Gia Lai: Người dân khốn khổ vì hoạt động của mỏ đá Anh Khoa Gia Lai
(kiemsat.vn) Người dân gần các khu vực khai thác của Công ty cổ phần khoáng sản Anh Khoa Gia Lai đá trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên tục kêu cứu do hàng ngày các phương tiện vận chuyển đá quá khổ, quá tải lưu thông ngày đêm, phá nát đường dân sinh, phát tán bụi ra môi trường, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn, sức khỏe của người dân.
Theo tìm hiểu của phóng viên (PV), Công ty cổ phần khoáng sản Anh Khoa Gia Lai (Công ty Anh Khoa Gia Lai) có mã số doanh nghiệp 5900691422, trụ sở chính của công ty tại 160 Lê Duẩn, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tiền thân của Công ty Anh Khoa Gia Lai là Doanh nghiệp tư nhân Anh Khoa, được thành lập từ năm 1996 và đã hoạt động hơn 10 năm qua. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên được cấp phép khai thác và chế biến đá Granite, Basalt, Marble, Sandstone, Bluestone, Lava stone trên địa bàn tỉnh Gia lai.
Công ty Anh Khoa Gia Lai hiện có quy mô hoạt động rộng gồm: 03 nhà máy chế biến đá tại Khu công nghiệp Trà Đa; 01 xưởng cắt đá và mỏ khai thác đá đứng tên Công ty sản xuất đá granit Hồng (được cho là thành viên của Công ty Anh Khoa - PV) hiện đang khai thác đá tại huyện Chư Pưh.
Hiện trạng khai thác tại mỏ đá của Công ty Anh Khoa Gia Lai. |
Từ ngày mỏ đá hoạt động, người dân trên địa bàn xã Iake, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai luôn sống trong cảnh bất an khi ngày cũng như đêm, những chiếc xe tải hạng nặng chở đá từ mỏ đá Anh Khoa nối đuôi nhau chạy qua, cày nát nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch của huyện. Với công suất lớn, tần suất hoạt động liên tục đã làm kết cấu mặt đường nhiều chỗ bị vỡ nát, gập ghềnh “ổ voi”; trời nắng bụi bay mịt mù, trời mưa mặt đường biến thành những cái “ao” to, nhỏ; nhiều hộ kinh doanh phải đóng cửa, người dân đi lại khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Xe trọng tải lớn chở khối đá gập gềnh trên đường dân sinh cả ngày lẫn đêm. |
Những cái “ao” trên những tuyến đường dân sinh. |
Trao đổi với PV, chị N.T.H , một người dân sống trên địa bàn xã Iake, huyên Phú Thiện bức xúc: “Cả khu dân cư chúng tôi phải bỏ tiền ra tự sửa đường, tự tưới nước để khỏi bụi ảnh hưởng đến con cháu của chúng tôi, mà cứ sửa lên được vài hôm là các xe to bự chạy qua là hư tiếp nữa, xe nào cũng trên 30 tấn, có xe chở nguyên khối đá to đó thì cũng phải cỡ 50 tấn trở lên...
Sau nhiều tuần tìm hiểu về hoạt động khai thác của mỏ đá và lịch trình di chuyển của các phương tiện vận chuyển đá tại mỏ đá Anh Khoa, PV đã chứng kiến cảnh tượng các xe tải cỡ lớn chở đá quá khổ, quá tải lưu thông liên tục cả ngày lẫn đêm trên các nhánh đường; kéo theo tiếng ồn, những cơn rung chấn và một lượng đá văng, bụi... thậm chí, cây cối, nhà cửa người dân ven đường cũng nhuốm bụi trắng xóa.
Những xe tải lớn chở đá kéo theo bụi mịt mù. |
Những người dân trong khu vực này hàng ngày phải sống trong môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi khói bụi, nhà cửa luôn phải “cửa đóng cài then”. Hầu hết các hoạt động kinh doanh, sinh hoạt hàng ngày của người dân đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông thường trực hiện hữu.
Có thể thấy, hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Anh Khoa Gia Lai đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống của người dân trên địa bàn; sự việc vẫn diễn ra hàng ngày trong nhiều năm qua; người dân cũng nhiều lần kêu cứu nhưng có lẽ chưa đến được “tai” chính quyền địa phương cũng như các đơn vị quản lí giao thông đường bộ trên địa bàn (?).
Về vấn đề này, Luật sư Hoàng Văn Huy (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho rằng:
“Thực tiễn hiện nay cho thấy, việc khai khoáng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới môi trường sống xung quanh đang là vấn nạn và gây nhiều bức xúc cho người dân. Để nâng cao tính răn đe, hệ thống pháp luật Việt Nam đã ban hành khung chế tài xử lý rất nghiêm khắc, được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật như Luật khai thác khoáng sản năm 2010, Luật bảo vệ môi trường năm 2014, Bộ luật Hình sự năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Nghị định 155/2016 NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định: Đối với hành vi thải bụi, khí thải vào môi trường, tùy vào thông số môi trường thông thường hay thông số nguy hại và mức độ vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường mà có khung và mức hình phạt khác nhau, được quy định tại Điều 15 và điều 16 Nghị định này, với các mức hình phạt như: Phạt cảnh cáo, phạt hành chính với số tiền lên đến 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, áp dụng các hình phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của cơ sở từ 03 tháng đến 06 tháng, đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 12 tháng. Đồng thời buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Không những thế, nếu các hành vi vi phạm mang tính chất nghiêm trọng, đủ yếu tố cấu thành tội phạm về môi trường được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 thì sẽ bị xử lý theo pháp luật hình sự.
Riêng đối với hành vi vận chuyển quá khổ, quá tải, pháp luật cũng có quy định chế tài xử lý rất cụ thể tại Điều 33, Nghị định 100/2019 NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Với hình thức phạt tiền từ 1 triệu đến 16 triệu đồng, kết hợp hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 01 tháng đến 03 tháng và buộc bồi thường, khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra”.
PV sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để làm rõ và phản ánh trong các bài viết sau!
-
1VKSND quận Liên Chiểu phối hợp với Tòa án tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử vụ án ma túy
-
2VKSND TP. Hải Dương kiểm sát việc tiêu hủy pháo nổ trong vụ án hình sự
-
3VKSND huyện Vân Canh ban hành kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn
-
4VKSND quận Cầu Giấy: Kiến nghị phòng ngừa tội phạm gây rối trật tự công cộng do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn
-
5VKSND tối cao tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
-
6Những trường hợp áp dụng Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024
Bài viết chưa có bình luận nào.