Hành trình đi tìm công lý từ một lá đơn kêu oan

22/04/2020 12:29

(kiemsat.vn)
Từ một lá đơn kêu oan có nội dung rất ngắn gọn chỉ khoảng 200 từ, nhưng bằng bản lĩnh và kinh nghiệm nghề nghiệp, các Điều tra viên Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã bước vào hành trình đi tìm công lý, làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, theo đó, kẻ phạm tội đã cúi đầu nhận tội và hơn thế nữa đã minh oan và trả tự do cho cho ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) sau hơn 10 năm ở tù oan.

VKSND tối cao trao quyết định tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn

Ngày trở về của ông Nguyễn Thanh Chấn

Đúng 8 giờ 00’ sáng ngày 04/11/2013, tại Trại giam Vĩnh Quang (xã Đạo Trù, Tam Đảo, Vĩnh Phúc), trước sự có mặt của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án và hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an), lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang cùng người thân của ông Chấn, cơ quan chức năng đã đọc quyết định tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn.

Tiếp đó, sáng ngày 25/01/2014, nhiều người dân làng Me (xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã tới trụ sở Ủy ban nhân dân xã từ rất sớm để chờ xem đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố “Quyết định đình chỉ điều tra bị can” đối với ông Nguyễn Thanh Chấn.

Như vậy, sau 3.699 ngày bị xử tù oan trái, ông Nguyễn Thanh Chấn đã được trở lại làm công dân bình thường của làng Me trong niềm vui tột độ không chỉ của riêng ông, của gia đình ông; mà còn là niềm vui của cả dòng họ, của cả làng Me và cả xã Nghĩa Trung. Trên dọc những con đường của làng Me, nơi đâu cũng râm ran những câu chuyện về ông Chấn. Trên gương mặt của nhiều người dân là niềm vui được đón ông Chấn - một người hàng xóm mà trong lòng họ, vốn sống hiền lành, tốt bụng. Người dân làng Me đã cười, vẫy tay chào khi chiếc xe chở ông Chấn tiến vào thôn. Khi ông Chấn về đến nhà, gần như tất cả mọi người trong thôn xóm, ai cũng muốn đến gần ông, để hỏi thăm, chia sẻ. Về đến nhà, ông Chấn xin phép được thay quần áo, tắm qua rồi đến thắp hương cho người cha liệt sĩ. Tận mặt chứng kiến cảnh ấy, mắt ai cũng đỏ hoe trong khi niềm vui của dân làng Me vẫn chưa nguôi.

Trong ngày hôm ấy, ở một vị trí trong hội trường Ủy ban nhân dân xã Nghĩa Trung, có những con người đã lặng lẽ theo dõi buổi minh oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn với niềm vui khó tả. Vui vì các anh đã làm được một việc lớn là minh oan cho một công dân đã bị xử oan và ở trong tù hơn 10 năm, hôm nay được gặp lại gia đình trong ngày chính thức được minh oan. Các anh chính là những Điều tra viên của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao - những người đã làm rõ sự thật khách quan của vụ án để minh oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn.

Từ vụ án mạng chấn động đến nỗi oan khiên của một người vô tội

Ngược dòng thời gian, đêm ngày 15/8/2003, tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang xảy ra vụ án giết người. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan, sinh năm 1972 là người bán hàng tạp hóa. Sau khi vụ án xảy ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố vụ án. Ngày 30/8/2003, ông Nguyễn Thanh Chấn bị Công an huyện Việt Yên triệu tập và bị khởi tố về tội Giết người và bị bắt tạm giam với lý do bàn chân trái của ông Chấn “gần đúng” với vết chân có tại hiện trường và có những dấu hiệu bất minh trong ngày xảy ra vụ án.

Tháng 3 năm 2004, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa xét xử vụ án giết người và đã tuyên án tù chung thân đối với ông Nguyễn Thanh Chấn với nhận định: Chiều ngày 15/8/2003, ông Chấn lẻn vào nhà chị Hoan trong xóm đòi quan hệ tình dục nhưng không được chị Hoan chấp nhận, liền ôm ghì chị Hoan từ phía sau thì bị chị Hoan cầm vỏ chai bia chống cự. Trong lúc vật lộn, ông Chấn “thò vào túi quần rút ra một con dao bấm đâm nhiều nhát vào bụng, mặt và sườn” của chị Hoan... Ngay từ phiên tòa sơ thẩm, ông Nguyễn Thanh Chấn đã kêu oan, tố cáo việc mình bị bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra. Có những nhân chứng xác định tình trạng ngoại phạm cho ông Chấn nhưng không được các cơ quan pháp luật ở Bắc Giang chấp nhận, xem xét. Đến 4 tháng sau, Tòa án nhân dân tối cao xử phúc thẩm đã bác đơn chống án kêu oan, tuyên y án sơ thẩm đối với ông Nguyễn Thanh Chấn. Tại hai phiên tòa xét xử và suốt quá trình chấp hành hình phạt, ông Nguyễn Thanh Chấn vẫn cho rằng “mình không nhận tội” mặc dù tại Cơ quan điều tra đã có sự thú nhận. Gia đình ông Chấn đã làm đơn gửi đến các cơ quan có thẩm quyền kêu oan liên tục trong nhiều năm, nhưng không có kết quả. Từ khi ông Chấn vướng vào vòng lao lý, gia đình cả hai bên nội ngoại đều liêu xiêu, suy sụp. Cả 4 đứa con của ông Chấn vẫn còn đi học nhưng đến trường đều bị bạn bè kỳ thị, xa lánh vì là “con nhà giết người” nên không chịu ngồi cạnh. Chính vì vậy cả 4 đứa con của ông Chấn đều phải bỏ học, vì không chịu nổi áp lực”. Cụ Phạm Thị Vì (mẹ ông Chấn đã hơn 70 tuổi) có một cửa hàng tạp hóa ngoài đầu thôn. Sau khi ông Chấn bị đi tù, cụ Vì cố gắng bám trụ ở đó để bán hàng. Nhưng trớ trêu thay, nhiều người xót thương  cho gia cảnh nhà ông Chấn, cũng có người đến tận nơi cụ Vì bán hàng chửi bới, miệt thị nói là cụ “đã đẻ ra đứa con lộn giống”. Thật là chua xót!

Những ngày u uất đi tìm công lý

Trong những ngày thụ án ở trại Vĩnh Quang, ông Nguyễn Thanh Chấn mắc một cái "lỗi" là hay viết đơn kêu oan, ông tranh thủ mọi nơi, mọi lúc có thể để viết đơn bằng giấy, bút do gia đình gửi vào hoặc xin cán bộ quản giáo, khi không có giấy ông viết đơn lên bất kỳ mảnh giấy nào nhặt được. Không thể nhớ trong hơn 10 năm ở tù, ông Chấn đã viết bao nhiêu lá đơn kêu oan gửi khắp nơi. Ông gửi đơn qua ban lãnh đạo trại, qua gia đình, qua những người cùng bị tù được thả, qua những đợt thăm nuôi. Cứ có đoàn khách nào đến thăm trại, kể cả nhà báo đến lấy tư liệu viết bài, ông cũng gửi đơn... đến nỗi mà ở  trại giam Vĩnh Quang, ai cũng gọi ông là “Chấn kêu oan”.

Ở nhà, bà Nguyễn Thị Chiến vợ ông Nguyễn Thanh Chấn, người vợ tần tảo, chịu thương chịu khó, chịu mọi cay đắng tủi nhục luôn đau đáu nỗi đau về việc chồng bị bắt, bị xử oan khiên. Trong 10 năm trời, bà Chiến âm thầm thu thập các nguồn tin, chứng cứ để minh oan cho chồng. Bà đã từng viết và hàng trăm lần gửi đơn, đến kêu cứu ở các cơ quan công quyền, nhưng chờ mãi vẫn đều đặt vô âm tín! Hơn 10 năm kêu oan cho chồng, bà Nguyễn Thị Chiến cùng với gia đình không chỉ chịu những tổn thương rất lớn về tinh thần, mà còn cả vật chất. Trong 10 năm kêu oan bà Nguyễn Thị Chiến đã phải vay mượn trên 170 triệu đồng tiền mặt, còn chưa kể chị, em trong gia đình đã phải cắm 3 sổ đỏ để mượn tiền đưa cho bà đi kêu oan cho chồng. Trong thời gian gần 3 năm sau ngày ông Chấn đi tù, trong một lần bà Chiến cùng con gái đi tiếp tế cho chồng đã bị tai nạn khiến cho bà bị chấn thương ở đùi, còn con gái bà thì bị ngất lịm đi.

Trong những ngày kêu oan cho chồng, bà Nguyễn Thị Chiến may mắn được vợ chồng ông Hải - bà Ngọc (đều nguyên là cán bộ Công an) hướng dẫn, giúp đỡ. Sau lần gặp ông Chấn ở trại giam, ông Hải đã có linh tính là ông Chấn bị oan rồi. Đến khi bà Ngọc đọc hồ sơ vụ án và bằng niềm tin nội tâm đã khẳng định chắc chắn là ông Chấn bị oan thì cả hai vợ chồng ông Hải - bà Ngọc đều hết lòng giúp đỡ. Chính bà Ngọc là người đã hướng dẫn bà Chiến viết đơn kêu oan suốt mấy năm. Trước khi bà Ngọc mất vì bệnh tật, bà Ngọc còn dặn dò ông Hải rằng còn sức khỏe thì phải bằng mọi cách đồng hành cùng vợ Chấn đi tìm sự thật. 

Hành trình tìm ra sự thật vụ án

Ngày 09/7/2013, bộ phận tiếp nhận thông tin thuộc Phòng Tiếp nhận và thu thập thông tin tội phạm (Phòng 1) Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp nhận một đơn “Kêu oan” được đánh máy rất ngắn gọn (khoảng hơn 200 chữ) với nội dung: Tôi là Nguyễn Thị Chiến có người chồng đã bị Tòa án nhân dân tối cao xử phúc thẩm và y án chung thân hiện đang ở Trại giam Vĩnh Quang (tỉnh Vĩnh Phúc), chồng tôi bị oan; đến, tháng 6 năm 2013, gia đình tôi có biết thêm chứng cứ mới cực kỳ quan trọng liên quan đến vụ án. Do vậy, tôi làm đơn này khẩn cấp kêu cứu cho chồng tôi…”.

Đọc xong lá đơn, với kinh nghiệm nghề nghiệp của mình, các cán bộ của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao cảm thấy có điều gì đó rất không bình thường. Căn cứ theo nội dung của lá đơn thì rõ ràng vụ án này có uẩn khúc gì đó và những chứng cứ mà gia đình mới có được rất quan trọng, hay vì sợ lộ nên họ không dám viết trong đơn. Sau những ngày suy xét, các cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao thấy cần phải gặp gỡ trực tiếp người viết đơn để tìm hiểu thêm.

Đến ngày 01/8/2013, tại Phòng tiếp dân của Cơ quan điều tra VKSND tối cao có ba người đến xin gặp để trực tiếp đưa đơn kêu oan cho ông Chấn. Khi được gặp một đồng chí lãnh đạo Cơ quan điều tra, ông Hải và bà Chiến (vợ ông Chấn), mới hy vọng cái án oan của ông Chấn có hy vọng được xem xét. Sau này, bà Chiến kể lại: Ra khỏi cổng Cơ quan điều tra VKSND tối cao ở phố Ngô Tất Tố, cạnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ông Hải và bà Nguyễn Thị Chiến thấy như từ trong đường hầm bước ra ngoài trời sáng. Vì đến Cơ quan Điều tra VKSND tối cao, được cán bộ tiếp đón, giải thích, động viên và quan trọng nhất là lời hứa sẽ điều tra, xác minh, trả lời gia đình trong thời gian ngắn nhất!

Nhận tập hồ sơ từ bà Nguyễn Thị Chiến, các Điều tra viên của Phòng 1 Cơ quan Điều tra VKSND tối cao đã nghiên cứu và bước đầu phát hiện ra những sai lầm trong tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ lưu trữ của vụ án Nguyễn Thanh Chấn, Cơ quan điều tra VKSND tối cao phát hiện có dấu hiệu của hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp làm sai lệch hồ sơ vụ án, đó là: vật chứng của vụ án là dấu vân bàn chân dính máu, nghi do hung thủ để lại, được phát hiện và thu giữ khi khám nghiệm hiện trường không có trong hồ sơ vụ án; ngoài ra hệ thống chứng cứ buộc tội ông Chấn có dấu hiệu của việc thiếu khách quan, thu thập không đúng trình tự, thủ tục tố tụng. 

Ngày 20/9/2013, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao có giấy mời bà Nguyễn Thị Chiến đến trụ sở để làm việc. Ngày 23/9/2013, bà Chiến đi cùng ông Hải đến trụ sở Cơ quan Điều tra. Trong buổi làm việc tại Cơ quan Điều tra ngoài việc trình bày theo nội dung trong đơn, bà Chiến còn mang theo các đơn kêu oan của ông Chấn (các đơn này đều được ông Chấn viết trong trại giam) cùng một số tài liệu khác. Sau khi nghe hai bà trình bày, các Điều tra viên của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao rất băn khoăn về những điều đã được nghe và hứa sẽ tiến hành xác minh đến cùng vụ việc...

Ngay sau buổi làm việc Điều tra viên Trần Hùng Mạnh đã báo cáo với lãnh đạo Cơ quan Điều tra về những nội dung đã thu thập qua buổi tiếp bà Chiến và ông Hải. Rõ ràng là việc điều tra, truy tố, xét xử ông Nguyễn Thanh Chấn còn nhiều mâu thuẫn án cần phải làm sáng tỏ. Ngày 30/9/2013, một tổ công tác của Cơ quan Điều tra đã được cử đi Bắc Giang để xác minh. Trong quá trình đi xác minh, Tổ công tác gặp rất nhiều khó khăn, do một số cơ quan của tỉnh Bắc Giang chưa thực sự quan tâm, phối hợp, nhưng Tổ công tác vẫn quyết tâm xuống địa bàn để kiểm tra, xác minh cho rõ. Để thực hiện được kế hoạch này, Tổ công tác suy nghĩ, bàn bạc và nhất trí phải “bí mật trong mọi tình huống”... Để xe ô tô lại tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, Tổ công tác đi xe ôm đến làng Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên với vỏ bọc là những người buôn gỗ. Tại đây các Điều tra viên đã gặp ông Khánh (là anh trai bố bà Lành), bà Hậu (em gái của bà Lành) và bí mật tiếp cận với ông Lý Văn Chúc là những người có khẳ năng biết thông tin về vụ án.

Khi xác minh về đối tượng Lý Nguyễn Chung mà gia đình bà Chiến tình nghi là thủ phạm, Cơ quan điều tra thấy những thông tin này có tính xác thực: Lý Nguyễn Chung sinh năm 1988, là con riêng của ông Lý Văn Chúc (chồng bà Nguyễn Thị Lành) ở làng Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Khi vụ giết người xảy ra, Lý Nguyễn Chung mới hơn 14 tuổi và đã bỏ đi khỏi địa phương ngay sau ngày nạn nhân Nguyễn Thị Hoan bị chết. Những nghi vấn về Lý Nguyễn Chung là do chính bà Nguyễn Thị Lành (là mẹ kế của Chung) nói ra và đến tai bà Chiến, nhưng thông tin cũng chỉ là “Khả năng thằng Chấn bị oan, thằng Chung mới là kẻ giết người”.  

Tiếp tục xác minh, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thu thập đầy đủ chứng cứ xác định Lý Nguyễn Chung là hung thủ giết người, dựng lại được toàn bộ diễn biến hành vi của Lý Nguyễn Chung từ sau thời điểm gây án bỏ trốn về quê ở Lạng Sơn và được gia đình tổ chức trốn vào Tây Nguyên.

Ngày 02/10/2013, Cơ quan Điều tra có giấy triệu tập mời bà Nguyễn Thị Lành đến trụ sở để làm việc; nhưng đến đêm 03/10/2013, bà Lành đã gọi điện cho điều tra viên để cầu cứu, bà Lành nói rằng ông Lý Văn Chúc, bố đẻ của Lý Nguyễn Chung đe dọa giết bà và nhờ giúp đỡ. Ngay sáng sớm hôm sau (ngày 04/10/2013), đồng chí Vũ Đăng Khoa, Thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã yêu cầu một tổ công tác ngay lập tức đi về xã Nghĩa Trung đón bà Lành về Hà Nội để đảm bảo an toàn. Đồng chí Vũ Đăng Khoa đã trực tiếp chỉ đạo Công an xã Nghĩa Trung đưa bà Lành đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã để đảm bảo an toàn cho bà Lành đến khi nào cán bộ Cơ quan điều tra về đến nơi. Khi đón được bà Lành về đến trụ sở Cơ quan điều tra, các Điều tra viên đã động viên để bà yên tâm, trấn tĩnh tinh thần. Tại đây bà Lành đã kể lại sự việc: Đêm xảy ra án mạng, Chung về nhà quần áo dính máu, hai bố con nói chuyện bằng tiếng dân tộc và sáng sớm hôm sau Chung bỏ về Lạng Sơn. Sau này thì bà nghe Chung thú nhận đã giết chị Hoan. Ông Chúc đe dọa nếu bà Lành nói ra thì sẽ giết bà. Việc này bà chỉ kể lại với ông Hiền là bố đẻ. Tối ngày 04/10/2013, sau khi làm việc xong, các Điều tra viên đã dẫn bà đi ăn cơm và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ an toàn cho bà Lành đến khi đưa bà về nhà vào sáng 05/10/2013.

