Giải mã hiện tượng bạo hành vì tình

03/04/2019 14:39

(kiemsat.vn)
Chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và Thái Nguyên xảy ra các vụ án mạng mà nguyên nhân bắt đầu từ mâu thuẫn tình cảm yêu đương, mà nạn nhân là những cô gái. Còn người gây án thường chọn phương án kết liễu đời mình ngay sau đó.

“Hội chứng” chia tay là giết
Vào ngày 1/4, tại  thành phố Ninh Bình, một nam thanh niên cầm kéo đuổi theo một cô gái đâm nhiều nhát vào ngực, cổ khiến người phụ nữ tử vong tại chỗ. Tiếp đến, nam thanh niên cầm kéo đâm vào người mình để tự sát nhưng được mọi người đưa đi cấp cứu.

Theo điều tra ban đầu thì giữa nạn nhân và đối tượng gây án có quan hệ tình cảm với nhau. 

Vẫn chưa hết, người dân tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên lại chứng kiến một vụ án mạng đau lòng vào ngày 2/4/2019 khi phát hiện một cặp nam nữ được cho là người yêu của nhau đã xảy ra cãi vã trong phòng trọ. Sau đó, nam thanh niên đã dùng dao đâm bạn gái đến tử vong.

Trao đổi với phóng viên kiemsat.vn, thạc sỹ Trần Đình Hải giảng viên Khoa Tội phạm học và Điều tra tội phạm trường Đại học Kiểm sát Hà Nội lý giải một số nguyên nhân “chia tay là giết” xuất hiện ngày càng nhiều hiện nay.

Thạc sĩ Trần Đình Hải – Khoa Tội phạm học và Điều tra tội phạm 
trường Đại học Kiểm sát Hà Nội

Ông Hải cho biết mâu thuẫn trong tình yêu đôi lứa, đặc biệt với giới trẻ nếu không biết hoặc thiếu kỹ năng giải quyết sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ vi phạm pháp luật như: Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, bôi nhọ, làm nhục, hành hạ bạo lực hoặc thậm chí giết người. 

Về phía nạn nhân: Nhiều trường hợp nạn nhân là người có lối sống buông thả, không chung thủy, ích kỷ, thường xuyên đay nghiến, cư xử hà khắc với người yêu, trì triết hoàn cảnh, thiếu sự quan tâm, chăm sóc cần thiết hoặc thậm chí quá nhu nhược, hiền lành…đều dễ làm nảy sinh cách ứng xử thô tục, ngổ ngáo, bạo lực từ phía người yêu của mình.

Về phía người phạm tội: Khi xảy ra hiểu lầm, cãi vã hoặc chia tay, nhiều người rơi vào trạng thái thất vọng và tuyệt vọng. Nếu như trong tình yêu gặp người bạn không chung thủy, bị áp bức, trì triết,... hoặc rơi vào hoàn cảnh “bị đá”, bị  túng quẫn hoặc cảm thấy mình bị dồn vào bước đường cùng có thể dẫn đến việc ra tay sát hại người mình yêu.

Độ tuổi trẻ đang trong quá trình phát triển về mặt tâm sinh lý do vậy rất dễ xáo trộn và bùng nổ về mặt cảm xúc, nhận thức dẫn đến hành động không kiểm soát.

Do không được rèn luyện các kỹ năng sống từ trong môi trường gia đình, nhà trường, bạn bè,…khiến nhiều bạn trẻ không ý thức đến tiêu chuẩn đạo đức của mình và phản ứng mạnh hơn trước tình huống ức chế, khiến họ có hành vi bạo lực hoặc hung hăng. Chính bởi sự thiếu kỹ năng sống, xáo trộn cảm xúc, thiếu trải nghiệm, rối loạn hành vi, hành động có tính chất côn đồ, hung hãn, thiếu hiểu biết về luật. Hơn nữa sự bế tắc trong lối suy nghĩ bởi thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc khiến nhiều người trẻ giải quyết mâu thuẫn trong tình yêu một cách tiêu cực và thường là sử dụng bạo lực một cách chủ quan, cảm tính để giải quyết…

Không được thường xuyên giáo dục đức tính kiên trì, nhẫn nại, khả năng chịu đựng sức ép hoặc các cú sốc tình thần nên trong cách cư xử dễ dẫn đến tâm lý hận thù, đố kị, ích kỉ, hẹp hòi và lựa chọn cách giải quyết thỏa mãn bản thân nhanh nhất bằng con đường bạo lực. Việc quen với việc được chiều chuộng cũng dễ dẫn đến tâm lý hẹp hòi, nhỏ nhen, đề cao lợi ích cá nhân mà không đặt lợi ích của người khác lên trước. Khi thấy lợi ích cá nhân của mình bị ảnh hưởng thì rất dễ nổi nóng và sẵn sàng dành lại công bằng cho chính mình bằng mọi giá, kể cả vi phạm pháp luật.

Nhiều thanh niên nghiện rượu và ma túy, việc lạm dụng những chất gây nghiện không những làm hại thể chất, tinh thần mà còn ức chế những trung tâm điều khiển của não. Bên cạnh đó lối sinh hoạt vô độ, đêm chơi ngày ngủ làm đảo lộn nhịp sinh học cơ thể lâu dần khiến sức khỏe tâm thần giảm sút, suy nhược, họ trở nên nhạy cảm với những yếu tố bên ngoài. Dưới ảnh hưởng đó, thanh niên có thể dễ  dàng trở nên hung bạo và hung hăng hơn khi bị khiêu khích hay cho rằng mình bị tổn thương, ảnh hưởng sĩ diện…

Giới trẻ vẫn thường có quan niệm cho rằng chuyện tình yêu  là việc cá nhân, không ai có thể hiểu được mình dẫn đến quyết định giải quyết mâu thuẫn theo kiểu “tự xử”. Mặt khác, nhiều đối tượng ảo tưởng về bản thân, luôn nghĩ mình đứng vị trí “trung tâm” số một trong quan hệ yêu đương nên khi xảy ra cãi vã, chia tay họ thấy bản thân khó chịu, “ngứa mắt”.

Do tác động của những mặt trái các thông tin từ internet, truyền thông với những pha bắn giết đẫm máu đầy bạo lực cũng phần nào đó gieo rắc tính hung bạo vào tâm trí của đối tượng. Nên khi xảy ra mâu thuẫn trong tình yêu dù là một mâu thuẫn nhỏ, các đối tượng bế tắc trong suy nghĩ, không có giải pháp giải quyết mâu thuẫn và dẫn tới hành xử theo cảm tính. 

Bản thân gia đình và xã hội đã lỏng lẻo trong công tác giáo dục và quản lý. Một số quy định của pháp luật còn chưa nghiêm, không kịp thời xử lý và răn đe mạnh mẽ các đối tượng phạm tội, trong khi đó bản thân các đối tượng chưa được trang bị nền tảng về văn hóa ứng xử, cha mẹ, thầy cô chưa có biện pháp dạy con về sự tự tôn, lòng tự trọng, biết yêu quý bản thân mình và tôn trọng những người xung quanh cộng với những áp lực, xô bồ của cuộc sống kinh tế thị trường… Với việc làm theo cảm tính khi giải quyết mâu thuẫn thường căng thẳng, nổi nóng, ích kỷ, không có sự bao dung nên dẫn đến hành động bộc phát, nông nổi.

Kết cục của những mối tình đau lòng đó là người chết, kẻ tự sát, kẻ đi tù với những mức án  nghiêm khắc.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang