Hà Nội bàn giải pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 tại bệnh viện
(kiemsat.vn) Hà Nội đã kiểm tra 46 bệnh viện trên địa bàn Thành phố, phát hiện 34 BV an toàn, 9 BV an toàn ở mức thấp, 3 BV không an toàn phòng chống dịch bệnh.
Sáng 22/8, Phó Chủ tịch UBND Thành phố - Trưởng Ban Chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 Thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số cục, vụ, viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Y tế và lãnh đạo các bệnh viện và cơ sở y tế ngoài công lập trên địa bàn nhằm thảo luận các giải pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Nhị Hà, có 3 bệnh viện không đảm bảo an toàn trong sàng lọc, phân luồng, cách ly. |
Chỉ 3 bệnh viện mắt ngoài công lập còn chưa an toàn sàng lọc bệnh nhân
Báo cáo tại buổi làm việc, bà Trần Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Hà Nội hiện có 111 bệnh viện, trong đó có 41 bệnh viện công lập, 39 bệnh viện ngoài công lập, 31 bệnh viện Trung ương, bộ, ngành đóng trên địa bàn và 3.587 phòng khám tư nhân. Trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19, bệnh viện là nơi khám, sàng lọc, phát hiện sớm, điều trị các ca bệnh, giúp ngăn chặn, khống chế dịch bệnh. Bệnh viện cũng là nơi nguy cơ lây nhiễm và phát tán dịch bệnh. Bên cạnh đó, bệnh viện còn đối mặt với các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác đang tiềm ẩn trong cộng đồng như cúm, sởi, ho gà, bạch hầu.
Giai đoạn từ ngày 25/7 đến nay, Hà Nội ghi nhận 36 ca mắc mới, trong đó có 11 ca mắc ngoài cộng đồng và hầu hết số ca mắc này đều phát hiện từ các bệnh viện trên địa bàn. Chính vì vậy, bệnh viện cần được quan tâm hàng đầu trong việc đối phó với dịch bệnh Covid-19.
Kết quả công tác kiểm tra của các bệnh viện, tính đến thời điểm hiện nay đã kiểm tra 46/80 bệnh viện trực thuộc, trong đó có 30/41 bệnh viện công lập, 16/39 bệnh viện tư nhân. Kết quả: có 36/46 bệnh viện an toàn, 7/46 bệnh viện an toàn ở mức thấp. Bệnh viện Vinmec đạt là bệnh viện an toàn với mức điểm cao nhất, tổng số điểm là 92,66 %. Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đặt bệnh viện an toàn ở mức điểm cao thứ hai, đạt tổng điểm là 87,3%.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng phát hiện 3/46 bệnh viện không an toàn, chủ yếu là các nhóm bệnh viện chuyên khoa mắt ngoài công lập. Cả ba bệnh viện này đều không đảm bảo an toàn trong sàng lọc, phân luồng, cách ly. Ngay sau khi kiểm tra, Sở Y tế đã yêu cầu các bệnh viện dừng hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để khắc phục và báo cáo Sở Y tế.
Sở Y tế cũng cảnh báo, nhắc nhở các bệnh viện an toàn ở mức thấp và đề nghị xây dựng kế hoạch khắc phục những vấn đề tồn tại và tổ chức rút kinh nghiệm về công tác phân luồng, sàng lọc, cách ly. Qua một số ca bệnh cụ thể, Sở cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị trực tuyến để rút kinh nghiệm về công tác phân luồng, cách ly, bàn giao ban khối bệnh viện 1 tuần/1 lần.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, còn một số tồn tại cần khắc phục và rút kinh nghiệm ngay: Kế hoạch của các đơn vị chưa chi tiết và chưa phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên ban chỉ đạo; Kiểm soát người ra vào bệnh viện chưa triệt để; Chưa bố trí chốt phân luồng ngay tại cổng bệnh viện; Thực hiện các biện pháp phòng ngừa chung như đeo khẩu trang chưa đầy đủ đối với người bệnh và người nhà người bệnh; Chưa thực hiện giãn cách đầy đủ tại các khu vực đông người và buồng bệnh.
Tại buổi họp, đại diện nhiều bệnh viện trên địa bàn bày tỏ tin tưởng vào năng lực phòng chống dịch của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt đánh giá rất cao hiệu quả trong công tác xét nghiệm, phát hiện cách ly sớm người bệnh, khoanh vùng xử lý điểm dịch của Thành phố.
Về tình hình hoạt động của các bệnh viện trong khi có dịch Covid-19, TS.BS Nguyễn Thế Anh, Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Xô cho biết, ngay từ đầu năm khi có dịch Covid-19 xảy ra, bệnh viện luôn bám sát chỉ đạo của Bộ Y tế và Hà Nội. Tiến hành triển khai sàng lọc, giãn cách bệnh viện theo đúng quy định. Bệnh viện không ghép giường nên bệnh nhân đến nằm điều trị rộng rãi luôn giữ được an toàn khoảng cách. Bên cạnh đó, ngay từ cổng vào viện có chốt sàng lọc các yếu tố nguy cơ và chuẩn bị phòng khám cách ly, khu cách ly tại một tòa nhà riêng biệt. Một số trường hợp nghi ngờ đã được đưa vào phòng khám cách ly ngay, đồng thời các nhân viên tiếp xúc các đối tượng này cũng được cách ly.
Đại diện các lãnh đạo bệnh viện. |
Theo TS. BS Phan Hướng Dương - PGĐ bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh viện có nhiều bệnh nhân với bệnh lý nền, chạy thận nhân tạo, người cao tuổi. Vì vậy, bệnh viện luôn quan tâm đến an toàn dịch bệnh, từ người lao động đế nhân viên y tế ở tất cả các khâu, nhất là vấn đề sàng lọc do nhiều người không khai báo hết lịch trình nên không thể chỉ dựa vào triệu chứng ho, sốt... Bởi vậy, những bệnh nhân có nguy cơ viện sẽ tiến hành chụp X quang ngay tại chỗ để kiểm tra, điều trị kịp thời, nếu để lọt vào Khu điều trị nội trú sẽ khoanh vùng, dập dịch không kịp.
GS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho rằng, nếu sàng lọc kỹ các bệnh nhân ngay từ khi vào khám bệnh thì số người phải xét nghiệm sẽ giảm đi rất nhiều.
Đối với tuyến Bệnh viện Thành phố, lãnh đạo bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, để đảm bảo công tác phòng chống dịch và tiêu chí bệnh viện an toàn, thời gian qua, bệnh viện đã thực hiện sàng lọc, phân luồng, phân tuyến bệnh nhân và có khu cách ly, điều trị riêng biệt đối với bệnh nhân có triệu chứng, nghi ngờ mắc Covid-19…
Theo lãnh đạo bệnh viện Thanh Nhàn, là một trong những đơn vị triển khai xét nghiệm, nếu với bệnh viện chuyên khoa việc sàng lọc, xét nghiệm sẽ đơn giản hơn nhưng với bệnh viện đa khoa có nhiều bệnh nhân với nhiều triệu chứng lâm sàng nên chỉ sàng lọc được qua xét nghiệm, với trường hợp không có dịch tễ hay là đối tượng F1, F2 thì những trường hợp khác làm xét nghiệm và thanh toán sẽ đặt ra như thế nào? Và có cơ chế nào đối với bệnh nhân chưa đủ điều kiện thanh toán bảo hiểm?
Phó Giám đốc viện 108 Lê Hữu Sang nêu ý kiến, từ Tết đến nay, có hơn 1.000 ca mắc, các đơn vị liên quan cần tiến hành sơ kết lại xem tỷ lệ lây nhiễm từ F0 sang F1 và từ F1 sang F2 như thế nào. Từ đó có văn bản hướng dẫn cụ thể, nếu không đây sẽ là gánh nặng rất lớn cho ngành y tế. Bởi cách ly, xét nghiệm cho mỗi ca hiện nay theo quy định bảo hiểm chỉ chi trả 700.000 đồng, nhưng thực tế lên đến 2 triệu đồng.
Nhiều bệnh viện cũng bày tỏ mong muốn Chính quyền Hà Nội phối hợp trong việc kiểm soát nguồn lẫy nhiễm đối với những người kinh doanh hàng quán, dịch vụ, cò mồi … xung quanh bệnh viện. Đề nghị Bộ Y tế tiếp tục tăng cường hỗ trợ CDC Hà Nội xét nghiệm tại những cơ sở chưa đủ khả năng xét nghiệm…
Kiến nghị dừng hoạt động các bệnh viện không an toàn
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết: Hà Nội luôn xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn. Thời gian qua, các bệnh viện trên địa bàn Thành phố đã làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, còn có trường hợp dương tính, thậm chí có nguy cơ lây nhiễm tại các bệnh viện như Bệnh viện Hồng Ngọc, Bạch Mai, Thận Hà Nội, Nội tiết T.Ư, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, Bệnh viện E và Thanh Nhàn… “Khi có ca nhiễm trong bệnh viện, sẽ có hàng nghìn người liên quan đến các ca bệnh” - Phó Chủ tịch Thành phố Ngô Văn Quý lưu ý bài học tại Bệnh viện Đà Nẵng đã lây lan ra 15 tỉnh, thành trong cả nước.
Phó Chủ tịch TP Ngô Văn Quý đề nghị, trong thời gian tới, các bệnh viện cần thực hiện nghiêm túc hơn nữa các chỉ đạo phòng chống dịch bệnh. |
Vừa qua, TP đã kiểm tra 46 bệnh viện (BV) trên địa bàn Thành phố, phát hiện 34 BV an toàn, 9 BV an toàn ở mức thấp, 3 BV không an toàn, thiếu tiêu chí trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đối với các BV này, Sở Y tế đều kiến nghị dừng hoạt động. “Mặc dù mới kiểm tra 46/80 BV công lập và tư nhân đã phát hiện các trường hợp còn chủ quan, chưa thực hiện đúng các quy định” – Phó Chủ tịch UBND TP nói.
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch TP Ngô Văn Quý đề nghị, trong thời gian tới, các BV cần thực hiện nghiêm túc hơn nữa các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Công điện của Ban chỉ đạo quốc gia, Công điện và hướng dẫn của Bộ Y tế, các văn bản chỉ đạo của TP Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý yêu cầu các BV thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, xây dựng phương án khi có trường hợp dương tính xảy ra; chuẩn bị đẩy đủ vật tư, trang thiết bị; tập huấn cho cán bộ, y bác sĩ; chuẩn bị phòng cách ly, phòng sàng lọc, khu vực cách ly cho nhân viên y tế. Các BV cần có sơ đồ, tổ chức phân luồng khám chữa bệnh, trong đó có biển báo hướng dẫn, tiếp nhận, phân loại bệnh nhân, khám sàng lọc và cách ly các ca nghi ngờ.
Ngoài ra, cần có các quy định cụ thể để người khám bệnh, người nhà hiểu biết được cần phải làm gì trong điều kiện phòng chống dịch hiện nay; quy định cho các y bác sĩ; quy định nội bộ trong bệnh viện.
Phó Chủ tịch TP cũng yêu cầu các BV cần làm ngay công tác tự đánh giá mức độ an toàn trong BV. Đối với các trường hợp đã được đánh giá nhưng ở mức an toàn thấp thì phải có các biện pháp để nâng cao mức độ an toàn. Tăng cường sàng lọc và chỉ định xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ và các bệnh nhân có tiền sử y tế chưa rõ ràng.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cũng kiến nghị với các Bộ, các cơ quan Trung ương tăng cường kiểm tra công tác an toàn tại các BV thuộc chuyên môn quản lý. Đối với các BV thuộc TP Hà Nội, Sở Y tế cần kiểm tra xong trong tuần sau. Đối với các cơ sở khám bệnh tư nhân khác, đề nghị các quận huyện tổ chức kiểm tra dưới sự hướng dẫn của Sở Y tế.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đề nghị các quận huyện phối hợp với các cơ sở y tế cho kiểm tra, xử lý ngay tình trạng hàng quán buôn bán “nhếch nhác” tại các cổng BV tạo ra nguy cơ lây nhiễm bệnh và ảnh hưởng đến an toàn trật tự.
Về cơ chế giá còn thấp, mua sắm vật tư y tế, Phó Chủ tịch Thành phố Ngô Văn Quý cho rằng sẽ gây khó khăn trong các BV và sẽ báo cáo với Ban chỉ đạo Trung ương./.
-
1Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn
-
2Báo chí muốn giữ vững “trận địa”, phải làm khác mạng xã hội
-
3Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao lần thứ 18
-
4Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy
-
5Ngày 20/11, Quốc hội tiếp tục bước vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
Bài viết chưa có bình luận nào.