Giới thiệu Tạp chí Kiểm sát số 01/2024
(kiemsat.vn) Ban Biên tập trân trọng giới thiệu tới các đồng chí và quý vị độc giả Tạp chí Kiểm sát số Xuân (số 01/2024), với các nội dung chính sau đây:
|
Là số tạp chí đầu tiên năm 2024, chúng tôi dành chuyên mục SỰ KIỆN - VẤN ĐỀ để thông tin đến bạn đọc Kế hoạch thực hiện công tác trọng tâm năm 2024 của VKSND tối cao và Kết quả thi đua khen thưởng năm 2023 của ngành Kiểm sát nhân dân.
Trên chuyên mục CÔNG TÁC KIỂM SÁT, bài viết “Nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị các vụ án xâm phạm trật tự xã hội” của tác giả Lê Minh Long đã đánh giá kết quả công tác này của VKSND các cấp trong thời gian qua, chỉ ra một số tồn tại, thiếu sót, từ đó, đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo điều hành, tăng cường phối hợp liên ngành để thực hiện hiệu quả công tác theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và trả lời thỉnh thị các vụ án, vụ việc xâm phạm trật tự xã hội.
Tội phạm công nghệ cao đang diễn ra rất phức tạp trên không gian mạng, tài sản bị chiếm đoạt có giá trị rất lớn, đặc biệt lớn, gây bức xúc trong dư luận, tuy nhiên, việc điều tra, xử lý nhóm tội phạm này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Từ thực tiễn giải quyết các vụ án liên quan đến Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có sử dụng công nghệ cao, tác giả rút ra một số kinh nghiệm trong từng giai đoạn giải quyết vụ án. Đó là nội dung bài viết “Kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự chiếm đoạt tài sản có sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử” của tác giả Nguyễn Thị Tuyết Nhung.
Mô hình thiết chế chuyên trách chống tham nhũng cần phải được thiết kế dựa vào những hiểu biết lý luận và thực tiễn nhất định. Qua bài viết “Những vấn đề lý luận, thực tiễn và hoàn thiện mô hình thiết chế chuyên trách chống tham nhũng ở nước ta hiện nay” (Kỳ I) trên chuyên mục NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI, tác giả Võ Khánh Vinh làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về mô hình thiết chế chuyên trách chống tham nhũng, bao gồm: Quan niệm, đặc trưng, tính chất, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của thiết chế chuyên trách chống tham nhũng; khái quát mô hình các thiết chế chuyên trách chống tham nhũng trên thế giới; nhận diện về mô hình này ở nước ta hiện nay và những vấn đề cần hoàn thiện.
Hàm Băm là một thuật toán do máy tính thực hiện bằng phần mềm tin học, có ý nghĩa trong việc chứng minh tính toàn vẹn hay đã bị thay đổi nội dung của một khối dữ liệu điện tử nhất định đã được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập hoặc người tham gia tố tụng cung cấp. Bài viết “Sử dụng giá trị “Hàm Băm” trong thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự” của tác giả Nguyễn Đức Hạnh phân tích ý nghĩa của hàm Băm, chỉ ra nguyên tắc khi sử dụng hàm Băm, đồng thời, đưa ra những kiến giải khoa học hoàn thiện một số quy định của tố tụng hình sự và nâng cao chất lượng của việc sử dụng hàm Băm cũng như giá trị hàm Băm đối với Kiểm sát viên khi thực thi nhiệm vụ.
Ngoài ra, Tạp chí Kiểm sát số 01/2024 còn có một số bài viết như: “Bàn về yêu cầu giám định trong tố tụng dân sự” của các tác giả Nguyễn Quốc Hân, Hoàng Ngọc Anh; “Khó khăn, vướng mắc khi giải quyết vụ án giết người và cố ý gây thương tích” của tác giả Lê Văn Đông; “Về hành vi “đưa hối lộ cho công chức nước ngoài” ở một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam” của các tác giả Đinh Xuân Nam, Nguyễn Thị Thùy Dung.
Trân trọng giới thiệu và kính mời Quý độc giả đón đọc!
Mục lục Tạp chí Kiểm sát in số 01/2024:
Bài viết: Nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị các vụ án xâm phạm trật tự xã hội. Tác giả: TS. Lê Minh Long.
Bài viết: Kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự chiếm đoạt tài sản có sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử. Tác giả: TS. Nguyễn Thị Tuyết Nhung.
Bài viết: Những vấn đề lý luận, thực tiễn và hoàn thiện mô hình thiết chế chuyên trách chống tham nhũng ở nước ta hiện nay (Kỳ I). Tác giả: GS.TS. Võ Khánh Vinh.
Bài viết: Sử dụng giá trị “Hàm Băm” trong thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự. Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh.
Bài viết: Bàn về yêu cầu giám định trong tố tụng dân sự. Nhóm tác giả: TS. Nguyễn Quốc Hân và Hoàng Ngọc Anh.
Bài viết: Về hành vi “đưa hối lộ cho công chức nước ngoài” ở một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam. Nhóm tác giả: TS. Đinh Xuân Nam và TS. Nguyễn Thị Thùy Dung.
Bài viết chưa có bình luận nào.