(Gia Bình - Bắc Ninh): Nghi vấn cán bộ cấu kết doanh nghiệp để trục lợi ?

20/05/2019 15:02

(kiemsat.vn)
Công ty CPTM Dược phẩm Sao Mai có trụ sở tại đường Nội Thị, Thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh bị người dân tố cáo cấu kết với một số cán bộ địa phương tàn phá hàng trăm nghìn m2 đất sản xuất nông nghiệp màu mỡ của nhân dân?.

Công ty CP TMDP Sao Mai tàn phá đất nông nghiệp?

Trước đó, phản ánh đến cơ quan báo chí, ông Nguyễn Hữu Vinh thôn Kênh Phố xã Cao Đức cho biết; trên địa bàn xã có một bến bãi tập kết cát sỏi quy mô lớn và tại khu vực này thường xảy ra tình trạng hút trộm cát dưới lòng sông Đuống gây sạt lở bờ sông. Do ảnh hưởng của việc hút cát, việc canh tác rất khó khăn. Lợi dụng điều này, chủ bãi cát ép dân chuyển nhượng đất nông nghiệp với giá rẻ mạt và điều đáng nói, chính quyền cấp thôn lại đứng ra thu gom đất cho doanh nghiệp…

Ông Nguyễn Hữu Vinh (áo vang)  thôn Kênh Phố và ông Đoàn Văn Hay thôn Mỹ Lộc gửi đơn tới các cơ quan chức năng tố cáo sai phạm của chính quyền xã Cao Đức. 

Cũng theo phản ánh của ông Vinh việc Công ty CPTM Dược phẩm Sao Mai thu mua đất nông nghiệp với mục đất trồng cây dược lược chỉ là cái cớ. Cây dược liệu mà Công ty CPTM Dược phẩm Sao Mai trồng chủ yếu là cà rốt. Công ty này đã thu mua gom đất nông nghiệp tại hai thôn Văn Than và Trại Than làm “tấm bình phong” để ăn cắp tài nguyên trái phép từ hàng chục năm nay.

Ông Đăng Văn Huy thôn Mỹ Lộc cho biết: Sau khi có “bảo kiếm” trồng cây dược liệu, trong khoảng 2016-2017, Công ty CPTM Dược phẩm Sao Mai đã cho bóc hết lớp đất mặt bờ xôi ruộng mật khoảng 1m đem bán cho các lò gạch trên địa bàn với giá 20-50 ngàn đồng/1 m3. Không chỉ dừng lại ở việc bóc đất nông nghiệp bán cho các chủ lò gạch, công ty CPTM DP Sao Mai còn hút cát trộm tại thôn Mỹ Lộc nhiều năm nay khiến hơn 10ha đất hoa màu đã bị sạt lở nghiêm trọng.

Công ty CPTM Sao Mai hoạt động bến bãi không phép 

Để xác minh thông tin người dân phản ánh, nhóm PV đã vào vai những người đi “xin đất” và đã tiếp xúc được với ông Nguyễn Xuân Quý, Bí thư chi bộ thôn Văn Than. Trong cuộc trò chuyện với PV, ông Quý khẳng định cá nhân ông đã triệu tập hội nghị quân dân chính đảng mở rộng đứng ra “bán đất” của thôn Văn Than  cho ông Trịnh Viết Thiệp – Giám đốc Công ty CPTM Dược phẩm Sao Mai với diện tích trên 5 mẫu đất màu ngoài bãi sông có thời hạn 50 năm.  Giá trị chuyển nhượng là 7 tỷ đồng, hiện ông Thiệp đã trả trước 3,5 tỷ đồng, tới năm 2020, ông Thiệp có trách nhiệm thanh toán nốt số tiền còn lại cho thôn. Cũng qua câu chuyện với PV, ông Quý cũng khẳng định toàn bộ số tiền bán đất này  thôn quản lý chi tiêu không nộp về ngân sách xã. Trong câu chuyện ông Vinh luôn lấy hội nghị quân dân chính đảng ra để che đậy sự “uy quyền” của Bí thư có thể “điều binh khiển tướng” thay mặt doanh nghiệp đứng ra thu gom đất nông nghiệp. Ông còn khẳng định nếu không có doanh nghiệp thuê, thì mỗi năm sạt lở văn Than cũng mất hết đất.

Hợp đồng thuê  đất nông nghiệp dài hạn của Công ty CPTM Dược phẩm Sao Việt

Ở một diễn biến khác, có trong tay bản hợp đồng cho thuê đất của thôn Trại Than đã ký với Công ty CPTM Dược phẩm Sao Việt.  Theo đó, ông Thiệp và ông Vũ Bá Tiềm, trưởng thôn, Chủ nhiệm HTX Trại Than có ký hợp đồng lần thứ nhất vào ngày 26/10/2009, thời hạn cho thuê 5 năm. Diện tích đất cho thuê là 9720 m2, giá trị hợp đồng 145 triệu đồng. Trong đó đáng chú ý là hợp đồng này còn thể hiện điều khoản “Được phép kinh doanh cát đen, vật liệu xây dựng tại địa bàn thôn Trại Than”?

Sau khi hết hạn hợp đồng, ngày 13/11/2014, ông Nguyễn Văn Sưu, trưởng thôn Trại Than lại ký tiếp hợp đồng với ông Thiệp thời hạn đến ngày 27/9/2019 với giá trị hợp đồng là 358 triệu đồng.

 Như vậy, từ năm 2009 đến nay, việc mở bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng trái phép của ông Thiệp vẫn diễn ra ngang nhiên mà không bị chính quyền hay cơ quan chức năng xử lý!

Vì sao một Công ty tàn phá đất nông nghiệp suốt một thời gian dài mà chính quyền xã Cao Đức cũng như huyện Gia Bình lại có thể “làm ngơ” buông lỏng quản lý đất đai như vậy. Có hay không việc “cấu kết” mượn tay doanh nghiệp để bán đất nông nghiệp bờ xôi ruộng mật của cán bộ nơi đây?

Nghi vấn cán bộ cấu kết doanh nghiệp để trục lợi?

Để rộng đường dư luận, PV đã nhiều lần gọi điện qua điện thoại cho ông Trần Văn Dưỡng, Chủ tịch UBND xã Cao Đức để đặt lịch làm việc. Sau rất nhiều  lần từ chối làm việc, cuối cùng ông Dưỡng cũng phản hồi lại và cử đồng chí Nguyễn Văn Ngang, Phó Chủ tịch UBND xã trả lời cơ quan báo chí.  

Ông Nguyễn Văn Ngang, Phó Chủ tịch UBND làm việc với Phóng viên

Ngày 9/5/2019, ông Nguyễn Văn Ngang, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Đức xác nhận  với cơ quan báo chí có chuyện người dân thôn Văn Than cho doanh nghiệp thuê lại đất khu bãi sông.  Ngoài ra, trên địa bàn thôn Trại Than hiện đang tồn tại bến bãi tập kết cát, việc này do chính quyền thôn cho thuê thời hạn 5 năm, hết thời hạn đó thì ký lại hợp đồng. Ông Ngang thừa nhận việc thôn cho thuê đất như vậy là không đúng. Tuy nhiên, ông Ngang cho rằng, chuyện này xảy ra đã lâu, xã không xử lý được và đã báo cáo lên huyện rồi… Khi được hỏi, hướng giải quyết cho vấn đề này trong thời gian tới như thế nào, ông Ngang chỉ ậm ừ mà không trả lời rõ ràng.

Cùng ngày, chúng tôi đem những chuyện vô lý này phản ánh lên Bí thư xã Cao Đức. Trong câu chuyện với chúng tôi, Bí thư xã thừa nhận: “Thời gian gần đây trên địa bàn xã có cấp sổ đỏ cho rất nhiều ao hồ đất công, chúng tôi đang thanh kiểm tra để báo cáo lên huyện. Cũng trong buổi làm việc với PV, Bí thư xã cũng khẳng định sở dĩ có việc ông Quý – Bí thư chi bộ, ông Vinh – trưởng thôn Văn Than hứa hẹn làm được sổ đỏ là do có cán bộ xã “chống lưng”. Vị này còn cho biết thêm, có rất nhiều diện tích đất công ích, đất giao thông trong xã đã bị một số cán bộ thôn và cán bộ xã có trách nhiệm “biến báo”, hợp thức hóa để cấp sổ đỏ không đúng với các quy định của pháp luật. Đương nhiên, để được hợp thức hóa để cấp sổ đỏ thì những người dân phải nộp tiền “chạy” cho cán bộ thôn. Số tiền này sau đó được chuyển lên những cán bộ có chức trách ở xã, thậm chí ở cấp cao hơn.

Xã Cao Đức, mảnh đất của những “ma làng” như người dân lương thiện từng ví von được thể hiện rõ nhất vào thời điểm năm 2001, những người nông dân ở thôn Kênh Phố ký hợp đồng với Cty Phú Mỹ (xã Phú Hòa, huyện Lương Tài) do bà Nguyễn Thị Trọng làm giám đốc để trồng cây lương thực trên diện tích 342.019 m2.

Theo đó, có khoảng hơn 500 hộ dân trong thôn đã đồng ý gom đất để trưởng thôn Nguyễn Văn Ngang và cán bộ thôn đứng ra ký hợp đồng cho DN này thuê đất để sản xuất nông nghiệp có thời hạn đến năm 2013. Mức giá thuê thầu được tính cụ thể 35 kg thóc/sào/năm.

Hợp đồng cũng ghi rất rõ, khi hết thời hạn thuê thầu phải san tản trả lại mặt bằng cho nhân dân sản xuất. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy một năm sau, ngày 25/8/2002, Cty Phú Mỹ đã chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân thôn Kênh Phố cho HTX Gia Thuận do ông Phạm Đăng Trường làm chủ nhiệm và ông Lưu Đình Dụng làm kế toán.

Điều đáng nói là vụ chuyển nhượng giữa Cty Phú Mỹ và HTX Gia Thuận người dân hoàn toàn không hề hay biết. Chỉ sau khi việc ký kết chuyển nhượng xong xuôi, khi người dân truy hỏi thì mới ngã ngửa khi toàn bộ diện tích đất sản xuất đã hoàn tất về tay ông Trường và HTX Gia Thuận.

Có được đất sau thương vụ chuyển nhượng mập mờ, ông Trường đã tự ý chuyển đổi một phần diện tích đất sản xuất nông nghiệp sang sản xuất gạch. Hàng loạt chủ lò gạch được ông Trường cho thuê lại đất đã đổ xô về cày xới, đào bới tứ tung cánh đồng bãi Nguyện Bàn. Từng lớp đất mặt của cánh đồng được bốc đi, chỉ trong một thời gian ngắn, bãi Nguyện Bàn màu mỡ phù sa bên bờ Nam sông Đuống trở nên tan hoang, hệt như thể bị hàng chục quả bom ném xuống.

Tổng cộng, trong suốt thời hạn thuê đất, đã 3 lần HTX Gia Thuận xin chuyển đổi 162.000 m2 đất sản xuất nông nghiệp sang sản xuất vật liệu xây dựng.

Cụ thể, năm 2002 tự ý chuyển đổi 72.000 m2, năm 2004 tự ý chuyển đổi 18.000 m2, năm 2008 tự ý chuyển đổi 72.000 m2. Và cứ sau mỗi một đợt chuyển đổi như vậy, đất sản xuất nông nghiệp ở bãi Nguyện Bàn bị biết thành ao hồ sâu hoắm, còn HTX Gia Thuận và cá nhân ông Trường thu lợi tiền tỷ từ tiền bán đất sản xuất cho các lò gạch.

Nông nhân Kênh Phố cay đắng nhìn ruộng đất của mình bị xẻ bán một cách vô tội vạ, nhưng điều khiến họ bức xúc là quá trình chuyển đổi, HTX Gia Thuận cấu kết với lãnh đạo địa phương tự ý chuyển đổi đất ruộng khi chưa được sự cho phép của các cơ quan chức năng đủ thẩm quyền gây ra hệ lụy rất nhiều mảnh ruộng không thể sản xuất được, phải bỏ hoang.

Vì sao hàng loạt những sai phạm tại xã Cao Đức vẫn chưa bị xử lý, dư luận có quyền hoài nghi: Ông Nguyễn Văn Ngang trước đó bị người dân tố cáo “dính líu và không đủ tư cách” liệu có trung thực khi trả lời cơ quan báo chí?

Những sai phạm trên Lãnh đạo UBND tỉnh có biết và quan điểm xử lý sai phạm tại xã Cao Đức thế nào? Kính đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh sớm vào cuộc và phản hồi cho độc giả!

Bài 2:  Lộ clip Bí thư, Trưởng thôn ăn tiền chạy sổ đỏ

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang