Hà Nội: Nhóm đối tượng liều lĩnh đánh, bắt giữ người trái luật đối diện khung hình phạt nào?

31/10/2019 09:04

(kiemsat.vn)
Sự việc được ghi nhận từ đơn trình báo của bà Phạm Thị Linh (trú tại Thôn 1, xã Phù Vân, Phủ Lý, Hà Nam) tố cáo một nhóm hơn 20 người đã có hành vi đánh người gây thương tích sau đó bắt giữ bà Linh và hai người gồm ông Hoàng Văn Thắng, Nguyễn Hào Hiệp.

Những ngày vừa qua, dư luận hết sức quan tâm về sự việc có một nhóm hơn hơn 20 người đã có hành vi đánh người gây thương tích sau đó bắt giữ người trái pháp luật, xảy ra tại ngõ 126 Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân, Hà Nội.

Sau đó, người bị đánh là bà Phạm Thị Linh (trú tại Thôn 1, xã Phù Vân, Phủ Lý, Hà Nam) cùng hai người gồm ông Hoàng Văn Thắng, Nguyễn Hào Hiệp đã có đơn tố cáo gửi cơ quan công án, tố cáo vợ chồng bà Đỗ Ngọc Tú (số 43A ngõ 126, Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân, Hà Nội) cùng hơn 20 người đã có hành vi đánh người gây thương tích sau đó bắt giữ bà Linh, Thắng, ông Hiệp.

Ảnh chụp từ Video hiện trường – bà Linh đang bị khống chế trong khi ông Hiệp đã nằm bất tỉnh dưới đất

Theo đơn tố cáo, vào hồi 18h57' ngày 08/10/2019, bà Đỗ Ngọc Tú có đến trụ sở Công ty của bà Phạm Thị Linh ở số 93 Nghi Tàm (Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội) và cho người gọi điện đe dọa bà Linh trên mạng xã hội. Ngày 09/10 bà Tú có hẹn bà Linh qua địa chỉ số 93 Nghi Tàm để nói chuyện, sau đó bà Tú nhắn thay đổi địa chỉ qua số 4A ngõ 126 Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân để làm việc.

Đi cùng bà Linh lúc này có hai người em rể là ông Hoàng Văn Thắng và Nguyễn Trọng Hoàng cùng một tài xế Grap tên là Nguyễn Hào Hiệp đến 4A ngõ 126 Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân. Đến 13h30', sau khi mọi người xuống xe thì có một nhóm đối tượng hơn 20 người ra tay đánh, gây thương tích nặng cho bà Linh và những người đi cùng.

Sau đó các đối tượng bắt nhóm bà Linh vào trong nhà, nhốt lại rồi tiếp tục đánh, tra khảo và tung video trực tuyến lên trên mạng xã hội. Một lúc sau đó, khi lực lượng công an có mặt, bà Tú buộc phải thả ông Hiệp và ông Thắng để hai người này đi cấp cứu bệnh viện Bưu điện.

Các nạn nhân trong vụ hành hung

Lực lượng công an cũng đưa bà Linh về phường, trên đường đi bà Linh bị ngất và phải cấp cứu tại bệnh viện Bưu điện rồi sau đó chuyển lên bệnh viện Việt Đức để tiếp tục điều trị. Hiện tại bà Linh đã bình phục nhưng ông Hiệp và ông Thắng vẫn phải tiếp tục lưu lại bệnh viện điều trị do vết thương quá nặng.

Bà Linh sau đó đã có đơn tố cáo gửi các cơ quan công an, an ninh hình sự - Bộ công an cùng các cơ quan báo chí để phản ánh sự việc trên.

Vụ việc hiện đang được các cơ quan chức năng gấp rút tiến hành điều tra và làm rõ.

Trích sao bệnh án (BV HN Việt Đức) của ông Nguyễn Đào Hiệp cho thấy nhiều vết thương nghiêm trọng

Liên quan đến sự việc nhóm đối tượng liều lĩnh đánh và bắt giữ người ở Hà Nội xảy ra vào hồi 13h30', tại số 4A ngõ 126 Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân, Hà Nội đang được dư luận quan tâm, trao đổi với phóng viên, luật sư Vy Văn Minh - GĐ Công ty luật EVERNEW cho rằng:

“Nếu những tình tiết, thông tin, tài liệu, chứng cứ do người bị hại (chị Phạm Thị Linh) cung cấp là chính xác thì có thể thấy các đối tượng hành hung chị Linh đã có sự bàn bạc, chuẩn bị lực lượng từ trước (thể hiện việc có tổ chức), hành động hung hãn, công khai giữa ban ngày, coi thường pháp luật (thể hiện tính chất côn đồ). Hành vi của nhóm đối tượng này đã có đủ yếu tố cấu thành tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức cho khỏe của người khác" quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017. Tuy nhiên, trong vụ việc này, người bị hại không chỉ là 01 người, mà là 03 người (chị Linh, anh Thắng và anh Hiệp), cho nên cần phải có kết quả trưng cầu giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người bị hại thì mới có cơ sở để xác định chính xác trách nhiệm hình sự (khung hình phạt áp dụng) đối với nhóm đối tượng gây án”.

Bên cạnh đó, luật sư Minh cũng cho biết thêm: Hành vi của nhóm đối tượng này cũng thỏa mãn yếu tố cấu thành tội "Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật" quy định tại Điều 157 Bộ luật hình sự năm 2015.

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

Điều 157. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Đối với 02 người trở lên;

e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;

h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;

b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang