Gia Lai: Nguy cơ thất thoát tài nguyên khoáng sản từ mỏ đất Phương Đông Gia Lai
(kiemsat.vn) Người dân phản ánh, hơn 10 năm qua, hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty TNHH MTV Phương Đông Gia Lai trên địa bàn xã Ia Sol, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai vẫn diễn ra nhiều sai phạm.
Khai thác 10 năm không lắp đặt trạm cân, camera
Trước thực trạng khai thác vượt công suất, hạn chế tối đa việc thất thu ngân sách, “chảy máu tài nguyên” trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản đã quy định các chủ mỏ phải lắp đặt trạm cân, camera tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác, tại các kho chứa, từ đó lưu trữ thông tin, số liệu, tạo thuận lợi cho công tác quản lý.
Hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty TNHH MTV Phương Đông Gia Lai có nhiều dấu hiệu sai phạm. |
Tuy nhiên, dù đã khai thác tài nguyên trên địa bàn xã Ia Sol, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai hơn 10 năm nhưng đến nay tại mỏ đất của Công ty TNHH MTV Phương Đông Gia Lai vẫn không có bảng thông tin mỏ, trạm cân và camera giám sát. Doanh nghiệp này đã từng bị kiểm tra nhưng vẫn tiếp tục vi phạm, ông Trịnh Ngọc Khuyến - chủ doanh nghiệp vẫn thản nhiên nói rằng “cả làng, cả huyện, cả tỉnh này vậy” và “phạt nữa thì đóng phạt”?!
Tình trạng xe vận chuyển đất quá khổ, quá tải, không có bạt che chắn, phát tán bụi ra môi trường từ mỏ đất Phương Đông Gia Lai. |
Ngoài ra, trao đổi về vấn đề xe vận chuyển đất quá khổ, quá tải, ông Khuyến cho biết không quản lý được việc này và “Anh cũng đề nghị với anh Trung (Trưởng Công an huyện Phú Thiện) rồi đó, cứ phạt thật nặng, cần thiết nhốt xe”. Tuy chủ mỏ đã kiến nghị vậy nhưng tình trạng xe vận chuyển đất quá khổ, quá tải, không có bạt che chắn, phát tán bụi ra môi trường từ mỏ đất Phương Đông Gia Lai vẫn diễn ra nhiều năm, không có dấu hiệu giảm tải.
Giấy phép hết hạn vẫn ngang nhiên khai thác khoáng sản nhiều năm
|
Trao đổi với Phóng viên, ông Trịnh Ngọc Khuyến, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phương Đông Gia Lai (trước đây là Doanh nghiệp tư nhân Phương Đông) cho biết: Mỏ được cấp phép 2 lần, một lần vào năm 2010 cấp phép khai thác cho 4,2 ha và một lần là năm 2017 cấp thêm 1,5 ha, tổng diện tích khai thác là 5,7 ha. Đến, năm 2011 hết hạn giấy phép khai thác (4,2 ha) nhưng vẫn tiếp tục khai thác nhiều năm vì đang trong thời gian chờ xin gia hạn và “đến khi anh Du (ông Phạm Duy Du, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai- PV) có văn bản đề nghị Công ty ngừng hoạt động mới dừng”.
Theo quy định của pháp luật, một trong các điều kiện để được gia hạn là Giấy phép khai thác còn hiệu lực không ít hơn 03 tháng (theo Luật Khoáng sản năm 1996) và không ít hơn 45 ngày (theo Luật Khoáng sản năm 2010). Như vậy, nếu quá thời hạn trên, giấy phép hết hiệu lực và không có giấy phép gia hạn mà doanh nghiệp vẫn khai thác là dấu hiệu của hành vi khai thác không phép.
Ngoài ra, theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 89/GP-UBND ngày 16/02/2017 của UBND tỉnh Gia Lai chỉ cấp cho diện tích khai thác là 1,5 ha và doanh nghiệp chỉ được khai thác theo đúng diện tích, tọa độ, trữ lượng, mức sâu cho phép trong Giấy phép khai thác còn hiệu lực. Tuy nhiên, ghi nhận tại khu vực mỏ đất Phương Đông, theo quan sát thấy cả một khu vực có quy mô lớn đã bị đào xới, cảnh quan bị phá vỡ, đất bị đục khoét tạo thành những hố sâu rộng, có dấu hiệu vượt diện tích, vượt tọa độ và mức sâu cho phép khai thác.
Giấy phép khai thác khoáng sản chỉ được khai thác theo đúng diện tích, tọa độ, trữ lượng, mức sâu. |
Sở dĩ, quy định lắp đặt trạm cân và camera không chỉ giúp chủ mỏ giám sát chặt chẽ công tác khai thác, mà còn là cơ sở để cơ quan quản lý Nhà nước giám sát, kiểm tra chính xác khối lượng khoáng sản khai thác thực tế để làm căn cứ tính thuế tài nguyên, quản lý nguồn tài nguyên của quốc gia. Việc những dấu hiệu vi phạm đã tồn tại nhiều năm nay nhưng chưa được xử lý dứt điểm, cho thấy những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước dẫn đến phá vỡ cảnh quan môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền tỉnh Gia Lai cần khẩn trương vào cuộc, xử lý dứt điểm những tồn tại trên…
PV sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!
Điều 227, Bộ Luật hình sự 2015 về Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên
1. Người nào vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong những trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên;
b) Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 trở lên;
c) Có tổ chức;
d) Gây sự cố môi trường;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 04 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
e) Làm chết người.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
-
1VKSND TP Hà Tĩnh phối hợp tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông
-
2VKSND quận Cầu Giấy: Kiến nghị phòng ngừa tội phạm gây rối trật tự công cộng do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn
-
3Quảng Nam: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giải quyết các vụ án liên quan đến đất đai
-
4VKSND tối cao tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
-
5VKSND quận Liên Chiểu phối hợp với Tòa án tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử vụ án ma túy
-
6Những trường hợp áp dụng Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024
-
7VKSND huyện Vân Canh ban hành kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn
-
8VKSND TP. Hải Dương kiểm sát việc tiêu hủy pháo nổ trong vụ án hình sự
-
9VKSND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chủ tịch UBND TP. Hội An về vấn đề liên quan đến người nước ngoài thuê xe tự lái vi phạm pháp luật Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.