Ngày 05/10/2013, Tổ công tác của Cơ quan Điều tra gồm 3 đồng chí đã làm việc với Công an xã Nghĩa Trung, đại diện chính quyền thôn Me. Đến lúc này, các Điều tra viên mới công khai việc điều tra và chính thức lấy lời khai. Khi tổ công tác làm việc với ông Lý Văn Chúc, lúc đầu ông Chúc không hợp tác, tỏ thái độ rất kích động, chống đối Cơ quan Điều tra quyết liệt, thậm chí đe dọa sẽ tự tử chết ngay… Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các Điều tra viên đã khéo léo, thuyết phục và ông Chúc đã xác nhận những thông tin bà Lành nói là sự thật. Các Điều tra viên cho rằng: Ngay trong đêm xảy ra án mạng, đến sáng Chung đã về Lạng Sơn và từ đó trốn đi Tây Nguyên, như vậy nhất định gia đình của Chung ở Lạng Sơn không thể không biết việc của Chung. Nhưng họ đều là anh em ruột thịt của Chung, làm thế nào để họ nói sự thật? Nhiệm vụ thực sự là khó khăn nhưng các Điều tra viên không nản chí và lại quyết tâm lên đường.

Chuyến xe của Cơ quan Điều tra lại tiếp tục lên Lạng Sơn trong đêm ngày 09/10/2013, đến 02 giờ sáng ngày 10/10/2013, các Điều tra viên lên đến Lạng Sơn. Tìm về quê của Chung, nhưng hôm đó lại là ngày nghỉ, Tổ công tác gặp khó khăn vì không biết đường, được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn cử một đồng chí Kiểm sát viên giàu kinh nghiệm, thông thạo địa bàn huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đi cùng phối hợp. Đoàn công tác di chuyển nhanh xuống xã Nhượng Bạn nơi Chung đã sinh sống, gặp được đồng chí Tăng, người đã 30 năm làm Trưởng Công an xã. Hoàn cảnh gia đình Chung thì ông Tăng biết quá rõ: Lý Nguyễn Chung có anh trai tên là Phúc (đã bị giết chết trong một vụ án mạng), em trai thứ hai là Nho hiện đang làm việc bên Trung Quốc, mẹ đẻ của Chung cũng đã chết cùng với một người chị gái của Chung. Hiện chỉ có chị gái khác của Chung là Lý Thị Nghiến ở nhà nhưng thường xuyên đi lại buôn bán qua Trung Quốc. Khi Trưởng Công an xã xuống nhà chị Nghiến thì được biết chị Nghiến đã đi đâu từ sáng sớm. Bằng biện pháp nghiệp vụ, các Điều tra viên đã phối hợp cùng Trưởng Công an xã điều được Lý Thị Nghiến quay lại và bố trí đón Nghiến trên đường rồi đưa thẳng đến trụ sở Viện kiểm sát nhân dân huyện Lộc Bình để làm việc.

Cuộc lấy lời khai Lý Thị Nghiến diễn ra rất khó khăn vì một phần qua phiên dịch không chuyên nghiệp, một phần Lý Thị Nghiến cũng đấu tranh tư tưởng quyết liệt. Sau 4 tiếng đồng hồ thuyết phục không kết quả, một Điều tra viên ngồi nói chuyện riêng với Lý Thị Nghiến và cuối cùng thì Lý Thị Nghiến cũng mở lời: “Hôm đó Chung về đã kể chuyện giết chị Hoan bán hàng tạp hóa ở Bắc Giang…. không biết tại sao em làm như vậy. Sau đó anh Phúc liên hệ cho Chung trốn vào miền Nam làm ăn. Mà sao các anh lại biết việc này?”. Có lời khai của Lý Thị Nghiến, các Điều tra viên vỡ òa cảm xúc. Điểm khó khăn nhất về chứng cứ coi như đã đột phá xong, và từ lúc đó cuộc truy tìm hung thủ Lý Nguyễn Chung chính thức bắt đầu.

Khi được Cơ quan Điều tra báo cáo kết quả xác minh ban đầu vụ việc, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo: “Cơ quan điều tra phải nhanh chóng truy tìm bằng được Lý Nguyễn Chung để minh oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn, nếu còn một ngày ông Chấn bị ngồi tù oan thì chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm”.

Thực hiện sự chỉ đạo của đồng chí Viện trưởng, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan điều tra đã xác định Lý Nguyễn Chung đã bỏ trốn, đi khắp các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh, liên tục thay đổi số điện thoại liên lạc, rất ít khi gọi cho những người thân trong gia đình. Một mặt các Tổ công tác đã kiên trì lần theo tất cả những nơi Lý Nguyễn Chung đã từng cư trú, tiếp xúc với hầu hết các mối quan hệ làm ăn, quen biết của đối tượng Lý Nguyễn Chung. Trong quá trình truy tìm Lý Nguyễn Chung, các Điều tra viên của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã vào huyện Chư Prông của tỉnh Gia Lai, huyện EaKa và huyện Krông Năng của tỉnh Đăk Lăk để truy tìm hành tung của Lý Nguyễn Chung trong những ngày trốn tránh sau khi gây án. Sự đồng tình, ủng hộ cùng với sự phối hợp, giúp đỡ kịp thời, hiệu quả của Viện kiểm sát nhân dân huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai; Viện kiểm sát nhân dân huyện EaKa và Viện kiểm sát nhân dân huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk; Viện kiểm sát nhân dân huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn; Phòng 1A, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang và các đơn vị Công an nơi các Tổ công tác đến phối hợp làm việc.

Các Điều tra viên của Cơ quan điều tra VKSND tối cao lấy lời khai Lý Nguyễn Chung 

Các Điều tra viên của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao bằng nghiệp vụ của mình đã cảm hóa giáo dục, tác động với gia đình Lý Nguyễn Chung vận động Lý Nguyễn Chung ra đầu thú. Kết quả, đến 8 giờ ngày 25/10/2013, Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú với Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại trụ sở của Viện kiểm sát nhân dân huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk. Tại đây, Lý Nguyễn Chung, hung thủ thực sự trong vụ án giết người xảy ra đêm 15/8/2003 tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã thành khẩn khai nhận hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan để cướp tài sản. Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn tất hồ sơ để đề nghị truy tố Lý Nguyễn Chung ra trước Tòa án để xét xử về tội giết người. Sau khi bị Viện kiểm sát truy tố, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa hình sự xét xử Lý Nguyễn Chung về tội giết người và cướp tài sản với mức án 12 năm tù.

Một số cán bộ của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Giang gây ra nỗi oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn cũng đã bị khởi tố, điều tra, đưa ra xét xử với mức án nghiêm minh.

VKSND tối cao họp báo về việc kháng nghị tái thẩm và

tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn

Pháp luật công minh, niềm tin được nhân lên

Sự kiện bắt được kẻ gây án là Lý Nguyễn Chung và sự kiện ông Nguyễn Thanh Chấn được Viện kiểm sát nhân dân tối cao minh oan và trả tự do sau hơn 10 năm đi tù là một sự kiện tư pháp nổi bật trong năm 2013, gây chấn động dư luận xã hội. Vụ án này là dấu ấn ghi nhận về vai trò, năng lực của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, chứng tỏ Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao có tính chuyên nghiệp cao trong hoạt động điều tra, giải quyết vụ án hình sự tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp.

Một vụ án đã xảy ra trên 10 năm, vật chứng của vụ án không còn, đối tượng nghi vấn bỏ trốn đã lâu, những người che giấu, giúp sức cho hung thủ bỏ trốn đều là anh em ruột trong gia đình. Nhưng với sự phân tích, đánh giá khách quan những tài liệu đã thu thập được, Cơ quan Điều tra có niềm tin vững chắc đã quyết tâm làm rõ sự thật của vụ án. Bằng tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, bằng bản lĩnh của những Điều tra viên giỏi nghiệp vụ, bằng sự linh hoạt, sáng suốt trong phá án, ông Chấn đã được giải oan. Sự công minh của luật pháp được bảo vệ, niềm tin của nhân dân được củng cố, hình ảnh người Điều tra viên, Kiểm sát viên luôn "Công minh - Chính trực - Khách quan - Thận trọng - Khiêm tốn" được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, tin cậy.

Cán bộ, công chức VKSND TP. Hồ Chí Minh tham gia hiến máu tình nguyện

(Kiemsat.vn) - Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về tham gia hiến máu tình nguyện, vừa qua Công đoàn cơ sở VKSND TP.Hồ Chí Minh đã tham gia hiến máu tình nguyện cứu người, góp phần khắc phục tình trạng thiếu hụt lượng máu nghiêm trọng trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang