảo đảm; cần nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đại biểu tham dự Hội thảo.

Về công tác kiểm sát, đại diện Vụ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự VKSND tối cao cho rằng, để tăng cường vai trò của ngành Kiểm sát nhân dân trong công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự thì cần sửa đổi Luật tổ chức VKSND năm 2014 và Luật thi hành án hình sự năm 2019 theo hướng: Bổ sung quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của VKSND khi kiểm sát thi hành biện pháp tư pháp (bắt buộc chữa bệnh, đưa vào trường giáo dưỡng...); giao thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý giáo dục phạm nhân cho VKSND và cần có hướng dẫn cụ thể về nhiệm vụ quyền hạn của Viện kiểm sát khi thi hành án đối với pháp nhân thương mại.

Từ thực tiễn thi hành chế độ quản lý tạm giữ, tạm giam, đại diện Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng (C11) Bộ Công An nêu ra những vướng mắc, khó khăn liên quan đến thẩm quyền điều chuyển người bị tạm giữ, tạm giam từ các đồn Biên phòng đến các cơ sở giam giữ trong Công an nhân dân; thủ tục giam giữ phạm nhân được trích xuất là bị can, bị cáo; việc áp dụng chế độ giam, giữ, chế độ ăn, ở, mặc... đối với người đang chờ thi hành án và đề xuất giải pháp.

Về áp dụng các quy định của pháp luật về tạm đình chỉ, hoãn, miễn, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và tha tù trước thời hạn có điều kiện tại Toà án, đại diện Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TAND tối cao chỉ ra thực tế hiện nay vẫn còn tồn tại các quan điểm khác nhau và áp dụng không thống nhất về việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho người bị kết án tù chung thân; việc áp dụng tình tiết "phạm tội lần đầu" quy định tại điểm a khoản 1 Điều 66 Bộ luật Hình sự năm 2015; cách tính thời hiệu thi hành bản án hình sự  trong trường hợp hoãn (tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù)...cần  có hướng dẫn để thống nhất áp dụng.

Nhiều tham luận đáng chú ý của các đại biểu thuộc Vụ pháp chế và Quản lý khoa học VKSND tối cao; VKSND các tỉnh; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng tập trung vào các vấn đề tổng quan pháp luật, một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong kiểm sát công tác này...

Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang