Hà Nội: Mối lo từ những quả “bom” gas trong khu dân cư

15/05/2018 07:20

(kiemsat.vn)
Hà Nội có nhiều cửa hàng gas nằm xen kẽ giữa khu dân cư, trong số đó, có cả những cửa hàng vì lợi nhuận mà sang chiết gas trái phép; đồng nghĩa với việc người dân ngày ngày phải sống chung với hàng trăm quả "bom gas". Mối lo ngại cháy nổ vì vậy luôn thường trực.

Những lỗ hổng về điều kiện an toàn

Một số bình gas của chủ nhà được đưa ra ngoài sau đám cháy (Ảnh: vtc.vn)

Như VTC đưa tin, vụ cháy do nổ ga tại số nhà 33 (tổ 14, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội) khu vực chân cầu Vĩnh Tuy khiến 1 người tử vong hôm 10/5 vẫn khiến nhiều người bàng hoàng.

Ngôi nhà bị cháy là một cửa hàng kinh doanh gas không có giấy phép. Mặc dù trước đó đã bị xử phạt và yêu cầu tháo dỡ biển kinh doanh, nhưng chủ nhà vẫn lén lút hoạt động. Vụ việc này một lần nữa làm dấy lên lo ngại về mức độ an toàn của các cơ sở kinh doanh gas giữa khu dân cư.      

Với việc buông lỏng các quy định về điều kiện an toàn phòng chống cháy nổ như hiện nay, nhiều cửa hàng gas chẳng khác nào những “quả bom” nổ chậm.

Theo quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC), cửa hàng kinh doanh gas phải có tổng diện tích mặt bằng tối thiểu là 25 m2, diện tích phòng bày bán tối thiểu là 12 m2, không chứa trên 1.000 kg gas, có lối thoát nạn, đầy đủ các phương tiện về PCCC, người kinh doanh mặt hàng này phải được cấp chứng chỉ tập huấn về PCCC… Tuy nhiên, đa số cửa hàng gas ở Hà Nội không đáp ứng được yêu cầu này. Trên các tuyến đường, phố đông dân cư hiện nay như Trương Định, Nguyễn Trãi, Hạ Đình,... không khó để bắt gặp những cửa hàng gas nằm chen chúc trong những không gian chật chội. Nếu xảy ra hỏa hoạn, xe cứu hỏa không thể vào dập lửa được sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Hình minh họa (Nguồn: internet)

Điều đáng nói, nhiều cơ sở kinh doanh gas tìm mọi cách để móc túi người tiêu dùng. Ngoài việc “chôm chỉa” vỏ bình, thực trạng cắt tai, sang chiết gas trái phép diễn ra rất phổ biến. Tình trạng này khiến hiểm họa cháy nổ càng cao.

Nhiều bất cập trong xử lý vi phạm

Do tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao nên gas là một trong những mặt hàng kinh doanh có điều kiện, chịu sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Hiện nay, hoạt động kinh doanh gas được quy định bởi Nghị định số 107/2009/NĐ-CP về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng.

Nhưng riêng về điều kiện làm đại lý kinh doanh gas, Nghị định mới chỉ đưa ra những yếu tố cần có như: giấy chứng nhận ĐKKD, trong đó có ĐKKD gas; cửa hàng, trạm nạp gas được CQCA có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện PCCC, giấy xác nhận đủ điều kiện về ANTT theo quy định của pháp luật... còn những tiêu chí quan trọng khác như diện tích mặt bằng, nhà xưởng, địa điểm kinh doanh, tiêu chuẩn về khoảng cách kinh doanh gas trong khu dân cư… thì không được quy định cụ thể.

Sự thiếu chặt chẽ này đã được nhiều người tận dụng để hoạt động kinh doanh gas mất an toàn giữa khu dân cư.

Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải bổ sung quy chuẩn rõ ràng về khoảng cách an toàn đối với các cửa hàng kinh doanh gas gần khu dân cư. Đồng thời, để phòng ngừa “hiểm họa”, cần có sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng cảnh sát PCCC, chính quyền cơ sở, quản lý thị trường, công an.

Hình minh họa (Nguồn: internet)

Theo quy định, quy trình kiểm tra thông thường của lực lượng cảnh sát PCCC phải thông báo trước 3 ngày và chỉ được phép kiểm tra đột xuất nếu cửa hàng có dấu hiệu vi phạm. Như vậy, chủ cơ sở hoàn toàn có đủ thời gian thể đảm bảo việc tồn chứa hàng đúng trữ lượng; nhân viên chưa được cấp chứng chỉ PCCC có thể tạm thời cho nghỉ việc; khó bắt quả tang việc sang chiết trái phép... Bên cạnh đó, do không được phép ra quyết định đình chỉ, rút giấy phép hoạt động nên những kiến nghị, đề xuất, xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan PCCC vẫn thiếu “sức nặng”, không tạo được sức răn đe đối với những cơ sở thiếu sót về an toàn PCCC.

Kiểm tra, xử phạt, kiến nghị xử lý cơ sở vi phạm thuộc thẩm quyền của cơ quan PCCC, nhưng ra quyết định đình chỉ hoạt động, rút giấy phép số cơ sở này lại thuộc thẩm quyền của chính quyền cơ sở. Do đó, vi phạm PCCC các cơ sở kinh doanh gas có được chấn chỉnh, dẹp bỏ hay không, phụ thuộc nhiều vào sự vào cuộc của chính quyền các địa phương.

Người dân cũng cần phối hợp để phản ánh hành vi vi phạm về an toàn PCCC đến cơ quan chức năng, nhất là hành vi tồn trữ, sang chiết gas trái phép, tránh xảy ra những vụ cháy nổ đáng tiếc.

Trên hết, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức trong việc mua và sử dụng gas tại gia đình. Chỉ nên mua gas tại những cửa hàng gas có uy tín, đầy đủ giấy phép kinh doanh, điều kiện về PCCC, sử dụng những hãng gas có thương hiệu. Hãy kiên quyết nói không với các loại gas kém chất lượng, trôi nổi trên thị trường.

Xem thêm>>>

Từ 1/10, giá gas tiếp tục tăng thêm 28.000 đồng/bình

Phòng cháy, chữa cháy cứu người là trên hết

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang