Giới thiệu Tạp chí Kiểm sát số 06/2025

03/04/2025 11:22

(kiemsat.vn)
Ban Biên tập trân trọng giới thiệu tới Quý vị độc giả Tạp chí Kiểm sát số 06/2025, phát hành ngày 20/3/2025.

Mục lục Tạp chí Kiểm sát in số 06/2025:

Chuyên mục NGHIÊN CỨU- TRAO ĐỔI có bài viết: “Xu hướng phát triển của chế định chứng minh trong tố tụng hình sự” của tác giả Bùi Thị Hạnh. Tác giả cho rằng, hoạt động chứng minh trong tố tụng hình sự đang đối mặt với nhiều thách thức mới. Việc hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự, trong đó có các quy định về chứng minh cần hướng đến các giá trị công bằng, minh bạch, hiện đại và hội nhập, bảo đảm quyền con người và tăng cường hiệu quả xử lý tội phạm trong bối cảnh số hóa và hội nhập quốc tế. Điều này giúp cho việc chứng minh sự thật khách quan được nhanh chóng, hiệu quả, đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm; đáp ứng các yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong kỷ nguyên mới.

Để kịp thời, chủ động giải quyết các vấn đề đặt ra, đặc biệt là việc xác định thẩm quyền và mối quan hệ tố tụng giữa các cơ quan Viện kiểm sát cấp huyện, Tòa án cấp huyện và Cơ quan điều tra Công an cấp tỉnh, cơ quan quản lý và thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự trong điều kiện chưa sửa các bộ luật, luật liên quan; Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao ký ban hành “Thông tư liên tịch số 02/2025 về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự, quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự khi không tổ chức Công an cấp huyện”. Qua đó, bảo đảm hoạt động hiệu quả, thông suốt, liên tục công tác giải quyết vụ việc, vụ án hình sự và thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự của các đơn vị thuộc Công an cấp tỉnh và công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND cấp tỉnh, cấp huyện. Những vấn đề cần lưu ý về Thông tư này được đề cập đến trong bài viết của tác giả Hoàng Thị Quỳnh Chi, trên chuyên mục CÔNG TÁC KIẾM SÁT.

Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý hành chính được áp dụng cho một số đối tượng có vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự. Thực tiễn áp dụng quy định này còn gặp một số vướng mắc, có nhiều cách hiểu khác nhau do chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng cụ thể. Do vậy, tác giả kiến nghị liên ngành trung ương sớm ban hành văn bản hướng dẫn về trường hợp đưa vào trường giáo dưỡng quy định tại khoản 3, 4 Điều 92 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020. Đây là nội dung của bài viết “Về biện pháp đưa vào Trường giáo dưỡng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi” của tác giả Phạm Văn Tiến trên chuyên mục THỰC TIỄN - KINH NGHIỆM.

Chuyên mục THÔNG TIN KHOA HỌC, các tác giả Trần Hà Thu, Tăng Thị Thu Trang phân tích “Quy định về khả năng nhận thức của người chưa thành niên trong Bộ luật tư pháp hình sự người chưa thành niên Cộng hòa Pháp” - vốn được đánh giá là một bước tiến vượt bậc, khi đặt nền tảng cho việc quy định rõ ràng khả năng nhận thức như một điều kiện tiên quyết để truy cứu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên. Từ những điểm tiến bộ trong Bộ luật này, tác giả tập trung vào khía cạnh khả năng nhận thức của người chưa thành niên, đồng thời, đưa ra những gợi mở chính sách nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam.

Tạp chí Kiểm sát số 06/2025 còn có một số bài viết sau: “Ứng dụng phân tích dáng đi trong điều tra tội phạm” của tác giả Lê Phương Thảo; “Hoàn thiện quy định của BLTTHS năm 2015 về một số hoạt động điều tra” của các tác giả Đặng Văn Thực, Hoàng Hải Long; “Một số dạng vi phạm trong quá trình xét xử vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi” của tác giả Lại Viết Quang, Đỗ Tiến Công; “Về khởi kiện vụ án dân sự, vụ án hành chính để bảo vệ lợi ích công cộng” của tác giả Trịnh Hữu Toản; “Một số lưu ý khi kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài” của các tác giả Thái Văn Đoàn, Trần Hạnh Thảo…

Trân trọng giới thiệu và kính mời Quý độc giả đón đọc!

PV
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang