Gửi đơn kiện qua Internet: Cải cách tư pháp bắt nhịp kịp thời với yêu cầu thời đại

10/02/2017 07:57

(kiemsat.vn)
Trong xã hội hiện nay, công nghệ thông tin là một phương tiện không thể thay thế, vì vậy, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (có hiệu lực từ 01/7/2016) đã bổ sung quy định tiếp nhận đơn và thu thập chứng cứ bằng phương pháp trực tuyến, tạo thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

Gửi đơn kiện qua Internet: Thể hiện tính ưu việt

Tại Điều 190 BLTTDS quy định, người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết bằng hình thức điện tử qua cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có). Về thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện được gửi bằng phương thức trực tuyến thì Điều 191 cũng nêu rõ, Tòa án phải in ra bản giấy và phải vào sổ ghi nhận đơn; kết quả xử lý đơn của Thẩm phán… phải được ghi chú vào sổ nhận đơn và thông báo cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Từ tính ưu việt trên, ngày 08/02, chia sẻ với PV Kiemsat.vn, Luật sư Nguyễn Thế Truyền – Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh (Đoàn LS TP Hà Nội) đánh giá: “Những quy định nêu trên của BLTTDS năm 2015 bắt nhịp kịp thời với yêu cầu của thời đại trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay. Hiện nay, các ngành, các cơ quan, trong đó có ngành Tòa án thì từ trung ương đến địa phương, hầu hết các đơn vị đều phát triển cổng thông tin điện tử, đăng tải rộng rãi các thông tin pháp lý trên trang web của ngành mình, địa phương mình. Hơn nữa, quy định này đã mở ra một chế định hoàn toàn mới giúp cho mọi tầng lớp nhân dân, kể cả những người đang ở rất xa trụ sở Tòa án, những người đang vì những lý do rất đặc biệt không thể đến Tòa án để gửi đơn… họ đều có thể thực hiện được quyền khởi kiện của mình khi có tranh chấp xảy ra”.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền nhận định, gửi đơn kiện qua Internet là bắt nhịp kịp thời với yêu cầu của thời đại trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay.

“Cần triển khai sâu rộng trong thực tiễn”

Cụ thể hóa quy định này, ngày 30/12/2016, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn chi tiết về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử.

Nghị quyết đã quy định chi tiết gửi tài liệu, chứng cứ bằng phương tiện điện tử và nộp bản chính, bản sao hợp pháp của các tài liệu, chứng cứ đó tại Tòa án theo quy định của pháp luật. Quy định này giúp người tiến hành tố tụng chủ động đánh giá được toàn bộ các tài liệu, chứng cứ một cách khách quan, toàn diện. Cùng với đó là việc đương sự được thực hiện các giao dịch điện tử với tòa suốt 24 giờ trong ngày và bảy ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết.

Nghị quyết cũng hướng dẫn văn bản điện tử trong tố tụng dân sự, hành chính bao gồm: Đơn khởi kiện; tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện; biên lai thu tiền tạm ứng án phí, tiền án phí; các văn bản của cơ quan nhà nước phát hành theo quy định của pháp luật; văn bản tố tụng do tòa ban hành và các văn bản, tài liệu, chứng cứ khác. Văn bản điện tử có thể được chuyển đổi sang văn bản giấy theo quy định của Luật Giao dịch điện tử.

Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Thế Truyền cũng cho rằng, để những quy định này được triển khai sâu rộng trong thực tiễn, cần khắc phục một số khó khăn sau:

Thứ nhất, hiện nay chỉ có các Tòa án cấp tỉnh mới thiết lập trang web, còn ở nhiều đơn vị cấp huyện chưa có điều kiện lập cổng thông tin điện tử riêng. Vì vậy, quy định này chỉ được thực hiện khả thi ở một số Tòa án cấp tỉnh, trong khi lượng án kiện dân sự sơ thẩm ở Tòa án cấp huyện lại chiếm đại đa số.

Thứ hai, ngày đương sự gửi đơn khởi kiện đến Tòa án phải được xác định chính xác trong hoạt động tố tụng, vì đây là thời điểm phát sinh các quyền, nghĩa vụ của Người khởi kiện (người tham gia tố tụng) và trách nhiệm của Thẩm phán (Người tiến hành tố tụng) khi được giao nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết đơn khởi kiện. Nhưng trước thực tế hiện nay, hệ thống mạng Internet vẫn còn nhiều bất cập, vấn đề an ninh mạng vẫn chưa được giải quyết triệt để, hiện tượng mạng nội bộ bị “treo” nên đương sự không thể truy cập được để thực hiện được thao tác gửi đơn; hoặc có trường hợp đương sự đã gửi văn bản đến đúng địa chỉ cổng thông tin của Tòa án, nhưng bộ phận tiếp nhận đơn không thể nhận, xử lý được dữ liệu. Dẫn đến việc, văn bản được gửi đi nhưng cấp có thẩm quyền không tiếp nhận được nên không có căn cứ để giải quyết; còn đương sự vẫn tiếp tục chờ đợi thông tin với tâm trạng hoài nghi, bức xúc.

Loan Bảo

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang